Phương châm tiến công Điện Biên Phủ là một trong những yếu tố cốt lõi làm nên chiến thắng lừng lẫy của quân và dân ta tại Điện Biên Phủ. Vậy tại sao chúng ta chuyển phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” ngay trước thềm chiến dịch ?
Từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” ban đầu...
Sở dĩ lúc đầu ta chủ trương “đánh nhanh, giải quyết nhanh” khi tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trên cơ sở xác định tương quan lực lượng giữa ta và địch tại Điện Biên Phủ hoàn toàn nghiêng về phía ta.
Tương quan lực lượng giữa ta và địch tại chiến trường Điện Biên Phủ trước khi cuộc tiến công nổ ra như sau:
Về phía ta, Quân đội nhân dân Việt Nam huy động vào chiến dịch 55.000 người, gồm 4 đại đoàn bộ binh 304, 308, 312, 316 (thiếu Trung đoàn 66) và Đại đoàn công pháo 351, hỏa lức có 1 tiểu đoàn DKZ 75 mm và súng cối 82 mm, 4 đại đội súng cối 120 mm, 24 khẩu sơn pháo 75 mm, 24 khẩu lựu pháo 105 mm, 76 khẩu pháo cao xạ 37 mm, 12 khẩu pháo hỏa tiễn H6, 715 xe vận tải.
Ngoài ra, lực lượng tiếp vận cho chiến dịch Điện Biên Phủ bao gồm lực lượng tại chỗ và các vùng tự do lên đến trên 260.000 dân công.
Về phía Pháp, sau các đợt tăng cường, quân quân viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ có 16.200 người, bao gồm 16 tiểu đoàn, 9 đại đội bộ binh, 1 tiểu đoàn Công binh, hỏa lực có 20 khẩu súng cối 120 mm, 28 khẩu lựu pháo 105 mm, bốn khẩu pháo 155 mm, 10 xe tăng M24 TRAFFEE của Hoa Kỳ, 14 máy bay, trong đó có 7 máy bay khu trục 6 máy bay liên lạc Trinh sát, 1 máy bay lên thẳng, 200 xe vận tải.
Việc tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ của pháp chủ yếu dựa vào đường không bằng máy bay vận tải, cất cánh tại sân bay Gia Lâm.
Rõ ràng là với tương quan lực lượng như trên, phía pháp chỉ hơn Việt Minh lực lượng máy bay và xe tăng. Tuy nhiên, khi Việt Minh đã có lực lượng pháo cao xạ khả hùng hậu thì số lượng máy bay tại chỗ của Pháp không có ý nghĩa nhiều lắm nếu ta không chế được sân bay Mường Thanh. Việc tiếp tế bằng đường không cho Điện Biên Phủ cũng chắc chắn gặp khó khăn.
Còn lại tất cả so sánh lực lượng về con người và và vũ khí hỏa lực cộng đồng, phía Pháp còn kém hơn Việt Minh rất nhiều.
Ngoài ra lúc đầu, ta chủ trương đánh nhanh thắng nhanh trong khi địch chưa có thời gian xây dựng và củng cố trận địa, thế trận phòng ngự.
Dân công vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch (Ảnh tư liệu)
Đây là những cơ sở để lúc đầu Đảng ủy Mặt trận và Bộ Chỉ huy chiến dịch xác định phương châm tiến hành chiến dịch là “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, nhằm tận dụng cao nhất sức mạnh vượt trội về tương quan lực lượng của ta cũng như hạn chế thấp nhất việc kéo dài chiến dịch phải vận chuyển tiếp tế cho chiến dịch trên một cung đường dài hàng trăm km.
...đến phương châm "đánh chắc, tiến chắc" ngay trước khi chiến dịch diễn ra
Mặc dù đã chuẩn bị cho phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” trong ba đêm hai ngày, nhưng kết quả điều nghiên thực tế chiến trường cho thấy đây là một phương án khó khả thi.
Thứ nhất, đối phương tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tuy có số lượng chưa bằng 1/3 Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng có ưu thế là dựa vào công sự vững chắc, có thể cầm cự khá lâu dài với khối lượng vũ khí, lương thực, thực phẩm đã tích trữ.
Trong khi đó, bộ đội ta chưa có nhiều kinh nghiệm về việc tiến công các cứ điểm kiên cố, hơn nữa đây lại là tập đoàn cứ điểm, có khả năng chi viện cho nhau rất linh hoạt.
