Trong cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, có những bức điện đã đi vào lịch sử. Chúng ta hẳn còn nhớ bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 07/4/1975 chỉ đạo các cánh quân đang tiến về giải phóng Sài Gòn: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa…”. Nhưng cũng có bức điện cho thấy sự bi tráng, khốc liệt của chiến tranh, đó là bức điện của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pha Long trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tháng 2/1979
Mường Khương là huyện vùng cao, biên giới ở phía Đông Bắc tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai 50km, có chiều dài đường biên giới với Trung Quốc là 73,567km thuộc 9 xã, thị trấn. Trên biên giới thuộc địa bàn huyện có 64 cột mốc (từ số 107 thuộc địa bàn xã Bản Lầu đến cột mốc số 170 thuộc xã Tả Gia Khâu).
Từ cuối năm 1975, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc bắt đầu xấu đi. Trung Quốc liên tục gia tăng số vụ khiêu khích và xâm phạm biên giới phía Bắc, dựng lên sự kiện nạn kiều, rút chuyên gia, cắt viện trợ, ngừng thực hiện các dự án mà hai nước đã cam kết trước đó.
Cùng với việc đơn phương cắt bỏ mọi viện trợ mà hai nước đã ký kết, ngày 17/6/1978, Trung Quốc yêu cầu các lãnh sự quán Việt Nam ở Côn Minh, Quảng Châu và Nam Ninh phải dời về nước. Ngày 12/7/1978, Trung Quốc tiến hành đóng cửa biên giới đối với Việt Nam, làm cho hàng vạn người Hoa muốn đi Trung Quốc bị kẹt lại. Cũng giữa năm 1978, đối diện đường biên giới tỉnh Hoàng Liên Sơn, Trung Quốc đưa 8 Trung đoàn Biên phòng ra áp sát biên giới, điều động 2 quân đoàn số 12 và 13 bố trí dọc tuyến. Trung Quốc còn mở nhiều đường giao thông lớn chạy thẳng ra biên giới, bố trí hầm hào công sự, tổ chức diễn tập, thành lập các đơn vị sơn cước (lính áo đen giỏi luồn rừng, đánh đêm) rải dọc biên giới làm cho tình hình hai bên hết sức căng thẳng.
Đêm 16 rạng ngày 17/2/1979, lợi dụng trời tối, sương mù, phía Trung Quốc bí mật đưa lực lượng vượt biên giới luồn sâu, ém sẵn ở nhiều khu vực trên toàn tuyến biên giới, từ Pò Hèn (Quảng Ninh) đến Pa Nậm Cúm (Lai Châu), trong đó có Mường Khương, đồng thời, triển khai một lực lượng lớn áp sát biên giới chuẩn bị tiến công.
Nghĩa trang liệt sĩ Pha Long, nơi an nghỉ của những chiến sỹ hy sinh
trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc
Bất chấp nỗ lực giải quyết căng thẳng bằng con đường hòa bình của Việt Nam, từ 03 giờ 30 phút ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trong lãnh thổ của Việt Nam, sau đó huy động hơn 60 vạn quân tiến công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Hướng tiến công chủ yếu là Lạng Sơn và Cao Bằng; hướng quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên Sơn); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); hướng nghi binh thu hút lực lượng ta là Quảng Ninh, Hà Tuyên.
Quân Trung Quốc tiến sâu vào lãnh thổ nước ta hàng chục km. Với chủ trương “Cướp sạch, đốt sạch, giết sạch”, đi đến đâu, quân Trung Quốc cũng đốt phá nhà cửa, cướp bóc của cải, tàn sát nhân dân Việt Nam, gây nhiều tội ác dã man đối với đồng bào Việt Nam ở vùng biên giới phía Bắc.
Ở Mường Khương, 5 giờ 45 phút sáng ngày 17/2/1979, Trung Quốc pháo kích, tập trung vào các đồn biên phòng, các mục tiêu phòng thủ của Việt Nam từ Pha Long đến A Mú Sung. Sau đó, bộ binh Trung Quốc ồ ạt tiến công. Ở huyện Mường Khương, Trung Quốc tấn công vào 23/24 xã của huyện.
Phương án của quân Trung Quốc là dùng hỏa lực đánh vào các mục tiêu, sau đó dùng bộ binh tiến công, bao vây chiếm giữ các điểm cao, chia cắt không cho các đồn biên phòng chi viện cho nhau.
Ngay trong ngày 17/2/1979, Chính phủ Việt Nam ra Tuyên bố[1] về cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, khẳng định ý chí và quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc của nhân dân Việt Nam; đồng thời, kêu gọi Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân tiến bộ trên thế giới tăng cường ủng hộ, đoàn kết với Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc phải lập tức chấm dứt chiến tranh, rút hết quân đội về nước.
Trên hướng Lào Cai, khi tấn công Pha Long, quân Trung Quốc dùng chiến thuật tách Pha Long ra khỏi thế trận liên hoàn của tỉnh. Cuộc chiến đấu ở Đồn Pha Long diễn ra quyết liệt. Trong 4 ngày (từ ngày 17 đến ngày 20/2/1979), quân Trung Quốc tiến công 20 lần với 5 đợt tiến công lớn vào đồn Pha Long.
