Năm 1010, Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn được triều thần tôn làm hoàng đế, lấy đế hiệu là Lý Thái Tổ. Một trong những việc làm trọng đại đầu tiên của vua Lý Thái Tổ sau khi lên ngôi là hạ Chiếu dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đổi tên Đại La thành Thăng Long (tháng 7 năm 2010). Chiếu dời đô có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu bước ngoặt lịch sử hào hùng của dân tộc - thời đại phục hưng và đổi mới lần thứ nhất được bắt đầu từ Thăng Long - Hà Nội. Văn kiện trọng đại này tích hợp nhiều giá trị, là nơi hội tụ và toả sáng khí phách Đại Việt.
Mộc bản Chiếu dời đô. Ảnh: hoangthanhthanglong.vn
Ý thức độc lập, tự cường dân tộc
Từ xưa đến nay, sự định đô và xây dựng kinh đô/thủ đô là một tất yếu khách quan và liên quan trực tiếp tới sự tồn vong và phát triển của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Nước ta không phải là ngoại lệ, trải từ thời kỳ Hùng Vương, đến các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Hồ, Nguyễn, kinh đô nước ta đã mấy bận di dời. Nhưng kể từ khi vua Lý Thái Tổ chọn đất Đại La làm đế đô lâu dài, lịch sử dân tộc ta thực sự bước sang trang mới.
Ra đời trong buổi nhà nước phong kiến tập quyền còn sơ khai, bài Chiếu phản ánh yêu cầu của thời đại. Hoa Lư vốn là kinh đô của nước ta dưới hai triều Đinh (968 – 980) và Tiền Lê (980 – 1009). Đây là một vùng núi non hiểm trở, thích hợp với yêu cầu quân sự của một chính quyền độc lập non trẻ còn phải đối phó với nhiều mối đe doạ của thù trong giặc ngoài. Với địa thế lợi hại của Hoa Lư, triều đình đã đánh bại các thế lực cát cứ địa phương, khôi phục và củng cố nền thống nhất quốc gia, triều Tiền Lê đã đánh tan quân xâm lược nhà Tống, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Những thành quả bảo vệ và củng cố độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất quốc gia thời Ngô, Đinh, Tiền Lê đã tạo điều kiện đưa đất nước ta vào thời kỳ mới: thời kỳ xây dựng đất nước trên quy mô lớn; thời kỳ phục hưng toàn diện của dân tộc và nền văn hoá dân tộc. Tuy nhiên, với đặc tính “dễ thủ khó công”, “ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương”, trước yêu cầu về một kinh đô ở thời kỳ phát triển mới, Hoa Lư không còn đủ khả năng đảm đương. Trong khi đó, thành Đại La lại là nơi “thiên địa khu vực chi trung” (trung tâm trời đất), “long bàn hổ cứ chi thế” (thế rồng cuộn hổ ngồi). Vị trí “thắng địa” đó không chỉ nói lên vẻ đẹp tự nhiên của thành Đại La mà quan trọng là đô thành này hội tụ đầy đủ những thuận lợi của một kinh đô bề thế trong một quốc gia độc lập và cường thịnh, đảm bảo các yếu tố ưu việt về địa tự nhiên, địa kinh tế, địa chính trị, địa chiến lược, địa văn hoá tâm linh.
Ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của kinh đô với sự thịnh suy của đất nước, sự tồn vong của vương triều, Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Bài Chiếu, vì lẽ đó, thể hiện nhận thức chính trị hết sức sâu sắc và căn bản. Nhà vua đã gắn liền việc dời đô với việc dựng nước và phát triển đất nước, vì thế mới “đóng đô ở nơi trung tâm mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu”. Dời đô là để mở rộng tiền đồ đất nước, thực hiện khát vọng độc lập, tự cường của người đứng đầu một vương triều đang ở thế đi lên: phục hưng dân tộc, xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền hùng mạnh, một quốc gia độc lập, cường thịnh.
Trong hào khí của thời đại, trong khát vọng phục hưng dân tộc mạnh mẽ, người đứng đầu đất nước cũng nhận thức rõ ý thức trách nhiệm của mình. Bài Chiếu ban bố không phải chỉ nhằm thông báo một quyết định. Đằng sau đó là lời cam kết ngầm của nhà cầm quyền về ý thức trách nhiệm của mình với muôn dân, về quyết tâm làm cho dân giàu, nước mạnh. Người ban chiếu nêu rõ bài học lịch sử từ tiền triều Đinh, Lê: “theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, đóng yên đô thành ở đây” “khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn”… nhưng không phải để phê phán tiền nhân mà là thể hiện tấm lòng đau đáu vì nước thương dân không lúc nào nguôi của mình: “Trẫm thậm thống chi, bất đắc bất tỉ ” (Trẫm rất đau xót về việc đó, không dời (đô) không được). Nhà vua nhận thức rõ trách nhiệm to lớn của mình là phải “mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu”. Quả thật, qua bài Chiếu, người đứng đầu trăm họ đã “cam kết đem toàn lực để phục vụ tổ quốc và đồng bào mình”.[1]
Khát vọng phát triển bền vững
Việc lựa chọn Thăng Long làm đất đế đô không chỉ vì mục đích chính trị. Lý Thái Tổ, thông qua Chiếu dời đô, muốn bày tỏ với muôn dân quyết tâm xây dựng quốc gia Đại Việt giàu mạnh về mọi mặt. Đặc biệt, đọc kĩ bài Chiếu, ta thấy cùng với mong muốn “mưu toan nghiệp lớn” là khát vọng cho “vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”. Chính vì thế, nhà vua mới chọn Thăng Long – “nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” để định đô. Điều mà người đứng đầu đất nước mong muốn không chỉ là sự phát triển mà là sự phát triển lâu dài, bền vững. Sự phát triển bền vững đó lại được gắn liền với “phong tục phồn thịnh”. Chữ “phong tục”, thời bấy giờ, chính là dùng để chỉ văn hóa. Ý thức về vai trò của văn hóa đối với phát triển lâu dài, bền vững trong thời điểm đó, thiết nghĩ là một chiến lược phát triển đúng đắn, thức thời.
