Đại thắng mùa Xuân năm 1975 có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Một trong những nguyên nhân vô cùng quan trọng là sự chủ động, sáng tạo của các Đảng bộ địa phương ở miền Nam. Sự kiện Đảng bộ tỉnh Bình Định lãnh đạo thực hiện quyết tâm tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Định (31/3/1975), góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một minh chứng sinh động cho điều đó
Thời cơ lịch sử hoàn thành cuộc chiến 30 năm
Trong năm 1974, quân và dân ở miền Nam đã đẩy mạnh tiến công địch và giành thắng lợi lớn trên khắp các chiến trường. Bên cạnh đó, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ở khắp các đô thị miền Nam cũng dâng lên mạnh mẽ… đẩy chính quyền Sài Gòn ngày càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng sâu sắc, toàn diện: ngụy quyền lung lay, ngụy quân hoang mang, tinh thần khủng hoảng, sức chiến đấu sa sút cha từng có.
Lúc này, tình hình thế giới cũng có những biến đổi, góp phần tạo thời cơ thuận lợi cho cách mạng nước ta. Nước Mỹ, tình hình chính trị ngày càng rối ren, mâu thuẫn trong giới cầm quyền ngày càng gay gắt, tổng thống Nixon phải chấp nhận ra đi giữa nhiệm kỳ vì những gian lận trong quá trình chạy đua bầu cử Tổng thống.
Tiếp đó, chiến thắng Phước Long (01/1975) càng chứng tỏ khả năng Hoa Kỳ không cho thấy chủ trương can thiệp trở lại vào chiến tranh Việt Nam.
Thời cơ thuận lợi cho quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam đã tới.
Trên cơ sở nắm bắt chính xác thời cơ nói trên, Bộ Chính trị họp (tháng 10/1974 và 01/1975) và ra nghị quyết lịch sử, quyết định chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Lực lượng vũ trang nhân dân Bình Định được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1978 (Ảnh tư liệu)
Sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh Bình Định
Trước thời cơ thuận lợi và thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, Thường vụ Tỉnh ủy họp mở rộng (2/1975), trên cơ sở quán triệt chủ trương của Đảng (Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 10/1974 và tháng 01/1975) và Ban thường vụ Khu ủy V, quyết định: tiến hành tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đảng bộ xác định:
“1. Bình Định là một trong hai hướng chiến dịch quan trọng ở khu V.
2. Sử dụng lực lượng địa phương, mở các khu chiến của tỉnh. Hướng tấn công chính là đông bắc Bình Khê, tây An Nhơn, nam Phù Cát, đông An Nhơn.
3. Phương châm tác chiến: táo bạo, bất ngờ, vững chắc”.
Thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Khu ủy khu V, Thường vụ Tỉnh ủy, 5h35’, ngày 04/3/1975, các đơn vị Sư đoàn 3 Sao Vàng nổ súng, mở đầu chiến dịch mùa Xuân năm 1975 trên chiến trường Bình Định và Khu V.
Khi Buôn Ma Thuột thất thủ (3/1975), ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị nhận định: “Với chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt. Quân ngụy bị tổn thất nặng, tinh thần suy sụp, Mỹ cũng bất lực rõ rệt”. Bộ Chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975.
Ngày 15/3/1975, Căn cứ Chỉ thị của Thường vụ Khu ủy Khu V, xuất phát từ thực tế thế trận trên chiến trường Bình Định, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định: “Chuyển ngay sang bước 2 giai đoạn 1 trước dự định, đẩy nhanh hơn nữa nhịp độ tiến công. Điều một số đơn vị xuống trọng điểm Phù Mỹ. Đồng thời, ở trọng điểm, táo bạo thọc sâu đánh chiếm một số xã, tạo hành lang và bàn đạp phía nam tại Tuy Phước để tiến lên tiến công Quy Nhơn”.
Ngày 22/3/1975, Bộ Chính trị chỉ thị các chiến trường: nhanh chóng, táo bạo, đánh bại kế hoạch co cụm chiến lược của địch. Đồng thời, quyết định mở Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chiến dịch lớn thứ hai sau Chiến dịch Tây Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Ngày 23/3/1975, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Thường vụ Khu ủy quyết định chuyển ngay sang kế hoạch thời cơ nhằm: “Giải phóng toàn bộ khu V trong thời gian ngắn nhất... vừa đưa lên cao trào công kích, khởi nghĩa đồng loạt giải phóng nông thôn (cả quận lỵ, thị trấn), vừa đẩy mạnh công kích khởi nghĩa đồng loạt ở thành phố, thị xã. Phải mạnh bạo, linh hoạt, bỏ qua tuyến phòng ngự bên ngoài chọc thẳng vào đầu não của địch”.
Ngày 24/3/1975, Thường vụ Tỉnh uỷ và Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bình Định họp, quyết định: “Đẩy mạnh 3 quả đấm (quân sự, chính trị, binh vận – TG), phát động cao trào tiến công và nổi dậy đồng loạt giải phóng nông thôn, đẩy mạnh công kích và khởi nghĩa ở thị xã, đánh đổ toàn bộ quân địch, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng toàn tỉnh. Khẩu hiệu hành động: “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”. Và “tất cả cho đánh đổ toàn bộ chính quyền địch”.
Nhân dân BÌnh Định chào đón ngày giải phóng, 31/3/1975 (Ảnh tư liệu)
Thực hiện chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy, từ ngày 25/3 đến ngày 31/3/1975, quân và dân Bình Định đã cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng giải phóng các huyện trong tỉnh. “20 giờ ngày 31/3/1975, đội biệt động Quy Nhơn bắt liên lạc, phối hợp với Tiểu đoàn 50, đặc công Đ30 và Đ20, đánh chiếm cắm cờ trên tiền sảnh Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh và Trung tâm tiểu khu Bình Định, cơ quan đầu não về chính trị, hành chính, quân sự của địch. Đây là thời điểm giải phóng thị xã Quy Nhơn 200.000 dân và toàn tỉnh Bình Định hơn 900.000 dân”.
Như vậy, trong suốt 28 ngày đêm (04 - 31/3/1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phối hợp với Sư đoàn 3 Sao Vàng, quân và dân Bình Định đã đánh sụp toàn bộ chính quyền địch từ xã lên tỉnh, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân lực Việt Nam Cộng hòa tại địa phương, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh anh dũng, hào hùng của Đảng bộ, quân và dân Bình Định, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng.
Từ thắng lợi vô cùng to lớn và tự hào này có thể rút ra một số kết luận sau đây:
Một trong những nguyên nhân vô cùng quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc tấn công và nổi dậy giải phóng tỉnh Bình Định là có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ tỉnh Bình Định. Để làm được điều đó, Đảng bộ tỉnh luôn chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và cán bộ, đảng viên, trên cơ sở quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng. Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt (chính trị, tư tưởng và tổ chức) - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của phong trào cách mạng ở địa phương.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi vô cùng to lớn trong sự nghiệp cách mạng của tỉnh từ năm 1930 đến năm 1975, đồng thời, đây còn là mốc son chói lọi nhất trong lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương Bình Định hơn 500 năm (1471-1975).
Chiến thắng to lớn và tự hào này của quân và dân Bình Định đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tạo tiền đề vững chắc cả về vật chất và tinh thần, để Đảng bộ tỉnh tiếp tục lãnh đạo nhân dân địa phương, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng trên quê hương Bình Định thân yêu.
Văn Minh
_______________________
Trong bài có sử dụng tư liệu của cuốn sách: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (1954 - 1975) do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định chỉ đạo biên soạn, xuất bản tháng 9/2015.