Ngày 19/12/1946, Đảng và Chính phủ đã chủ động phát động cuộc kháng chiến toàn quốc. Chủ động, nhưng không phải chúng ta hiếu chiến như một số luận điệu sai trái, thù địch vẫn rêu rao. Trong hơn 1 năm sau khi nước nhà độc lập, Đảng và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực không mệt mỏi để cứu vãn, tìm kiếm hòa bình, nhưng hòa bình không thể cứu vãn do dã tâm xâm lược của thực dân “quyết tâm cướp nước ta lần nữa”
Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới nền độc lập của Việt Nam, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, không giấu diếm dã tâm xâm lược và cai trị nước ta một lần nữa.
Trước tình thế đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt phân tích tình hình, đánh giá đúng, âm mưu, kịp thời đề ra những đối sách khôn khéo, linh hoạt, nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình trong mối quan hệ với nước Pháp để có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc khó tránh khỏi.
Kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc, đồng thời tận dụng mọi nỗ lực ngăn chặn chiến tranh là phương châm nhất quán trong hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong Bản Thông cáo đầu tiên về chính sách đối ngoại (ngày 03/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mục tiêu của Việt Nam là tham gia giữ gìn hòa bình thế giới: “Đối với các nước Đồng minh, Việt Nam mong muốn duy trì hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tương trợ, để xây dựng nền hòa bình thế giới lâu dài”[1].
Về quan hệ với nước Pháp và nhân dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm hòa bình, hữu nghị và hợp tác: “Nếu có những người Pháp muốn qua đây điều đình một cách hòa bình (từ trước tới nay chưa có một cuộc điều đình như vậy, nhưng giả sử có, lẽ tất nhiên chúng ta sẽ hoan nghênh)….”[2]. Với tinh thần hòa bình, hữu nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với đại diện Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ (ngày 06/3/1946), “tránh tình thế bất lợi: phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng phản động”.[3] Hiệp định sơ bộ là quyết định đúng đắn, sáng tạo của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo thời gian hòa hoãn để nhân dân ta củng cố thành quả cách mạng mới giành được, chuẩn bị điều kiện cần thiết cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Cộng hòa Pháp năm 1946 (Ảnh tư liệu)
Tiếp đó, ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là Nguyên thủ quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên đường thăm Cộng hòa Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp. Chuyến thăm của Người là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của Chính phủ Việt Nam trong những năm 1945-1946 để cứu vãn nền hòa bình trong khi thực dân Pháp đang quyết tâm xâm lược Việt Nam một lần nữa. Tận dụng thời gian quý báu ở nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các quan chức và đại biểu Quốc hội Pháp, tiếp Việt kiều từ các miền về thăm, gặp gỡ người dân địa phương, thăm phong cảnh để hiểu biết nhiều hơn về đời sống của nhân dân và tình hình nước Pháp.
Ngày 22/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris Trong suốt 86 ngày ở Thủ đô nước Pháp, Người coi đây là một dịp tốt để tranh thủ cảm tình của nhân dân Pháp và thế giới; chủ động, khẩn trương triển khai nhiều hoạt động, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhằm tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết quốc tế, sự hiểu biết giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Pháp, bạn bè và nhân dân các nước trên thế giới. Người luôn chủ động làm cho các ký giả hiểu rõ lập trường của Việt Nam trong cuộc đàm phán ở Fontainebleau, thiện chí của Việt Nam trong quan hệ Việt - Pháp và quyết tâm chiến đấu của cả dân tộc Việt Nam vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc
Ngày 11/7/1946, tại buổi đón tiếp của Ủy ban Trung ương Hội Pháp - Việt, Người nói: “Lòng mong ước mạnh nhất của tôi, sự quan tâm nhất của nước Cộng hòa Việt Nam, nguyện vọng tha thiết nhất của dân tộc Việt Nam là thực hiện được tình thân thiện Pháp - Việt"[4].
Những cuộc tiếp xúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí, với các chính khách, các lãnh tụ của các đảng lớn của Pháp và chính trị gia nước ngoài tại Pháp góp phần quan trọng làm cho nhân dân Pháp cũng như nhân dân các nước hiểu thêm về đất nước, con người và cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.
Hội nghị Fontainebleau kéo dài hơn 2 tháng (từ ngày 6/7 đến ngày 13/9/1946) cuối cùng thất bại do phía Pháp cố tình phá hoại đàm phán với mục đích lập chế độ toàn quyền ở Đông Dương, tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, không thừa nhận Việt Nam có quyền ngoại giao riêng. Quan điểm của Việt Nam là quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, quan hệ Việt - Pháp phải dựa trên cơ sở hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, hai bên cùng có lợi.
