Trong cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại một số thời điểm, căn cứ tình hình thực tế, Đảng đã đề ra và thực hiện chủ trương giành thắng lợi quyết định. Mặc dù nội dung giành thắng lợi quyết định được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, tuy nhiên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta luôn phấn đấu thực hiện khả năng cao nhất, tức là giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam.
Trong những năm 1961-1964, sau khi chuyển từ khởi nghĩa sang tiến hành chiến tranh cách mạng, quân và dân miền Nam đã lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn, đó là Kế hoạch Staley - Taylor và Kế hoạch Johnson - Mc Namara.
Trong năm 1964 và nửa đầu năm 1965, chính trường Sài Gòn vô cùng rối ren. Sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, liên tiếp diễn ra các cuộc chỉnh lý, cải cách… thực chất là đảo chính, tranh giành quyền lợi giữa các phe phái, cá nhân trong chính quyền Sài Gòn. Nhiều chính phủ liên tục được lập ra, nhưng chỉ tồn tại được thời gian ngắn. Tranh chấp giữa phe quân sự và phe dân sự, giữa các phe phái trong giới quân sự diễn ra gay gắt.
Theo thống kê, từ tháng 11/1963 đến tháng 5/1965, ít nhất đã diễn ra 10 cuộc đảo chính trên chính trường Sài Gòn.
Điều đó cũng làm suy yếu phần nào lực lượng quân sự cũng như tinh thần chiến đấu của quân đội Sài Gòn.
Tháng 9/1964, Hội nghị Bộ Chính trị chủ trương giành một thắng lợi quyết định ở miền Nam trong một vài năm tới, tranh thủ thời cơ, cố gắng đánh bại hoàn toàn quân đội Việt Nam Cộng hòa trước khi Hoa Kỳ đưa quân vào miền Nam. Bộ Chính trị coi đó là phương án tốt nhất để giành thắng lợi cho cách mạng miền Nam. Theo chủ trương đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cử vào miền Nam, phụ trách Trung ương Cục miền Nam, lãnh đạo thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng.
Máy bay trực thăng của địch bị bắn rơi trong Chiến dịch Bình Giã (Ảnh tư liệu)
Quân đội Việt Nam Cộng hòa, “xương sống của chiến lược chiến tranh đặc biệt” đã bị bẻ gẫy, đặc biệt là từ sau Chiến dịch An Lão (bắc Bình Định, tháng 12/1964) và Chiến dịch Bình Giã (từ ngày 2/12/1964 đến ngày 3/1/1965). Nhận định về Chiến dịch Bình Giã, đồng chí Lê Duẩn cho rằng: Với chiến thắng Ấp Bắc, Hoa Kỳ và chính quyền miền Nam thấy rằng không thể thắng ta trong chiến tranh đặc biệt thì với chiến dịch Bình Giã, Hoa Kỳ và chính quyền miền Nam đã thua ta trong chiến tranh đặc biệt.
Sau Chiến thắng Bình Giã, cơ hội cho quân và dân miền Nam tiến lên hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam đã mở ra. Đảng ta đẩy mạnh thực hiện chủ trương giành thắng lợi quyết định, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tháng 2/1965, đồng chí Lê Duẩn gửi thư cho Trung ương Cục miền Nam về vấn đề tranh thủ thời cơ tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Trong bối cảnh Mỹ đang thay thế dần chiến lược“chiến tranh đặc biệt” bằng “chiến tranh cục bộ”, đồng chí khẳng định: phương châm chiến lược của ta vẫn là chiến đấu lâu dài và ra sức tranh thủ thời cơ giành thắng lợi; đấu tranh quân sự và chính trị đi đôi, tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Đồng chí đã đưa ra các ý kiến chỉ đạo đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị, trong đó phân tích rõ phong trào đấu tranh chính trị, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Lấy kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của miền Nam, đồng chí cho rằng: nếu kết hợp tốt cuộc đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận... có thể tạo ra thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền.
