Cách đây hơn 70 năm, Đại hội lần thứ II của Đảng đã thông qua Chính cương Đảng Lao động Việt Nam, trong đó những vấn đề cốt yếu của đường lối kháng chiến, kiến quốc thể hiện tư duy sáng tạo và bản lĩnh chính trị của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đại hội II – mốc son lịch sử
Qua hơn 6 năm lãnh đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc, những thay đổi của tình hình trong nước và thế giới đòi hỏi Đảng phải bổ sung và phát triển đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Nhằm đáp ứng những yêu cầu trên, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951, tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang). Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết thay mặt 766.349 đảng viên trong toàn Đảng. Dự Đại hội có đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Xiêm (Thái Lan).
Đại hội quyết nghị Đảng ra công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam. Đối với Lào và Campuchia, sẽ tổ chức ở mỗi nước một Đảng cách mạng riêng; những người cộng sản Việt Nam có trách nhiệm đoàn kết, giúp đỡ Lào, Campuchia.
Đại hội thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị; báo cáo Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội”; báo cáo về Tổ chức và Điều lệ Đảng; báo cáo Củng cố đoàn kết để chiến thắng; báo cáo Mấy vấn đề cốt yếu của chính quyền dân chủ nhân dân Việt Nam; báo cáo Xây dựng quân đội nhân dân, hoàn thành chiến tranh giải phóng”...
Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày khẳng định những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời, khẳng định đường lối, chính sách của Đảng là đúng; chỉ rõ hai nhiệm vụ chính và mới của Đảng là: Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam
Báo cáo chính trị nhấn mạnh: “Chúng ta nhất định khắc phục được mọi khó khăn để đi đến hoàn toàn thắng lợi”1. Để giành thắng lợi, Đảng phải đề ra những chính sách và biện pháp tích cực về xây dựng lực lượng vũ trang; củng cố và phát triển mặt trận dân tộc thống nhất, phát huy tinh thần yêu nước và đẩy mạnh thi đua ái quốc, triệt để giảm tô, giảm tức,...tịch thu ruộng đất của thực dân và Việt gian chia cho dân cày nghèo, bảo vệ nền kinh tế tài chính kháng chiến, đấu tranh kinh tế với địch... tích cực giúp đỡ cuộc kháng chiến của Cao Miên và Lào, tiến tới thành lập Mặt trận thống nhất Việt-Miên - Lào; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng.
Báo cáo Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội” nêu ra 12 chính sách của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đó là: Đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, tiêu diệt đế quốc xâm lược và tay sai, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất; thi hành từng bước chính sách ruộng đất, xoá bỏ các hình thức bóc lột phong kiến, nửa phong kiến; xây dựng, củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân về chính trị, kinh tế, văn hoá, chuẩn bị tiến lên giai đoạn cách mạng XHCN; củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc; xây dựng và phát triển quân đội nhân dân; xây dựng chính sách dân tộc; chính sách đối với tôn giáo; chính sách đối với vùng tạm bị chiếm; chính sách đối với ngoại kiều; chính sách đối ngoại; ra sức ủng hộ cách mạng Lào và Miên; tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, dân chủ và độc lập dân tộc của nhân dân thế giới. Báo cáo của Tổng Bí thư Trường - Chinh là một văn kiện quan trọng, góp phần phát triển, bổ sung và hoàn chỉnh đường lối cách mạng dân tộc dân chủ của Đảng; soi sáng cho bước đi cụ thể của cách mạng.
Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (Ảnh tư liệu)
Chính cương Đảng Lao động Việt Nam mở đường đến thắng lợi
Các văn kiện được Đại hội thông qua cô đọng trong Chính cương Đảng Lao động Việt Nam với những nội dung chủ yếu:
Một là: Xác định rõ đặc điểm, mâu thuẫn cơ bản xã hội, đối tượng cách mạng: “Xã hội Việt Nam có ba tính chất: “dân chủ nhân dân, một phần thuộc địa và nửa phong kiến”; “mâu thuẫn chủ yếu lúc này là mâu thuẫn giữa tính chất dân chủ nhân dân và tính chất thuộc địa”; cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa chế độ dân chủ nhân dân với các thế lực phản động - chính là chủ nghĩa đế quốc xâm lược.
Hai là: Về đối tượng cách mạng: “...cách mạng Việt Nam có hai đối tượng: Đối tượng chính hiện nay là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, cụ thể lúc này là đế quốc Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Đối tượng phụ hiện nay là phong kiến, cụ thể lúc này là phong kiến phản động”.
Ba là: Về nhiệm vụ cách mạng: “Nhiệm vụ cơ bản hiện nay của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất thật sự cho dân tộc; xoá bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội”[1]... Các nhiệm vụ đó khăng khít với nhau; nhiệm vụ chính lúc này là hoàn thành giải phóng dân tộc; phải tập trung lực lượng vào cuộc kháng chiến để quyết thắng quân xâm lược...
