Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến thắng Ấp Bắc ngày 02/01/1963 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là chiến thắng lớn đầu tiên của quân và dân miền Nam trong quá trình quân và dân miền Nam tiến lên đánh bại quân lực Việt Nam Cộng hòa trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”
Đó là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, sức mạnh của lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân, sự lãnh đạo chủ động sáng tạo của các cấp bộ đảng tại miền Nam, trong đó nổi bật vai trò quan trọng của Trung ương Cục miền Nam, Quân uỷ Miền mà trực tiếp là của Quân khu 8, Tỉnh uỷ và Ban quân sự tỉnh Mỹ Tho.
Chủ trương đấu tranh vũ trang của Đảng
Những năm đầu khi cách mạng chuyển giai đoạn mới, Đảng bộ Nam Bộ và phong trào cách mạng miền Nam đã trải qua những thử thách khốc liệt. Những năm 1957-1959, cách mạng miền Nam tổn thất nặng nề. Hệ thống tổ chức đảng từ cấp Xứ đến các chi bộ bị đánh phá ác liệt, số cán bộ cấp ủy bị thiệt hại lớn, đảng viên sụt giảm chưa từng thấy.
Trong bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế có nhiều chuyển động phức tạp, Nghị quyết Hội nghị lần 15 (mở rộng)[1] của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, đó là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Sau thắng lợi của Cao trào Đồng khởi, cục diện cách mạng miền Nam chuyển bước phát triển mới, từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công địch bằng đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang, binh vận.
Phong trào cách mạng ở miền Nam phát triển mạnh, đẩy chính quyền Ngô Đình Diệm vào cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài. Đứng trước tình hình đó, ỷ vào sức mạnh của một siêu cường, Hoa Kỳ quyết định chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến, đè bẹp phong trào cách mạng miền Nam.
Mỹ tăng thêm viện trợ quân sự, kinh tế và cố vấn; tăng cường, mở rộng lực lượng vũ trang, bán vũ trang của quân đội Sài Gòn; lập nhóm chuyên viên kinh tế, tài chính, quân sự cao cấp xây dựng kế hoạch hành động chung giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ Sài Gòn; đồng thời, triển khai mạnh mẽ chương trình lập ấp chiến lược với mục tiêu cơ bản “bình định” xong miền Nam Việt Nam trong 18 tháng.
Trước những chuyển biến của tình hình, Bộ Chính trị ra Chỉ thị ngày 24/01/1961 Về phương hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam, xác định nhiệm vụ cấp bách trước mắt của cách mạng miền Nam.
Quân dân miền Nam đẩy mạnh đấu tranh quân sự chống địch càn quét, thúc đẩy phong trào nổi dậy phá tan bộ máy kìm kẹp của địch, phá vỡ từng mảng ấp chiến lược ở một số vùng nông thôn đồng bằng và miền núi.
Chiến thuật "trực thăng vận" của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn (Ảnh tư liệu)
Hội nghị Bộ Chính trị tháng 2/1962 và tiếp đó tháng 12/1962 nêu lên chủ trương hoạt động chủ yếu lúc này vẫn là tiếp tục giữ vững tư tưởng chiến lược tiến công, đưa đấu tranh vũ trang phát triển lên song song với đấu tranh chính trị; nắm vững phương châm hoạt động ở ba vùng một cách linh hoạt, sáng tạo, tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược, đánh địch bằng ba mũi giáp công, “phát động một phong trào đấu tranh chính trị và quân sự rộng khắp, liên tục tấn công làm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực”[2].
Hoạt động quân sự của địch trong những năm 1962-1963, nhất là việc sử dụng các chiến thuật mới như “phượng hoàng vồ mồi”, “bủa lưới phóng lao”, “trực thăng vận”, “thiết xa vận” đã gây cho cách mạng miền Nam nhiều khó khăn. Lực lượng vũ trang giải phóng thường phải né tránh những cuộc tiến công lớn của địch để bảo toàn lực lượng.
Cùng với nhiệm vụ chống phá ấp chiến lược, Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy Miền chủ trương phải đánh bại địch về quân sự, trước hết đánh bại các chiến thuật chiến tranh hiện đại của địch. Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm chống càn quét, tiêu diệt máy bay lên thẳng và xe bọc thép của địch.
Chiến trường Quân khu 8 (miền Trung Nam Bộ) - địa bàn có phong trào đồng khởi mạnh mẽ và tiêu biểu - là nơi phong trào du kích đang phát triển mạnh. Qua thực tế chiến đấu, quân và dân Khu 8 nắm bắt rõ hơn chỗ mạnh, chỗ yếu của đối phương, nhanh chóng tổng kết thành kinh nghiệm để phá cho được các biện pháp chiến thuật, phương tiện chiến tranh mới của đối phương.
Từ thực tiễn đấu tranh với địch, Tỉnh ủy Mỹ Tho mở Hội nghị quân sự, kết luận: “Lực lượng vũ trang ta có khả năng đánh càn quét thắng lợi, dựa vào làng xã chiến đấu. Kết hợp ba mũi giáp công. Phải đứng lại chống càn, không né tránh, đánh cả với trực thăng và xe bọc thép”của địch.
