Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm của Người về biển, đảo vừa có ý nghĩa lịch sử, cụ thể, vừa có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, ở đó, ta thấy rõ tình cảm và tầm nhìn của vị lãnh tụ kính yêu đối với biển, đảo quê hương
Biển, đảo Việt Nam trong lịch sử - căn cứ pháp lý để đấu tranh hôm nay
Với Việt Nam, tên gọi Biển Đông xuất hiện từ thời kỳ đầu dựng nước. Bờ biển kéo dài gắn với công cuộc Nam tiến, mở đầu vào năm 1069 với việc nhà Lý lấy được 3 châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh của Chiêm Thành; được căn bản hoàn thành vào năm 1757 với việc vua Chân Lạp là Nặc Nguyên (Chey Chettha V) dâng đất Tầm Phong Long cảm ơn chúa Nguyễn có công cưu mang và đặt tên ngôi vua Chân Lạp, những phần đất còn lại cuối cùng ở miền Tây Nam Bộ chính thức thuộc quyền cai quản của chúa Nguyễn; được quy về một mối, thống nhất, ổn định và tương đối trọn vẹn với sự ra đời của vương triều Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX. Quá trình xác lập nội hàm tên gọi Biển Đông của Việt Nam phản ánh trung thực lịch sử Việt Nam với tư cách là một quốc gia bán đảo; là hình ảnh cụ thể và sinh động của cộng đồng dân cư Việt Nam đứng trước biển, sống cùng biển và chết không rời biển; đồng thời là thành quả trong công cuộc dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của Việt Nam[1].
Biển Đông theo quan niệm của Việt Nam chỉ là sự tiếp nối mà không chồng lấn lên vùng biển của Trung Quốc. Còn trên bản đồ Trung Quốc từ thập niên đầu của thế kỷ XX trở về truớc, chỉ xác nhận điểm cực nam của đảo Hải Nam là ở vĩ tuyến 18º13’ Bắc, nghĩa là ranh giới cực nam của lãnh thổ, lãnh hải Trung Quốc tính từ vị trí này chạy ngược lên phía Bắc cho đến đảo Đài Loan. Nhưng sau đó, Trung Quốc tự vẽ đường lưỡi bò (lúc đầu gồm 11 đứt đoạn, sau đó là 9 đứt đoạn) bao lấy hầu như toàn bộ Biển Đông và đang gọi vùng biển bao gồm cả Biển Đông của Việt Nam là biển Nam Hải, coi đó là cái ao riêng của mình. Ấy vậy mà có những kẻ nhu nhược, thiếu hiểu biết lại a dua cho rằng: Việt Nam xâm chiếm biển đảo của Trung Quốc thì nay Trung Quốc đòi lại!
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, Dự thảo Luật cảnh sát biển của Trung Quốc được Quốc hội nước này công bố ngày 6-11-2020 khiến nhiều quốc gia có tranh chấp biển với Trung Quốc quan tâm. Theo dự luật này, cảnh sát biển của Trung Quốc có quyền sử dụng vũ khí đối với các tàu nước ngoài được cho là vi phạm cái gọi là “vùng biển của Trung Quốc” (theo cách tự nhận của Trung Quốc) trong trong tình huống khẩn cấp hoặc khi các lời cảnh báo của Trung Quốc (như yêu cầu dừng tàu và cho cơ quan chức năng của Trung Quốc lên tàu kiểm tra) bị phớt lờ. Nó đe dọa ngư dân Việt Nam, gây nguy hiểm cho các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam tại Biển Đông. Bởi vậy, Việt Nam cần phải đặc biệt theo dõi diễn biến dự luật mới này để có cách thức đấu tranh phù hợp với luật pháp quốc tế và các căn cứ từ lịch sử.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ tàu Hải Lâm
năm 1961 (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với biển, đảo quê hương
Ngày 10/4/1956, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Bác Hồ khẳng định: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển… Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc[2].
Ngày 31/3/1959 thăm, nói chuyện với bà con làng cá Cát Bà (Hải Phòng), Người khẳng định: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”[3]. Đó chính là căn dặn chúng ta phải luôn luôn làm chủ việc khai tác các nguồn lợi, tiềm năng từ biển để phục vụ phát triển đất nước; đảm bảo quốc phòng, an ninh, kiên quyết bảo vệ giữ vững chủ quyền biển đảo trước mọi thế lực ngoại xâm.
