Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết quả của sức mạnh đại đoàn kết toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên chiến trường Bình Định trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong mùa Xuân năm 1975 đã minh chứng điều đó
Góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ; tạo thế, tạo lực tạo thời cơ cho trận đánh cuối cùng
Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chiến trường Bình Định đã góp phần quan trọng cùng quân và dân ta ở miền Nam nói riêng, cả nước nói chung, lần lượt làm thất bại các chiến lược chiến tranh của dế quốc Mỹ.
Trong giai đoạn 1954 -1960, trước hết, Bình Định là địa điểm tập kết 300 ngày của ta. Trong 300 ngày ấy, Bình Định đã làm tròn vai trò của mình. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi đưa cán bộ tập kết ra miền Bắc – bước chuẩn bị cần thiết nói chung, chuẩn bị về công tác cán bộ nói riêng, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn 1954 – 1975.
Thứ hai, trong giai đoạn này, chiến trường Bình Định đã góp phần quan trọng làm phá sản chiến “chiến tranh đơn phương” của chính quyền miền Nam trên địa bàn tỉnh, với những thắng lợi quan trọng trên cả hai mặt trận quân sự và chính trị. Đặc biệt là với thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (1959) đã góp phần quan trọng cùng toàn miền Nam chuyển cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sáng thế tiến công.
Sang giai đoạn thứ hai, 1961 – 1965, chiến trường Bình Định lại cùng với quaanvaf dân miền Nam làm nên những kỳ tích mới. Đặc biệt, với những chiến thắng: An Lão (07/12/1964), Đèo Nhông – Dương Liễu (05/01/1965), Đồi 10 (Hoài Nhơn) – 23/02/1965 và phong trào Đồng khởi Khu Đông đã góp phần quan trọng đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” Hoa Kỳ, tạo ra thế trận mới cho cách mạng miền Nam nói chung, trên địa bàn Bình Định nói riêng.
Trong giai đoạn 1965 – 1975, trên địa bàn Bình Định, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân ta đã lần lượt làm thất bại các chiến lược chiến tranh “Chiến tranh cục bộ” (1965 – 1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 – 1975) với những chiến thắng lẫy lừng như Tết Mậu thân (1968), chiến thắng giải phóng Hoài Ân (1972)...
Bước vào giai đoạn kết thúc chiến tranh, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Khu ủy Khu V, Tỉnh ủy Bình Định đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh thực hiện tốt Nghị quyết 21 (1973) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khóa III: “Đoàn kết toàn dân, đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao một cách hết sức chủ động, linh hoạt, tùy theo từng lúc, từng nơi mà kết hợp giữa các mặt trận đó cho thích hợp, để buộc địch phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pari về Việt Nam, không ngừng giữ vững và phát triển lực lượng của cách mạng về mọi mặt, thắng địch từng bước và chủ động trong mọi tình huống, đưa cách mạng miền Nam tiến lên”.
1. Đối với vùng giải phóng (bao gồm các căn cứ địa), phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết quân và dân, vừa sản xuất vừa chiến đấu, phải xây dựng mạnh cả về quân sự, chính trị, kinh tế và phải giữ vững bằng mọi cách.
2. Đối với vùng tranh chấp (bao gồm cả vùng làm chủ ở nhiều mức độ khác nhau), phải giữ vững cả thế và lực của ta, và từng bước chuyển lên; phải nắm được dân, xây dựng và phát triển được thực lực, đưa phong trào quần chúng tiến lên.
3.Trong vùng địch kiểm soát, cần lãnh đạo quần chúng đấu tranh hợp pháp chống các hình thức kìm kẹp, đòi chính quyền địch thực hiện các yêu cầu thiết thân của quần chúng, gắn liền với việc đòi thi hành Hiệp định.
Quân giải phóng tiến công đich giải phóng Bình Định, tháng 3/1975 (Ảnh tư liệu)
Như vây, trong những năm 1973 – 1974, tại chiến trường Bình Định, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân trong tỉnh thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21 - Nghị quyết cơ bản và quan trọng nhất, sau khi Hiệp định Pari được ký kết.
