“Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Kế thừa và phát huy truyền thống đó, từ đề xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày thương binh (sau này là Ngày thương binh, liệt sĩ ) ra đời và trở thành phong trào toàn dân tri ân công lao các anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng
Lịch sử đất nước ta đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã kết tinh nhiều truyền thống quý báu. Trong quá trình đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc, đã xuất hiện biết bao tấm gương hy sinh vì nước, vì dân mà lịch sử còn lưu truyền mãi, theo đó, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” đã ăn sâu vào tiềm thức và trở thành hành động của bao thế hệ người Việt Nam.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết khơi dậy, tiếp nối và phát triển truyền thống tốt đẹp đó, biến nó thành những phong trào toàn dân, phục vụ tích cực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, một trong những vấn đề đặt ra cần giải quyết là chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sĩ. Trên cương vị đứng đầu Chính phủ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy đây là vấn đề không những cần phải giải quyết kịp thời mà còn có ý nghĩa lâu dài, phù hợp với đạo lý, truyền thống dân tộc và trước mắt tác động trực tiếp đến tinh thần chiến đấu của quân đội và nhân dân ta. Vì thế, tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn ra một ngày trong năm làm “Ngày thương binh” để đồng bào có dịp bày tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh.
Thực hiện chỉ thị này, một Hội nghị trù bị đã được tổ chức tại xã Phú Minh, Đại Từ , Thái Nguyên. Tại Hội nghị này, các đại biểu nhất trí đề nghị lấy ngày 27-7-1947 làm “Ngày thương binh” đầu tiên trong cả nước. Ngày 17-7-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức ‘Ngày thương binh toàn quốc”. Trong thư, Người kêu gọi nhân dân tiết kiệm lương thực để giúp đỡ những chiến sĩ bị thương và đi đầu nêu gương gửi giúp các thương binh một số quần, áo, gạo, tiền của Người và nhân viên Phủ Chủ tịch (tổng cộng là 1.127 đồng). Từ đó, ngày 27-7 hằng năm trở thành “Ngày thương binh” (từ năm 1955 là “Ngày thương binh liệt sĩ”) trong cả nước.
Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan điểm và hành động của mình, là người đầu tiên tiêu biểu kế thừa và phát triển một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Trong những năm sau, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề trên tiếp tục được phát triển và cụ thể hoá, định hướng suy nghĩ và hành động cho mỗi người dân Việt Nam.
Về phía số đông nhân dân, những người chịu ơn thương binh, liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: chúng ta phải tỏ lòng biết ơn những người đã không tiếc máu xương, chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Nhưng quan trọng hơn, lòng biết ơn đó phải thể hiện thành những hành động cách mạng, những việc làm cụ thể. Là người tiên phong trong hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi tiền, quà cùng những lời động viên thăm hỏi, dạy bảo ân cần tới thương binh và gia đình liệt sĩ. Nhằm biến nó thành phong trào của toàn Đảng, toàn dân, Người kêu gọi các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến các địa phương giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ về vật chất và tinh thần mãi mãi để giảm bớt khó khăn thường nhật, đau đớn về thể xác và tinh thần cho những người con dũng cảm của Tổ quốc. Nhân rộng thành phong trào toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người phát động phong trào đón thương binh về làng, đã từng trở thành một phong trào sôi nổi, thấm đượm tình nghĩa, lòng nhân ái. Khi Đảng và Nhà nước ban hành những chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các cơ quan, đoàn thể thực hiện tốt những chính sách này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm thương binh nặng tại Thuận Thành, Bắc Ninh
(Ảnh Tư liệu)
Trong công tác quân y, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các thày thuốc phải như những mẹ hiền, chăm sóc thương bệnh binh chu đáo cả về vật chất và tinh thần. Trong lao động, sản xuất, Người đề nghị các địa phương giúp đỡ anh em thương binh và gia đình liệt sĩ như cấp ruộng gần, ruộng tốt, giúp đỡ việc cày cấy, gặt hái… Năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương nhiều xã ở Thanh Hoá, Phú Thọ làm tốt công tác đón và chăm sóc thương binh về làng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh công tác “đền ơn đáp nghĩa” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ là “nghĩa vụ” của chứ không được coi đây là hoạt động “làm phúc”. Điều đó vừa thể hiện đạo lý làm người, vừa thể hiện sự ghi nhận công tích của những người con ưu tú của quê hương. Ngày 27-7 hằng năm là ngày Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tập trung cho hoạt động đền ơn đáp nghĩa, đồng thời hoạt động này phải được tiến hành thường xuyên với những việc làm cụ thể và thiết thực.
Về phía bản thân thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: trước hết thương binh và thân nhân liệt sĩ phải biết ơn sự quan tâm chăm sóc của Đảng, chính phủ và nhân dân. Người nhắc thương binh phải tích cực tham gia mọi công tác xã hội như đã từng tham gia kháng chiến, là người công dân kiểu mẫu ở địa phương như đã từng là người chiến sĩ kiểu mẫu ngoài mặt trận, giữ vững những truyền thống tốt đẹp của anh bộ đội cụ Hồ như đoàn kết, kỷ luật, gương mẫu…
Hiểu được tâm lý thương binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc anh em hoà mình với quần chúng, đừng tự tách mình ra khỏi cộng đồng, tránh tâm lý bi quan chán nản, buông xuôi đông thời tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân và người chăm sóc mình, tránh tư tưởng công thần, coi thường lao động, ỷ lại người khác. “Tàn mà không phế”, mỗi người đều có thể tiếp tục đóng góp sức mình vào xây dựng cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở thương binh và gia đình liệt sĩ biết ơn và cố gắng lao động trong những điều kiện thuận lợi mà xã hội tạo ra cho họ. Một số điển hình thương binh trong và ngoài nước, các gia đình liệt sĩ gương mẫu trong đời sống, sản xuất được Người nêu ra để làm gương. Người đưa đến cho thương binh, gia đình liệt sĩ quan điểm sống, lao động, học tập đúng đắn, sao cho bản thân một mặt được hưởng sự chăm sóc của cộng đồng, mặt khác tiếp tục đóng góp cho xã hội theo khả năng có thể. Càng những cá nhân, những gia đình cách mạng càng cần nêu gương về mọi mặt để không bao giờ hổ thẹn với quá khứ oanh liệt của bản thân và gia đình, với sự chăm sóc của xã hội.
Bảy mươi ba năm qua, những lời dạy bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện tốt. Từ việc giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ sau đến hệ thống chính sách với nhiều phong trào, hoạt động đền ơn đáp nghĩa cụ thể. Thực hiện lời dạy của Người, hàng nghìn tấm gương thương binh, gia đình liệt sĩ đã vượt qua hoàn cảnh, số phận, vươn lên trong cuộc sống.
Ngày nay, đất nước đang trong hoà bình và phát triển, chúng ta có điều kiện và cần phải làm tốt hơn công tác “đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với cách mạng. Những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là những tư tưởng chỉ đạo việc thực hiện chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, tiếp nối và phát huy một truyền thống cao đẹp của dân tộc.
Nguyễn Quỳnh Chi