Ngày 16/3/1961, Bác Hồ cùng bà Đặng Dĩnh Siêu (phu nhân của đồng chí Chu Ân Lai) đi thăm biển Hải Phòng, vịnh Hạ Long và một đơn vị hải quân Việt Nam. Gặp gỡ các chiến sỹ, cán bộ hải quân, Người căn dặn: “Bờ biển ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấy hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên”[4]. Lúc thuyền đưa Bác vào thăm hang Dấu Gỗ (Đầu Gỗ) trong vịnh Hạ Long, một chiến tích của tướng quân Trần Hưng Đạo từng làm căn cứ hậu cần sản xuất cọc gỗ để cắm trên sông Bạch Đằng chống quân Nguyên - Mông xâm lược, Bác Hồ lại nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó”[5].
Nói chuyện với nhân dân đảo Cô Tô, tỉnh Hải Ninh (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) ngày 9/5/1961, Bác Hồ nói rõ: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ. Cán bộ tỉnh Hải Ninh cần phải hướng dẫn và giúp đỡ đồng bào các đảo, để đồng bào các đảo góp phần vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà”[6].
Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 16/4/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng: “Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt.
Rừng vàng biển bạc, đất phì nhiêu.
Nhân dân dũng cảm và cần kiệm.
Các nước anh em giúp đỡ nhiều.
Thế là chúng ta có đủ cả ba điều kiện thuận lợi: thiên thời, địa lợi và nhân hoà để xây dựng chủ nghĩa xã hội”[7].
Đến thăm căn cứ hải quân đảo Vạn Hoa (thuộc Quảng Ninh) ngày 13/11/1962, Người nhắc nhở: “Là chiến sỹ hải quân, các chú phải yêu quý đảo như yêu quý nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp có lợi cho mình lại có lợi cho đất nước”[8].
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đảo Cô Tô, ngày 9/5/1961 (Ảnh tư liệu)
Trong gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân ngày 5/8/1965, Bác viết: “Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu, giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta”[9].
Trong những ngày đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom phá hoại, khi biết tin cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) chiến đấu dũng cảm, mưu trí bắn rơi máy bay Mỹ, ngày 5/6/1968, Người gửi thư khen ngợi: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ chiến đấu dũng cảm, mưu trí, trong một ngày 31 tháng 5 nǎm 1968 đã bắn rơi bốn máy bay Mỹ. Cồn Cỏ xứng đáng là đảo nhỏ anh hùng” và tặng hai câu thơ “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ”[10].
Ngày 20/10/1968, Bác lại có thư khích lệ: “Bác được báo cáo rằng, ngày 16/10/1968, các chú chiến đấu dũng cảm, mưu trí, lập công vẻ vang, chỉ trong vòng một giờ liên tiếp bắn rơi ba máy bay giặc Mỹ. Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi chiến sỹ và cán bộ đảo Cồn Cỏ anh hùng”[11].
Có thể nói, quan điểm của Hồ Chí Minh về biển đảo Việt Nam là sự tiếp nối truyền thống bảo vệ toàn vẹn bờ cõi, giang sơn của cha ông ta trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đó là tiếp nối tinh thần “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” của Lý Thường Kiệt, “Kẻ nào đánh mất một tấc đất của dân tộc vào tay kẻ thù đều đáng bị tru di” của Lê Thánh Tông, “Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác” của Nguyễn Trãi... Đồng thời đây còn là sự kế thừa, phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và tiếp thu tinh hoa nhân loại[12].
Quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo Việt Nam là trách nhiệm của toàn thể dân tộc. Thông điệp “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam” - chân lý khách quan, tiếp nối truyền thống mà tiền nhân đã tạo dựng; đồng thời là căn cứ bền vững nhất để phản bác mọi luận điệu thiếu hiểu biết, xuyên tạc về vấn đề Biển Đông.
Hơn lúc nào hết, chúng ta cần ôn lại quá khứ, học tập và làm theo căn dặn của chủ tịch Hồ Chí Minh về biển, đảo để hiểu biết sâu sắc và thêm quyết tâm giữ vững chủ quyền cho Tổ quốc Việt Nam.
Lê Mật
([1]) Nguyễn Quang Ngọc: Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại, Hà Nội, tháng 10/2014, tr.52,53.
([2])Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1956, tập 3, tr.262-264.
([3])Lê Mậu Hãn: Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn, Báo Nhân dân, ra ngày 05/02/2013.
([4]) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.46.
([5]) Bùi Đình Nguyên ghi theo lời của Đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
([6]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr.355.
([7]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.543-546.
([8]) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.310.
([9]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr 598.
([10]) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.222.
([11]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr.411.
([12]) Bùi Văn Mạnh: Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, Tạp chí Cộng sản, http://www.tapchicongsan.org.Việt Nam/Home