Bốn là: Về lực lượng cách mạng và lãnh đạo cách mạng: Động lực của cách mạng Việt Nam gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản và tư sản dân tộc; những thân sĩ (địa chủ) yêu nước, tiến bộ. Những giai cấp, tầng lớp và phân tử đó họp lại thành nhân dân mà nền tảng là công, nông và lao động trí thức. Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng.
Năm là: Về tính chất, đặc điểm của cách mạng: Cương lĩnh chỉ rõ: “Cách mạng Việt Nam là cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân, do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, cho nên con đường tất yếu là tiến lên chủ nghĩa xã hội. Con đường tiến lên XHCN từ một xã hội thuộc địa nửa phong kiến tiến là cả một quá trình lâu dài, và “đại thể trải qua ba giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, nhiệm vụ chủ yếu là hoàn thành giải phóng dân tộc; giai đoạn thứ hai, nhiệm vụ chủ yếu là xoá bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện triệt để người cày có ruộng, phát triển kỹ nghệ, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân; giai đoạn thứ ba, nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng cơ sở cho chủ nghĩa xã hội, tiến lên thực hiện chủ nghĩa xã hội”[2]. Ba giai đoạn ấy không tách rời nhau mà mật thiết liên hệ xen lẫn với nhau; nhưng mỗi giai đoạn có nhiệm vụ trung tâm.
Sáu là: Chính cương nêu ra 15 chính sách lớn của Đảng để đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi và kiến thiết quốc gia. Chính cương chỉ rõ: vì nhân dân ta phải chống lại bọn xâm lược mạnh hơn mình nên cuộc chiến tranh của ta phải lâu dài. Dân tộc Việt Nam phải đấu tranh gian khổ nhưng nhất định sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn. Đảng phải tập trung lực lượng lãnh đạo chiến tranh; mọi chính sách khác như văn hoá giáo dục, chính sách tôn giáo, chính sách dân tộc, chính sách mặt trận… đều phải hướng vào mục tiêu chung là “đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi” .
Bảy là: Trong quan hệ quốc tế, Chính cương xác định: “Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào giải phóng dân tộc, bảo vệ hoà bình và dân chủ trên thế giới”[3]; “Đấu tranh cho hòa bình thế giới là nhiệm vụ quốc tế của nhân dân Việt Nam. Kháng chiến chống đế quốc xâm lược là một phương pháp triệt để nhất của nhân dân ta để làm nhiệm vụ ấy”; “Phối hợp cuộc kháng chiến của ta với các cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới, nhất là của nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác, của các dân tộc bị áp bức, của nhân dân Pháp”[4].
Chính cương nêu rõ, chính sách ngoại giao của Đảng có tính chất dân tộc và dân chủ. Nguyên tắc của Đảng trong quan hệ quốc tế là tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, thống nhất quốc gia của nhau và cùng nhau bảo vệ hoà bình thế giới. Đoàn kết chặt chẽ với Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác và tích cực ủng hộ phong trào giải phóng thuộc địa và nửa thuộc địa. Mở rộng ngoại giao nhân dân; giao thiệp thân thiện với chính phủ nước nào tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, đặt quan hệ ngoại giao với các nước đó theo nguyên tắc tự do, bình đẳng và có lợi cho cả hai bên. Dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ và hết sức giúp đỡ với hai dân tộc Miên (Campuchia), Lào cùng nhau kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng cho tất cả các dân tộc Đông Dương. Nhân dân Việt Nam đứng trên lập trường lợi ích chung mà hợp tác lâu dài với hai dân tộc Miên, Lào trong kháng chiến và sau kháng chiến. Phương hướng cơ bản của chính sách đối ngoại nhằm mục tiêu chống bọn phản động thực dân Pháp xâm lược và bọn can thiệp Mỹ, giành độc lập và thống nhất hoàn toàn, giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới.
Chính cương Đảng lao động Việt Nam là Cương lĩnh chính trị thứ ba của Đảng, kể từ khi Đảng ra đời và liên tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam[5].
Chính cương là sự bổ sung, phát triển, hoàn chỉnh một bước đường lối của Đảng, kể từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên, được kiểm nghiệm trên cơ sở cả về lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam 21 năm (từ tháng 2/1930 đến tháng 2/1951), trong đó có vai trò và cống hiến kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự kiên định tư tưởng, trí tuệ và bản lĩnh chính trị, đoàn kết thống nhất và không ngừng sáng tạo của Đảng trên những chặng đường cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam.
Trần Đoàn
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 34,38.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, T. 12, tr. 433-434.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 435.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 431.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t 12, tr. 441 - 442.
[5] Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Hội nghị thành lập Đảng (tháng 2-1930) thông qua, gồm “Chánh cương vắn tắt của Đảng và “Sách lược vắn tắt của Đảng”. Cương lĩnh thứ hai là “Luận cương chánh trị tháng 10-1930”.