Trong những năm 1961-1970, cùng với việc tiến hành các chiến lược chiến tranh tại miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân, trong đó sử dụng lực lượng biệt kích với âm mưu phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện cách mạng miền Nam
Trùm tình báo Hoa Kỳ Lansdale: Tung biệt kích phá hoại miền Bắc là cần thiết
Sử dụng lực lượng biệt kích phá hoại miền Bắc được Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn tính đến nhằm móc nối với các phần tử phản động ở địa phương, đánh vào tiềm lực kinh tế, kết cấu hạ tầng của miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện cách mạng miền Nam ngay tại nơi nó xuất phát.
Tháng 1/1961, trùm tình báo Lansdale trình bày trước Chính phủ Hoa Kỳ một bản Kế hoạch, trong đó nêu vấn đề, việc chống lại hoạt động của Việt cộng tại miền Nam Việt Nam sẽ đơn giản và nhẹ nhàng hơn rất nhiều nếu Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa có thể làm giảm đi sự chi viện từ miền Bắc. Do đó, vấn đề tung biệt kích ra phá hoại miền Bắc cần thiết được đặt ra.
Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã sớm xây dựng lực lượng biệt kích, biên chế trong quân lực Việt Nam Cộng hòa hoặc trực tiếp do các cơ quan tình báo, quốc phòng Hoa Kỳ như CIA, Lầu Năm Góc phụ trách.
Ngay từ năm 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt đầu xây dựng lực lượng biệt kích với mưu đồ tung ra phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc với tên gọi là các “Liên đội quan sát”, sau đổi tên là “Sở Quan sát địa hình”. Thành viên lực lượng này được CIA huấn luyện tại Hoa Kỳ, một số căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại châu Á và tại các trung tâm huấn luyện đặc biệt ở miền Nam về các hoạt động gián điệp, biệt kích, xâm nhập và phá hoại.
Sau khi J. Kennedy lên làm Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc gia tăng đội ngũ cố vấn tại miền Nam Việt Nam, việc xây dựng lực lượng biệt kích thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa được đẩy mạnh hơn và lực lượng biệt kích bắt đầu tiến hành các hoạt động xâm nhập và phá hoại miền Bắc.
Tháng 1/1961, J. Kennedy tuyên bố trước Hội đông An ninh quốc gia Hoa Kỳ: “Cần phải có những hoạt động du kích tại miền Bắc, để cho miền Bắc nếm trải lại những gì họ đang tiến hành đối với chúng ta ở miền Nam”.
Trong giai đoạn 1961-1970, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã tung 103 toán biệt kích ra miền Bắc. Chỉ tính từ năm 1961 đến năm 1965, 53 toán với khoảng 440 biệt kích đã xâm nhập miền Bắc, thực hiện các hoạt động phá hoại.
Sau một số phi vụ xâm nhập không thành công, phi vụ thành công đầu tiên là tung toán biệt kích Castor gồm 4 thành viên xuống Sơn La ngày 27/5/1961 bằng máy bay C47, xuất phát từ Đà Nẵng, do chính Thiếu tá không quân Nguyễn Cao Kỳ, người sau này trở thành Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, cầm lái
Phi vụ lớn cuối cùng chính là sử dụng lực lượng biệt kích Hoa Kỳ tập kích vào Sơn Tây vào cuối tháng 11/1970, nhằm giải cứu tù binh Mỹ đang bị giam giữ tại đây. Tuy nhiên, chiến dịch này cuối cùng đã thất bại và về cơ bản, cuộc chiến tranh bằng biệt kích chống phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa chấm dứt.
Một toán biệt kích thuộc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Chủ trương của Trung ương Đảng
Trong giai đoạn 1961-1970, Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, thông tri lãnh đạo cuộc đấu tranh chống biệt kích phá hoại miền Bắc. Có thể kể ra một số văn kiện sau: Chỉ thị số 13-CT/TƯ của Ban Bí thư, ngày 1/3/1961 Về tăng cường công tác đấu tranh chống phản cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh; Chỉ thị số 20-CT/TƯ ngày 26/6/1961 Về công tác đối phó với hoạt động tung biệt kích gián điệp của bọn Mỹ-Diệm ra phá hoại miền Bắc nước ta; Chỉ thị số 66-CT/TƯ ngày 11/9/1963 của Ban Bí thư Về việc tiến hành khẩn trương công tác để sẵn sàng đập tan âm mưu của Mỹ-Diệm tung gián điệp, biệt kích ra phá hoại miền Bắc; Chỉ thị số 81-CT/TƯ của Bộ Chính trị ngày 7/8/1964 Về tăng cường sẵn sàng chiến đấu chống mọi âm mưu của địch khiêu khích và phá hoại miền Bắc; Chỉ thị số 183-CT/TƯ của Ban Bí thư ngày 6/12/1970 Kiên quyết chiến đấu, tăng cường sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt địch, đập tan mọi âm mưu chiến tranh của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc.
