Trong cõi nhân sinh này điều khiến con người ta day dứt nhất, có lẽ chính là những tình yêu dang dở. Có người cả đời chỉ còn cách hoài niệm và lặng lẽ cất giữ sâu trong lòng, thậm chí nghĩ rằng, chỉ có thể “nối lại cung đàn” ở kiếp sau. Vậy mà, có một nơi ở chính kiếp này, cố nhân gặp lại cố nhân, cung đàn xưa lại tấu lên khúc nhạc nghĩa tình, pha lẫn cả những hân hoan và ngậm ngùi. Nơi ấy là chợ tình Khâu Vai…
Chợ tình Khâu Vai diễn ra ngày 27/3 âm lịch hằng năm. Ảnh: Internet
Chợ tình Khâu Vai vốn là chợ lễ hội, diễn ra mỗi năm một lần vào ngày 27-3 âm lịch ở bản Khau Vai xã Khâu Vai huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang. Chợ tình Khâu Vai không hẳn là một nơi mua bán hàng hóa theo đúng nghĩa. Ban đầu, chợ chỉ có một số người bán đồ ăn uống phục vụ cho những người về đây hội họp. Mọi người đều coi đây là một địa điểm để tìm lại người xưa, nơi gặp gỡ tri kỷ, người yêu sau một hay nhiều năm xa cách, kể cả những người yêu trước đây vì trắc trở mà không đến được với nhau, cũng đều coi đây là một nơi giao hẹn, tái hợp hay đơn giản chỉ là để nhìn thấy nhau thêm một lần. Đây cũng là điểm hò hẹn, bén duyên của đôi lứa, điểm giao lưu của nam, nữ thanh niên ở làng trên xóm dưới.
Chợ tình Khâu Vai ca ngợi tình yêu trong sáng và nhân văn. Ở đây, những người từng yêu nhau thực sự, nhưng vì nhiều lý do mà buộc phải chia ly, khi mỗi người đã có duyên phận riêng, mong muốn lại được tìm đến nhau để hàn huyên, thông báo cho nhau về cuộc sống riêng mỗi người, trân trọng những tình cảm xưa và coi nhau như những tri kỷ. Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ, cả hai cùng đi tìm “người xưa” của riêng mình, theo nghĩa trân trọng những tình cảm xưa và tôn trọng cuộc sống tinh thần của nhau, không hề có sự ghen tuông hay phản bội, chỉ có lòng bao dung và cách ứng xử văn minh.
Câu chuyện tình lãng mạn nhưng dang dở đã làm nên sự tích về chợ tình Khâu Vai. Sự tích kể rằng, chàng Ba người dân tộc Nùng, nhà ở Khau Vai, khôi ngô tuấn tú, hát hay, thổi sáo giỏi nhưng nhà nghèo. Cô Út xinh đẹp là con một tộc trưởng người Giáy. Hai người yêu nhau nhưng gia đình cô Út không đồng ý vì chàng nghèo và khác dân tộc không cùng con ma, không cùng phong tục tập quán; con trai người Nùng không thể lấy con gái người Giáy làm vợ. Chàng và nàng trốn nhà đưa nhau lên hang núi Khau Vai sống. Gia đình, họ tộc cô gái vác súng kíp, cung nỏ sang nhà trai chửi mắng chàng Út phá lệ đưa cô gái ra rừng. Gia đình chàng trai cũng mang gậy gộc, súng, dao ra chửi bới nhà gái. Từ hang núi nhìn xuống cảnh máu chảy, đâm chém nhau giữa hai họ. Thương cha, thương mẹ, thương dân bản hai làng bỗng trở nên thù hận nhau chỉ vì tình yêu của mình nên chàng trai và cô gái chia tay nhau về làng, thề kiếp sau sẽ thành vợ thành chồng. Ngày họ chia tay là ngày 27/3, người dân trong vùng lấy ngày đó làm ngày họp chợ. Khi đôi trai gái chia tay nhau, họ đã cắt máu thề: Dù không lấy được nhau nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 27/3 họ lại lên Khau Vai hát cho nhau nghe, kể với nhau những thầm kín ấp ủ trong lòng trong suốt một năm xa nhau. Họ tâm tình, ca hát hết đêm, đến hết đêm hôm sau lại trở về với cuộc sống ngày thường. Ngày cuối cùng của cuộc đời, họ lại đến với nhau. Họ tìm đến gốc cây rừng và ngồi bên hòn đá thề năm xưa, ôm chặt nhau cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Họ ra đi cũng đúng vào ngày 27/3, ngày mà năm nào họ quyết định chia tay. Dân làng đã dựng hai miếu thờ là “miếu Bà” và “miếu Ông” ngay chính nơi họ mất để tưởng nhớ.
