Tiếp tục đẩy mạnh ba mũi giáp công, Trung ương Cục miền Nam chủ trương đấy mạnh công tác binh vận trong bối cảnh mới, khi Hoa Kỳ trực tiếp đưa quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ”
Tiếp tục đẩy mạnh công tác binh vận trong những năm 1965 - 1967
Tháng 4/1965, Ban Binh vận Trung ương Cục ra Chỉ thị, nêu rõ 2 yêu cầu của công tác binh vận năm 1965 là:
1. Kết hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự, chính trị, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân theo yêu cầu của Đảng, đồng thời nắm thời cơ đẩy mạnh phản chiến, binh biến, khởi nghĩa trong ngụy quân.
2. Khẩn trương xây dựng thực lực của ta trong quân ngụy, chủ yếu là trong các đơn vị quan trọng, các vị trí chiến lược để khi thời cơ đến, sẵn sàng phục vụ cho phương hướng chiến lược của cách mạng miền Nam.
Chỉ thị đề ra 4 công tác chính để thực hiện những yêu cầu trên: Phát động tư tưởng cách mạng trong binh lính địch; Kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự, tạo ra ba mũi giáp công sắc bén, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân theo yêu cầu của Đảng; Tích cực xây dựng cơ sở cách mạng ém sẵn trong quân đội; Đẩy mạnh công tác vận động sĩ quan.
Bước sang năm 1966, Thường vụ Trung ương Cục tiếp tục ban hành Chỉ thị về công tác binh vận năm 1966-1967.
Trung ương Cục chủ trương: “Công tác binh vận trong thời gian tới phải chứa đựng đầy đủ nội dung tiến công vào hai đối tượng ngụy quân và quân đội Mỹ (kể cả chư hầu). Hết sức coi trọng cả ngụy vận lẫn vận động quân đội Mỹ. Vận động quân Mỹ trở thành quan trọng cấp thiết, vận động ngụy quân là công tác chiến lược vô cùng quan trọng có ý nghĩa quyết định cho toàn bộ công tác binh vận trong thời gian tới”.
Chỉ thị nêu rõ: Vận động cách mạng mạnh mẽ trong binh sĩ, thúc đẩy hành động tiêu cực chiến đấu thật rộng rãi, gây một phong trào đấu tranh phản chiến từ lẻ tẻ đến tập thể, phát triển hơn nữa hành động đồng tình ủng hộ phong trào đấu tranh của quần chúng, lôi kéo rộng rãi binh sĩ cùng liên hiệp với nhân dân đấu tranh cho quyền lợi dân sinh, dân chủ và quyền dân tộc, chống lệ thuộc Mỹ; tổ chức lãnh đạo nhiều đơn vị ngụy đứng lên khởi nghĩa, binh biến.
Tranh thủ vận dụng sách lược với những đơn vị đồn bốt ngụy đang tiêu cực, cầu an hoà hoãn, nhằm cô lập cao độ quân Mỹ và những phần tử tay sai gian ác, gây nên một trạng thái tê liệt trong nhiều đơn vị ngụy quân.
Mục tiêu của ngụy vận là làm tan rã một bộ phận quan trọng quân đội Sài Gòn.
Nhân dân miền Nam đấu tranh phản đối vụ thảm sát Sơn Mỹ, năm 1968 (Ảnh tư liệu)
Về Mỹ vận: Khoét sâu tinh thần bạc nhược trong rộng rãi trong quân đội Mỹ và chư hầu, làm cho họ hiểu rõ cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta là chính nghĩa, chiến tranh xâm lược tàn bạo của Mỹ là phi nghĩa, kích thích tinh thần phản chiến ngày càng rộng trong binh sĩ Mỹ, tuyên truyền sâu rộng chính sách khoan hồng nhân đạo của dân tộc ta, tạo cho lính Mỹ tư thế sẵn sàng đầu hàng khi giáp trận, phát triển hình thức đào ngũ, bỏ ngũ, chạy về đô thị.
Sách lược trong công tác tuyên truyền vận động quân Mỹ là: vận động chủ yếu nhằm vào binh lính, chú ý lính da đen và quân dịch...
Chỉ thị nêu những nội dung chỉ đạo phong trào binh vận: Nắm chắc ba mũi giáp công, quyết tâm đưa mũi binh vận lên cân xứng với khả năng và yêu cầu chiến lược của công tác binh vận; Kết hợp giữa quân sự và binh vận phải được tăng cường chặt chẽ hơn, quyết tâm khắc phục các biểu hiện nghi kỵ lẫn nhau trong kết hợp cơ sở nội tuyến diệt địch, vận động gia đình binh sĩ thành lực lượng làm công tác binh vận mạnh mẽ, làm tê liệt các đơn vị lớn, chiếm các đồn bốt nhỏ, kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền tham gia khởi nghĩa…
Đẩy mạnh tiến công công binh vận trong tổng tiến công và nổi dậy 1968
Năm 1968, quân và dân ta ở miền Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Công tác binh vận vẫn giữ một vai trò quan trọng.
Tháng 12/1967, Trung ương Cục ra Chỉ thị về nhiệm vụ, yêu cầu nội dung công tác binh vận trong thời gian tới, trước hết là trong năm 1968. Trung ương Cục chủ trương:
- Tiến công mạnh vào tư tưởng ngụy quân, ngụy quyền, tuyên truyền giác ngộ ý thức dân tộc, giai cấp cho họ với khẩu hiệu “công nông binh liên hiệp khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân”. Xây dựng các “vành đai binh vận”, “màng lưới binh vận”, “đội ngũ nòng cốt binh vận” trong đó phụ nữ là lực lượng xung kích.
