Ngày 27/01/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Sự kiện này mở ra cơ hội lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta nói chung, mở ra cơ hội vô cùng thuận lợi cho cuộc đấu tranh binh vận nói riêng
Ngày 27/3/1973, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam chỉ thị về một số công tác cấp bách sau hai tháng thi hành Hiệp định Paris. Chỉ thị nêu rõ về công tác binh vận phải kết hợp với pháp lý của Hiệp định để đẩy mạnh đấu tranh. Hoa Kỳ phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút dân quan viễn chinh Mỹ về nước.
Tiếp đó, ngày 30 /6/1973, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động đấu tranh đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn thực hiện các đề nghị của ta sau Hiệp định Paris. Quân và dân ta cần tăng cường công tác binh vận, công tác vận động nhân viên ngụy quyền đang hoang mang, làm tan rã mạnh hơn nữa ngụy quân, làm mất hiệu lực của bộ máy kìm kẹp ngụy quyền, đồng thời đẩy khí thế cách mạng của quần chúng mạnh mẽ hơn.
Từ đầu mùa khô 1973-1974, quân và dân miền Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn, toàn diện và vững chắc: đã đánh bại kế hoạch cướp lúa gạo của địch trong mùa khô, đánh bại một bước kế hoạch “bình định lấn chiếm” của địch, quân ngụy đã có bước suy sụp mới cả về tư tưởng, tinh thần và quân số. Công tác binh vận đã có bước phát triển mới, mở ra nhiều khả năng trên các vùng, đặc biệt là vùng nông thôn phía trước. Tuy nhiên, công tác binh vận chưa theo kịp yêu cầu của nhiệm vụ tấn công địch và xây dựng lực lượng ta. Để phát huy những thuận lợi trong tình hình mới, Trung ương Cục tổ chức Hội nghị binh vận toàn B2.
Quân đội Sài Gòn đầu hàng tại Tiểu khu Long Khánh, tháng 4/1975 (Ảnh tư liệu)
Trước tình hình đó, tháng 8 /1974, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam thông qua Nghị quyết Hội nghị binh vận B2.
Hội nghị tổng kết những kết quả đạt được của công tác binh vận thời gian qua và thông qua Nghị quyết về những nhiệm vụ trong giai đoạn trước mắt như sau:
- Khẩn trương xây dựng và hoàn thành bố trí cơ sở binh vận ở tất cả các đồn bốt vùng tranh chấp, xung quanh đồn bốt địch, đẩy mạnh ba mũi đấu tranh, trong đó đấu tranh binh vận ngày càng giữ vai trò quan trọng.
Xây dựng cơ sở binh vận ở vùng yếu, vùng ven, vùng tôn giáo, di cư, dân tộc, di dân, góp phần đẩy nhanh thế và lực của cách mạng tiến lên giành quyền làm chủ thật rộng và tranh chấp ở nhiều mức độ. Đẩy mạnh công tác binh vận đô thị, tập trung vào cơ sở và lực lượng cảnh sát.
- Ban binh vận các cấp cùng với đoàn thanh niên làm nòng cốt trong phong trào đấu tranh, chống bắt lính đôn quân, quản lý số thanh niên trốn quân dịch, vận động thúc đẩy và làm tan rã mạnh các loại quân ngụy, nhất là quân địa phương, trọng điểm là làm tan rã bọn phòng vệ dân sự, làm thất bại âm mưu bổ sung quân số của địch.
- Đẩy mạnh xây dựng cơ sở nội tuyến trong đồn bốt và trong quân ngụy, phấn đấu gây dựng cơ sở binh vận ở 2/3 đồn bốt và 2/3 lực lượng phòng vệ dân sự có cơ sở nội tuyến, 1/3 đại đội bảo an cơ động có cơ sở nội tuyến hoặc cảm tình, mỗi quân, binh chủng địch có một chi bộ hoặc một chi đoàn hoặc tổ hạt nhân của ta.
- Đẩy mạnh củng cố các cơ sở binh vận ở tất cả các cấp, trọng tâm là Ban binh vận xã, ấp, sử dụng có hiệu quả lực lượng binh vận trong ba mũi giáp công tại cơ sở. Trong năm 1975, các xã, ấp vùng yếu, vùng ven, vùng tôn giáo, dân tộc, di cư, di dân, mỗi nơi đều phải có cán bộ binh vận, đồng thời tích cực thành lập các đội công tác.
Để đạt được những nhiệm vụ do hội nghị đề ra, Thường vụ Trung ương Cục đã nhất trí thông qua Nghị quyết và yêu cầu các địa phương triển khai nhanh kế hoạch đẩy mạnh công tác binh vận trong từng đồn bốt, kết hợp lực lượng tổng hợp cả ngoài và trong bốt. Phải đảm bảo binh vận góp phần chủ động diệt đồn, gỡ bốt. Ở Khu VIII và Khu IX phấn đấu đạt 40-50% so với số quân bị diệt. Khu VI, Khu VII cố gắng đạt 10-20%.
Khu Di tích Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam tại Tây Ninh
Ở đô thị, công tác binh vận phải tập trung vào lực lượng cảnh sát, làm suy yếu, tan rã lực lượng này, đây là một yêu cầu bức thiết. Lực lượng cảnh sát ngụy đang phân hoá, phải nhanh chóng thành lập các đội công tác tấn công lực lượng này: đến mùa khô 1975 mỗi thành phố có từ hai đến năm đội, mỗi đội ít nhất phải có được một đến ba cơ sở. Ở thị xã, thị trấn, chi khu, binh vận phải làm tốt cả ba lực lượng: phòng vệ dân sự, dân vệ, cảnh sát và bảo an. Nghị quyết đã đề ra những yêu cầu và biện pháp cụ thể để liên tục phá chính sách đôn quân, bắt lính, xây dựng cơ sở nội tuyến trong lực lượng ngụy quân, ngụy quyền.
