Bên cạnh vai trò quyết định thắng lợi của hậu phương lớn miền Bắc, hậu phương, hậu cần tại chỗ giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp vật lực cho kháng chiến, trong đó có chính sách đảm phụ giải phóng
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng được tiến hành đồng thời trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, một lĩnh vực không thể thiếu đó là lĩnh vực tài chính. Suốt 21 năm trường kỳ kháng chiến, cách mạng miền Nam đã chủ động đề ra những hoạt động tài chính sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, để cùng với sự chi viện của Trung ương, của miền Bắc và bạn bè quốc tế, đã huy động được nguồn động viên tài chính tại chỗ, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu hoạt động đấu tranh của các lực lượng cách mạng miền Nam. Một trong những hoạt động hiệu quả về tài chính của cách mạng miền Nam là thực hiện chính sách đảm phụ giải phóng.
Chính sách và tổ chức thực hiện
Trong quá trình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mọi hoạt động tài chính của cách mạng miền Nam đều do Đảng phụ trách, lo liệu cho cả nội bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và lực lượng vũ trang cách mạng.
Ở giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến (1954-1960), cách mạng miền Nam gặp rất nhiều khó khăn và tổn thất do chính sách khủng bố, tàn sát đẫm máu của chính quyền Ngô Đình Diệm. Mọi hoạt động của cách mạng miền Nam đều dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Nam Bộ. Xứ ủy Nam Bộ đã thành lập Ban Tài chính, do đồng chí Phạm Hữu Lầu, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy làm Trưởng Ban. Các khu ủy, liên tỉnh ủy đều phân công một cấp ủy viên phụ trách công tác tài chính Đảng.
Để duy trì và giữ vững phong trào cách mạng, Xứ ủy Nam Bộ chủ trương bám dân, dựa vào sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân, vận động quần chúng nhân dân ủng hộ tiền, gạo để tạo được nguồn thu nuôi cán bộ thoát ly và chi cho các hoạt động cách mạng. Nhân dân đã hết sức ủng hộ cách mạng, che chở, bảo vệ cán bộ và các cơ sở cách mạng, tự nguyện đóng góp tiền, gạo, thực phẩm. Hình thức đó được gọi là lạc quyên. Trong giai đoạn này, số quyên góp trong nhân dân đã phần nào đáp ứng được hoạt động cách mạng tại chỗ như bảo đảm nuôi quân, cấp sinh hoạt phí cho cán bộ, đảng viên. Một số nơi còn đóng góp được nguồn thu cho Ban Tài chính Xứ ủy như: Tỉnh Bến Tre trong hai năm (1958 - 1959), có năm đã nộp cho Xứ ủy Nam Bộ 8 triệu đồng (tương đương với 3.000 tấn thóc)[1].
Sau phong trào Đồng khởi năm 1960, cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, ngày 23/01/1961, Hội nghị Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam, do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư Trung ương Cục. Đồng chí Võ Chí Công được giao kiêm phụ trách Ban Dân vận, Mặt trận và Ban Kinh - Tài của Trung ương Cục miền Nam (sau đồng chí Võ Chí Công, các đồng chí Trần Lương, Phạm Văn Xô lần lượt giữ chức vụ Trưởng ban Kinh - Tài). Đồng chí Nguyễn Văn Phi được giao phụ trách Tài chính trong Ban Kinh - Tài của Trung ương Cục miền Nam[2]. Nhiệm vụ chính của Ban Kinh - Tài là:
- Động viên tài chính từ các địa phương nộp lên;
- Tiếp nhận chi viện của Trung ương bằng ngoại tệ, đổi thành tiền Riên (tiền Campuchia) và tiền của chính quyền Sài Gòn, để bảo đảm chi tiêu cho hoạt động của Đảng và các lực lượng cách mạng khác;
- Lo xây dựng kinh tế vùng giải phóng và khu căn cứ; chỉ đạo phong trào đấu tranh kinh tế với địch[3].
Chính sách đảm phụ giải phóng đã góp phần bảo đảm nguồn thu cho hoạt động của cách mạng miền Nam. Ảnh: Đại hội các Tiểu ban Ban An nình Trung ương Cục miền Nam tại vùng căn cứ, tháng 12/1968 (Ảnh tư liệu)Để có nguồn tài chính bảo đảm cho các hoạt động cách mạng, năm1961, Trung ương Cục miền Nam ban hành chính sách “đảm phụ giải phóng”4. Trong thời gian đầu, đảm phụ giải phóng được thực hiện chủ yếu ở vùng giải phóng, thay cho việc quyên góp trước đây. Chính sách này vừa bảo đảm nhu cầu của cách mạng, vừa hợp lòng dân, phát huy lòng yêu nước và ý thức tự nguyện, tự giác của nhân dân, bảo đảm việc đóng góp được công bằng hơn. Ở vùng địch tạm chiếm, chúng ta vẫn sử dụng hình thức vận động lạc quyên trong dân. Ở vùng tranh chấp thì lạc quyên có hướng dẫn.
Từ năm 1963, Trung ương Cục miền Nam bắt đầu áp dụng những hình thức đóng góp hợp lý hơn, đó là áp dụng biện pháp thu theo lợi tức hay hoa lợi. Đảm phụ giải phóng được thu dưới nhiều hình thức khác nhau:
- Loại thứ nhất là thu đảm phụ nông nghiệp. Vì đảm phụ nông nghiệp không được coi là thuế, nên cách thức và mức thu đảm phụ nông nghiệp ở mỗi Khu được áp dụng khác nhau. Mức thu do dân bình nghị kết hợp với tự nguyện. Nếu vụ mùa gặp thiên tai, hạn hán, dẫn đến năng suất thấp, thì được xét giảm.