- Phát động phong trào “sạch làng, sạch ấp”, đẩy mạnh tiến công binh vận qua các gia đình binh sĩ ngụy.
- Xây dựng lực lượng nòng cốt của ta trong hàng ngũ địch, vừa phục vụ nhiệm vụ trước mắt, vừa phục vụ yêu cầu lâu dài.
- Chú ý vận động hàng ngũ sĩ quan ngụy và nhân viên ngụy quyền vì vị trí vai trò của tầng lớp này rất lớn.
- Vận động quân Mỹ và chư hầu với mục đích trung lập hoá, án binh bất động các đơn vị này. Khẩu hiệu vận động là “phản đối chiến tranh...”, đòi hoà bình, đòi rút quân Mỹ về nước, không can thiệp vào nội bộ Việt Nam.
- Thực hiện tốt các chính sách về tù binh, hàng binh, khoan hồng, có khen thưởng những điển hình, cá nhân lập công xuất sắc.
- Chuẩn bị đón thời cơ chiến lược khi tổng công kích - tổng khởi nghĩa nổ ra, vận động binh biến lớn trong hàng ngũ địch.
Đảng uỷ các cấp phải chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ binh vận với bốn tiêu chuẩn: quyết tâm xốc tới, bám sát đối tượng, tấn công liên tục, mưu trí linh hoạt.
Một đơn vị quân đội Việt Nam Cộng hòa tại Kiến Văn (Kiến Phong- Nay thuộc tỉnh Đồng Tháp)
quay súng về với cách mạng (Ảnh tư liệu)
Cũng trong tháng 4/1968, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam chủ trương mở chiến dịch tiến công binh vận làm tan rã ngụy quân, ngụy quyền.
Mục tiêu của chiến dịch là phát động rộng rãi phong trào quần chúng làm công tác binh vận, kết hợp chặt chẽ với các mũi đấu tranh vũ trang và chính trị, tập trung sức tấn công mãnh liệt làm tan rã lực lượng dân vệ, bảo an, làm "sứt mẻ" các đơn vị chủ lực ngụy.
Các cấp, các ngành cần phải quán triệt thật sâu sắc tinh thần tấn công địch, tổ chức toàn quân, toàn dân tham gia công tác binh, địch vận. Phải triệt để sử dụng gia đình binh sĩ tham gia công tác binh vận và tham gia cùng toàn dân nổi dậy đánh Mỹ, lật ngụy cứu nước, cứu nhà, thực hiện khẩu hiệu “xã, ấp không còn người đi lính cho giặc”. Phải nắm chắc nội dung tuyên truyền binh vận và kêu gọi binh sĩ hành động phản chiến. Vừa tuyên truyền phát động vừa lôi kéo họ hành động, đả phá tư tưởng thụ động chờ thời cơ của số đông binh sĩ. Nội dung tuyên truyền phải dựa theo khẩu hiệu “Công nông binh liên hiệp, đánh Mỹ, lật ngụy, cứu nước”. Phải củng cố và phát triển tổ chức binh vận các cấp, có kế hoạch cụ thể tấn công binh vận kết hợp chặt chẽ với ba mũi giáp công cho từng điểm.
Nhân những sự kiện quan trọng, Trung ương Cục chỉ đạo đẩy mạnh đấu tranh binh vận.
Cuối năm 1968, nhân sự kiện Tổng thống Mỹ Jhonson tuyên bố ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc từ ngày 1/11/1968, Trung ương Cục coi đây là cơ hội để quân và dân miền Nam đẩy mạnh một đợt đấu tranh binh vận.
Ngày 4/11/1968, Trung ương Cục miền Nam ra chỉ thị số 36 /CTNT chỉ đạo: Ban binh vận các cấp cần mở một đợt hoạt động đặc biệt về binh, địch vận trong một tháng, đưa ra những khẩu hiệu tiếng Anh để vận động quân Mỹ, sử dụng tốt lực lượng quần chúng, gia đình binh sĩ nguỵ để binh vận.
Trung ương Cục chủ trương, phát động một cao trào tấn công binh vận trong quần chúng, làm tan rã lớn nguỵ quân, đánh đổ nguỵ quyền, đồng thời làm tê liệt tinh thần chiến đấu của quân Mỹ và chư hầu.
Chỉ thị của Trung ương Cục đề ra mấy vấn đề cần chú ý trong công tác chỉ đạo phong trào quần chúng tấn công binh vận:
Cấp bộ Đảng cần nhận rõ tầm quan trọng chiến lược của công tác binh vận và khẩu hiệu trung tâm hiện nay là chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hoà bình, để chỉ đạo phong trào quần chúng.
Phải làm cho các cấp nhận thấy những chuyển biến mới trong quân đội địch, để đẩy mạnh phong trào tấn công binh vận, kết hợp với tấn công quân sự, chính trị nhằm đánh bại hoàn toàn kế hoạch bình định cấp tốc của địch, đồng thời làm tan rã lớn quân địch.
Phát động và tổ chức nhân dân thành lực lượng tích cực, chủ động tiến công binh vận.
Như vậy, trong bối cảnh mới, đối tượng của công tác binh vận có thêm đối tượng mới là quân đội Mỹ và đồng minh của Mỹ, Trung ương Cục miền Nam chủ trương tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh binh vận với khẩu hiệu, phương thức, hình thức đấu tranh phù hợp, đồng thời tiếp tục vận động quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Những chủ trương về đấu tranh binh vận trong giai đoạn 1965-1968 nói trên là cơ sở để quân và dân miền Nam tiếp tục đẩy mạnh ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến đấu và chiến thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn.
Xuân Nguyễn
.