Thường vụ Trung ương Cục nhấn mạnh: “Tình hình đang chuyển biến nhanh, ngụy quân, ngụy quyền đang có sự phân hoá sâu sắc, suy yếu toàn diện, nguy cơ sụp đổ đang mở ra. Trong lãnh đạo của các cấp uỷ cũng như chỉ đạo binh vận, phải nắm sát và đánh giá đúng thực chất tình hình, thấy rõ chỗ yếu mới của địch, chỗ mạnh mới của ta... để mạnh dạn bung ra tấn công địch giành thắng lợi. Cần nhận rõ tình thế mới của cách mạng miền Nam, thời cơ mới cho công tác binh vận phát triển. Trên cơ sở đó động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nắm vững bạo lực, vừa đẩy mạnh tấn công quân sự vừa phát huy cao độ tác dụng của mũi binh vận, chính trị, phối hợp thật tốt ba mũi giáp công trên quy mô lớn”. Trong chỉ đạo phải nắm vững các mục tiêu đã đề ra, chú trọng công tác cán bộ và củng cố ngành binh vận.
Ngày 6/2/ 1975, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam chủ trương phát triển sâu rộng công tác binh vận trong dịp Tết Ất Mão 1975
Trung ương Cục miền Nam chủ trương: Để phối hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự, chính trị, ta cần đẩy mạnh công tác binh vận trên khắp các mặt trận với quy mô thật sâu rộng nhằm tuyên truyền vận động tất cả các đối tượng ngụy quân, ngụy quyền hiểu rõ chính sách khoan hồng của cách mạng. Ban binh vận các cấp phải đẩy mạnh cuộc vận động và tổ chức lực lượng quần chúng, nhất là các gia đình binh sĩ đi tuyên truyền lôi kéo chồng con, vào các hậu cứ tuyên truyền, vận động binh lính trở về nhà ăn Tết.
Trong tuyên truyền, vận động cần đặc biệt chú ý tới các sĩ quan ngụy ở các tỉnh, huyện. Cần nắm lại số sĩ quan đang chỉ huy chi khu, tiểu khu và những đơn vị ở địa phương và những người gốc địa phương đang ở nơi khác để tổ chức tiến công.
Trung ương Cục nhấn mạnh: ngụy quân, ngụy quyền đang trên đà suy sụp nhanh, các cấp uỷ phải triệt để khai thác thuận lợi để chỉ đạo công tác binh vận chặt chẽ hơn nữa, tạo điều kiện thúc đẩy một bộ phận lớn ngụy quân, ngụy quyền tan rã.
Ngày 24/3/1975, Trung ương Cục miền Nam chủ trương đẩy mạnh đấu tranh chính trị, tấn công binh vận làm tan rã suy sụp ngụy quân, ngụy quyền
Trung ương Cục xác định: Trên đà phát triển mạnh mẽ của đấu tranh quân sự, ta có bước phát triển vượt bậc, đã đẩy ngụy quân, ngụy quyền vào tình thế vô cùng hoang mang, rệu rã. Nhiều nơi xuất hiện phản chiến, rã ngũ trong lực lượng binh lính, sĩ quan địch. Do đó chúng ta phải đẩy mạnh cuộc vận động binh vận với quy mô có tính chất toàn dân, toàn diện để góp phần làm tan rã lực lượng quân sự của địch.
Yêu cầu của đợt vận động đấu tranh chính trị binh vận là:
- Phải tiến hành sâu rộng ở cả nông thôn và thành thị chống địch bắt lính, vận động chồng, con em trở về với cách mạng, kết hợp chặt chẽ cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống với phong trào diệt ác phá kìm.
- Biến cao trào tấn công binh vận của quần chúng thành cuộc vận động chính trị sâu rộng trong lực lượng phòng vệ dân sự, binh sĩ ngụy và nhân viên ngụy quyền để họ hiểu rõ hơn về chính sách khoan hồng của cách mạng, từ đó gây dựng nòng cốt cơ sở của ta trong binh lính ngụy quân, nhân viên ngụy quyền, dưới nhiều hình thức mức độ. Tổ chức phối hợp tác chiến đánh tan hàng mảng đồn bốt, thúc đẩy binh biến khởi nghĩa từng đơn vị lớn.
Để thực hiện tốt những yêu cầu đặt ra của công tác binh vận, Trung ương Cục nêu lên những biện pháp chính như sau:
- Cần học tập thông suốt trong Đảng, trong các lực lượng vũ trang, các đoàn thể, các ngành.
- Lấy bản tuyên bố chính sách 7 điểm làm nội dung phát động bằng mọi hình thức thật phong phú, sáng tạo.
- Huy động khả năng các ngành Đài phát thanh, Thông tấn xã, báo chí văn nghệ để tổ chức từng đợt tuyên truyền vận động sôi nổi, liên tục.
- Tổ chức tập hợp lực lượng, nhanh chóng xây dựng hạt nhân nòng cốt, xây dựng cơ sở cách mạng trong các loại quân ngụy, từ đó đi sâu giáo dục, phát động đấu tranh du kích, xây dựng cơ sở gồm hội viên đoàn thể, đoàn viên, đảng viên.
Đây là cuộc vận động chính trị lớn đòi hỏi các cấp cần tập trung chỉ đạo, phát động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện quyết tâm lớn của Đảng trong tình hình mới.
Mùa Xuân năm 1975, chớp thời cơ thuận lợi, quân và dân ta tại miền Nam đã mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Mũi đấu tranh binh vận đã góp phần xứng đáng trong việc làm tan rã ngụy quân, ngụy quyền trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến.
Xuân Nguyễn