Hiệp định Sơ bộ là dấu mốc ngoại giao đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong 30 năm kháng chiến. Hai dấu mốc sau đó là Hiệp định Giơnevơ và Hiệp định Pari. Để ký kết được Hiệp định Sơ bộ, Chủ tịch Hồ Chí minh đã có nhiều nỗ lực ngoại giao với chính giới Pháp tại Hà Nội trong bối cảnh cách mạng Việt Nam đang ở thế “nghìn cân treo sợi tóc”
Tết Bính Tuất là cái Tết độc lập đầu tiên. Dù bận trăm công nghìn việc trong những ngày đầu xây dựng chế độ mới, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên những việc tưởng chừng nhỏ nhặt, nhưng cho thấy tinh thần hữu nghị của Người đối với Pháp, đang mở rộng chiến tranh tại Nam Bộ, Nam Trung Bộ và đang lăm le phát động trở lại cuộc xâm lược tại miền Bắc.
Ngày 2/2/1946, Mùng 1 Tết Bính Tuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm thương, bệnh binh Pháp tại Bệnh viện Đồn Thuỷ (nay là Bệnh viện Quân y 108) và Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức).
Trước ứng xử đầy tinh thần nhân ái của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phía Pháp cũng tỏ ra lịch thiệp và đáp lễ. Ngày 8/2/1946, Tướng Raun Xalăng đến Bắc Bộ phủ để cảm ơn Người.
Trong câu chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi là người bạn trung thành của nước Pháp. Hôm đó là ngày Tết Nguyên Đán. Tôi vui mừng được có dịp bày tỏ tình cảm của tôi đối với nước Pháp. Ngài hãy tin ở tôi. Phần lớn người Đông Dương không bài Pháp”.
Tuy nhiên, Người cũng không quên lưu ý Tướng R. Xalăng: “Nhưng rất tiếc, những sự kiện ở Nam Bộ và thái độ của Chính phủ Pháp đang khơi cái hố giữa các ngài và chúng tôi...”.
Trong lúc này, Chính phủ Pháp đang đàm phán với Chính phủ Trung Hoa dân quốc, đề nghị “để quân đội Pháp vào miền Bắc và Hà Nội lập lại trật tự”. Đề nghị này cũng được truyền đạt đến Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong buổi tiếp, Tướng Xalăng tiếp tục nhắc đến vấn đề này.
Với thái độ mềm dẻo nhưng kiên quyết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi không thể làm như vậy. Nếu làm như vậy, tôi sẽ là kẻ phản quốc. Pháp là một nước lớn. Chúng tôi yêu nước Pháp, nhưng không muốn làm nô lệ, chúng tôi muốn sống tự do. Chúng tôi muốn có quan hệ rất nhiều về kinh tế với Pháp. Chúng tôi muốn có những quan hệ rộng lớn nữa về văn hóa. Chúng tôi muốn có những cán bộ chuyên viên kỹ thuật người Pháp trên mọi lĩnh vực. Nhưng chúng tôi phải là chủ nhân trên đất nước chúng tôi...”.
Trước khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với tướng R. Xalăng: “Tôi biết tướng quân là một người nhân hậu. Buổi chiều nay, chúng ta đã là bạn. Ngày mai có thể chúng ta sẽ là thù. Tôi mong chúng ta vẫn mãi sẽ là bạn”.
Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 (Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Tiếp đó, ngày 9/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp L. Capuýt. Người nêu rõ lập trường của Việt Nam là tránh đụng độ với nước Pháp mới và kêu gọi Pháp hãy tôn trọng lập trường của nhân dân Việt Nam.
Ngoài việc tiếp đón, làm việc với giới chức Pháp tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng truyền đạt, phổ biến chủ trương của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một cách rộng rãi cho báo chí.
Ngày 13/2/1946, Tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phóng viên báo Pháp Paris-Saigon. Người chủ động trao đổi với phóng viên Pháp về đời sống chính trị ở Pháp.
