Từ năm 1969, Hoa Kỳ chuyển sang tiến hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, rút dần quân viễn chính Mỹ về nước. Cuộc đàm phán hòa bình tại Hội nghị Paris cũng từng bước có tiến triển, mở ra cơ hội đẩy mạnh công tác binh vận cho quân và dân ta tại miền Nam Việt Nam
Kết quả của phong trào Tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã có ảnh hưởng lớn tới ngụy quân, ngụy quyền. Đặc biệt, khi Mỹ phải tuyên bố rút quân và đàm phán với ta thì các khẩu hiệu đấu tranh đòi hoà bình, chấm dứt chiến tranh trở thành nguyện vọng thiết thân của các tầng lớp nhân dân, kể cả trong hàng ngũ binh sĩ và nhân viên của địch.
Trước tình hình đó, đầu năm 1969, Trung ương Cục ra Thông tri về tăng cường chỉ đạo phong trào đấu tranh chính trị và binh địch vận, Trung ương Cục chủ trương:
- Các cấp uỷ phải quan tâm, nhìn nhận đúng mức khả năng mới và tầm quan trọng chiến lược của phong trào quần chúng trong tấn công chính trị và binh, địch vận. Nắm vững hơn nữa các yêu cầu, khẩu hiệu, nội dung, hình thức đấu tranh, chỉ đạo thật kiên quyết, liên tục, sâu sát, cụ thể nhất là phong trào ở thành phố, thị xã và vùng yếu.
- Đi sâu xây dựng chi bộ và tổ chức quần chúng tại chỗ, đảm bảo đảng viên phải nắm được quần chúng thông qua hệ thống nòng cốt, bí mật. Đồng thời, biết sử dụng các tổ chức nửa công khai, công khai để tập hợp quần chúng và chỉ đạo đúng hướng.
- Các cấp uỷ khu, phân khu, tỉnh, huyện phải tìm mọi biện pháp để nắm tình hình địch kịp thời, khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ chúng, thúc đẩy hơn nữa phong trào thành phố, thị xã, thị trấn và các vùng yếu.
Chỉ thị được ban hành ngày 26/6/1969.
Chỉ thị nêu rõ: “Đẩy mạnh hơn nữa mũi tấn công binh vận đúng với tầm quan trọng chiến lược của nó, đặc biệt là trong tình hình sắp tới, đồng thời để phối hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị quân sự, ngoại giao mạnh mẽ để đẩy địch vào thế suy yếu, bị động, bế tắc hơn nữa, góp phần làm chuyển biến so sánh lực lượng giữa ta và địch”.
Trung ương Cục nhắc nhở các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung đấu tranh sau:
- Quán triệt 10 điểm về giải pháp toàn bộ vấn đề miền Nam;
- Tuyên truyền việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời và Chương trình hành động 12 điểm của Chính phủ;
- Vận dụng 12 điểm của chính sách Mặt trận công bố cho ngụy quân, ngụy quyền vào đầu năm 1968.
- Đề ra một số khẩu hiệu cụ thể để tuyên truyền rộng, vừa hướng dẫn hành động cho binh sĩ; tuỳ tình hình cụ thể của mỗi cấp mà chọn điểm cho phù hợp. Các đoàn thể giáo dục ý nghĩa, yêu cầu nội dung của đợt tiến công binh vận cho đoàn viên, hội viên và phân công cụ thể để huy động rộng rãi quần chúng và binh sĩ tham gia; phát động toàn quân tích cực tham gia; kết hợp chặt chẽ ba mũi, hình thành thế bao vây ba mũi..., mở đầu đợt tấn công binh vận đồng loạt vào đầu tháng 8 đến ngày 15/9/1969.
Hội nghị París về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Viêt Nam (Ảnh tư liệu TTXVN)
Chỉ thị đã nghiêm túc kiểm điểm khuyết điểm, nhược điểm của công tác binh vận trong thời gian vừa qua, đó là: Việc phổ biến triển khai thực hiện Chỉ thị 105 làm không tốt. Một số phân khu uỷ, tỉnh uỷ làm kế hoạch sơ sài, một số tỉnh đội và hầu hết các huyện xã không được biết kế hoạch này. Nhiều nơi có chọn trọng điểm và tổ chức bộ phận phụ trách nhưng chỉ đạo không chặt chẽ. Điều đó chứng tỏ các cấp chưa nhận thức đúng yêu cầu của đợt tấn công binh vận.