Trong số những chỉ thị trên, quan trọng nhất là hai chỉ thị số 20 ngày 26/6/1961 và chỉ thị số 66 ngày 11/9/1963.
Hai chỉ thị này chứa đựng những nội dung cơ bản về chủ trương của Đảng đối phó với cuộc chiến tranh chống phá miền Bắc bằng lực lượng biệt kích của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa.
Chỉ thị số 20 ngày 26/6/1961 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ: trước âm mưu và thủ đoạn dùng biệt kích phá hoại miền Bắc của Hoa Kỳ và chính quyền Ngô Đình Diệm, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân miền Bắc “Cần đánh giá đúng âm mưu thâm độc của kẻ địch, nâng cao hơn nữa tính cảnh giác cách mạng, nắm vững tình hình địch, bố trí sẵn sàng các mặt công tác, kịp thời trấn áp mọi hoạt động phá hoại hiện hành, chủ động và nhanh chóng tiêu diệt kẻ địch nhằm phá tan âm mưu dùng biệt kích của Mỹ-Diệm phá hoại miền Bắc nước ta”[1].
Công tác chống biệt kích phá hoại miền Bắc phải do cấp ủy Đảng thống nhất lãnh đạo, huy động và phối hợp chặt chẽ lực lượng quần chúng và các ngành, trước hết là lực lượng công an, dân quân du kích. Đối với cơ sở, vấn đề quan trọng nhất là dựa vào quần chúng nhân dân, phát huy vai trò của chi bộ xã, công an xã và dân quân du kích.
Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy địa phương chú ý công tác giáo dục tinh thần cảnh giác cách mạng cao độ cho nhân dân, làm cho nhân dân địa phương hiểu rõ âm mưu của địch, được trang bị kiến thức cần thiết về giữ gìn bí mật Nhà nước và đấu tranh chống phản cách mạng.
Các cấp ủy Đảng phải tăng cường điều tra, nghiên cứu nắm vững tình hình địch, nắm vững đặc điểm địa bàn, địa phương mình, cảnh giác với các phương tiện lạ như máy bay, tàu thuyền xuất hiện ở địa phương.
Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương phải xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể trong trường hợp biệt kích xuất hiện ở địa phương như khẩn trương huy động lực lượng truy bắt, tăng cường các hoạt động tuần tra, canh gác, nhất là tại các địa bàn biệt kích có thể xuất hiện để móc nối hoạt động phá hoại, khen thưởng kịp thời những địa phương thực hiện tốt công tác đấu tranh chống biệt kích xâm nhập và hoạt động.
Công an nhân dân vũ trang Làng Mô, tỉnh Quảng Bình bắt sống biệt kích Sài Gòn (Ảnh tư liệu)
Tiếp đó, Chỉ thị số 66, ngày 11/9/1963, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khẳng định: Quân và dân miền Bắc “hoàn toàn có khả năng đập tan mọi âm mưu phá hoại của kẻ địch đối với miền Bắc nước ta, giữ vững trật tự trị an nhằm bảo đảm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”[2]
Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm như một số vụ xâm nhập của biệt kích ta chưa phát hiện được, phong trào bảo vệ trị an chưa được thật thường xuyên và sâu rộng, nhất là ở các vùng xung yếu, trong đó quan trọng nhất là nhiều địa phương chưa thật sự giáo dục cho quân và dân địa phương mình nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức đấu tranh chống gián điệp, biệt kích phá hoại miền Bắc.
Ban Bí thư nhận định: trong thời gian tới, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn sẽ tiếp tục tung biệt kích ra phá hoại miền Bắc ráo riết và liều lĩnh hơn, nhằm móc nối, kích động các phần tử phản động nằm vùng ở miền Bắc tăng cường các hoạt động phá hoại.
Chỉ thị đề ra nhiệm vụ: “Ra sức đẩy mạnh các mặt công tác đánh địch quyết tâm đập tan mọi âm mưu phá hoại của bọn gián điệp, biệt kích Mỹ-Diệm và của các bọn phản cách mạng khác, giữ vững trật tự an ninh ở miền Bắc”[3]
Ban Bí thư nhấn mạnh một số vấn đề:
Sớm chủ động lãnh đạo cuộc đấu tranh chống phá miền Bắc bằng lực lượng biệt kích của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa, quân và dân miền Bắc đã thu được thắng lợi ngay từ đầu. Hầu hết các toán biệt kích xâm nhập miền Bắc đã sớm bị phát hiện và bắt gọn. Có những toán đã trở thành ''chim mồi" dụ vào bẫy hàng chục tên biệt kích xâm nhập miền Bắc "một đi không trở lại".
Sau 10 năm tiến hành, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã buộc phải chấm dứt cuộc “chiến tranh bí mật” bằng “đội quân bí mật” chống phá miền Bắc. Miền Bắc vững mạnh, chi viện ngày càng mạnh mẽ cho cách mạng miền Nam chiến đấu và chiến thắng.
Bình Nguyễn
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.22, tr. 338.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Hà Nội, 2003, t.24, tr. 642.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Hà Nội, 2003, t.24, tr. 644.