Trải qua nhiều lần gặp gỡ, tranh luận bên ngoài Hội nghị với những nhân vật Pháp chủ chốt có liên quan trực tiếp đến cuộc đàm phán như G. Bidault, M. Moutet, Max André, D’Argenlieu, với tinh thần hòa giải đầy thiện chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không thuyết phục được Pháp chấp nhận hai nội dung chính trị có ý nghĩa sinh tử đối với Việt Nam: Độc lập và thống nhất. Ngày 17/8/1946, trả lời phỏng vấn báo Franc-Tireur, Hồ Chí Minh nói: “Tôi không muốn trở về Hà Nội tay không. Tôi muốn khi trở về nước sẽ đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể với sự cộng tác chắc chắn mà chúng tôi mong đợi ở nước Pháp"[5].
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tạm ước 14/9 (Ảnh tư liệu)
Trước tình thế khả năng hòa hoãn ngày càng giảm, nguy cơ xung đột qui mô lớn ngày càng tăng, ngày 14/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng M.Moutet, đại diện Chính phủ Pháp, ký bản Tạm ước như một nỗ lực cuối cũng nhằm cứu vãn nền hòa bình đang bị đe dọa bởi cuộc chiến tranh mà các thế lực thực dân phản động Pháp đang ráo riết triển khai. Chính phủ Pháp nhận thi hành mấy điều chính ở Nam Bộ: Thả những người Việt Nam yêu nước bị bắt vì chính trị và vì kháng chiến; đồng bào Nam Bộ được quyền tự do tổ chức, tự do hội họp, tự do viết báo, tự do đi lại…; hai bên đình chỉ mọi xung đột; Chính phủ Việt Nam bảo đảm cho Pháp một số quyền lợi kinh tế, văn hóa ở Việt Nam.
Việc ký Tạm ước 14/9 được Đảng ta xác định là một bước nhân nhượng cuối cùng. Đảng khẳng định: “Việc đi Pháp của Hồ Chủ Tịch và phái đoàn Chính phủ lần này tuy không đạt được mục đích ký một hiệp ước chính thức và toàn thể với thực dân Pháp, nhưng đã mang lại cho ta một kết quả tốt đẹp: làm cho nhân dân Pháp hiểu ta và ủng hộ ta hơn; làm cho dư luận quốc tế chú ý đến Việt Nam và hiểu sự hy sinh phấn đấu và nguyện vọng tha thiết của dân tộc Việt Nam.”[6].
Trên đường về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp Cao ủy Pháp D’Argenlieu tại Vịnh Cam Ranh ngày 18/10/1946 để bàn cách thực hiện Tạm ước 14/9. Tuy không đạt được những yêu cầu về hòa hoãn, nhưng cuộc gặp tại Cam Ranh đã để lại những ấn tượng về một dân tộc Việt Nam yêu hòa bình, về Hồ Chí Minh, người luôn nỗ lực cho hòa bình, hợp tác và hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp trong tâm tưởng của Cao ủy Pháp D’Argenlieu “ Dù sao tôi vẫn có cảm tưởng rằng ông Hồ chân thành mong muốn, ít ra là trong một thời gian, sẽ tìm thấy ở sự giao hòa với Pháp một sự củng cố lại các kết quả đã giành được và bước đầu của những tiến bộ mới”[7].
Ngày 13/12/1946, tức là trước thời điểm Người ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 06 ngày, trả lời phỏng vấn phóng viên Pháp, Người vẫn kiên trì để đàm phán hòa bình và khẳng định: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh”[8].
Người luôn luôn đề cao tinh thần hòa bình, giải quyết mọi vấn đề thông qua đàm phán, thương lượng và khẳng định: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam kiên quyết cộng tác thật thà với người Pháp…Người Việt người Pháp có thể và cần phải bắt tay nhau trong một sự nghiệp cộng tác bình đẳng, thật thà để gây dựng hạnh phúc cho cả hai dân tộc”.[9]
Từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan điểm hòa bình, hữu nghị và hợp tác, nỗ lực tìm mọi giải pháp giải quyết hòa bình ở Việt Nam, bằng mọi cách ngăn chặn chiến tranh. Với những ứng xử ngoại giao khôn khéo, linh hoạt trên cơ sở giữ vững độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Sau nhiều cố gắng, nỗ lực của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi giải pháp thương lượng cho hòa bình của Việt Nam đều không thực hiện được. Thực dân Pháp ngày càng lấn tới, phạm những tội ác lớn hơn, nhân dân Việt Nam không còn con đường nào khác, buộc phải cầm súng đứng lên bảo vệ đất nước.
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa !
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào ! Chúng ta phải đứng lên!”[10]
Dương Minh
[1] Nguyễn Dy Niên: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 132.
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 85.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr 49.
[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr 309.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 323.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.7, tr. 119-120.
[7] Philippe De Ville: Paris-Sài Gòn-Hà Nội, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2003, tr. 204.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 526.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 511.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 534.