Điểm nổi bật trong chính sách của chính quyền miền Nam những năm 1955-1959 là thực thi “Tố Cộng, diệt Cộng”, đánh phá khốc liệt phong trào cách mạng, nhằm củng cố quyền lực của chính quyền Ngô Đình Diệm
Mục đích “Tố Cộng, diệt Cộng” nhằm gây uất hận trong dân chúng đối với Việt cộng: để cho nhân dân tố giác Việt cộng ở lại hoạt động trong vùng “quốc gia” kiểm soát; khủng bố tinh thần Việt cộng làm cho Việt cộng nghi ngờ quần chúng mà không dám hoạt động nữa; đánh lệch tư tưởng lừng chừng còn hướng về cộng sản phải ngả hẳn về phía chính phủ quốc gia.
Một tài liệu tố cộng của chính quyền Ngô Đình Diệm viết: “Mục tiêu tố cộng là đánh trên diện rộng lúc đầu, sau đó đánh vào chiều sâu, đánh cả nông thôn và thành thị, tập trung nơi có phong trào mạnh. Đánh vào Đảng cộng sản và đánh cả vào dân, lấy đánh vào Đảng cộng sản làm mục tiêu quyết định nhất, vừa tiêu diệt con người, vừa tiêu diệt tinh thần, tư tưởng, tất cả đều nhằm mục tiêu tối hậu là làm cho người cộng sản hoặc bị tiêu diệt hoặc chịu thuần phục quốc gia, làm cho quần chúng hoặc chết hoặc trở thành người dân quốc gia”.
Phương châm chống cộng là “tiêu diệt cộng sản không thương tiếc, không kể là người nữa, tiêu diệt như trong tình trạng chiến tranh” và “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”. Báo chí chính quyền Sài Gòn công khai kêu gọi: “Đừng nhẹ tay với cộng sản, không nên xem cộng sản là người, phải bắn cộng sản không run tay súng”, “bắt được cộng sản thì xử tử tại trận”.
Tuyên truyền “tố cộng, diệt cộng” được đẩy mạnh trên báo chí, truyền đơn, biểu ngữ, chiếu bóng, loa truyền thanh, đài phát thanh, triển lãm tranh ảnh, phỏng vấn người Bắc di cư với các khẩu hiệu “đả đảo Việt cộng”, “đả đảo Hồ Chí Minh”, “đả đảo hiệp định đình chiến”, chống hiệp thương tổng tuyển cử, ủng hộ Ngô Đình Diệm.
Chính quyền lập ra các “đấu trường”, đưa cán bộ, đảng viên ra trước quần chúng bắt quần chúng đấu tố, xoay quanh các vấn đề đi dân công, thuế nông nghiệp để phát động căm thù.
Ở Tây Nguyên và miền núi Liên khu V, chính quyền miền Nam tập trung vào việc dồn làng, mua chuộc đồng bào dân tộc thiểu số, lùng bắt cán bộ, tuyên truyền, ly gián cán bộ người Kinh với luận điệu “người Kinh ở đất Kinh, người Thượng ở đất Thượng”.
Tại Nam Bộ, chính sách “Tố Cộng, diệt Cộng” được tiến hành từng bước chặt chẽ. Bước 1: kiểm tra dân số, phát động phong trào, phổ biến chính sách. Bước 2: học tập tố cộng, kiểm thảo, gây căm thù cộng sản, rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh các cơ quan (đưa người di cư và mật thám vào làm nòng cốt). Bước 3: động viên tố cáo, dụ dỗ lòng dân, lấy dân tố dân, tổ chức mít tinh, biểu tình chống và tố cộng, tuyên bố ly khai Đảng cộng sản.
Địch tập trung “tố cộng, diệt cộng” ở các đô thị, các căn cứ cũ của ta ở Cà Mau, Đồng Tháp Mười, các vùng cơ sở nổi tiếng có truyền thống cách mạng như Hóc Môn, Đức Hòa. Địch khẩn trương đào tạo lực lượng cán bộ công dân vụ, đưa xuống xã, ấp thực hiện “ba cùng”, kết hợp với lực lượng biệt kích lùng ráp và phục kích dài ngày ở những địa bàn quan trọng. Có khi địch tập trung vài nghìn quân vào khu vực nhỏ vài ba thôn, chà đi xát lại. Các tổ biệt kích ngày đêm lùng sục, phục kích các tuyến giao liên để bắt cán bộ thoát ly.