Trận Ấp Bắc và sự phá sản các chiến thuật hiện đại của Hoa Kỳ
Ấp Bắc và xã Tân Phú Trung là địa bàn lịch sử có truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ấp Bắc là vùng giải phóng của ta, là địa bàn đứng chân của lực lượng vũ trang để xây dựng củng cố, bổ sung trang bị kỹ thuật... sau mỗi đợt hoạt động. Chung quanh ấp Bắc có những cánh đồng bằng phẳng, có hệ thống đường đất rộng, kênh rạch ngang dọc nối liền các xóm ngõ, việc đi lại thủy, bộ đều thuận tiện. Dựa vào các vườn cây trái ven làng, những rặng cây trâm bầu xanh tốt quanh năm dọc các bờ kênh và hai bên lộ đất -đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo thế che khuất tốt, nhân dân xây dựng một hệ thống hầm hào, công sự, trận địa khá vững chắc được ngụy trang kín đáo, bảo đảm cho lực lượng ta có thể cơ động bí mật, yểm trợ và phối hợp chiến đấu.
Một lính Mỹ đang chạy khỏi chiếc trực thăng bị bắn rơi (Ảnh tư liệu)
Trận chống càn Ấp Bắc là trận đánh mở đầu đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ và quân đội Sài Gòn.
Ngày 2/01/1963, Mỹ và chính quyền Sài Gòn huy động 8 tiểu đoàn chủ lực và một số đơn vị địa phương, có 35 máy bay các loại, 13 xe bọc thép M113 và 13 tàu chiến, 10 khẩu pháo 105 ly, do cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy càn quét vào Ấp Bắc (xã Tân Phú Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho) nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang giải phóng và gom dân, lập ấp chiến lược.
Chống lại lực lượng lớn của địch, Quân giải phóng miền Nam có 1 đại đội thuộc tiểu đoàn chủ lực Quân khu 8, 1 đại đội thuộc tiểu đoàn của tỉnh Mỹ Tho, và một số đơn vị bộ đội địa phương, du kích. Tỷ lệ quân số địch, ta là 10/1.
Với lực lượng ít hơn địch rất nhiều, quân và dân Mỹ Tho đập tan cuộc hành quân của hơn 2000 tên địch ở Ấp Bắc, diệt và làm bị thương 450 tên địch (có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi năm máy bay trực thăng, bắn bị thương nhiều chiếc khác, phá hủy ba xe bọc thép M113, đánh chìm một tàu chiến trên sông[3].
Sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với đấu tranh chính trị đã tạo nên sức mạnh cho quân, dân Mỹ Tho chiến thắng oanh liệt, chẳng những đánh bại các chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận”trực thăng vận, thiết xa vận của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, mà còn bức hàng, bức rút được 45 đồn bốt, phá tan 69 ấp chiến lược ở Phú Mỹ, Tân Hiệp, Thanh Phú, Nhị Bình, Dương Điền, Vĩnh Kim, Đông Hoà, Hoà Mỹ, Tam Bình, giải phóng hoàn toàn 55 xóm ấp khỏi ách kìm kẹp của chính quyền Sài Gòn.
Thực tiễn Ấp Bắc cho phép chúng ta khẳng định đây là một trong những điển hình nổi bật về công tác xây dựng làng xã chiến đấu và thực hiện tốt phương châm kết hợp chặt chẽ "hai chân, ba mũi" trong phong trào đấu tranh chống địch càn quét, bình định, lập ấp chiến lược.
Chiến thắng ấp Bắc đã tác động mạnh đến phong trào đấu tranh cách mạng của Khu 8 nói riêng và toàn miền Nam nói chung.
Sau thắng lợi Ấp Bắc vang dội, khắp các chiến trường và các địa phương miền Nam, phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” phát triển mạnh mẽ, trong đó, sự kết hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa đòn tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng đã phá một số lớn ấp chiến lược. Sức mạnh của quân đội Sài Gòn, xương sống của “chiến tranh đặc biệt”, bước đầu đã bị đánh bại. Giám đốc CIA tại Sài Gòn W. Colby thừa nhận: “Ấp Bắc báo hiệu khả năng đánh thắng những chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng và xe bọc thép đồng thời nêu bật sức mạnh của lực lượng đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang của cộng sản”[4].
Chiến thắng Ấp Bắc đánh dấu sự chuyển biến về chất của chiến tranh cách mạng ở miền Nam, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng. Đấu tranh vũ trang có bộ đội chủ lực làm nòng cốt, kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, ba thứ quân phối hợp cùng nhân dân tiến công địch bằng ba mũi giáp công, kết hợp với nổi dậy phá ấp chiến lược[5].
Đánh giá về chiến thắng, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đánh giá: “Kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng ta được”[6].
Lịch sử sau đó diễn ra đúng như thế.
Đức Minh
[1] Hội nghị họp 2 đợt tại Hà Nội, đợt 1 từ ngày 12 đến 22/1/1959, đợt 2 từ ngày 10 đến 15/7/1959.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 23, Sđd, tr. 813.
[3] Bộ Quốc phòng. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, tập III, Đánh thắng chiến tranh đặc biệt, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.235.
[4] . W.Colby: Ba mươi năm tình báo Mỹ, bản dịch, lưu trữ tại Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[5] Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, tập II (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 244.
[6] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 69.