Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc - Nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam và góp phần vào giải phóng nhân dân cần lao trên toàn thế giới. Người là hiện thân cho những giá trị tốt đẹp của nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: hoinhap.vietnam.vn
Trong Điếu văn của Ban chấp hành trung ương Đảng do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9-9-1969, đã đánh giá về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”[1]. “Hơn 60 năm qua, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, HỒ CHỦ TỊCH đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ” [2]. “HỒ CHỦ TỊCH là tượng trưng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trái tim, khối óc của Người dành cho dân tộc Việt Nam ta cũng hướng về giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới” [3].
Cả cuộc đời của Hồ Chí Minh là tấm gương về xây dựng, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất nhân cách và trở thành biểu tượng, chuẩn mực của những giá trị tốt đẹp nhất của con người trong thời đại ngày nay. Năm 1923, trong bài Thăm một chiến sĩ cộng sản – Nguyễn Ái Quốc, nhà báo Liên Xô Ôxíp Manđenxtam nhận xét: “Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang toả ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị… Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai”[4].
Đặc biệt, năm 1955, nghệ sĩ dân gian Ewan MacColl (Anh), đã viết một bài hát ca ngợi Hồ Chí Minh - “Bài ca Hồ Chí Minh” - một tác phẩm nổi tiếng khắp thế giới. Bài hát có đoạn: “Miền biển Đông, xa tắp nơi chân trời/Ở nơi xa đó, người dân đói nghèo/Từ đau thương người đi khắp năm châu/Lòng tin mặt trời chân lý sáng soi/Rọi chiếu sáng dân mình/Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!/Vượt trùng sóng người đi khắp phương trời/Luyện tôi ý chí lòng nuôi căm hờn/Hồ Chí Minh, Người đi khắp năm châu/Lòng tin mặt trời chân lý sáng soi/Rọi chiếu sáng dân mình/Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!…” [5].
Năm 1990, Tiến sĩ M.Ahmed, Giám đốc UNESCO phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã khẳng định: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân loại bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”[6].
Đến nay, đã có 35 tượng, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ở 20 nước thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi (Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Lào, Thái Lan, Pháp, Nga, Hungary, Cuba, Venezuela, Argentina, Mexico, Chile, Panama, Dominica, Madagascar...). Ngoài ra, có rất nhiều đường phố, đại lộ (riêng Pháp có 7 đường phố, Italia có 21 đường phố), 16 khu tưởng niệm và công viên, 6 bia tưởng niệm, 6 trường học mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài[7]. Điều đó ghi nhận tầm ảnh hưởng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân thế giới. Đồng thời cũng khẳng định giá trị và lan tỏa giá trị của văn hóa, con người Việt Nam.
Để ghi nhận những cống hiến to lớn của Hồ Chí Minh đối với nhân loại, tại khoá họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Paris, Pháp từ ngày 20/10-20/11/1987 đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghị quyết ghi rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”[8]. Chủ tịch Hồ Chí Minh “là sự kết tinh truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”[9].
Năm 2022, chúng ta kỷ niệm 35 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh, cả dân tộc Việt Nam quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc để sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong đợi, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội 2011, tập 15, tr.627.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội 2011, tập 15, tr.626.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội 2011, tập 15, tr.628.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội 2011, tập 1, tr.462.
[5] http://www.hoinhacsi.vn/ballad-ho-chi-minh-bai-ca-bat-hu
[6] UNESCO và Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.37.
[7] Dẫn theo: https://www.bienphong.com.vn/su-nghiep-cach-mang-vi-dai-cua-chu-tich-ho-chi-minh-post450882.html
[8] Bảo tàng Hồ Chí Minh: Thông tin tư liệu, Nội san, số 25, tháng 9-2009, Tập biên bản của Đại hội đồng UNESCO, khóa họp lần thứ 24 tại Pari, từ ngày 20/10 đến ngày 20/11 năm 1987, Quyển 1.
[9] Bảo tàng Hồ Chí Minh: Thông tin tư liệu, Nội san, số 25, tháng 9-2009, Tập biên bản của Đại hội đồng UNESCO, khóa họp lần thứ 24 tại Pari, từ ngày 20/10 đến ngày 20/11 năm 1987, Quyển 1.