Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp đặc biệt của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành trọn trái tim và tình yêu thiêng liêng nhất cho nước cho dân, và trong đó, luôn cháy bỏng một tình yêu với ngôn ngữ dân tộc. Với nhận thức sâu sắc về giá trị, vai trò của ngôn ngữ dân tộc, Người đã không ngừng hành động nhằm giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt và lan toả tình yêu đó đến đồng chí, đồng bảo.
Tấm gương về giữ gìn sự trong sáng Tiếng Việt của Bác Hồ. Ảnh tư liệu
Đặc biệt đề cao giá trị của Tiếng Việt và nhiệm vụ bảo vệ Tiếng Việt
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếng Việt có vai trò đặc biệt, không thể thay thế với người dân Việt Nam. Trong Bài phát biểu tại Đại hội lần thứ ba Hội nhà báo Việt Nam ngày 8/9/1962, Người căn dặn: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc”[1].
Ý thức được vai trò của tiếng mẹ đẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ý thức rõ vấn đề phải bảo vệ Tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt: “Tiếng nói là một thứ của rất quý báu của dân tộc, chúng ta phải hết sức giữ gìn lấy nó”[2] hay “Chúng ta phải giữ gìn nó, quí trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”[3]. Đối với Người, việc bảo vệ Tiếng Việt là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà chính quyền và nhân dân phải làm cùng với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc: “Ta phải giữ đất nước của chúng ta, Tổ quốc của chúng ta; phải giữ cái tiếng của chúng ta”[4].
Cùng với việc lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh cũng kiên quyết đấu tranh, bảo vệ tiếng nói của dân tộc. Người khẳng định: “Mỗi dân tộc có quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong nền giáo dục dân tộc mình”[5]. Trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa M.Mutê, Người đã khẳng định đanh thép: “Ở Việt Nam thì tiếng Pháp không thể bị áp đặt là một ngôn ngữ bắt buộc”[6]. Khi giành được độc lập vào năm 1945, Hồ Chí Minh đã quan tâm ngay đến việc dạy chữ quốc ngữ cho dân thông qua chủ trương xóa nạn mù chữ. Phong trào “diệt giặc dốt” được dấy lên mạnh mẽ khiến cho chữ viết của Tiếng Việt được phổ biến rộng khắp trong cả nước lúc bấy giờ. Đây là sự mở đường đặc biệt quan trọng để sau đó Tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia, có một vị trí vẻ vang chưa từng có trong hành trình đi cùng văn hoá dân tộc.
Nỗ lực giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt
Tha thiết tình yêu ngôn ngữ dân tộc, trong suốt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nỗ lực cùng đồng chí, đồng bào giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Trong mọi cuộc tiếp xúc, nói chuyện thường ngày cũng như trong các bài phát biểu quan trọng, Người luôn đề cập và căn dặn về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Theo Người, để giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, có nhiều phương cách khác nhau:
Thứ nhất, phải phổ biến rộng khắp được Tiếng Việt: “Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”[7]. Bởi lẽ, chỉ khi được đông đảo người sử dụng, thì tiếng nói ấy mới không bị mai một, lãng quên, mới được sống cùng nhân dân và hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó.
Thứ hai, phải làm phong phú Tiếng Việt. Để cho Tiếng Việt giàu có, phong phú, Bác không phủ định cách vay mượn ngôn ngữ khác: “Chúng ta không chống mượn tiếng ngoại quốc để làm cho tiếng ta đầy đủ thêm.”[8] Bởi lẽ Bác nhận thức rõ một thực tế là: “Tiếng ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước khác, nhất là tiếng Trung Quốc”.
Người cũng nhấn mạnh, vay mượn tiếng nước ngoài không có nghĩa là lạm dụng, sính ngoại mà quên đi giá trị của tiếng mẹ đẻ: “Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu”[9]. Điều đó có nghĩa là vay mượn ngoại ngữ phải có chừng mực, chỉ vay mượn cái gì mình chưa có: “Cái gì Tiếng Việt Nam có thì cứ nói Tiếng Việt Nam, chớ có mượn tiếng nước ngoài”[10], “không nên dùng tiếng ngoại quốc, khi có thể dùng tiếng ta”[11]. Người căn dặn: “Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?”[12].
Thứ ba, phải nói đúng, nói giản dị, dễ hiểu, tránh nói chữ khiến ngôn từ rắm rối gây khó hiểu cho người nghe. Người căn dặn “bất đắc dĩ mới phải dùng chữ” bởi Người ý thức rõ: “Tiếng nói là một thứ của rất quý báu của dân tộc, chúng ta phải hết sức giữ gìn lấy nó, chớ để bệnh nói chữ lấn át nó đi”[13]. Nói không phải dễ. Nói để người nghe hiểu, hiểu để làm càng khó hơn, vì thế Người căn dặn: “Nói cũng phải học, mà phải chịu khó học mới được” không phải cứ sính dùng chữ thế là sang, hay: “Dùng đúng, đã là một cái hại, vì quần chúng không hiểu. Nhiều người biết không rõ, dùng không đúng, mà cũng ham dùng, cái hại lại càng to”[14].