Phác thảo kế hoạch khởi nghĩa thành công và thành lập chính quyền “trung lập”, đồng chí lưu ý sự lãnh đạo của Trung ương Cục tập trung vào một số điểm sau: gấp rút xây dựng đội quân chính trị quần chúng sẵn sàng khởi nghĩa; nắm rõ hệ thống phòng thủ của địch ở Sài Gòn và một số thành phố khác để tiến công có hiệu quả; xây dựng các bàn đạp vững mạnh quanh các thành phố; công tác binh vận đi vào chiều sâu, cố gắng tạo ra các cuộc binh biến lớn; thúc đẩy sự phân hoá nội bộ địch, gây ra phong trào đòi trung lập, tự trị, ly khai chính quyền Sài Gòn.
Trong các nội dung đó, đồng chí nhắc nhở Trung ương Cục cần tập trung nghiên cứu kỹ hơn vấn đề tiến công và khởi nghĩa ở các thành phố lớn.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên chiến trường miền Nam, năm 1965 (Ảnh tư liệu)
Sau Chiến thắng Bình Giã, quân và dân miền Nam đã đẩy mạnh đấu tranh, nhằm tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa. Các chiến thắng tiếp theo chiến thắng Bình Giã như Chiến thắng Ba Gia (bắc Quảng Nam, tháng 5/1965), chiến thắng Đồng Xoài (tháng 5 đến tháng 7/1965 ở Nam Bộ) tiếp tục giáng những đòn nặng nề vào quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Tuy nhiên, năm 1965 trôi qua đi khi mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam chưa thực hiện được. Mặc dù có những bước trưởng thành vượt bậc, sức mạnh cách mạng miền Nam chưa thực sự vượt trội. Mặt khác, trước nguy cơ sụp đổ của chế độ thực dân mới ở Nam Việt Nam, nguy cơ phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Hoa Kỳ nhanh chóng chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân chiến đấu trực tiếp vào miền Nam và mở cuộc chiến tranh phá hoại chống phá miền Bắc.
Ngày 8/3/1965, những đơn vị quân chiến đấu Hoa Kỳ đầu tiên đổ bộ vào bãi biển Đà Nẵng, đánh dấu bước phiêu lưu quân sự mới của chính quyền Washington. Số lượng quân chiến đấu Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam tăng nhanh, và nhanh chóng chuyển từ nhiệm vụ hỗ trợ quân đội Sài Gòn sang trực tiếp chiến đấu. Đến cuối 1965, quân đội Hoa Kỳ tại miền Nam đã tăng lên đến 184.000 quân, cùng với khối lượng phương tiện chiến tranh khổng lồ.
Với việc Hoa Kỳ trực tiếp đưa quân vào miền Nam, cán cân so sánh lực lượng giữa ta và địch thay đổi nhanh chóng theo hướng bất lợi cho cách mạng miền Nam. Thời cơ tiến lên giành thắng lợi quyết định đầu tiên đã qua đi.
Chưa thực hiện được việc giành thắng lợi quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng miền Nam vào đầu năm 1965, nhưng chủ trương đó cho thấy sự nhạy bén trong nắm bắt, đánh giá tình hình và ra quyết định của Đảng trong những thời điểm thời cơ thuận lợi, dù nhỏ nhất, xuất hiện.
Mặc dù chưa giành được thắng lợi quyết định, nhưng lợi dụng thời cơ thuận lợi, khi chính trường Sài Gòn đang rối loạn, Đảng đã lãnh đạo cách mạng miền Nam giành được những thắng lợi to lớn trước quân đội Sài Gòn.
Chủ trương giành thắng lợi quyết định chưa thành công nhưng đây là bước chuẩn bị quan trọng cho giai đoạn cách mạng tiếp theo, đặc biệt là chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân.
Bình Nguyễn