Ngay trong những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh đã trăn trở việc thành lập Đài Phát thanh quốc gia để phục vụ sự nghiệp cách mạng và sau này, Người luôn quan tâm đến sự phát triển của Đài, dành cho cán bộ, phóng viên, nhân viên của Đài tình cảm đặc biệt
Buổi phát thanh đầu tiên
Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Xuân Thủy và Bộ Thông tin, Tuyên truyền gấp rút thành lập Đài Phát thanh Quốc gia.
Người chỉ rõ hai nội dung quan trọng của Đài Phát thanh: Về đối nội, truyền bá những chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, phản ánh kịp thời tình hình trong nước và thế giới; là cầu nối giữa trung ương với địa phương, chính quyền với nhân dân. Về đối ngoại, đập tan những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cách mạng Việt Nam.
Với nhiệt huyết cách mạng đang sục sôi, các trí thức trẻ như Trần Kim Xuyến, Trần Lâm, Chu Văn Tích, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Dự, Lê Quang Lân và một số người khác hăng hái bắt tay gây dựng Đài phát thanh quốc gia.
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng với lời xướng: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” trên nền ca khúc hùng tráng “Diệt phát xít” của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, do các ca sĩ nghiệp dư hát trực tiếp cùng dàn nhạc nhỏ bé.
Ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam phát chương trình đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của Đài Phát thanh Quốc gia (Ảnh: Đài Tiếng nói Việt Nam)
Chương trình phát thanh đầu tiên dài 90 phút, bao gồm nội dung đối nội, đối ngoại, ca nhạc, và trọng tâm đặc biệt là long trọng phát đi toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình chiều ngày 2/9/1945. Tiếp đó là tin tức thời sự phát bằng ba thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh.
Đài cũng truyền đi thông tin về phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945 với việc đề ra những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ và nhân dân: Tập trung tăng gia sản xuất để chống đói; mở ngay chiến dịch chống nạn mù chữ; tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử; mở chiến dịch giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ thói hư, tật xấu do chế độ thực dân để lại; bãi bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết.
Tiếp đó, Đài thông tin, cổ vũ việc thực hiện những nhiệm vụ cấp bách mà Hội nghị cán bộ Bắc Kỳ đề ra về chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội, trong đó “nhiệm vụ chính, trọng tâm trong lúc này là củng cố chính quyền, dùng chính trị, ngoại giao, quân sự để giữ vững nền độc lập”1.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng xúc động nhớ lại: “Khoảnh khắc thời gian ấy, giờ phút lịch sử ấy chỉ diễn ra trong 90 phút, nhưng mãi mãi in đậm vào ký ức của người Việt Nam”2.
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai, thì vào lúc 1 giờ sáng ngày 24/9, Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan ngôn luận đầu tiên phát sóng truyền Lệnh Nam Bộ kháng chiến.
Hai ngày sau, Đài truyền đi bức thứ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ, khẳng định quyết tâm sắt đá với đồng bào, chiến sĩ miền Nam anh dũng, kiên cường, đi trước về sau.
Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tiến hành ngày 6/1/1946. Đài Tiếng nói Việt Nam đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; coi trọng lực lượng cộng tác viên khắp ba miền để tuyên truyền, cổ động cho cuộc Tổng tuyển cử; vừa phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân, vừa truyền đi lời giải thích và mong mỏi của Bác Hồ: “... Hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giầu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”3.
Nhớ mãi lời Bác
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh 6 lần đến thăm Đài Tiếng nói Việt Nam. Mỗi lần đến thăm Đài, Người lại giao một nhiệm vụ mới, một lời khuyên nhủ mới.
Lần đầu tiên: Trưa ngày 9/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Phòng Bá âm của Đài (tại số 4 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội) nói chuyện trực tiếp với đồng bào, chiến sĩ cả nước, giải thích Hiệp định sơ bộ Việt – Pháp ký ngày 6/3/1946. Người khẳng định: “Đồng bào hãy tin rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”4 như các đảng phái phản động xuyên tạc. Lời căn dặn đầu tiên của Người là tuyên truyền trên Đài cốt yếu phải giữ vững nguyên tắc, nhằm mục tiêu bất di bất dịch là bảo vệ cho được nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc, đồng thời phải bình tĩnh, biết vận dụng sách lược mềm dẻo. Hay nói theo triết lý của người xưa mà Bác nhiều lần nhắc lại là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Lần thứ hai: Trưa ngày 23/10/1946, vừa ở Pháp về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ngay phòng Bá âm của Đài Tiếng nói Việt Nam (tại số 4 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội). Mở đầu cuộc nói chuyện trực tiếp với đồng bào, chiến sĩ, Người xúc động nói: “Hỡi đồng bào toàn quốc, Tôi đi vắng đã hơn 4 tháng. Hôm nay về đến nước nhà. Trông thấy Tổ quốc, trông thấy đồng bào, tôi thật là vui vẻ”5. Người giải thích về Tạm ước 14/9/1946 vừa ký với Chính phủ Pháp nhằm tranh thủ thời gian chuẩn bị kháng chiến. Người nhấn mạnh: thời gian lúc này, từng khắc, từng ngày là quý hơn vàng. Cuối cùng Người xúc động nghẹn ngào nói: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam Bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc”6.
