Trung thành với những quan điểm của Lênin, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng vai trò báo chí và sử dụng vũ khí báo chí trong quá trình vận động thành lập Đảng, đấu tranh giải phóng dân tộc
Báo chí và hoạt động báo chí trong quá trình vận động thành lập Đảng
Trong quá trình tìm đường cứu nước, từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc nhận rõ vai trò và sử dụng báo chí phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa, truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin vào phong trào dân tộc Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời Đảng cộng sản Việt Nam.
Trong nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết trên diễn đàn quốc tế, Nguyễn Ái Quốc luôn tố cáo thực dân Pháp vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Đông Dương và đấu tranh đòi những quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam trong đó có quyền tự do nói trên.
Nhận thức tầm quan trọng của báo chí, đấu tranh đòi tự do báo chí cho các thuộc địa trong đó có Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc tích cực sử dụng báo chí trong quá trình hoạt động cách mạng của người, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp, truyền bá những luận điểm cách mạng giải phóng dân tộc của chủ nghĩa Mác Lênin. Hoạt động báo chí của Người bắt đầu với các tờ báo L’ Hmanité (Nhân đạo), La Vie Ouvriere (Đời sống công nhân), Le Peuple (Dân chúng), Le Review Communíte (Tạp chí Cộng sản), Le Liberataire (Người tự do)…Ngoài ra , Nguyễn Ái Quốc là sáng lập viên hoặc chủ trương một số tờ báo như Le Paria, Việt Nam hồn…
Trong thời kỳ ở Liên xô và hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc cộng tác với nhiều tờ báo và tạp chí: Đỏ, Sự thật, Tiếng còi, Thư tín quốc tế, Quốc tế nông dân, Quốc tế phụ nữ và tiếp tục viết bài cho các báo xuất bản ở Pháp.
Nền báo chí cách mạng Việt Nam thực sự ra đời với sự ra đời báo Thanh niên ngày 21/6/1925. Báo Thanh niên tuyên truyền tôn chỉ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tố cáo tội ác của thực dân Pháp, giói thiệu kinh nghiệm của cách mạng tháng Mười Nga và chủ nghĩa Lênin, cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Báo làm rõ nhiều vấn đề về lực lượng cách mạng, đối tượng cách mạng, chống lại những quan điểm sai lầm, tuyên truyền về công tác tổ chức công nhân và các tổ chức quần chúng…
Báo Lao Động, xuất bản thứ Ba hằng tuần tại Sài Gòn, cơ quan bênh vực quyền lợi của giai cấp cần lao, thực chất là cơ quan Công vận của Xứ ủy Nam Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia)Tháng 12/1926, Nguyễn Ái Quốc xuất bản báo Công nông nhằm đối tượng chủ yếu là công nhân, nông dân. Tiếp đó, tháng 2/1927, xuất bản báo Lính kách mệnh để tuyên truyền binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp. Năm 1928, Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc về Xiêm, hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước, đổi tên báo Đồng thanh thành tờ Thân ái…
Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trên lĩnh vực báo chí cho thấy Người quán triệt quan điểm của Lênin về báo chí, coi trọng báo chí và sử dụng báo chí là một phương tiện hữu hiệu để truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin về Việt Nam, tập hợp lực lượng cách mạng.
Năm 1929, các tổ chức cộng sản ra đời, đều chủ trương ra báo để tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và tập hợp quần chúng.
Ngày 17/6/1929, Đông Dương cộng sản Đảng thành lập, chủ trương xuất bản báo Búa liềm làm cơ quan tuyên truyền ở Trung ương, báo Bônsơvích của Kỳ bộ Trung Kỳ, báo Cờ cộng sản của Kỳ bộ Nam Kỳ.
An Nam cộng sản Đảng thành lập tháng 11/1929 tại Sài Gòn xuất bản tạp chí Bônsơvích làm cơ quan lý luận của Đảng.
Chi bộ An Nam cộng sản Đảng tại Trung Quốc ra tờ báo Đỏ.
Từ ngày 6/1 đến đầu tháng 2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc diễn ra tại Hồng Kông. Hội nghị thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt…đề ra đường lối cơ bản đúng đắn cho cách mạng Việt Nam.
Báo chí cách mạng giai đoạn 1930-1935
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cao trào cách mạng 1930-1931 và khôi phục hệ thống tổ chức Đảng 1932-1935. Trong thời kỳ này, nhiều Nghị quyết của Đảng từ Nghị quyết Hội nghị hợp nhất, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10-1930, Nghị quyết của các Xứ ủy, của Ban Chỉ huy ở ngoài …đến Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng đều đề ra nhiệm vụ lãnh đạo công tác báo chí, sử dụng báo chí phục vụ công tác tuyên truyền, cổ động tranh đấu, khôi phục hệ thống tổ chức Đảng.
Nhìn chung, quan điểm của Đảng về lãnh đạo công tác báo chí trong thời kỳ này là báo chí là phương tiện thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động trong toàn Đảng, các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến các huyện ủy phải xuất bản báo, dùng báo chí cổ động cuộc đấu tranh, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, thảo luận đường lối chủ trương của Đảng, các tổ chức quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng như công hội, nông hội, Thanh niên cộng sản đoàn, Hội phụ nữ, Hội Cứu tế… đều phải xuất bản báo để vận động cách mạng trong giai cấp, tầng lớp mình; ngoài báo cho người Kinh còn phải có báo vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia đấu tranh cách mạng. Hình thức chủ yếu của báo chí thời kỳ này là bí mật, tích cực xây dựng đội ngũ làm báo từ thực tiễn phong trào.