Quân đội Việt Nam Cộng hòa tàn sát những người yêu nước trong
các chiến dịch "Tố Cộng, diệt Cộng" (Ảnh tư liệu)
Lúc đầu, địch chủ yếu dựa vào số địa chủ, lưu manh, phản động có nợ máu với nhân dân thực hiện “Tố cộng, diệt Cộng”, nhưng sau đó, chúng thực hiện các phương châm thâm độc hơn như “dĩ Đảng trị Đảng, dĩ dân trị dân”. Địch vừa mua chuộc, vừa uy hiếp số cán bộ, đảng viên bị bắt thả về làm cộng tác viên, tích cực sử dụng những phần tử đầu hàng, phản bội đánh phá cách mạng như kích động gia đình có người bị cách mạng xử tội trong diệt tề trừ gian, thắc mắc trong giảm tô và phát động quần chúng, số bị thi hành kỷ luật do tham ô, hủ hóa, không được xếp vào diện đi tập kết…. Tiêu biểu là trường hợp Lâm Quang Phòng, Phạm Dữ ở Tây Nam Bộ, từng là cán bộ cấp đại đội trong lực lượng vũ trang cách mạng, đầu hàng địch, lập ra đặc khu An Phước, tập trung các thành phần phản động, xây dựng lực lượng vũ trang lên đến 2.000 quân để đánh phá cách mạng .
Trong các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, chính quyền miền Nam tiến hành bắt bớ tràn lan. Tại Nam Bộ, trong đợt 2 “tố cộng, diệt cộng” từ tháng 8 đến tháng 10-1955, chính quyền miền Nam báo cáo đã “phát giác được 461 tổ chức và 11.591 Việt cộng, khám phá 505 hầm vũ khí, và nhiều tổ chức kinh tế của Việt Cộng trị giá hàng trăm triệu đồng”. Chính quyền miền Nam đã mở 340 lớp đào tạo cán bộ nòng cốt làm công tác “Tố Cộng, diệt Cộng” và 333 lớp học tố Cộng, lấy tên là lớp “nội trú” hay lớp “chỉnh huấn”, bắt buộc 103.153 người tham gia học tập. Các cuộc họp ở xã được triệu tập ở khắp nơi để công khai “tố Cộng”. Chỉ một tỉnh ở Nam đồng bằng sông Cửu Long có tới 40.000 người bị bắt bớ, giam cầm.
Chính quyền miền Nam lập ra hàng loạt nhà giam mới từ cấp tỉnh xuống đến quận, xã. Các nhà lao tỉnh thường xuyên giam giữ 400-500 người, có nhà lao nhốt hàng nghìn người. Trên toàn miền Nam, thời Pháp có khoảng 50 nhà tù, đến lúc này, số nhà tù đã tăng lên hàng trăm. Tỉnh Phú Yên có 25 vạn dân mà có tới 109 nơi giam cầm. Các nhà tù lớn có Phú Lợi, giam 6.000 người, Chí Hòa giam 4.000 người, Biên Hòa giam giữ 3.000 người, Thủ Đức giam 2.000 người và có trên 100 nhà tù giam từ 1.000 người trở lên. Một nhà báo nước ngoài mô tả: “Những cuộc bắt bớ liên tục làm cho nhà tù và trại giam đầy đến nóc”. Sau khi sàng lọc tại các nhà tù trong đất liền, Chính quyền Ngô Đình Diệm đày hàng nghìn cán bộ, đảng viên bị cho là nguy hiểm, cứng đầu, khó cải tạo ra địa ngục trần gian Côn Đảo. Số đảng viên và cán bộ kháng chiến còn lại bị quản chế hết sức chặt chẽ, ban đêm bắt ngủ tập trung ở trụ sở, ban ngày bắt đi lao động.