Lần thứ ba: Đêm Giao thừa Tết Đinh Hợi (21/1/1947), Bác Hồ đến thăm, chúc Tết cán bộ, nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam đang sơ tán tại Chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Tại đây, Đài đã ghi âm bài thơ Chúc Tết của Người gửi đồng bào, chiến sĩ trong nước, kiều bào ở nước ngoài và phát vào chương trình 6 giờ sáng ngày Mùng Một Tết Đinh Hợi (22/1/1947):
“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sỹ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông,
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”7.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ, phóng viên, nghệ sỹ
Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1967 (Ảnh tư liệu)
Lần thứ tư: Cuối buổi chiều một ngày đầu năm 1955, Bác Hồ đến thăm cán bộ nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại 56-58 Quán Sứ, Hà Nội. Người căn dặn: “Bây giờ kháng chiến đã thành công, nhưng mới giành được độc lập, tự do cho nửa nước. Nhiệm vụ cách mạng còn lâu dài, gian khổ, cán bộ phải giữ vững ý chí cách mạng, đề phòng những viên đạn bọc đường”. Người còn chỉ dạy “đất nước còn nghèo nên phải tự lực tự cường, phải làm việc theo kiểu con nhà nghèo, chứ đừng đòi hỏi nhiều ở Nhà nước”.
Lần thứ 5: Sáng ngày 5/9/1960, trong giờ giải lao, Bác Hồ đến tận xe thu thanh lưu động của Đài thăm cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên đang ghi âm lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Người dạy: “Muốn làm phát thanh tốt thì tay nghề phải cao”.
Lần thứ 6: Khoảng 20 giờ một ngày đầu năm 1961, Bác Hồ đến thăm cán bộ, nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam đang làm việc tại Phòng Bá âm (nay là Trung tâm Âm thanh) ở 37 Bà Triệu, Hà Nội. Tại đây Bác nhắc nhở: “Nước còn nghèo nên phải biết tiết kiệm, tự lực, tự cường”.
Về rèn luyện nghề phát thanh, Bác chỉ rõ: “Các cô, các chú phải luôn luôn nhớ mình làm báo nói, chứ không phải là báo in trên giấy trắng mực đen. Báo nói hay báo viết thì cũng phải luôn luôn đặt cho mình câu hỏi: Viết cho ai? Viết nhằm mục đích gì? Viết về cái gì và viết như thế nào? Làm báo nói thì phải chú ý viết như thế nào, nói như thế nào để người nghe thoáng qua lại hiểu được đúng điều mình muốn truyền đạt, làm sao cho người nghe dễ nhớ, dễ làm theo”.
Nhớ lời Bác dạy, trong 76 năm xây dựng và trưởng thành, Đài Tiếng nói Việt Nam đã nỗ lực, năng động, sáng tạo, đổi mới, xây dựng Đài thực sự là cơ quan truyền thông đa loại hình, đa phương tiện hiện đại, vững mạnh; nâng cao hơn nữa tính cách mạng, tính định hướng, tính chiến đấu, tính văn hóa, tính hiện đại; nâng cao hơn nữa khả năng lan tỏa thông tin, cả trong và ngoài nước, giữ vững vị thế là cơ quan báo chí chủ lực, quan trọng của Đảng, Nhà nước, là nhịp cầu, là diễn đàn tin yêu của nhân dân, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tiến Duy
----------------------
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.5, 6
2 Phạm Văn Đồng: Lời tựa cuốn sách “Nửa thế kỷ Tiếng nói Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, 1995.
3 Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 30/9/2019.
4 “70 năm Đài Tiếng nói Việt Nam” (1945-2015), Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.38
5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.467.
6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.470.
7 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.20.