Đến cuối tháng 1/1953, Pháp đã tăng cường lực lượng và xây dựng Điện Biên Phủ thành 1 tập đoàn cứ điểm mạnh. Với 16.200 quân, địch bố trí thành hệ thống phòng ngự mạnh gồm 49 cứ điểm, tổ chức thành 8 cụm, mỗi cụm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng. Tám cụm cứ điểm hợp thành 3 phân khu yểm hộ lẫn nhau: phân khu trung tâm Mường Thanh có chỉ huy sở, nhiều trung tâm đề kháng, nhiều cứ điểm bao quanh sân bay; phân khu Bắc có hai trung tâm đề kháng là Độc Lập, Bản Kéo; phân khu Nam có trung tâm đề kháng Hồng Cúm.
Thứ hai, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ta phải giành thắng lợi.
Ngay từ Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành 1 Đảng tháng 1/1953, phương châm “đánh chắc, tiến chắc” đã được đưa ra thảo luận và được đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh: “Ta không chủ quan, khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan, mạo hiểm mà một lần thua nặng thì sẽ tai hại lớn. Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, nên nói chung ta chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại thì hết vốn”[1]
Khi trao nhiệm vụ Tổng chỉ huy chiến dịch cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Người căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, không chắc thắng, không đánh”2.
Hơn 11.000 quân Pháp bị bắt trong chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
Bộ Chính trị khẳng định: "Chiến dịch Điện Biên Phủ đối với tình hình quân sự và chính trị ở Đông Dương, đối với sự trưởng thành của quân đội ta, cũng như đối với công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới có một ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong lúc Hội nghị Giơnevơ sắp họp. Bởi vậy ta phải kiên quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này". "Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này"3.
Cân nhắc mọi mặt, nhất là tình hình thực tế, Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Đến cuối tháng 1/1954, phương châm đánh nhanh, giải quyết nhanh không đảm bảo yêu cầu đánh chắc thắng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Nếu đánh nhanh giải quyết nhanh thì tổn thất sẽ rất lớn, chắc chắn sẽ thất bại”4.
Ngày 26/01/1954, Đại tướng quyết định chọn phương án đánh chắc, tiến chắc. Đó là cách đánh “tiêu diệt từng bước, trong giai đoạn đầu tiêu diệt sinh lực chúng ở ngoại vi, đồng thời tìm cách tiêu hao chúng, khống chế sân bay để hạn chế hoặc triệt đường tiếp tế của chúng trong thời gian khá dài”5.
Đây là một quyết định dũng cảm, một chủ trương kịp thời, chính xác trên cơ sở quán triệt tư tưởng chỉ đạo cơ bản của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh là "đánh chắc thắng". Đây cũng là một quyết định khó khăn nhất trong những quyết định về chủ trương tác chiến trong Đông - Xuân 1953-1954.
Thực tế cho thấy đây là phương châm tiến công hợp lý, hạn chế thế mạnh của đối phương, phát huy thế mạnh của ta. Chúng ta đã có thêm gần 2 tháng để lực lượng hùng hậu 260.000 dân công vận chuyển một khối lượng lương thực, thực phẩm và vũ khí đạn dược tiếp tế cho chiến dịch.
Việc thay đổi phương châm tiến công Điện Biên Phủ ngay trước khi chiến dịch diễn ra là một quyết định vô cùng đúng đắn của Đảng ủy Mặt trận và Bộ Chỉ huy chiến dịch. Nó đã hạn chế đến mức thấp nhất hy sinh mất mát của bộ đội ta, hạn chế đối phương sử dụng và phát huy hỏa lực của các loại vũ khí cộng đồng và công sự phòng thủ chắc chắn. Nó cũng phù hợp với trình độ tác chiến của bộ đội ta. mặc dù lúc này đã thành lập các đơn vị đại đoàn chủ lực, nhưng kinh nghiệm chiến đấu cho thấy việc tiến công các tập đoàn cứ điểm có lô cốt, công sự vững chắc luôn là một khó khăn rất khó vượt qua.
Lịch sử đã chứng minh đó là quyết định dũng cảm, sáng tạo, trí tuệ, kịp thời, dẫn đến Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.
Quỳnh Chi
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, t.14, tr.59.
2 Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Quyết định khó khăn nhất. Báo Nhân dân Chủ nhật, ngày 8/5/1989.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 88.
4 Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ xưa và nay, Tạp chí Xưa và Nay, số 2, tháng 5/1994.
5 Điện Biên Phủ văn kiện Đảng và Nhà nước, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 562.