Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch hàng năm) là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao dựng nước của các vua Hùng. Suốt chiều dài lịch sử, những giá trị tốt đẹp của Lễ Giỗ Tổ đã được các thế hệ người Việt gìn giữ, bồi đắp và trao truyền để không bao giờ quên đi biểu tượng của cội nguồn đất nước, giống nòi. Với Hồ Chí Minh – người anh hùng vĩ đại của dân tộc, mạch nguồn văn hóa truyền thống luôn thấm đẫm trong tư tưởng, suy nghĩ của Người và lúc sinh thời, Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến ngày Giỗ Tổ cũng như nhắc nhở mọi người ghi nhớ công lao dựng nước của các vua Hùng, ra sức phấn đấu, cống hiến nhằm xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc cho xứng đáng với ân đức của các bậc tiền nhân.
Bác Hồ căn dặn cán bộ, chiến sỹ “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (Ảnh Tư liệu)
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống văn hóa, tinh thần hiếu học, Hồ Chí Minh sớm tiếp thu và am hiểu về văn hóa con người Việt Nam, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Lúc sinh thời, Người từng nói: “Chúng tôi có phong tục lấy gạo ngon làm ra rượu uống, khi có bạn tới chơi hoặc khi có ngày giỗ tổ tiên… Việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội”[i]. Đối với Hồ Chí Minh, lòng biết ơn, thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng tâm linh, đồng thời cũng là giá trị đạo đức cơ bản của người Việt Nam. Theo quan niệm của Người, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc ta không chỉ bó hẹp trong gia đình, dòng họ mà còn mở rộng thành tín ngưỡng thờ cúng Thành hoàng của các làng xã và cao hơn là tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng – quốc Tổ của đất nước. Cho nên Người khẳng định:
“Kể năm hơn bốn nghìn năm
Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa”[ii]
Kế tục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của cha ông, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký "Sắc lệnh số 22C", ngày 18-2-1946, ấn định những ngày Tết, ngày kỷ niệm lịch sử và ngày lễ tôn giáo”[iii], trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch). Trong ngày lễ này, các công sở trong toàn quốc sẽ đóng cửa và sẽ cử nhân viên để phụ trách công việc thường trực; đồng thời viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền được hưởng lương để tham gia các hoạt động Giỗ Tổ, hướng về cội nguồn dân tộc. Trong năm đầu tiên khi Chính phủ mới được thành lập, dù công việc bộn bề, ngày 11/4/1946 (tức ngày mồng 10/3 Âm lịch năm Bính Tuất), “16 giờ, tại Việt Nam học xá, Người dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương”[iv] để tỏ lòng tưởng nhớ đến ân đức của các Vua Hùng đã có công dựng nước, tạo nên non sông gấm vóc cho con cháu Lạc Hồng.
Trong cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Đền Hùng hai lần và những lần Người đến đều để lại những dấu ấn đặc biệt. Lần đầu tiên là ngày 19/9/1954, Người chọn Đền Hùng làm nơi gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong để căn dặn về nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Trên đất Tổ thiêng liêng, nơi ghi dấu công lao dựng nước của các Vua Hùng, Người đã tổng kết và nhắc nhở các cán bộ, chiến sỹ về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc bằng một câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”[v].
Lần thứ hai, Trong dịp công tác tại tỉnh Phú Thọ, Bác về thăm Đền Hùng, dâng hương tại Đền Thượng, viếng mộ Tổ vào ngày 19/8/1962. Đây là thời điểm đế quốc Mỹ chuẩn bị cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc. Lên đến đền Hạ, các đồng chí bảo vệ sợ Bác mệt, xin Bác nghỉ lại và mời Bác xuống núi. Bác nói: “Leo núi phải lên đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng, đã đi phải tới đích”. Trước khi về Bác căn dặn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ “phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến thăm”[vi]. Cả hai lần đến, dù thời điểm, bối cảnh lịch sử khác nhau, nhưng Hồ Chí Minh luôn ý thức sâu sắc về giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của miền đất Tổ và trong mỗi hành động và lời nói, Người đều khơi gợi giá trị cội nguồn cũng như công lao của các Vua Hùng đối với lịch sử dựng nước của dân tộc. Để từ đó, người căn dặn cán bộ, chiến sỹ biết nhớ về lịch sử dựng nước, biết trân trọng công lao của các bậc tiền nhân, biết giữ gìn đạo lý truyền thống và kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho các thế hệ mai sau. Điều đó đã khơi dậy lòng tự hào, tình cảm thiêng liêng và ý thức về lịch sử dựng nước trong mỗi cán bộ, chiến sỹ; nhắc nhở họ thêm quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược, gìn giữ non sông mà cha ông đã dày công gây dựng. Đồng thời, những giá trị tốt đẹp ấy cũng là ngọn nguồn góp phần bồi đắp ý chí, tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, ngày một giàu mạnh, văn minh.
Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành một ngày lễ đặc biệt để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước và là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản văn hóa đã thấm sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của con người Việt Nam. Đây cũng là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiệm vụ "cùng nhau giữ lấy nước" thiêng liêng. Từ đó nhìn lại những thăng trầm trong lịch sử dân tộc, khắc ghi công lao của bao thế hệ đi trước và giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để có thêm bài học và quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
[i] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.462-463
[ii] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.259
[iii] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.559
[iv] Đỗ Hoàng Linh: Hồ Chí Minh – 474 ngày Độc lập đầu tiên, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2008, tr.134
[v] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr.59
[vi] https://baonghean.vn/ky-niem-2-lan-bac-ho-ve-tham-den-hung-132826.html
Lê Thủ