“Tôi đi, cụ chớ lo chi cả/ Quyền nước, lòng dân cụ ở nhà/ Hai chén trà khuya hương nhẹ toả/ Một câu bất biến dặn phòng xa”. Nhà thơ Huy Cận khi ấy là Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã ghi lại 4 câu thơ này trong buổi gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng trước ngày Hồ Chủ tịch lên đường sang thăm nước Pháp năm 1946
Từ chối làm quan cho chế độ thuộc địa
Những năm đầu thế kỷ XX, dù bút sắt đã dần thay thế bút lông, song phải đến khoa thi năm Kỷ Mùi (1919) nền thi cử Nho học mới hoàn toàn chấm dứt. Trước đó, rất nhiều người vẫn nuôi mộng thi đỗ ông nghè để làm quan, thế nhưng có một người đã không đi theo lối mòn ấy: cụ Huỳnh Thúc Kháng. Khoa thi năm Giáp Thìn (1904), ở tuổi 28, Huỳnh Thúc Kháng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ nhưng đã lấy cớ bị bệnh để không ra kinh đô nhậm chức.
Đứng trước tình cảnh đất nước bị thực dân đô hộ, Huỳnh Thúc Kháng đã gặp gỡ nhiều chí sỹ đương thời như Phan Bộ Châu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp để cùng bàn chuyện cứu nước, cứu dân. Mặc dù vẫn giành cho cụ Phan Bội Châu sự kính trọng, song Huỳnh Thúc Kháng nghiêng về xu hướng canh tân đất nước theo tư tưởng của người đồng chí, đồng hương là Phan Chu Trinh để “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Cùng với nhiều trí thức tiến bộ đương thời, Huỳnh Thúc Kháng chủ trương mở trường dạy chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, cổ động cắt tóc ngắn, mặc y phục Âu Tây, khuyến khích việc lập hội, buôn bán…
Năm 1908, phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ, nhất là Quảng Nam, lên cao, dù không phải người trực tiếp chủ xướng song thực dân Pháp và tay sai Nam Triều đã lấy cớ này để bắt Huỳnh Thúc Kháng với lý do đi nhiều nơi diễn thuyết, đề xướng dân quyền nên dân “làm loạn”…Thực dân Pháp đã kết án tử hình Huỳnh Thúc Kháng rồi sau đó đổi thành khổ sai chung thân và đày ra Côn Đảo. 13 năm sau, cụ mới được trả tự do và bị quản thúc tại quê nhà.
Trong thời gian cụ bị quản thúc ở quê nhà, thực dân Pháp đã tìm nhiều cách để mua chuộc, song cụ đều khước từ. Để xây dựng nền dân chủ giả hiệu, năm 1926, thực dân Pháp thành lập Viện Dân biểu Trung Kỳ. Cụ Huỳnh muốn nhân cơ hội này để đấu tranh công khai nên đã ra ứng cử và đắc cử rồi được bầu là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Sau 2 năm, nhận thấy đây chỉ là một cơ quan bù nhìn, cụ Huỳnh đã tuyên bố từ chức. Trước đó, năm 1927, tại Huế, cụ Huỳnh đã sáng lập báo Tiếng dân, quy tụ nhiều cây viết nổi tiếng, trong đó có những cộng tác viên là những đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương như Hải Triều, Phan Đăng Lưu, Võ Nguyên Giáp …
Nhận lời tham gia Chính phủ Hồ Chí Minh
Trong thông điệp gửi đồng bào toàn quốc ngày 29/4/1947 sau khi cụ Huỳnh Thúc Kháng tạ thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập ...[1]”.
