Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội II (1951) cũng như các Đại hội Đảng tiếp theo luôn bổ sung và phát triển các quan điểm chỉ đạo của Người, trở thành hệ giá trị lý luận quý báu, chỉ đường cho các kỳ đại hội của Đảng.
Dấu ấn trong công tác chuẩn bị Đại hội
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I họp ở Ma Cao (tháng 3-1935) đến Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951) cách nhau gần 16 năm, là khoảng thời gian dài nhất so với thời gian giữa các kỳ Đại hội. Trong thời gian đó, tình hình thế giới và Đông Dương có nhiều chuyển quan trọng, đặt ra những yêu cầu cấp bách đòi hỏi Đảng phải giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn phù hợp với thời cuộc; phải bổ sung và hoàn chỉnh đường lối cách mạng dân tộc dân chủ, tiến lên chủ nghĩa xã hội; kịp thời hoạch định những chủ trương để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi; đặc biệt là, Đảng phải ra công khai lãnh đạo cách mạng với tư cách là một Đảng cầm quyền.
Để làm tròn nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang đó, Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có một quá trình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, chặt chẽ, để lại những dấu ấn và bài học quý.
Ngay sau chiến thắng Việt Bắc, Hội nghị Trung ương mở rộng họp từ ngày 15 đến ngày 17-1-1948 đã đặt vấn đề chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ II.
Tiếp đó, Hội nghị cán bộ lần thứ 6 (tháng 1-1949) nêu rõ việc chuẩn bị Đại hội lần thứ II của Đảng với hai nội dung quan trọng: “một là, Trung ương chuẩn bị đề án cho kịp thời, có đề án riêng cho các chi bộ; hai là, các địa phương phải gửi báo cáo tình hình mọi mặt về Trung ương trước tháng 3-1949”[1]. Trong Báo cáo của Hội nghị, Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định công việc chuẩn bị Đại hội II của Đảng là một trong những nhiêm vụ lớn và không thể chậm trễ. Đại hội có mục đích: “Sửa đổi chính cương, Điều lệ Đảng. Đúc kinh nghiệm toàn quốc về mọi mặt quân sự, dân vận, Đảng và định rõ nhiệm vụ của Đảng ta mọi mặt trong giai đoạn kháng chiến hiện tại”[2].
Bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ việc trước hết phải làm là “chỉnh đốn nội bộ Đảng. Phải nêu ra những việc chính, nắm lấy nó mà làm. Đảng ví như cái máy phát điện, các công việc trên ví như những ngọn đèn, máy mạnh thì đèn sáng”[3].
Đầu Xuân Tân Mão (1951), Hồ Chí Minh gửi Thơ chúc Tết tặng đồng bào cả nước, dự báo thời cơ quyết định đang tới:
“Xuân này kháng chiến đã năm xuân,
Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công.
Toàn dân hăng hái một lòng,
Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời”[4]
Dấu ấn đặc biệt trong quá trình chuẩn bị Đại hội II là Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi Đại hội trù bị với những ý kiến chỉ đạo ngắn gọn, súc tích không chỉ phản ánh tư tưởng chủ đạo và nội dung chính của Đại hội là “…Đại hội kháng chiến. Nhiệm vụ chính của Đại hội ta là đẩy kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng lao động Việt Nam”[5], mà còn chứng tỏ Người rất quan tâm đến thành công của Đại hội thông qua gợi ý cách thảo luận. Người chỉ dẫn và nhấn mạnh “nghiên cứu thật sâu, thảo luận thật kỹ những vấn đề chính; hiểu rõ nội dung sự phát triển và sự quan hệ giữa vấn đề này với vấn dề khác; nên đưa các vấn đề vào hiện tại và tương lai hơn quá khứ; chỉ nên bàn kỹ, xét kỹ tư tưởng, chính sách, phương châm và tổ chức”[6].
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác chuẩn bị Đại hội II được tiến hành khoa học, chu đáo, cẩn trọng, thể hiện tầm quan trọng đặc biệt của Đại hội II, một đại hội phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề cấp bách như định lại chính cương, sách lược của Đảng, sửa đổi Điều lệ Đảng, bổ sung Ủy viên Trung ương Đảng, ấn định nhiệm vụ giai đoạn mới, đúc kết kinh nghiệm, thống nhất tư tưởng, hành động, v.v.. Cách chuẩn bị Đại hội để lại dấu ấn sâu sắc nhất là thể hiện tinh thần dân chủ hóa, hướng tới làm trong sạch bộ máy, phát huy trí tuệ của toàn Đảng. Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh cho thấy dấu ấn quan trọng về mặt phương pháp luận, đó là tập trung vào nhiệm vụ chính, nhiệm vụ trọng tâm, làm thật sâu, thật kỹ, chú ý các mối quan hệ và sự phát triển từ hiện tại tới tương lai. Người dặn “Đại hội ta cũng phải quân sự hóa”[7] là chỉ rõ mọi vấn đề phải xuất phát từ thực tiễn, từ hoàn cảnh cụ thể.