Thường vụ Trung ương Cục yêu cầu để đẩy mạnh công tác binh vận theo kịp tình hình mới, các cấp từ trên xuống dưới phải hết sức nỗ lực, đồng thời phải tiếp tục và kiên quyết khắc phục những khuyết điểm, nhược điểm trong tổ chức và chỉ đạo thực hiện.
Trong tháng 12/1969, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam kiểm điểm một năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 và chủ trương đẩy mạnh quyết tâm đánh thắng chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của đế quốc Mỹ. Thường vụ Trung ương Cục chủ trương khai thác cao nhất khả năng to lớn của mũi đấu tranh binh vận, nhằm vào hai nội dung:
Vận động ngụy quân, ngụy quyền tham gia ngày càng rộng rãi phong trào nhân dân đòi giải quyết đời sống và đòi hoà bình, chống bình định lấn chiếm.., đưa họ vào con đường từng bước giác ngộ chính trị, tham gia phong trào chính trị và liên hiệp với nhân dân.
Đối với quân Mỹ và chư hầu: tuyên truyền vận động họ hưởng ứng phong trào nhân dân Mỹ đấu tranh phản chiến, đòi bồi thường danh dự và tích cực tham gia chống chiến tranh phi nghĩa.
Bộ máy công tác binh vận của Trung ương Cục miền Nam được củng cố một bước. Ở vào thời điểm cuối năm 1969, cán bộ binh vận thuộc tổ chức boojmays Trung ương Cục miền Nam có 280 đồng chí.
Để chuẩn bị kế hoạch đấu tranh trong dịp Tết Canh Tuất, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam đã ra Chỉ thị số 01/CT70. Chỉ thị xác định đây là một thời cơ tốt để tiếp tục phát huy thắng lợi, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đợt mùa Đông. Nhiệm vụ chủ yếu là tập trung đẩy mạnh tấn công chính trị, binh vận, tăng cường công tác phát động quần chúng nhằm tạo thêm thế, lực chuẩn bị đầy đủ điều kiện để mở ra cục diện mới trong thời gian sắp tới, đặc biệt là đẩy mạnh tấn công binh vận trong dịp Tết.
Tiếp đó, ngày 12/4/1970, Thường vụ Trung ương Cục ra Chỉ thị số 09 về công tác binh vận trong đợt cao điểm năm 1970. Trung ương Cục chỉ rõ đặc điểm của công tác binh vận trong thời gian này ta có nhiều thuận lợi: Mỹ phải rút quân, ngụy hoang mang dao động
Để thực hiện tốt công tác binh vận trong đợt cao điểm tới, Trung ương Cục đề ra một số yêu cầu, nội dung công tác binh vận như sau:
- Phối hợp chặt chẽ ba mũi giáp công liên tục tiến công địch, đánh bại về cơ bản kế hoạch bình định của chúng.
- Cùng với tấn công quân sự, công tác binh vận đã thúc đẩy nhanh quá trình tan rã lực lượng của quân ngụy trên khắp các chiến trường.
- Xây dựng lực lượng và tổ chức binh vận các cấp lớn mạnh. Thực hiện có hiệu quả cao công tác binh vận, tạo cơ sở vững chắc để khi có thời cơ lớn thì chớp lấy, đẩy quân ngụy vào tình trạng tan rã, suy sụp đột biến cả về tư tưởng và tổ chức.
Quân Giải phóng trong Chiến dịch tiến công Xuân - Hè 1972 (Ảnh tư liệu)
Chỉ thị hướng dẫn phương châm, biện pháp đấu tranh binh vận với từng đối tượng cụ thể (đối với phòng vệ dân sự, bảo an dân vệ, chủ lực ngụy) và sử dụng những khẩu hiệu phù hợp trong quá trình thực hiện công tác binh vận. Tích cực xây dựng cơ sở nòng cốt trong binh lính và xây dựng lực lượng quần chúng làm công tác binh vận.