Về quan hệ Việt-Pháp, Người cho rằng nếu giải quyết được vấn đề chính trị thì mọi việc đều có thể dàn xếp được. Người nói: “Chúng tôi không thù ghét nước Pháp và dân tộc Pháp. Chúng tôi không hề muốn cắt đứt mối dây liên lạc giữa hai dân tộc. Nhưng chúng tôi muốn rằng nước Pháp có sáng kiến đi trước một bước thành thực”.
Ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cuộc gặp gỡ J.Xanhtơny để thảo luận tiếp về những vấn đề chính trị để đi tới ký kết một thỏa hiệp giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giới chức Pháp tại Hà Nội.
Kể từ đầu tháng 2, những phần tử hiếu chiến trong chính giới Pháp tại Việt Nam luôn chủ trương nhanh chóng thay chân Quốc dân Đảng Trung Hoa tái lập sự kiểm soát tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Nhiều vụ xung đột giữa hai bên diễn ra, đang có nguy cơ lan rộng.
Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Lơcléc, Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Viễn Đông để trao đổi về một cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Pháp.
Ngày 25/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp J.Xanhtơny thảo luận về vấn đề đàm phán Việt - Pháp và nêu rõ lập trường của Việt Nam là “Độc lập và hợp tác”.
Tin tức về Hiệp ước Hoa-Pháp được ký kết với những điều khoản bất lợi cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa càng làm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy cần phải đẩy mạnh đàm phán, trao đổi hơn nữa nhằm gỡ thế bí, tìm ra một giải pháp thỏa hiệp tạm thời.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chấp nhận từ “tự trị”, còn phía Pháp không chấp nhận từ “độc lập”.
Ngày 1/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp J.Xanhtơny để trao đổi về vấn đề quân Pháp ở miền Bắc, vấn đề Nam Bộ, vấn đề thành phần Chính phủ mới của Việt Nam và một số vấn đề khác trong quan hệ Việt -Pháp.
Ngày 2/3/1946, Chính phủ chính thức ra mắt, bao gồm nhiều thành viên của các đảng phái chính trị khác nhau và đây là Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Đồng thời, Quốc hội cũng bổ sung 70 đại biểu của Việt Nam quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội vào Quốc hội, không qua bầu cử.
Ngày 5/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thiệu Bách Xương, sĩ quan quân đội Trung Hoa dân quốc, một bản kiến nghị nhờ chuyển cho phía Pháp. Đến 21 giờ cùng ngày, Bản kiến nghị được chuyển cho tướng R. Xalăng.
Bản kiến nghị nêu rõ: Nếu ký Hiệp định giữa Pháp và Việt Nam thì cần phải có đại biểu của Đồng Minh chứng kiến và thông báo những yêu cầu của phía Việt Nam như sau:
1. Yêu cầu Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam là một nước tự do, có Chính phủ, Quốc hội, tài chính, quân đội riêng, tất cả trong phạm vi của Liên bang Đông Dương.
2. Chính phủ Pháp yêu cầu Chính phủ Việt Nam chấp nhận lực lượng Pháp (gồm 15.000 lính Pháp và 10.000 lính Việt Nam, số lính Việt Nam do Chính phủ Việt Nam cung cấp), tổng số quân đội là 25.000 người.
3. Tương lai của Nam Kỳ do nhân dân Việt Nam bỏ phiếu quyết định.
4. Nhà đương cục Pháp nên chủ động ký một Hiệp định ngừng chiến tạm thời giữa Pháp và Việt Nam.
5. Mọi vấn đề khác sẽ được thảo luận và giải quyết trong cuộc đàm phán chính thức.
Trong ngày 5/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các nhà thương lượng người Pháp. Hai bên tiếp tục xem xét kỹ lưỡng các vấn đề nêu ra lần cuối.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thảo luận rất khuya với ông J. Xanhtơny. Người muốn Việt Nam độc lập và có quan hệ thân thiện với Liên hiệp Pháp. Phía Pháp nêu rõ có thể thỏa hiệp tại miền Bắc, nhưng vấn đề Nam Bộ, Pháp vẫn không chịu đưa vào nội dung Hiệp định. Hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.
Ngày 6/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo về công tác ngoại giao với Pháp và vấn đề Dự thảo nội dung Hiệp định Sơ bộ.