Rõ ràng, Lý Thái Tổ đã nhận thấy Thăng Long là trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của cả nước. Dời đô ra đất Thăng Long, nhà vua muốn thực hiện quyết tâm xây dựng một quốc gia giàu mạnh về cả chính trị, kinh tế lẫn văn hóa. Gắn liền sự cường thịnh về chính trị, phát triển về kinh tế với sự phồn thịnh về văn hóa, đó quả thực là một định hướng sáng suốt, vượt tầm thời đại, chưa có trong tiền lệ. Ngày nay, chúng ta đang đặt ra vấn đề “văn hóa và phát triển”, “phát triển bền vững”, nhưng ngay từ buổi bình minh của thời kỳ độc lập tự chủ, cha ông ta đã coi trọng nó như một lẽ sinh tồn.
Niềm tin vào tiền đồ đất nước
Không phải ngẫu nhiên, nhiều nhà nghiên cứu đã coi Chiếu dời đô là một mẫu mực về việc trù liệu cho sự phát triển kinh đô Thăng Long - Đại Việt. Chọn Đại La làm đất đế đô, người đứng đầu trăm họ đã nhìn thấy cơ đồ đất nước phồn vinh, nhân dân no ấm, hạnh phúc. Toàn cảnh phát triển của mảnh đất này được đúc kết trong lời nhận xét xác đáng trong bài Chiếu: “vạn vật cực phồn phụ chi phong” (muôn vật rất mực phong phú, tốt tươi). Với một đất nước mà sản xuất nông nghiệp và văn minh lúa nước chi phối toàn diện đời sống của đại đa số dân cư, sự “phong phú tốt tươi” có thể cảm nhận rõ bằng trực giác ấy, quả là một lời hứa hẹn hấp dẫn về tương lai trù phú sau này.
Quả thực Chiếu dời đô “đánh dấu một bước nhận thức quan trọng của dân tộc ta về những vấn đề kinh tế, chính trị và văn hóa do đời sống thực tiễn đặt ra, trước hết là vấn đề tiền đồ phát triển của đất nước và sự thống nhất đất nước”[2]. Đặc biệt, việc lựa chọn Thăng Long làm nơi định đô lâu dài đã “góp điều kiện quyết định cho sự phát triển văn hóa dân tộc trên những tầng cao”[3].
Điều đáng nói là, bài chiếu ra đời trước lúc việc dời đô được thực thi. Những nhận định của nhà vua phần nhiều mới chỉ là định hướng và giả thiết, song lịch sử hơn hai trăm năm triều Lý (cũng như ngàn năm của Thăng Long) đã chứng minh tính chân lý của những giả thiết này. Sự tiện lợi mọi mặt của đất Thăng Long đã làm cho nhà Lý vững vàng về mặt chính trị, hùng mạnh về mặt quân sự, phát triển nhanh về mặt kinh tế, khởi sắc về văn hoá, đạt đến độ phồn thịnh chưa từng có trong lịch sử trước đó, đồng thời làm tiền đề cho sự phát triển các triều đại tiếp theo.
Chiếu dời đô tích hợp nhiều giá trị, nhưng cái bao trùm, cái nền tảng và cũng là hệ quy chiếu mọi giá trị của văn bản, không gì khác hơn, là tư tưởng vì nước vì dân - một truyền thống văn hoá làm nên bản sắc tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Có thể nói khí phách dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh tụ hội trong Chiếu dời đô, tạo cho văn kiện lịch sử này một sự phát triển vượt bậc về tư tưởng so với trước đó.
Một nghìn năm đi qua, trải bao thăng trầm, biến đổi, trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, Thăng Long – Hà Nội ngày càng có vị thế quan trọng trong cả nước cũng như khu vực, đất nước ta “chưa bao giờ có cơ đồ như hôm nay” (trích lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng), chúng ta lại càng thấu hiểu, cảm phục và biết ơn quyết định trọng đại và sáng suốt của cha ông từ nghìn năm trước. Vua Lý Thái Tổ là người khai sinh ra Thăng Long, để rồi chính Thăng Long - với tư cách là “vạn thế đế vương chi thượng đô” (kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời) lại hội tụ hồn thiêng sông núi. Câu chuyện Rồng Vàng hiện lên báo điềm lành thuở xa xưa có thể chỉ là huyền thoại, nhưng niềm tin bất diệt trong tâm thức của con người Việt Nam về tương lai khởi sắc của đất nước “phồn vinh, hạnh phúc” thì lại hiện hữu và trường tồn đến hôm nay và mãi mai sau.
[1] Trần Văn Giàu. Văn hoá Thăng Long – Hà Nội hội tụ và toả sáng. Trần Văn Bính chủ biên. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr 99.
[2] Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch sử tư tưởng Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr 166.
[3] Trần Văn Giàu. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội hội tụ và tỏa sáng. Sđd, tr 101.
Quang Hoa