Chính quyền miền Namchia cán bộ, đảng viên và những người kháng chiến ra làm 3 loại A, B, C, tùy theo mức độ quan trọng để phân hóa, xử trí. Tất cả các loại cán bộ, đảng viên và quần chúng tích cực đều phải đi học tập tố cộng. Loại A học ở quận thời gian 3 tháng, loại B học ở vùng, liên xã 1 tháng trở lên, loại C học ở xã từ 10 ngày trở lên. Tại các lớp học, địch bắt cán bộ, đảng viên “tẩy não”, “sám hối”, “ly khai” đảng cộng sản, nói xấu lãnh tụ và chủ trương, đường lối của Đảng.
Đầu năm 1958, địch phân chia cán bộ, đảng viên ở Nam Bộ ra làm 3 loại để tiếp tục có chính sách với từng loại: loại chính thức hoạt động (trong đó chú ý cán bộ cấp ủy); loại tình nghi đang hoạt động và loại cầu an, hưởng lạc chỉ lo làm ăn.
Đối với quần chúng, chính quyền miền Nam cũng ra sức tấn công về tư tưởng, gây nghi ngờ chia rẽ trong gia đình, thôn xóm, bắt con tố cáo cha mẹ, anh em tố cáo nhau, bắt vợ ly dị chồng đi tập kết…Quần chúng cũng bị chia thành ba loại. Loại C, không liên quan đến cách mạng; loại A là công dân bất hợp pháp gồm cán bộ, đảng viên, người kháng chiến cũ; loại B là công dân nửa hợp pháp, gia đình có người đi tập kết, liên quan đến kháng chiến. Phương châm dựa vào loại C đánh loại A, làm cho loại B khiếp sợ và khuất phục.
Các gia đình được phân chia thành 5 loại: gia đình gạch màu đỏ là gia đình thân nhân Việt cộng; gia đình gạch màu đỏ - vàng là gia đình có thái độ lừng chừng; gia đình có gạch màu vàng là hội viên “Phong trào cách mạng quốc gia”; gia đình gạch màu xanh là rượu chè, cờ bạc; gia đình có gạch đỏ-vàng-xanh là gia đình có đảng viên cộng sản đã quy thuận “Phong trào cách mạng quốc gia”. Việc tiến hành thí điểm phân loại gia đình ở 2 huyện thuộc tỉnh Kiến Tường và 2 huyện thuộc tỉnh Cần Thơ. Các gia đình có gạch đỏ nếu 3 lần bị báo cáo là có Việt cộng về liên hệ thì bị tập trung tra xét và tịch thu tài sản.
Nhân dân miền Nam Việt Nam vùng dậy đấu tranh
chống "Tố Cộng, diệt Cộng" (Ảnh tư liệu)
Chính quyền lập ra tổ chức “ngũ gia liên bảo”, cột trách nhiệm 5 gia đình phải kiểm soát lẫn nhau, không cho cán bộ, đảng viên đến ăn ở, sinh hoạt. Mỗi nhà đều phải kẻ những khẩu hiệu chống cộng như “Nhà tôi không chứa chấp cộng sản”, “Ghe tôi không chở Việt cộng”, “Lu nước không cho cộng sản uống”… Từ đầu năm 1958, mọi người từ 18 đến 35 tuổi (sau đó nâng lên tận 52 tuổi) bị buộc phải gia nhập các tổ chức như Bảo vệ hương thôn, Thanh niên cộng hòa, Phụ nữ cộng hoà…, trang bị vũ khí cho lực lượng này, bắt ngày đêm canh gác, phát hiện cán bộ về hoạt động phải nổi mõ báo động, truy bắt cán bộ. Nhân dân ai chứa chấp, nuôi dưỡng, tiếp tế cho cán bộ, đảng viên sẽ bị bắt giết. Ai không tích cực trong việc truy đuổi, đánh đập cán bộ cũng sẽ bị xử lý như Việt cộng.
“Tố Cộng, diệt Cộng” tuy đều ác liệt nhưng mỗi giai đoạn có nét riêng. Trong giai đoạn 1, do chưa có lực lượng và cơ sở chính trị, chuẩn bị chưa kỹ, nên nặng về dùng lực lượng quân sự càn quét, khủng bố tràn lan, kết hợp với phần nào hoạt động lừa bịp nhân dân. Sang giai đoạn 2, “Tố Cộng, diệt Cộng" được tiến hành trong hoàn cảnh đã lập được chính quyền xã, ấp đều khắp, nhất là cơ sở công an và gián điệp, nên nội dung, phương pháp thâm độc hơn, đánh có trọng điểm, có đối tượng, có phân loại và phân biệt đối xử.