Báo Dân Tiến, xuất bản thứ Năm hằng tuần tại Sài Gòn, cơ quan liên hiệp các lực lượng cấp tiến, thực chất là của Xứ ủy Trung Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia)Trên cơ sở những quan điểm và chủ trương đó, mặc dù trong hoàn cảnh hoạt động và tranh đấu rất khó khăn, quyết liệt, các tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương đã xuất bản nhiều tờ báo phục vụ nhiệm vụ chính trị. Trung ương Đảng có Tạp chí Đỏ ra ngày 5/8/1930, báo Tranh đấu ra ngày 15/8/1930, báo Cờ vô sản xuất bản tháng 1/1931, Tạp chí Cộng sản, xuất bản ngày 11/2/1931, Ban Chỉ huy ở ngoài xuất bản Tạp chí Bônsơvích năm 1934.
Các cơ quan Đảng cấp xứ và nhiều tỉnh, thành ủy, nhiều huyện ủy, nhất là ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã ra báo cổ động cuộc đấu tranh của công nông và phục vụ nhiệm vụ khôi phục tổ chức Đảng. Có thể nói, đây là thời kỳ nở rộ của báo chí cách mạng.
Báo chí cách mạng giai đoạn 1936-1939
Năm 1936, thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp tạo điều kiện cho các hoạt động tự do dân chủ ở Pháp cũng như các nước thuộc địa. Bên cạnh việc duy trì báo chí bí mật của Đảng để bàn những việc không thể đưa ra công khai, Đảng chủ trương đẩy mạnh xuất bản báo chí công khai để tuyên truyền, tập hợp quần chúng rộng rãi hơn vì “Sách báo công khai là những lợi khí tuyên truyền rất mạnh và rất dễ phổ cập”[1].
Trong không khí dân chủ công khai, Đảng cộng sản Đông Dương đã xuất bản báo L’ Avant garde (Tiền phong)- cơ quan ngôn luận công khai của Đảng cộng sản Đông Dương.
Đến tháng 8/1937, các Đảng bộ đã xuất bản và lãnh đạo hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp được hơn 10 tờ báo và hàng chục cuốn sách, báo chí của Đảng “đại khái đã giải thích được đường chính trị hiện thời và những nhiệm vụ cần thiết của Đảng và của cuộc vận động dân tộc giải phóng trong giai đoạn này cho các đảng viên và quần chúng noi theo mà hoạt động”[2].
Các tổ chức quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng phải xuất bản báo công khai, hợp pháp.
Đến cuối năm 1937, Đảng cộng sản Đông Dương và các tổ chức quần chúng đã xuất bản 16 tờ báo bất hợp pháp, trong đó, Bắc kỳ 2 tờ, Trung Kỳ 1 tờ, Nam Kỳ 13 tờ. Nhưng báo chí bất hợp pháp xuất bản khó khăn, ra không đều, như tờ Sự thật trong cả năm 1937 ra được 6 số. Về báo chí hợp pháp, Đảng có 3 tờ tuần báo tiếng quốc ngữ và 2 tờ nhật báo tiếng Pháp.
Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp từ 20-30/3/1938 chủ trương: “Ban Trung ương cần ra một tạp chí bí mật để giải thích những vấn đề mà các sách báo công khai không thể bàn đến được”[3].
Về phẩm chất của người làm báo, cộng tác viên, Nghị quyết Hội nghị chỉ rõ: “Các phóng viên, cổ động viên, thông tín viên chẳng những phải chỉ cần chọn những người chắc chắn mà cần biết chính trị và hiểu tâm lý quần chúng mới gây ảnh hưởng của Đảng và tờ báo được rộng”, “không nên gặp ai cũng lấy làm cổ động viên, phái viên…”[4].
Tại Bắc Kỳ, báo Tin tức là nơi tập hợp những người cộng sản trong phong trào đấu tranh dân chủ. Trung ương Đảng chủ trương lấy tờ Tin tức làm tờ báo công khai cho toàn Đông Dương, ra hằng ngày.
Nội dung báo chí thời kỳ này là tuyên truyền giải thích chính sách của Đảng, đấu tranh chống Trôtxkit và phản ánh tâm tư nguyện vọng của quần chúng, kể cả tầng lớp trên. Cụ thể, báo chí đã góp phần tạo nên cao trào đấu tranh dân chủ hết sức rộng lớn trong những năm 1936-1937.
Sau một thời gian quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc và Quốc tế cộng sản có vấn đề, đến lúc này Quốc tế Cộng sản đã nhìn nhận đúng về Nguyễn Ái Quốc và chủ trương đưa Người về lãnh đạo cách mạng Đông Dương. Là một người có kinh nghiệm hoạt động báo chí, Nguyễn Ái Quốc góp ý: “Ban Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị (Ví dụ đăng tiểu sử đồng chí R, báo Lao động viết đồng chí đó ở đâu, đồng chí đó trở về như thế nào…Báo đó lại đăng và không bình luận gì về bức thư của đồng chí này cho rằng chủ nghĩa Trôtxky là sản phẩm của tính khoe khoang cá nhân,v..v …)[5].
Bình Nguyễn
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t. 6, tr. 270.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.6, tr. 270.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 361
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 508.