Nhân dịp chuẩn bị Tết Nhâm Tý, ngày 28/12/1971 Thường vụ Trung ương Cục ra Thông tri: “Ra sức phát động quần chúng, đẩy mạnh đấu tranh chính trị và binh vận tiến lên đánh bại chính sách bình định của địch”.
Thường vụ Trung ương Cục chủ trương: Tết Nhâm Tý là “một dịp rất thuận lợi để động viên nâng cao quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân gắn liền với phát động quần chúng đấu tranh cho các quyền lợi trong dịp tết, chống các chính sách phản động của địch làm cho địch thất bại, suy yếu thêm một bước và ta tạo được thêm thế và lực mới”.
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, Thường vụ Trung ương Cục chỉ đạo các cấp: tiếp tục nắm vững, phổ biến Chỉ thị 13, tổ chức thực hiện Thông tri 14 và 10 chính sách về binh vận... đồng thời nhân dịp Tết chú ý vấn đề sau: Phát động phong trào đấu tranh chính trị rộng rãi và liên tục của đông đảo quần chúng các tầng lớp ở thành thị và nông thôn đòi quyền lợi về đời sống, nhất là các vấn đề đời sống bức thiết trong dịp Tết, kết hợp chống các biện pháp kinh tế mới của địch, chống cướp bóc, chống khủng bố.... kết hợp với khẩu hiệu đòi đuổi Mỹ, lật Thiệu, đòi hoà bình, độc lập, tự do, dân chủ. Phổ biến rộng rãi 10 chính sách binh vận, làm cho tinh thần và nội dung chính sách binh vận mới thâm nhập sâu rộng và liên tục trong hàng ngũ binh lính, nhân viên ngụy quyền.
Để chuẩn bị cho kế hoạch tiến công và nổi dậy năm 1972 ngay từ đầu năm, Trung ương Cục đã chủ trương mở một cuộc vận động chính trị rộng lớn thực hiện 10 chính sách binh vận mới. Ngày 15/1/1972, Trung ương Cục ra Thồng tri số 01/TT72 chỉ rõ: cuộc vận động lần này phải thực sự là một cuộc vận động quần chúng có tính chất toàn dân, bao gồm từ phát động, tập hợp lực lượng quần chúng đến đưa quần chúng ra đấu tranh trực diện với địch.
Những yêu cầu lớn của cuộc vận động lần này là:
1. Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân cả ở nông thôn và thành thị nhằm phát động đông đảo quần chúng ở tất cả các địa bàn nổi dậy đấu tranh quyết liệt bảo vệ chồng con, bảo vệ thanh niên, chống bắt lính, đôn quân, chống vào phòng vệ dân sự... tiến tới cao trào của nhân dân và gia đình có người bị bắt lính, kết hợp với đấu tranh đòi các quyền lợi khác.
2. Qua cao trào đấu tranh mạnh mẽ này phải làm cho ngụy quân, ngụy quyền suy sụp về tinh thần và rệu rã thêm một bước thật nghiêm trọng, tiến tới cao trào nổi dậy của binh sĩ, nhất là của phòng vệ dân sự, dân vệ, bảo an, cùng với nhân dân đồng khởi hình thành cao trào công nông binh liên hiệp, diệt ác phá kìm, lấy đồn bốt giành quyền làm chủ của nhân dân, giải phóng xóm làng đi đôi với đào rã ngũ hàng loạt, cả tập thể, đơn vị phản chiến ở ngoài mặt trận.
3. Trong quá trình tiến hành cuộc vận động, phải đồng thời tập trung xây dựng và phát triển lực lượng. Trong lãnh đạo đấu tranh, phải xác định rõ mục đích cao nhất của chính sách binh vận mới là phát động quần chúng, gia đình có người bị bắt lính và phòng vệ dân sự binh lính nổi dậy chống lại chính quyền địch từ thấp đến cao nhằm tạo thêm thế và lực mới của ta.
Xuân Nguyễn