Hậu cần - Kỹ thuật là một lực lượng quan trọng của Công an nhân dân Việt Nam, có quá trình ra đời, phát triển gắn liền với sự nghiệp cách mạng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, an ninh Tổ quốc và trật tự xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành những tình cảm đặc biệt cho lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật Công an nhân dân
1. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cùng với việc xây dựng và tổ chức bộ máy Nhà nước, lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945) thì những đơn vị, lực lượng đầu tiên của Hậu cần - Kỹ thuật cũng dần được hình thành ở Trung ương và các địa phương. Tiền đề cho lực lượng này là các cá nhân, đơn vị phụ trách công tác tiếp nhận, quản lý, cơ sở vật chất (Nhà cửa, máy móc, vũ khí, tài sản…) từ chế độ cũ để lại.
Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng, ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/NV thành lập Việt Nam Công an vụ, trực thuộc Bộ Nội vụ, trên cơ sở hợp nhất các Sở Cảnh sát và Sở Liêm phóng toàn quốc.
Ngày 18/4/1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định về tổ chức Việt Nam Công an vụ, quy định hệ thống tổ chức, các cơ quan chuyên môn từ Nha Công an Trung ương đến Ty Công an các tỉnh. Nghị định nêu rõ: “Ở các cấp Công an đều có Văn phòng gồm bộ phận kế toán, quản trị đảm nhận việc thanh quyết toán lương, chi phí vật liệu văn phòng phẩm, quản trị cơ quan”.
Trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Văn Tình và đồng chí Phạm Gia Nội được giao phụ trách công tác Quản trị của Sở Công an Bắc Bộ và sau đó là Nha Công an Trung ương. Đây chính là tổ chức tiền thân và những cán bộ phụ trách đầu tiên làm công tác hậu cần, kỹ thuật của lực lượng Công an[i].
Sau khi ra đời, lực lượng này đã tiếp quản cơ sở vật chất của chế độ cũ, phục vụ trực tiếp công tác chiến đấu của lực lượng công an, góp phần bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mới giành được.
Sắc lệnh thành lập Việt Nam Công an vụ (Nguồn ảnh: Thư viện Pháp luật)
Không chỉ với tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác cán bộ của lực lượng công an nói chung, cán bộ lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật nói riêng. Ngày 22/03/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 30/ SL bổ nhiệm Giám đốc Việt Nam Công an vụ cho ông Nguyễn Dương sung chức Giám đốc Công an vụ, thuộc Bộ Nội vụ.
2. Với tinh thần “chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi, toàn quân, toàn dân ta đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược.
Đối với hoạt động của Công an nhân dân, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật có đóng góp lớn và không ngừng được xây dựng, phát triển. Ngày 29/10/1947, Nha Công an Trung ương ra Nghị quyết số A00092 về chương trình hoạt động của bộ máy Trung ương đến các Sở, Khu, Ty đều có bộ máy tổ chức Văn phòng và bộ máy tổ chức Văn phòng có bộ phận làm công tác kế toán, tiếp liệu và quản trị. Đến ngày 5/4/1948, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 219/NĐ về tổ chức bộ máy Công an cả nước có 3 cấp: Nha Công an Trung ương, Công an cấp kỳ, Công an cấp tỉnh. Cùng với đó, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật được hình thành rõ nét hơn với chức măng, nhiệm vụ rõ ràng hơn như: Quản lý, cấp phát lương bổng, công tác phí, văn phòng, quản trị, mua sắm trang thiết bị, vũ khí chiến đấu…
3. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt là Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ hai, họp từ ngày 25 đến ngày 29/01/1948 đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của ngành Công an, trong đó, có công tác hậu cần - kỹ thuật phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Từ đây, nhiệm vụ, bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác hậu cần - kỹ thuật đã hình thành và phát triển, gắn liền với quá trình xây dựng và trưởng thành của lực lượng Công an. Tháng 3 năm 1948, trong Thư gửi đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Công an Khu XII, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ Tư cách người công an nhân dân:
“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tuỵ.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”[ii].
Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng lớn của lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật Công an nhân dân, ngày 18/7/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 169-SL bổ nhiệm các chức vụ: Chánh Văn phòng Bộ Công an, Giám đốc Vụ Bảo vệ chính trị, Giám đốc và Phó Giám đốc Vụ Trị an - Hành chính, Phó Giám đốc Vụ Chấp pháp và Cục phó Cục Cảnh vệ. Từ sắc lệnh này, tổ chức bộ máy và cán bộ của lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật công an đã được xây dựng ngày càng chuyên môn hóa.
Đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật Công an có thêm nhiều nhiệm vụ mới, bộ máy và phương thức hoạt động của lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật ra đời trong khách chiến không còn phù hợp. Do vậy, tháng 5/1958, Phòng Quản trị Bộ Công an được tách ra để thành lập phòng Tài vụ quản trị trực thuộc Bộ, đến 6/1959 là Phòng Tài vụ - Kế hoạch, do đồng chí Lê Sỹ Vỹ làm Trưởng phòng. Phòng Tài vụ - Kế hoạch có nhiệm vụ: Lập kế hoạch ngân sách, quản lý ngân sách bảo đảm chi tiêu của Bộ; công tác quản trị cơ quan Bộ kể cả Cảnh trang của Cảnh sát nhân dân, quản lý vật tư kỹ thuật, xây dựng cơ bản. Đây là cơ quan chuyên trách của lực lượng Hậu cần - Hỹ thuật trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc Việt Nam.
4. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 3195/QĐ-BCA-X11 ngày 29/7/2012 về việc xác định ngày 25/01/1948 là ngày truyền thống của lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật Công an nhân dân và ngày 25/01 hằng năm là ngày truyền thống của lực lượng Hậu cần Công an nhân dân.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước từ 1986, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, xứng đáng với sự quan tâm, tin tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho lực lượng công an nói chung và lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật nói riêng.
Trong 75 năm (25/01/1948 - 25/01/2023) ra đời, phát triển lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật Công an nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành nhiều tình cảm cũng như sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng, phát triển lực lượng Công an nhân dân. Nhờ đó, lực lượng này đã cùng với ngành Công an nhân dân có nhiều đóng góp quan trọng cho cách mạng nước nhà, trong sự nghiệp kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.
Hòa Phạm