Với việc thực hiện nghị quyết 21, quân và dân Bình Định đã góp phần quan trọng tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ cho trận đánh cuối cùng, trong giai đoạn quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đóng góp cho đại thắng mùa Xuân năm 1975
Sau khi chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi (3/1975), Đảng bộ tỉnh Bình Định đã xác định và nắm bắt chính xác thời cơ: chế độ Sài Gòn đứng trước sự sụp đổ hoàn toàn, tinh thần lực lượng địch tại Bình Định hoang mang đến cực độ. Trên cơ sở đó, Đảng bộ phát động kịp thời quân và dân toàn tỉnh tham gia tổng tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh Bình Định. Lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị tại chỗ đã tiến công và nổi dậy đánh đổ hoàn toàn chính quyền địch và lực lượng quân sự của chúng trên địa bàn tỉnh, giành chính quyền về tay nhân dân (31/3/1975).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, chiến trường Bình Định đã hiệp đồng cùng chiến trường miền Nam giành thắng lợi. Chiến trường Bình Định đã góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên - “bước ngoặt cục diện chính trị, quân sự” cho toàn miền Nam và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, giáng đòn quyết định, làm phá sản kế hoạch co cụm phòng ngự chiến lược của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trong đó, quan trọng nhất là những đòn tiến công mạnh mẽ của Sư đoàn 3 Sao Vàng tại khu chiến Bình Khê (Tây Sơn) đã thu hút, kiềm chế và tiêu diệt một bộ phận cơ bản Sư đoàn 22 - lực lượng cơ động chủ yếu, quan trọng của địch ở Bình Định.
Sau khi tỉnh Bình Định được giải phóng, Đảng bộ tỉnh đã quán triệt và chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, động viên quân và dân Bình Định, đóng góp sức người, sức của tới mức cao nhất phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh: “...thanh niên bổ sung cho Sư đoàn 3 tiến thẳng vào mặt trận phía Nam. Cảng Quy Nhơn đón hàng chục tàu chở các đơn vị của Quân đoàn II. Hàng trăm xe quân sự, xe vận tải, xe ca và hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm xăng dầu được huy động kịp thời cung cấp cho quân đoàn II hành quân thần tốc vào Nam”.
Nhân dân Bình Định chào mừng ngày giải phóng tỉnh nhà (Ảnh tư liệu)
Như vậy, Đảng bộ, quân và dân Bình Định đã đã góp phần xuất sắc cùng toàn miền Nam nói riêng, cả nước nói chung, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời, góp phần “kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc bắt đầu từ cách mạng tháng Tám, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta vĩnh viến độc lập, thống nhất và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Bài học cho hôm nay
Tổng kết 30 năm cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước (1945-1975), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đúc rút bài học rất quan trọng: “không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ trên cơ sở quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng”, "Xây dựng và không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân" trong quá trình thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Đó là những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước trên địa bàn tỉnh.
Tiếp đó, tổng kết 30 năm lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1975-2005) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đúc rút bài học: “Quán triệt sâu sắc, chấp hành nghiêm chỉnh, vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với điều kiện của tỉnh; luôn tranh thủ sự chỉ đạo và đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Nhà nước và các bộ, ban ngành Trung ương”.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, Đảng bộ tỉnh Bình Định nói riêng, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng rằng những bài học quý báu ấy tiếp tục được phát huy trong thế kỷ XXI. Đó là cơ sở bảo đảm thực hiện thật tốt nội dung quan trọng của chủ đề Đại hội XIII của Đảng “...khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; ...phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Văn Minh
-----------------------------
Bài viết có sử dụng tư liệu (Những chữ in nghiêng) của cuốn sách: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (1954 – 1975), do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định chỉ đạo biên soạn, xuất bản tháng 9/2015 và Văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam (trích theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam).