Trong hơn 75 năm qua, lực lượng Công an nhân dân không ngừng xây dựng, trưởng thành, lập nhiều chiến công, xứng đáng là công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Để có được thành công đó, lực lượng Công an nhân dân đã luôn quán triệt sâu sắc những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành rất nhiều tình cảm đặc biệt và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cụ thể, thường xuyên đối với lực lượng công an nhân dân.
Trước hết, Người đặc biệt quan tâm xây dựng tính nhân dân của Công an Việt Nam. Theo Người, Công an Việt Nam là Công an nhân dân, dựa vào nhân dân để công tác, chiến đấu và vì nhân dân phục vụ; coi đây là yếu tố quyết định, cội nguồn sức mạnh của công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Tại Trường Công an Trung cấp Khóa I, năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Công an phải là đầy tớ dân. Đã là đầy tớ dân thì Công an phải ra sức bảo vệ nhân dân, ra sức phục vụ nhân dân”.
Ngày 11/3/1948, Người gửi thư cho Công an Khu 12, căn dặn:“Tư cách người Công an cách mệnh là:
Đối với tự mình, phải: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH.
Đối với đồng sự, phải: THÂN ÁI, GIÚP ĐỠ.
Đối với chính phủ, phải: TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH
Đối với nhân dân, phải: KÍNH TRỌNG, LỄ PHÉP.
Đối với công việc, phải: TẬN TỤY
Đối với địch, phải: CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị Cảnh sát nhân dân Thủ đô,
mùng 1 Tết Quý Mão (1963) (Ảnh : TTXVN)
Trong Thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII năm 1948, cùng với 6 Điều dạy về Tư cách người Công an cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”(1).
Nói chuyện tại Trường Công an Trung cấp khóa II, năm 1951, Người chỉ dạy: “Công an nhân dân hoàn toàn khác công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân... Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân”(2).
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu công an nhân dân phải gần dân, vì dân, kính trọng, lễ phép với nhân dân, lấy sự tin yêu của nhân dân để đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc. Do đó, công an nhân dân phải nhận thức rõ sức mạnh và vai trò của nhân dân đối với công tác công an, phải làm sao cho nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự cũng là nhiệm vụ của toàn dân. Người chỉ rõ: “... Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao để có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”(3).
Trong quá trình tập trung chăm lo xây dựng công an nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta cũng rất quan tâm đến bản chất giai cấp công nhân, yếu tố cốt lõi của công an nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, chiến sĩ và toàn lực lượng công an nhân dân phải đặt lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết, công an nhân dân phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Đảng, phải phục tùng đường lối, chính sách của Đảng. Người dạy: “Công an cách mạng là một vũ khí sắc bén của chuyên chính vô sản”(4), “công an phải bảo vệ dân chủ của nhân dân và thực hiện chuyên chính với những kẻ chống lại dân chủ của nhân dân”(5). “Công tác công an phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng, thì dù khéo mấy cũng không kết quả”(6); “Đảng có lãnh đạo chính trị đúng, thì chuyên môn mới đúng”(7); “Đối với Chính phủ: Phải tuyệt đối trung thành”(8).
Cùng với việc xây dựng công an nhân dân về tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm xây dựng đạo đức, tư cách người Công an cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên thực hành, nêu gương về đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm và phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.
Lực lượng Công an nhân dân ngày càng trưởng thành vững mạnh (Ảnh: THANTV)
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, lực lượng công an nhân dân phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với quân đội nhân dân và các ngành, các đoàn thể quần chúng trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự. Theo Người: “...công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc”(9); vì vậy, công an nhân dân phải thường xuyên thực hiện tốt quan hệ hợp đồng tác chiến vì mục tiêu chung bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ và nhân dân. Tại lễ thành lập lực lượng công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), tháng 3/1959, Người khẳng định: “Công an và quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, ra sức phát triển ưu điểm, khắc phục những tư tưởng không đúng...”(10).
Người căn dặn lực lượng công an nhân dân, trong công tác, chiến đấu phải luôn ghi nhớ, giữ vững và thực hiện nghiêm các nguyên tắc, phương pháp, biện pháp công tác là, “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”(11); Chủ động phòng ngừa, tích cực tiến công; “cảnh giác giữ bí mật”(12); “Đánh địch phải đánh cho đúng, như “đánh rắn phải đánh dập đầu””(13); “phải hết sức cẩn thận và khôn khéo, nghiêm khắc với kẻ ngoan cố, đối với người thật sự cải tạo thì khoan hồng”(14); phải sử dụng thành thục, chính xác các phương tiện kỹ thuật... Đây chính là những chỉ dẫn quan trọng, làm cơ sở hình thành, bổ sung, hoàn thiện lý luận nghiệp vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Với sự quan tâm, chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể, sự tin yêu, giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân, lực lượng công an nhân dân công an nhân dân không ngừng trưởng thành, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, vững về pháp luật, sắc bén về nghiệp vụ và đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta để xây dựng đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Tiến Duy
(1) (8) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, T. 5, tr. 498, 498, 499
(2) (3) ) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, T. 7, tr. 269, 270
(4) (14) ) Hồ Chí Minh: Toàn tập) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, T. 14, tr. 71, 71-72
(5) ) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, T. 11, tr. 247
(6) ) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, T. 15, tr. 140
(7) (10) (12) ) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, T. 12, tr. 153, 153, 638
(9) (13) ) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, T. 10, tr. 258, 259