Chùa Tam Chúc hay còn được gọi là quần thể khu du lịch Tam Chúc là một trong những khu du lịch tâm linh hấp dẫn nhất ở miền Bắc Việt Nam. Tam Chúc hiện là ngôi chùa lớn nhất thế giới, được xây dựng trên nền ngôi chùa Tam Chúc cổ tự với niên đại hơn 1000 năm.
Quần thể chùa Tam Chúc (Ảnh - TTXVN)
Ngôi chùa nằm ở ví trí đắc địa
Chùa Tam Chúc nằm ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ngôi chùa sở hữu một vị trí vô cùng đắc địa, cảnh quan mặt hướng hồ lưng tựa núi. Phía trước là hồ Lục Nhạc, phía sau chùa là núi Thất Tinh (Tiền Lục Nhạc - Hậu Thất Tinh). Trong hồ có 6 hòn đảo nhỏ theo tương truyền chính là 6 chiếc chuông mà tạo hóa đã ban cho nơi đây. Có thể xem chùa Tam Chúc như là một cầu nối giữa chùa Hương với chùa Bái Đính, Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình.
Sự tích Chùa Tam Chúc
Tương truyền rằng Chùa Tam Chúc gắn liền với truyền thuyết về “Tiền Lục Nhạc - Hậu Thất Tinh”. Theo đó, trên dãy núi nằm ở hướng Tây Nam hướng về chùa Hương có 99 ngọn núi, trong đó có 7 ngọn núi gần với làng Tam Chúc nhất, được dân làng gọi là núi “Thất Tinh” và ngôi chùa ở đây được gọi là chùa “Thất Tinh”.
Trên 7 ngọn núi này đều xuất hiện một đốm sáng lớn tựa như 7 ngôi sao tỏa sáng như ánh hào quang. Người người thấy ánh hào quang đó kéo đến núi Thất Tinh đục đẽo, chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày hòng lấy đi 7 ngôi sao. Trong 7 ngôi sao có 4 ngôi sao bị đốt nhiều nên đã mờ dần, chỉ còn lại 3 ngôi sao còn sót lại. Vì thế ngôi chùa “Thất Tinh” sau này được đổi tên thành chùa “Ba Sao” (tức Chùa Tam Chúc ngày nay).
Những khu vực chính của chùa Tam Chúc
Chùa Ngọc
Chùa Ngọc hay còn gọi là Đàn Tế Trời là một trong những hạng mục chính của chùa Tam Chúc. Chùa Ngọc được xây dựng trên đỉnh ngọn núi Thất Tinh. Để lên được chùa thì du khách sẽ phải leo khoảng 200 bậc thang làm bằng đá thì mới đến nơi.Trong chùa hiện đang đặt 3 bức tượng Phật được làm hoàn toàn từ đá granit, nhập khẩu từ Ấn Độ về cùng với một pho tượng Phật được làm bằng ngọc vô cùng quý hiếm.
Chùa Ngọc (Ảnh - Laodong)
Điện Tam Thế (Điện Tam Bảo)
Ngay sau khi bước chân vào cổng chùa Tam Chúc thì điện Tam Thế sẽ là công trình đầu tiên mà chúng ta nhìn thấy. Điện Tam Thế có diện tích rất lớn lên đến 5100m2 và có thể chứa được cùng một lúc khoảng 5000 người. Bên trong điện có 3 bức tượng Phật được làm bằng đồng. Mỗi bức có trọng lượng lên đến 80 tấn. Phía sau mỗi bức tượng Phật là một cánh sen dát vàng.
Quang cảnh nghi thức lễ Tắm Phật tại điện Tam Thế, chùa Tam Chúc. (Ảnh - TTXVN)
Điện thờ Pháp Chủ Thích Ca Mâu Ni
Bên trong khu vực này có đặt một bức tượng Phật khổng lồ nặng 200 tấn. Đây cũng là bức tượng Phật lớn nhất tại Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại.
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Ảnh - Internet
Vườn Kinh
Tại vườn Kinh người ta đặt 99 chiếc cột được làm bằng đá. Mỗi chiếc cột tại đây có trọng lượng lên tới 200 tấn và cao 13,5m. Trên mỗi cột đinh lại được khắc những bài kinh để du khách đến đây tham quan có thể vừa ngắm nhìn, vừa tụng kinh cầu nguyện.
Vườn kinh khổng lồ ở chùa Tam Chúc. Ảnh - Nguoiduatin
Đình Tam Chúc
Đây là khu vực thờ hoàng hậu nhà Đinh có tên Dương Thị Nguyệt. Theo tương truyền trước kia trong cuộc chiến dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Linh đã đến đây để chiêu mộ binh mã. Khi thắng trận và lên ngôi hoàng đế, nhà vua đã ra lệnh cho xây đền thờ tại đây.
Đình Tam Chúc được nối liền với chùa Tam Chúc bằng một lối đi bộ hình Zig Zag. Ảnh - Internet
Có thể thấy, quần thể khu du lịch Tam Chúc thực sự là một điểm đến tâm linh hấp dẫn bởi nó là sự kết hợp hoàn hỏa giữa vẻ đẹp cổ kính với vẻ hùng vĩ của nước non bao la. Nơi đây được kỳ vọng sẽ tạo ra bước phát triển đột phá cho kinh tế - xã hội cho tỉnh Hà Nam trong tương lai không xa.
Trong thời gian qua, chùa Tam Chúc vinh dự là nơi tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak 2019, với sự tham dự của 1.600 đại biểu Phật giáo đến từ 105 nước và vùng lãnh thổ, và thu hút đông đảo du khách thập phương. Đây còn là dịp để Việt Nam giới thiệu về văn hóa và du lịch đến các bạn bè quốc tế.
Bao quanh chùa Tam Chúc còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Động Vòng, động Cô Đôi, chùa Thiên Phúc, chùa Bà Đanh, đền Lý Thường Kiệt, chùa Thi, động Thủy, đền Lê Chân, chùa Ông, chùa Tam Giáo… Đặc biệt, chùa Tam Chúc hợp với chùa Bái Đính - Ninh Bình và chùa Hương - Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) tạo nên tam giác “trục du lịch tâm linh” lớn nhất nước, thuận lợi về mặt địa lý giao thông đi lại, khơi dậy nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch.
Chiên Lê