Lễ hội ở chợ tình Khâu Vai. Ảnh: Internet
Chợ lễ hội Khâu Vai đã có từ gần một thế kỷ nay. Ngay từ chiều 26/3 âm lịch, từ khắp các nẻo đường chênh vênh trên núi cao, những người dân trong bộ trang phục của dân tộc mình, mới nhất, đẹp nhất đã ríu ran, rộn ràng xuống chợ. Những ai ở bản xa, cách chợ tình Khâu Vai những ba quả núi, bốn năm con suối, thì đi từ sớm hơn. Tất các chàng trai, cô gái người Mông, Dao, Giáy, Lô Lô… như chảy về xã Khâu Vai trong sự náo nức, sự đợi chờ sau một năm đằng đẵng, đầy nhớ nhung… Tất cả đều cùng hướng về chợ tình, hướng về người mình đã yêu, đang yêu và sẽ yêu… như hướng về một nghi lễ thiêng liêng, trọng đại nhất.
Ban ngày chợ rất đông đúc nhộn nhịp, với những tiếng khèn réo rắt gọi bạn tình của các chàng trai, đàn môi và cả những tiếng hát thiết tha của cô gái, tất cả hòa vào như tiếng lòng tìm bạn… Cho tới khi màn đêm buông xuống, chỉ còn đốm lửa, can rượu ngô thì chợ tình mới thực sự bắt đầu. Lúc này, những ai là người cũ của nhau thì tìm nhau trong đám đông, tới lời hẹn năm trước mà tình tự, chia sẻ cho nhau những ngày đã chia xa.
Sáng sớm ngày 27 là thời khắc ý nghĩa, khi rượu đã hết, chợ đã tan, giờ chia tay đã đến. Ở ven đường, men theo các sườn núi, các vách đá… từng đôi nam nữ bịn rịn chia tay nhau. Họ trao nhau những lưu luyến, những bùi ngùi và hẹn hò sang năm lại gặp nhau, tại chính nơi này.
Những thiếu nữ tham gia Chợ tình Khâu Vai. Ảnh: Internet
Trải qua dâu bể của thời gian, chúng ta không còn thường xuyên được chứng kiến những mối tình lãng mạn ngày nào xuất hiện ở chợ tình Khâu Vai, mà thay vào đó là bao đổi thay về diện mạo nơi đây. Mặc dù vậy, chợ tình Khâu Vai hôm nay vẫn giữ được phần nào nét đặc sắc, độc đáo riêng vốn có. Trong không khí nhộn nhịp tươi vui, ta vẫn bắt gặp ánh mắt kiếm tìm mải miết, vẫn nghe tiếng kèn lá nỉ non hòa trong tiếng gió vi vu, bất chợt vẫn thấy khoảnh khắc ấm áp, hạnh phúc của những người tìm gặp lại nhau như tìm lại được tình yêu của cuộc đời. Và biết đâu, trong muôn trùng vách núi hư thực như câu chuyện tình yêu xưa, lại thoảng nghe câu hát gọi bạn lòng:
Chàng ơi xuống núi cùng em
Nhớ mang theo ngựa và đi một mình
Em đây tuy chẳng còn xinh
Có ô che nắng chợ tình “phong lưu”.
Hạnh Minh