Các cuộc đại hội phát động tố Cộng được mở ở nhiều nơi, mỗi đại hội có tuyên dương, khen thưởng, bầu cá nhân xuất sắc về tố Cộng. Trong các đại hội, phương châm đề ra là “dùng Việt cộng đầu thú đi thuyết phục gia đình có cán bộ Việt cộng” hoặc “thâm nhập nội bộ, chặt cụt ngoại vi, sau cùng phá tan tổ chức”. Chính quyền tổ chức nêu gương, khen thưởng điển hình “tố Cộng, diệt Cộng”, tra tấn đến chết một số người không chịu tố Cộng, có trường hợp giết tại chỗ một số đảng viên đã đầu thú đang làm công an cho chúng mà chúng nghi ngờ để ép buộc số đảng viên đầu thú khác lao sâu vào con đường phản động. Đối với quần chúng, chính quyền tạo ra nhiều cớ để khủng bố như rải truyền đơn rồi bắt quần chúng thu dọn, đánh đập truy bức người rải; vùi truyền đơn xuống luống khoai để khi đồng bào đi làm ruộng cuốc lên đọc thì lấy cớ bắt bớ, đánh đập; giả danh cán bộ đến liên lạc với quần chúng, nếu mở cửa thì vu cho là liên lạc với Việt cộng, nếu không mở thì cho là không tích cực đánh trống, gõ mõ báo có Việt cộng đến; quét đường sạch sẽ, nếu thấy dấu chân người, bắt nhân dân khu vực đó tra khảo.…
Tố cộng giai đoạn hai tiến hành theo phương châm “chặt đầu rắn, chặt đầu phong trào”, trọng điểm là những nơi phong trào đấu tranh của nhân dân mạnh mẽ và phát giác tổ chức cách mạng. Ở những nơi phong trào khá nhưng chưa phát giác được tổ chức ta, chính quyền dùng phương châm “khuấy nước đọng bùn”, tức là khủng bố tràn lan nhằm gây phản ứng trong nhân dân để theo dõi tìm ra manh mối, tiếp tục đánh trúng hơn. Theo cách đó, ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam, có đợt, chính quyền địa phương bắt bớ tới 4.000 người.
Tại các trọng điểm, tố Cộng không tràn lan như trước mà thực hiện “sàng lọc”, tập trung đánh vào những phần tử bị cho là “đầu sỏ nguy hiểm”, đánh vào một số cơ quan đơn vị, chính quyền địa phương nhằm phá các tổ chức mới, truy bắt những cán bộ đã đổi vùng, cơ sở nội tuyến.
Đồng thời với khủng bố ác liệt, chính quyền miền Nam đẩy mạnh chính sách mị dân, xoa dịu phản ứng của quần chúng bằng một số hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội như lập thêm một số nhà thương, trường học, phát và bán một số nông cụ, muối, vải… điều chuyển một số tên phản động gian ác, thả một số đông cán bộ, đảng viên và quần chúng bị giam giữ lâu ngày với chiêu bài “chính sách khoan hồng” như tại Quảng Trị, tháng 9-1956, địch thả 560 người trong đó có cả huyện ủy viên, tại Bình Định, địch cũng thả một số đông cán bộ, đảng viên và quần chúng mà chúng cho là có thể cải tạo được. Đồng thời, chúng tăng cường đánh vào tư tưởng, tâm lý quần chúng như thường dùng luận điệu “tại có Việt cộng, nhân dân mới bị chết chóc, đói khổ, nếu không có Việt cộng thì nhân dân sẽ được sung sướng yên ổn làm ăn”, hoặc chất vấn quần chúng “bạn có trung thành với Việt cộng để chịu đói khổ không?”
Chính sách “Tố Cộng, diệt Cộng” trong những năm 1955-1959 của chính quyền miền Nam đã gây thiệt hại to lớn cho cách mạng, đồng thời buộc nhân dân miền Nam không còn con đường nào khác vùng lên dùng bạo lực cách mạng lật đổ chế độ bạo tàn, đi ngược lại nguyện vọng hòa bình, thống nhất của nhân dân Việt Nam.
Bình Nguyễn