Mặc dù tương quan lực lượng quá chênh lệch, vũ khí đạn dược thiếu thốn, lương thực, thực phẩm cạn dần nhưng cán bộ chiến sĩ đồn Pha Long vẫn kiên quyết chiến đấu bảo vệ biên cương bờ cõi của Tổ quốc. Có ngày, ta và địch giành giật nhau từng mô đất, từng đoạn giao thông hào, giữ vững trận địa của ta khi so sánh tương quan lực lượng địch gấp ta 4 lần.
Trong 4 ngày chiến đấu quyết liệt, có nhiều bức điện được đánh đi từ Đồn Pha Long trong đó có hai bức điện: Bức điện đánh đi trưa ngày 18/2 có nội dung: “Đồn Pha Long bị bao vây, địch đã chiếm hết các chốt của ta, lực lượng thương vong nhiều, nhưng anh em chúng tôi còn lại kiên quyết không rời vị trí chiến đấu, dù còn một người cũng chiến đấu”.
Bức điện thứ 2 được Ban Chỉ huy đồn Pha Long đánh đi lúc 11 giờ ngày 19/2/1979 có nội dung: “Một sư đoàn địch đang vây hãm đồn. Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí”[2].
Tinh thần chiến đấu quyết tử bảo vệ đồn, bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long điểm thêm những trang vàng trong lịch sử truyền thống Bộ đội Biên phòng nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung.
Đồn biên phòng Pha Long hiện nay
Sau 4 ngày chiến đấu, quân và dân Mương Khương đã anh dũng chiến đấu, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch. Song, với lực lượng đông, hỏa lực mạnh, đến ngày 20/2/1979, quân Trung Quốc cơ bản chiếm được Mường Khương, Thanh Bình, Bản Lầu, ngã ba Bản Phiệt, thị xã Lào Cai, khu vực cầu Kim Tân.
Bộ binh địch vượt sông Hồng đánh chiếm các khu vực làng Hang, Quang Kim, Bát Xát. Ở hướng thị xã Lào Cai, Trung Quốc bắc hai cầu phao qua sông Hồng và sông Nậm Thi để bộ binh và xe tăng tiến sang theo hai cánh quân bao vây thị xã Lào Cai. Thực hiện chiến thuật “Đánh nhanh toàn tuyến, chiến thuật biển người, bao gạo súng trường, người Hoa dẫn đường”[3].
Trong suốt thời gian chiến đấu, các đơn vị vũ trang của tỉnh Hoàng Liên Sơn cùng nhân dân địa phương chiến đấu dũng cảm, tổ chức 33 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt 3.471 tên địch, bắn cháy 4 xe tăng, 1 xe bọc thép, 9 xe tải và mô tô 3 bánh, thu 30 khẩu súng các loại, 120 lựu đạn, 3.023 viên đạn[4].
Trong chiến công chung đó, cán bộ, chiến sĩ đồn Pha Long tiêu diệt 740 tên, bắn bị thương 57 tên, thu 14 súng CKC, 8 súng AK, 2 trung liên, 8 hòm lựu đạn, 5 khẩu K54, 1 khẩu B40, góp phần cùng quân dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc chặn đứng cuộc tiến công xâm lược của kẻ thù.
Trước sự kháng cự mạnh mẽ, anh dũng của quân dân Việt Nam ở biên giới và sự phản kháng của nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình, ngày 5/3/1979, Trung Quốc buộc phải tuyên bố sẽ rút hết quân về nước.
Ngày 18/3/1979, Trung Quốc rút hết quân khỏi Việt Nam. Song cuộc chiến đấu bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ ở biên giới phía Bắc của nhân dân Việt Nam còn kéo dài 10 năm sau đó.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Việt Nam chịu tổn thất nặng nề: 36.000 người bị chết (bao gồm bộ đội và người dân), 1,7 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp chiến tranh. Quân Trung Quốc san bằng 4 thị xã, đốt phá 320 xã, 691 nhà trẻ, 428 bệnh viện, 735 trường học, phá hoại hàng trăm công trình công nghiệp, nông nghiệp, thủy lợi và di tích lịch sử, văn hóa, trong đó di tích lịch sử Pác Bó bị phá hoại nghiêm trọng.
Trong cuộc chiến đấu, đồn biên phòng Pha Long có 24 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và một số bị thương.
Sau này, Nhà thơ Vương Trọng, khi đến thăm Đồn biên phòng Pha Long, đã xúc động làm bài thơ Ghi ở Pha Long:
“Đâu rồi những chàng trai trẻ
Ùa xuống cổng đồn đón khách lên thăm
Chỉ còn bia mộ nghĩa trang?
Mắt rưng rưng, dò đọc từng dòng
Gặp điệp khúc tháng hai năm bảy chín
Lời vĩnh biệt nhói trời Pha Long”...
Ý chí chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pha Long 43 năm trước đã đi vào lịch sử cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc như thế.
Mai Nguyễn
[1]Báo Nhân dân, ngày 18/2/1979.
[2] Lịch sử Đồn Biên phòng Pha Long, Lưu hành nội bộ, Pha Long, 7/2017, tr. 93.
[3] Xiaoming Zhang (2005), “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment”, The China Quarterly, No, p.861.
[4] Báo cáo bước đầu đánh giá kết quả chiến đấu của công an nhân dân vũ trang Hoàng Liên Sơn từ 17/2 đến 7/8/1979.