Hội đồng ký vào một biên bản đặc biệt tán thành ký Hiệp định đình chiến và mở cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp với điều kiện Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một “quốc gia tự do” và Chính phủ Việt Nam bằng lòng để quân đội Pháp thay thế quân đội Trung Hoa dân quốc.
Hội đồng Chính phủ uỷ quyền cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh thay mặt Chính phủ ký Hiệp định trên với đại biểu Pháp.
12 giờ 30 ngày 6/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Hoàng Minh Giám gặp J.Xanhtơny và L.Pinhông, tiếp tục tranh luận về những điều khoản của Hiệp định Việt-Pháp.
Đến 13 giờ 30 những điều khoản của Hiệp định đã đạt được. Hai bên hẹn gặp lại nhau hồi 16 giờ 30 cùng ngày để ký kết chính thức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị dự lễ ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 tại 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội (Ảnh tư liệu Nguyễn Bá Khoản)16 giờ 30, tại số nhà 38 phố Lý Thái Tổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cùng với J.Xanhtơny đại diện Chính phủ Cộng hoà Pháp ký vào bản Hiệp định Việt-Pháp (Sau này thường gọi là Hiệp định Sơ bộ 6/3). Theo Hiệp định, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là quốc gia tự do, có Chính phủ, Quốc hội, quân đội, tài chính của mình; việc hợp nhất ba kỳ do nhân dân Việt Nam trực tiếp giải quyết.
Phát biểu với những người dự Lễ ký kết Hiệp định, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chúng tôi không thoả mãn vì chưa giành được hoàn toàn độc lập, nhưng chúng tôi sẽ giành được độc lập hoàn toàn..”.
Trong quá trình đàm phán Việt-Pháp, nhiều thế lực phản động ra sức xuyên tạc chủ trương của Chính phủ do Hồ Chí Minh đứng đầu. Họ cho rằng như vậy là chính phủ thỏa hiệp những lợi ích cốt lõi của Việt Nam, là bạc nhược, đầu hàng giặc Pháp.
16 giờ ngày 7/3/1946, tại cuộc mít tinh của đông đảo nhân dân Thủ đô trước Nhà hát thành phố, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện về việc đàm phán và ký kết về Hiệp định Sơ bộ.
Người nói: “Nước ta đã độc lập thực sự từ Tháng Tám năm 1945. Nhưng tới nay, chưa một cường quốc nào công nhận nền độc lập của ta. Cuộc điều đình với nước Pháp sẽ mở ra con đường làm cho quốc tế thừa nhận ta. Nó sẽ dẫn ta đến một vị trí ngày càng chắc chắn trên trường quốc tế. Đó là một thắng lợi về mặt chính trị... Đồng bào hãy nên bình tĩnh, đoàn kết, trọng kỷ luật.."..
Trước hàng vạn người đang sôi sục tinh thần ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt cuộc đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước”.
Lời tuyên bố đanh thép của Người được hàng vạn quần chúng hưởng ứng, tin tưởng.
Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 là văn bản pháp lý đầu tiên mà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết với nước ngoài. Việc ký kết Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 buộc Pháp, lần đầu tiên, phải công nhận quyền tự do của Việt Nam, một dân tộc trước đó từng là thuộc địa của Pháp.
Việc ký kết Hiệp định sơ bộ là chủ trương sáng suốt, đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương, của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình lúc bấy giờ.
Hiệp định Sơ bộ mở ra con đường quốc tế thừa nhận Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong bối cảnh Chính phủ ta chưa được quốc gia nào công nhận.
Quá trình đàm phán chứng kiến những nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tầm nhìn ngoại giao của mình, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ lâm thời, rồi Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Người đã kiên quyết thảo luận và đấu tranh trên từng vấn đề, sao cho có lợi nhất cho cách mạng Việt Nam.
Việc ký kết Hiệp định Sơ bộ theo đúng chủ trương “hòa để tiến” của Trung ương Đảng đề ra trong chỉ thị “Tình hình và chủ trương” ngày 3/3/1946.
Hiệp định đưa lại những ngày hòa bình vô cùng quý giá để cách mạng Việt Nam khẩn trương xây dựng, củng cố thực lực, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bình Nguyễn