Quang cảnh Đại hội II (Ảnh tư liệu)
Dấu ấn trong các văn kiện trình bày tại Đại hội
Đại hội lần thứ II của Đảng được tiến hành tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951, với sự tham dự của 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt 766.349 đảng viên.
Để đẩy mạnh kháng chiến, Đại hội đã đề ra 12 chính sách cơ bản để động viên, tập hợp sức mạnh toàn dân tộc quyết tâm giành thắng lợi. Đặc biệt, Đại hội nhất trí thông qua “Chính cương”, “Điều lệ” của Đảng và Nghị quyết đưa Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Điều lệ của Đảng nhấn mạnh: “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Mục đích của Đảng là phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, để thực hiện tự do, hạnh phúc cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và tất cả các dân tộc đa số, thiểu số ở Việt Nam”[8]. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và xây dựng Đảng theo nguyên tắc một Đảng vô sản kiểu mới. Bên cạnh đó, Điều lệ đã nêu ra những quy định chặt chẽ về việc kết nạp đảng viên, về nhiệm vụ học tập lý luận của đảng viên, về chế độ đề cao kỷ luật và dân chủ trong Đảng và việc khuyến khích giúp đỡ quần chúng phê bình chủ trương, chính sách của Đảng, phê bình cán bộ, đảng viên. Bản Điều lệ mới do Đại hội thông qua là bước tiến mới trong công tác xây dựng Đảng. Đây là một trong những cơ sở để tăng thêm sức mạnh đoàn kết chiến đấu và tính tiên phong cách mạng của Đảng Lao động Việt Nam.
Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày Báo cáo chính trị nêu rõ những biến đổi của đất nước, thế giới, nêu lên những khó khăn của Đảng, Chính phủ và nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới.
Về xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Đảng ta thành tích khá nhiều, nhưng khuyết điểm cũng không ít. Chúng ta cần phải thật thà tự phê bình để sửa chữa. Phải cố sửa chữa để tiến bộ” [9]. Người chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém của cán bộ, đảng viên, từ Trung ương đến địa phương như: “Ở các cơ quan lãnh đạo các cấp, về lề lối làm việc, về chủ trương và cách lãnh đạo còn có những khuyết điểm khá phổ thông và nghiêm trọng. Ấy là những bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi và bệnh công thần”[10]. Báo cáo chính trị tại Đại hội II của Đảng đã chỉ rõ nguyên nhân của những yếu kém: “Trong Đảng có những bệnh ấy và bệnh khác. Trung ương cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Vì Trung ương chưa chú trọng việc kiểm tra. Sự huấn luyện về chủ nghĩa tuy có, nhưng chưa được khắp, chưa được đủ. Dân chủ trong Đảng chưa được thực hiện rộng rãi. Phê bình và tự phê bình chưa thành nền nếp thường xuyên”[11]. Chỉ đạo tại Đại hội II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh những vấn đề rất quan trọng: Xác định những biến chuyển của tình hình thế giới; các giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam; sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm của Đảng; khẳng định vai trò, bản chất của Đảng; các nhân tố tạo nên sức mạnh nội lực của dân tộc.
Về công tác lý luận của Đảng, tại Đại hội có nhiều ý kiến đề cập tới chủ nghĩa Mác, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày rõ phương pháp vận dụng sáng tạo và áp dụng học thuyết này. Người nêu rõ: “Tôi thấy các đồng chí lên phát biểu ý kiến nhắc đến chủ nghĩa Mác luôn. Cái đó rất đúng. Nhưng mà nhắc đến chủ nghĩa Mác, phải áp dụng chủ nghĩa Mác cho đúng. Cốt yếu là ở đấy. Chủ nghĩa Mác là gì? Là cộng sản. Mà làm cộng sản thì ai lãnh đạo? Giai cấp công nhân…Nói chung toàn thế giới cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo, nhưng quyền lãnh đạo không phải cứ nói “ta lãnh đạo đây, ta lãnh đạo đây” mà phải tranh đấu, huấn luyện, tổ chức mà tranh lấy”.[12]
Về tổ chức Đảng Cộng sản ở mỗi nước, theo đề nghị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, vào thời điểm đó trên cơ sở của Đảng Cộng sản Đông Dương nên tổ chức ở mỗi nước một Đảng Cộng sản để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc mình. Tại Đại hội, đồng chí Cayxỏn Phômvihản, đại diện nhân dân Lào phát biểu đáp từ đề nghị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, khẳng định những thành công của Đảng Cộng sản Đông Dương trong lãnh đạo cách mạng Đông Dương trong 21 năm qua, đã làm tròn nhiệm vụ do ba dân tộc giao phó, do tình hình thay đổi nên “…đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tách Đảng Cộng sản Đông Dương ra Đảng Lao động Việt Nam và ở Miên, Lào có hai tổ chức khác là rất đúng và thích hợp với tình hình mới; ba dân tộc có ba quốc gia rõ rệt…Chúng tôi, người cộng sản Lào tán thành đề nghị đó không chút thắc mắc”[13]. Đại biểu Campuchia phát biểu: “Tôi nhận rằng từ trước đến nay, Đảng Cộng sản Đông Dương rất có thành tích trong việc lãnh đạo cách mạng Việt, Miên, Lào. Nhưng nay cách mạng ba nước có ba đặc tính riêng khác nhau, không thể có một Đảng bao trùm được mà Miên, Lào sẽ lập hai Đảng khác nhau. Vì thế tôi rất hoan nghênh đề nghị sáng suốt của Báo cáo chính trị”[14].