Một con người mà cả đời không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan ấy khi đã ở tuổi 70, đã nhận lời Chủ tịch Hồ Chí Minh ra gánh vác việc nước nhà. Cụ Huỳnh có cái may mắn là khi Cách mạng tháng Tám thành công, cụ còn tại thế trong khi lớp nhà nho yêu nước đã lớp bị tù đày giết hại, lớp đã không thoát khỏi quy luật sinh tử nên đã vắng bóng nhiều. Đón nhận nền độc lập của đất nước, cụ Huỳnh đã cảm than: “Khoái hà như dã, thoát nô ách nhi chủ nhân ông/ Lạc chí tư hồ! Dịch quân quyền chi tân dân quốc. Dịch là: Khoái ôi là khoái! Thoát vòng nô lệ, thành chủ nhân ông!/ Vui thật là vui! Đánh đổ cường quyền làm dân chủ mới![2]”.
Đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Huỳnh ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng, tuy nhiên cụ từ chối. Vốn đã từng quen biết và gặp gỡ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và cũng biết Hồ Chí Minh chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nên sau khi được mời lần thứ hai, cụ Huỳnh đã đồng ý ra Hà Nội nhưng không phải để nhậm chức mà chỉ để gặp Hồ Chí Minh trình bày một số ý kiến về đất nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại giây phút gặp gỡ này trong sách “Những chặng đường lịch sử”: “Giây phút gặp gỡ đầu tiên giữa Bác Hồ và cụ Huỳnh thật là cảm động. Hai người đều vội bước tới, ôm lấy nhau, cả Bác Hồ và cụ Huỳnh đều ứa nước mắt[3]”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng cho biết, sau buổi gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh đã nói với một người bạn: “Dân ta có được Cụ Hồ quả là hồng phúc[4]”.
Dù cụ Huỳnh không muốn nhậm chức, song Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục cụ: “Trên con đường tranh đấu giành độc lập, Cụ đã đi được 99 dặm, chỉ còn dặm nữa. Xin Cụ đừng thoái thác, Cụ vui lòng giúp tôi[5]”.
Trước thái độ chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuối cùng, cụ Huỳnh đã đồng ý nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ (Ngành Công an khi ấy nằm trong Bộ Nội vụ).
Tại kỳ họp đầu tiên ngày 2/3/1946, khi giới thiệu danh sách Chính phủ để Quốc hội thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giữ chức Bộ Nội vụ: Một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng![6]”. Sau đó, cụ Huỳnh còn nhận thêm chức danh Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt).
“Được người tri kỷ thôi xong đã già”
Khi bước vào tuổi 71 (tuổi ta), cái tuổi theo quan niệm của người xưa là “Nhân sinh thất thập cổ lai hi”, cụ Huỳnh đã viết bài thơ “Tự thọ” và tự dịch: “Đắc nhất tri kỷ/ Kỳ nhi lão hà?”. Dịch là: “Bảy tuần đầu bạc như bông/ Được người tri kỷ thôi xong đã già[7]”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết có lần cụ Huỳnh tâm sự: “Đã gặp tri kỷ, tiếc rằng khi gặp tri kỷ thì tuổi đã già[8]”.
Ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh giao Quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh trước khi lên đường sang thăm nước Pháp. Nhà thơ Huy Cận khi ấy là Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã cùng cụ Huỳnh sang chào Hồ Chủ tịch trước ngày Người lên đường đã viết trong “Hồi ký song đôi”, rằng cụ Huỳnh bày tỏ lo lắng khi việc nước bộn bề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đi vắng dài ngày, Hồ Chủ tịch đã trầm giọng nói với cụ Huỳnh: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến. Cụ yên tâm, có các chú ở nhà giúp Cụ, theo tình thế mà cụ giải quyết[9]”.
Được sự uỷ thác và tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị Quyền Chủ tịch Chính phủ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã gánh vác và hoàn thành trọng trách nặng nề của đất nước trong gian đoạn đầy khó khăn, thử thách.