- Loại thứ hai là thu đảm phụ công thương nghiệp đối với những người sản xuất công nghiệp, kinh doanh buôn bán, chủ yếu là các cửa hàng, quán ở vùng giải phóng.
- Loại thứ ba là thu xuất nhập thị đối với những người buôn bán hàng hóa giữa vùng giải phóng và vùng địch chiếm đóng .
- Loại thứ tư là thu đảm phụ đồn điền với những người có nguồn thu từ nghề nuôi thủy sản, nghề rừng, đồn điền, trang trại.
Năm 1969, để tiếp tục duy trì các nguồn thu tại chỗ, Trung ương Cục miền Nam ban hành Chỉ thị số 121/CT/NT, ngày 1/10/1969, Về việc ban hành chính sách đảm phụ nông nghiệp áp dụng thống nhất trong toàn miền Nam thay cho các quy định tạm thời đang thi hành tại các Khu, tỉnh, với mức thu cụ thể cho từng vùng như sau: Vùng đồng bằng sông Cửu Long thu từ 10-15% sản lượng thường niên; miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ là từ 10-12%. Chính sách đảm phụ nông nghiệp mới đã hạn chế được tình trạng thu chồng chéo, bất hợp lý của từng địa phương.
Trong những năm từ 1972 đến 1975, đặc biệt là sau khi Hiệp định Paris được kí kết, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, tạo điều kiện khai thông nhiều hành lang đi lại, vận chuyển hàng hóa giữa các vùng. Trong bối cảnh đó, Trung ương Cục đã sửa đổi, bổ sung chính sách đảm phụ giải phóng và biện pháp thu như sau:
Về đảm phụ nông nghiệp: Ở vùng giải phóng vẫn giữ mức động viên từ 10-12% sản lượng thường niên; vùng tranh chấp động viên tự nguyện khoảng 4- 5% sản lượng thu hoạch; vùng mới phá thế kìm kẹp động viên khoảng 2-3%.
Về đảm phụ công thương nghiệp: Thực hiện thu theo tỉ lệ lũy tiến toàn phần trên thu nhập, tính hàng tháng với biểu thuế từ 5-15% đối với cơ sở hoạt động sản xuất, vận tải, chăn nuôi; thu biểu thuế từ 6-16% đối với hoạt động thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ; đảm phụ hàng hóa lưu thông giữa hai vùng được tính theo tỉ lệ 5-10% tùy loại hàng.
Về thuế xuất, nhập khẩu: Chỉ áp dụng thu đối với một số mặt hàng qua biên giới Việt Nam - Campuchia, với biểu thuế thu từ 5%-10%.
Góp phần bảo đảm hoạt động của cách mạng miền Nam
Chính sách đảm phụ giải phóng của Trung ương Cục miền Nam đề ra đã đạt được kết quả quan trọng. Trong giai đoạn 1960-1968, thu đảm phụ giải phóng chiếm 65,2% tổng thu ngân sách toàn Miền, còn 34,8% là do Trung ương chi viện5. Số thu này được chuyển từ xã - là cấp thu trực tiếp nguồn đóng góp của nhân dân lên huyện, sau đó từ huyện chuyển lên Khu, từ Khu lên Trung ương Cục.
Kết quả cụ thể trong giai đoạn 1960-1965: Số thu do các tỉnh nộp là 2.074 triệu đồng Sài Gòn, tương đương 591.540 tấn thóc, chiếm 65,2% tổng thu. (Tổng thu của Trung ương Cục là 3.178 triệu đồng). Các tỉnh miền Trung Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ đã cung cấp phần lớn cho ngân sách Trung ương Cục. Năm 1966, toàn Miền (trừ Khu V) thu được 185.820 tấn thóc. Năm 1967 thu được 230.600 tấn thóc[4] .
Kết quả nguồn thu tại chỗ của Trung ương Cục năm 1972 là 6,5 triệu USD; năm 1973 là 7,5 triệu USD; năm 1974 tăng lên 12,3 USD[5], tương đương 7,7 tỷ đồng tiền Sài Gòn lúc đó. Số thu năm 1974 đã bảo đảm đáp ứng số chi lớn gấp hai lần so với năm 1972.
Kết quả thu từ chính sách đảm phụ giải phóng đã góp phần quan trọng vào việc duy trì hoạt động tài chính tại chỗ của cách mạng miền Nam, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi.
Nhẫn Trần
[1] Bộ Tài chính, Viện Nghiên cứu Tài chính: Tài chính Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Nxb. Tài chính, Hà Nội, 2001, tr.249.
[2] Ban Tài chính Quản trị Trung ương: Biên niên sử hoạt động tài chính của Đảng Cộng sản Việt Nam (Lưu hành nội bộ), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.206
[3] Ban Tài chính Quản trị Trung ương: Biên niên sử hoạt động tài chính của Đảng Cộng sản Việt Nam (Lưu hành nội bộ), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 207
[4] Bộ Tài chính, Viện Nghiên cứu Tài chính: Tài chính Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Nxb. Tài chính, Hà Nội, 2001, tr.250
[5] Trần Văn Thọ: Kinh tế Việt Nam 1955 - 1975: tính toán mới, phân tích mới, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2000, tr.121