Trước những ý kiến, nguyện vọng của hai nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu thị niềm vui về quyết định của Đại hội xây dựng ba Đảng Cộng sản ở ba nước. Người bày tỏ: “Sau khi nghe các đồng chí ở Miên, Lào phát biểu ý kiến, chắc Đại hội cũng như tôi, chúng ta rất cảm động…Chúng ta như con một nhà, một nhà cộng sản, một nhà cách mạng. Bây giờ con cái đã lớn khôn rồi, phải chia nhà, chia cửa ở riêng. Con trai có vợ, con gái có chồng. Sau này con đẻ cháu đông đúc; từ gia đình nhỏ tiến lên gia đình lớn rất mạnh, từ gia đình lớn tiến lên họ hang, họ hàng càng to, càng mạnh, đông người nhiều việc, nhất định chóng thành công”.[15]
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với Ban Trù bị
Đại hội lần thứ II của Đảng, ngày 9-2-1951 (Ảnh Tư liệu)
Về tại sao chúng ta lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam: “Là cốt để củng cố thêm vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, củng cố công nông liên minh, gắn bó giai cấp công nhân với các tầng lớp nhân dân lao động khác, thống nhất các lực lượng dân tộc và dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng”[16] và lấy tên Đảng Lao động Việt Nam chẳng những lợi cho việc đoàn kết toàn dân đánh bại quân xâm lược, mà còn lợi cho việc thống nhất mặt trận phản đế của ba dân tộc Việt, Miên, Lào chống đế quốc Pháp - Mỹ, giành độc lập hoàn toàn cho các dân tộc Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”[17]. Đây là sáng tạo đặc biệt của Hồ Chí Minh khi nói về bản chất giai cấp công nhân của Đảng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nước ta.
Các văn kiện được trình bày tại Đại hội đều thể hiện dấu ấn, tư tưởng và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Luận cương cách mạng Việt Nam do đồng chí Trường Chinh đọc khẳng định Hồ Chủ tịch, Người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng. Báo cáo nêu lên nhiều phẩm chất cao quý, đức độ, tài năng, bản lĩnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là biểu tượng sáng ngời của đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nêu gương sáng về tinh thần kiên quyết đấu tranh, lòng trung thành rất mực với Đảng, với giai cấp và dân tộc. Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh bản lĩnh, trí tuệ và tư duy đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người dạy chúng ta mỗi khi tình hình đổi mới, điều kiện mới của cuộc vận động cách mạng đã đẻ ra, thì phải lập tức xét lại chủ trương, chính sách và phương pháp vận động, căn cứ vào tình hình mới mà định phương châm chiến lược và chiến thuật, không nên bám lấy những khuôn khổ cũ kỹ”[18].
Những chỉ đạo đó của Người, cho đến nay, vẫn còn nguyên giá trị được thể hiện xuyên suốt trong các kỳ đại hội của Đảng, nhất là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đại hội diễn ra trong bối cảnh nước ta đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được nhiều thành quả quan trọng. Tuy nhiên, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường; các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, chế độ và ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra trong những tháng đầu năm 2021 tác động không nhỏ đến quá trình chuẩn bị, triển khai tổ chức đại hội. Trong bối cảnh đó, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đại hội Đảng vẫn còn nguyên giá trị và soi sáng cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đại hội khẳng định, Đảng tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao bản lĩnh, năng lực lãnh đạo, cầm quyền trong hoạch định và thực hiện đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại.
Dương Minh
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tập 10, tr.24.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập10, tr.149.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr 15.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr 2.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 15.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.14.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.14.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tập 12, tr.444.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr 32.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr 33.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr 35.
[12] Dẫn theo: Ban Tuyên giáo Trung ương – Tỉnh ủy Tuyên Quang, Đại hội II của Đảng tại Tuyên Quang Thủ đô kháng chiến, Nxb CTQG, HN,2011, tr 115.
[13] Ban Tuyên giáo Trung ương – Tỉnh ủy Tuyên Quang, Đại hội II của Đảng tại Tuyên Quang Thủ đô kháng chiến, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 117.
[14] Ban Tuyên giáo Trung ương – Tỉnh ủy Tuyên Quang, Đại hội II của Đảng tại Tuyên Quang Thủ đô kháng chiến, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 117.
[15] Ban Tuyên giáo Trung ương – Tỉnh ủy Tuyên Quang, Đại hội II của Đảng tại Tuyên Quang Thủ đô kháng chiến, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 117.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.12, tr.156.
[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.41.
[18] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.12, tr.174.