Thứ tư, không nên sáng tạo thái quá. Người quan niệm, trong việc giữ gìn Tiếng Việt, cái gì tiếng ta dùng đã quen rồi, không nên tự ý sửa đổi. Sẽ “tả” quá nếu những chữ Hán đã hoá thành tiếng ta, ai cũng hiểu, mà cố ý không dùng. Thí dụ: độc lập mà nói “đứng một”, du kích thì nói “đánh chơi”. Hay lại viết: “Quốc hội họp kỳ thứ bốn”. Nhưng xưa nay nhân dân ta vẫn nói “thứ tư” chứ chưa có ai nói “thứ bốn” bao giờ. Thế là không nên, không hợp lý. Chúng ta nên sửa ngay lối tư duy cứng nhắc ấy.
Thứ năm, phải cẩn trọng, không được tùy tiện. Hồ Chí Minh nhắc tới cả việc cải cách chữ, viết hoa, viết tắt của nhiều người vẫn còn tuỳ tiện: “Có những khẩu hiệu viết rất to, nhưng Hồ Chủ tịch cũng không hiểu vì viết tắt cả một đống. Không ai đọc được, có lẽ chỉ có anh viết khẩu hiệu ấy đọc được thôi, Hồ Chủ tịch không hiểu thì chắc dân cũng ít người hiểu”[15]; “có cách viết “hoa hòe”, chữ U không ra chữ U, chữ N không ra chữ N, chữ I không ra chữ I”[16] chúng ta cũng nên sửa ngay để góp phần giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.
Tấm gương sáng ngời về tình yêu Tiếng Việt
Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương điển hình trong việc giữ gìn Tiếng Việt. Khi nói hoặc viết, Người đều chú ý cách diễn đạt phù hợp với đối tượng tiếp nhận, sao cho giản dị, dễ hiểu, dễ tiếp nhận, đặc biệt là đối với đông đảo quần chúng nhân dân. Mọi lời ăn tiếng nói của Người luôn vô cùng giản dị, mộc mạc, dễ đi vào lòng người. Người thường xuyên vận dụng tục ngữ, thành ngữ, ca dao, Truyện Kiều vào những bài nói, bài viết của mình, vừa tạo nên sự gần gũi, giản dị vừa sâu xa lý thú trong chiều sâu văn hoá Việt. Đặc biệt, Người vẫn giữ nguyên chất giọng đặc trưng của quê hương xứ Nghệ trầm ấm, thân thương. Trước lúc vĩnh viễn đi xa, Bác vẫn đau đáu mong chờ được nghe một khúc dân ca xứ Nghệ.
Để giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, Hồ Chí Minh luôn ưu tiên lựa chọn tiếng mẹ đẻ, khai thác hết những từ ngữ tiếng ta để dùng mọi lúc mọi nơi. Chẳng hạn: Người nói “tiếng nói” chứ không nói “ngôn ngữ”, nói “nước nhà” chứ không nói “quốc gia”, nói “chắc chắn” chứ không phải là “tất yếu”, nói “máy bay” mà không nói “phi cơ”, nói “vùng trời” mà không nói “không phận”, nói “vùng biển” mà không nói “hải phận”… Mặc dù đã từng đi khắp năm châu bốn biển, có trình độ học vấn uyên bác, thông thạo nhiều ngoại ngữ nhưng Hồ Chí Minh không xem ngoại ngữ là ngôn ngữ chính của mình. Người chỉ sử dụng ngoại ngữ trong những trường hợp bắt buộc như: ra nước ngoài, trong đàm phán hoặc làm việc với các chính khách. Những khi nói chuyện với đồng bào trong nước, Người luôn sử dụng ngôn ngữ của dân tộc. Trong những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp xuất bản ở Pari, Người vẫn viết những câu nguyên văn Tiếng Việt “cho đỡ nhớ” và sau đó chú thích bằng tiếng Pháp.
Trân trọng và yêu Tiếng Việt, nên bản thân chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cẩn trọng trong từng chữ, từng câu tiếng mẹ đẻ khi nói và viết. Trước khi công bố các bài viết, Người thường đọc thử cho một số người nghe, đề nghị góp ý và sửa chữa cẩn thận. Nhờ sự cẩn trọng như vậy, những tác phẩm chính luận, văn chương nghệ thuật hay những bài viết, bài nói của Người luôn thể hiện khả năng sử dụng ngôn từ một cách điêu luyện, chính xác, đạt hiệu quả cao và trở thành những di sản quí báu của văn hoá dân tộc.
Mộc mạc, giản dị mà lý thú sâu xa, lịch lãm, gần gũi đời thường mà trí tuệ, uyên bác, … đó là những gì ta nhận thấy trong ngôn ngữ của Hồ Chí Minh cũng như những gì ta nhớ mãi về Người – một nhân cách văn hoá khiêm nhường mà vô cùng vĩ đại.
[1,2,3,4,5,6,8,9,10,11,13,14,15,16]Hồ Chí Minh: Toàn tập.
[7,12]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011.
Quang Hoa