Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, “Phương châm chiến lược chung của chúng ta là đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính”, đồng thời “cần phải cố gắng đến cao độ, tập trung lực lượng của cả hai miền để tranh thủ thời cơ giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam”. Tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân đã diễn ra nhằm thực hiện chủ trương đó
Bối cảnh tình hình
Trong những năm 1965-1967, với lực lượng quân viễn chinh Hoa Kỳ và đồng minh gần 500.000 quân, cùng với gần nửa triệu quân lực Việt Nam Cộng hòa, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã mở hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967. Mặc dù áp đảo về lực lượng và hỏa lực, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã không giành được thắng lợi đáng kể, trái lại, còn bị quân và dân miền Nam giáng cho những đòn chí tử. Điển hình là cuộc hành quân Junction City, diễn ra từ ngày 22/2 đến ngày 15/4/1967, Hoa Kỳ đã không thu được kết quả như tính toán. Trên 45.000 quân cùng hàng nghìn xe tăng, máy bay, đại bác đã không thể chiến thắng nổi một lực lượng khoảng 12.000 quân giải phóng miền Nam được trang bị kém hơn trong một khu vực nhỏ hẹp thuộc vùng căn cứ Bắc Tây Ninh. Các mục tiêu của cuộc hành quân như: phá hủy căn cứ kháng chiến lớn của quân và dân ta ở Bắc Tây Ninh; tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến toàn Miền; tìm diệt chủ lực quân giải phóng miền Nam; tạo lá chắn yểm trợ cho quân đội Việt Nam Cộng hòa tiến hành bình định; giành một thắng lợi quân sự có ý nghĩa quyết định, tạo ra bước ngặt quan trọng làm chuyển biến cục diện chung có lợi cho Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn… đều không đạt được. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Phụ trách Trung ương Cục nhận xét đây là cuộc hành quân lớn nhất của quân Mỹ vào vùng căn cứ Bắc Tây Ninh, lại là cuộc hành quân thua đau nhất, là cái mốc đánh dấu đỉnh cao sự thất bại của Mỹ trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai của ở miền Nam.
Sau cuộc hành quân, dấu hiệu bế tắc, sa lầy về quân sự đã xuất hiện. Cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của Hoa Kỳ kéo dài đã hơn 2 năm, với chi phí tăng vọt[1], gây bất bình trong chính giới và nhân dân Mỹ, phong trào phản chiến ở Mỹ ngày càng dâng cao. Năm 1968 đến kỳ bầu cử tổng thống, mâu thuẫn nội bộ giữa phe chủ chiến, chủ hòa bộc lộ gay gắt. Đó là cơ sở để Đảng ta cho rằng đến thời điểm mở cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiến lên giành thắng lợi quyết định ở miền Nam.
Chủ trương
Hội nghị Bộ Chính trị tháng 12/1967 ra Nghị quyết Tình hình và nhiệm vụ cách mạng miền Nam[2]. Nghị quyết chỉ rõ: từ sau mùa khô 1966-1967, Hoa Kỳ và chế độ Sài Gòn chuyển từ thế phản công chiến lược sang thế phòng ngự chiến lược. Đó là một bước thoái lui về chiến lược, một thất bại lớn của chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Những cố gắng chiến tranh của Hoa Kỳ đã lên đến đỉnh cao, chúng đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược. Ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn. Ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn, “Tình hình ấy cho phép ta chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”[3].
Nghị quyết đề ra phương hướng và nhiệm vụ trước mắt của ta là: “động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”[4].
Đại sứ quán Hoa Kỳ, biểu tượng sức mạnh Hoa Kỳ tại Sài Gòn bị tiến công (Ảnh tư liệu)
Để đạt tới những mục tiêu chiến lược đã đề ra, trước mắt cần phải: tiêu diệt và làm tan rã tuyệt đại bộ phận ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân; tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của quân viễn chinh Hoa Kỳ, buộc Hoa Kỳ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc và ta đạt được các mục tiêu trước mắt của cách mạng là độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.
Tiến hành tổng công kích và tổng khởi nghĩa trong điều kiện địch có hơn một triệu quân và tiềm lực chiến tranh của chúng còn lớn, Bộ Chính trị dự kiến tình hình có thể diễn ra theo một trong ba khả năng:
1. Ta giành được thắng lợi hoàn toàn ở miền Nam, giữ vững được miền Bắc.
2. Ta giành thắng lợi căn bản, nhưng địch co lại, tập trung lực lượng, phản kích quyết lệt và tiếp tục cuộc chiến tranh.
3. Ta giành thắng lợi một phần, Mỹ động viên lực lượng, tăng cường phương tiện, mở rộng chiến tranh.
Trong ba khả năng trên, Bộ Chính trị cho rằng cần tập trung lực lượng để giành thắng lợi theo khả năng thứ nhất; đồng thời phải sẵn sàng đối phó với khả năng thứ hai và thứ ba.
Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1/1968) thông qua Nghị quyết của Bộ Chính trị, kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân anh dũng tiến lên, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Cũng trong thời gian này, đồng chí Lê Duẩn gửi một số thư cho Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy Miền và Khu ủy Sài Gòn-Gia Định chỉ đạo về chuẩn bị tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Đồng chí nêu rõ: Thực chất của đợt tổng công kích, tổng khởi nghĩa sắp tới là giáng cho địch những đòn sấm sét, làm thay đổi cục diện chiến tranh, làm lung lay hơn nữa ý chí xâm lược, buộc Hoa Kỳ phải xuống thang chiến tranh.
Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy Miền cũng ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về những vấn đề cụ thể tiến lên, tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định. Mặc dù nhận thức của các cấp ủy Đảng, quân đội có khác nhau, song nhìn chung, chủ trương tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa đã được thống nhất từ Trung ương đến toàn chiến trường miền Nam. Cả dân tộc bước vào trận đánh quyết định nhằm tạo ra bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đánh bại ý chí xâm lược của Hoa Kỳ
Thực hiện chủ trương của Đảng, trong năm 1968, quân và dân miền Nam đã mở 3 đợt tiến công lớn:
Đợt 1, từ 31/1 đến 25/2/1968: ta tiến công vào 4/6 thành phố, 37/42 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ trên khắp miền Nam. Hầu hết các cơ quan đầu não của địch từ Trung ương đến địa phương bị tiến công, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 bộ tư lệnh sư đoàn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến quân đội Hoa Kỳ và 30 sân bay của địch đã bị tiến công, gây cho địch thiệt hại nặng nề về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Lần đầu tiên, ta đưa chiến tranh vào tận hang ổ của kẻ thù trên quy mô rộng lớn toàn miền Nam, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa.
Vẻ chán chường của Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara trong một cuộc họp nội các ngày 7/2/1968 (Ảnh tư liệu)
Đợt 2, từ 5/5 đến 13/6/1968: Đúng 0 giờ 30 phút ngày 5/5/1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy đợt 2 trên toàn Miền đã nổ ra. Trong tuần lễ đầu tổng tiến công và nổi dậy (từ ngày 5 đến 12/5), quân Giải phóng tiến công 31 thành phố, thị xã, 58 thị trấn, quận lỵ, đánh trúng 10 bộ tư lệnh quân đoàn, sư đoàn, 30 sân bay, 20 căn cứ xuất phát hành quân và trung tâm huấn luyện của địch.
Đợt 3, từ 17/8 đến 30/9/1968: Chiến trường trọng điểm vẫn là Sài Gòn, Gia Định và miền Đông Nam Bộ, Khu V là hướng phối hợp, trọng điểm là Quảng Đà. Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam, mặc dù yếu tố bí mật, bất ngờ không còn, song lực lượng pháo binh, đặc công, biệt động đã phối hợp đồng loạt tiến công 27 thành phố và thị xã, hơn 100 thị trấn, quận lỵ, chi khu quân sự, 47 sân bay các loại, 3 tổng kho hàng hoá quân sự, 6 bộ tư lệnh cấp sư đoàn quân viễn chinh Hoa Kỳ và quân đội Sài Gòn.
Đến cuối tháng 9/1968, 3 đợt tổng tiến công và nổi dậy về cơ bản đã kết thúc với việc không đạt được mục tiêu cao nhất.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn còn hơn triệu quân với khối lượng phương tiện chiến tranh khổng lồ, trong khi lực lượng vũ trang toàn Miền chỉ có khoảng 280.000 bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, 1 số đơn vị biệt động, một số loại vũ khí tuy mới được bổ sung từ miền Bắc nhưng nhìn chung kém hơn nhiều hỏa lực của địch. Tương quan lực lượng chênh lệch lớn như vậy, địch mạnh hơn gấp nhiều lần, cho nên, ta gặp khó khăn, tổn thất là khó tránh khỏi. Yếu tố bất ngờ chỉ phát huy tác dụng trong đợt thứ nhất, sau đợt 1, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã phản kích nhanh chóng, quyết liệt, tăng cường lực lượng, tái lập thế trận phòng thủ vững chắc. Ta có những bất cập trong tác chiến như hiểu không đúng khái niệm giành thắng lợi quyết định, đánh giá chưa đúng tương quan lực lượng giữa hai bên (nhất là về lực lượng chính trị) dẫn đến việc đề ra mục tiêu tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành chính quyền một cách chủ quan, không kịp thời chuyển hướng hoạt động quân sự khi tình hình đã thay đổi, nên để mất đất, mất dân, lực lượng vũ trang, cơ sở cách mạng và vật chất chiến tranh bị tổn thất nghiêm trọng, gây những khó khăn rất lớn cho cuộc kháng chiến trong những năm 1969-1970.
Mặc dù vậy, thắng lợi của tổng tiến công và nổi dậy trong năm 1968 cũng rất lớn, ta không chỉ tiêu diệt được một lực lượng chiến lược của quân đội Hoa Kỳ- quân lực Việt Nam Cộng hòa, mà quan trọng hơn là đã tạo được phần nào hình thái “liên tục tiến công, liên tục nổi dậy”, đánh bồi liên tiếp, đánh bại ý chí xâm lược của Hoa Kỳ, buộc Tổng thống Mỹ Jhonson phải tuyên bố ném bom hạn chế, rồi chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là một trong bốn thành viên chính thức tham gia hoà đàm tại Paris. Những thắng lợi này góp phần cho ta thế mạnh và chủ động trong cuộc đấu tranh ở Hội nghị Paris.
Bình Nguyễn
[1] . Năm 1965-1966 là 4,7 tỷ USD, năm 1967 tăng vọt lên 30 tỷ USD.
[2] . Tháng 1/1968, Nghị quyết này được Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua với tên gọi Anh dũng tiến lên, thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
[3] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 50.
[4] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 50.