Trước ngày toàn quốc kháng chiến, cụ Huỳnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đi kinh kinh lý miền Trung và Nam Trung Bộ. Tháng 4-1947, khi đang đi công tác ở Quảng Ngãi, cụ Huỳnh bệnh nặng, biết mình không qua khỏi, Cụ đã đọc cho thư ký chép điện gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Kính gởi Hồ Chủ tịch! Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân trên đường vinh quang hạnh phúc. Chào vĩnh quyết[10]”.
Trước đó, trong “Thư gởi đồng bào toàn quốc kháng chiến”, cụ Huỳnh đã đánh giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đó là nhà ái quốc chí sĩ Hồ Chí Minh tiên sinh. Là một nhà cách mạng lão thành dày kinh nghiệm. từng trải năm châu, nhìn thấu thời cuộc. Nắm vững tình hình, tính suy sau trước[11]”.
Tin cụ Huỳnh Thúc Kháng qua đời bay tới Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cả nước để tang cụ Huỳnh. Hồ Chủ tịch đã làm bài thơ điếu cụ Huỳnh bằng chữ Hán: “Ô hô!/ Vân phong vân khí ám/ Đà hải triều thanh bi/ Tứ nguyệt lệ vân tố/ Huỳnh Bộ trưởng yên quy?/ Nội vụ bộ kim nhật/ Tài đức giả kỳ thùy?/ Đồng bào nẫm dư triệu/ Thống khấp lệ lâm ly. Dịch là: : Than ôi!/ Bể Đà Nẵng triều thảm/ Đèo Hải Vân mây sầu/ Tháng tư tin buồn đến/ Huỳnh Bộ trưởng đi đâu?/ Trông vào Bộ Nội vụ/ Tài đức tiếc thương nhau!/ Đồng bào ba chục triệu/ Đau đớn lệ rơi châu![12]”.
Lịch sử không có chữ nếu, song nếu năm ấy, Quyền Chủ tịch nước không phải cụ Huỳnh? Về tuổi tác, khi ấy cụ Huỳnh đã 71 tuổi, là người cao tuổi nhất trong Chính phủ. Về học vấn, cụ đã đỗ học vị cao nhất: Tiến sĩ. Về chức vụ, cụ đã từng đảm nhiệm vị trí Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Về thành tích chống Pháp, cụ có 13 năm ngồi tù Côn Đảo. Chính tấm lòng yêu nước, thương dân, đặc biệt trước tấm lòng chân thành “cầu hiền” vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cụ Huỳnh đã “Non song một mối chung nhau gánh[13]” với Chủ tịch Hồ Chí Minh và để lại cho hậu thế một bài học tuyệt vời của những con người suốt đời vì dân, vì nước.
Hồng Phúc
[2] Nguyễn Q. Thắng: Huỳnh Thúc Kháng, con người và thơ văn, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2001, tr. 53.
[3] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1976, tr. 409.
[4] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1976, tr. 409.
[5] Nguyễn Xương Thái: “Giờ phút lịch sử đầu tiên của cụ Hồ Chí Minh gặp cụ Huỳnh Thúc Kháng”, in trong sách Chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1997, tr. 196
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 193.
[7] Võ Nguyên Giáp: “Huỳnh Thúc Kháng, người đóng góp tích cực vào việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân”, in trong sách Chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1997, tr. 35.
[8] Nhiều tác giả: Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, t.4, quyển 2, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1985, tr. 187 - 188.
[9] Huy Cận: Hồi ký song đôi, t.2, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012, tr. 124
[11] Nguyễn Q. Thắng: Huỳnh Thúc Kháng, con người và thơ văn, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2001, tr. 457.
[12] Nguyễn Q. Thắng: Huỳnh Thúc Kháng, con người và thơ văn, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2001, tr. 56.
[13] Một câu trong bài thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời cụ Huỳnh Thúc Kháng với 4 câu: “Nghĩ chẳng ra thơ để trả lời/ Nhớ ơn Cụ lắm, cụ Huỳnh ơi/ Non song một mối chung nhau gánh/ Độc lập xong rồi, cưới vợ thôi”.