Tháng Bảy, tháng tri ân hàng triệu liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong đó có cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại Vị Xuyên, Hà Giang năm 1984. Nhân dịp này, chúng tôi giới thiệu hồi ức của đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, nguyên chiến sỹ c12, d6, e881, f314, Quân khu II, một cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên, hiện đang công tác tại Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
“Cuối tháng 1/1985, Trung đoàn ăn tết Nguyên Đán sớm, nghe nói chuẩn bị hành quân di chuyển. Đến giữa tháng Hai, toàn Trung đoàn 881 được lệnh hành quân lên sát vùng chiến sự.
Đại đội cối 82 (c12, d6) chúng tôi đóng quân tại khu đồi cọ thuộc xã Phương Thiện, huyện Vị Xuyên, ngay sát thị xã Hà Giang khi đó. Từ thị xã Hà Giang, cách biên giới 20km, thỉnh thoàng vẫn nghe tiếng pháo dội về, cũng đôi lần nhìn thấy những chiếc xe chở thương binh từ phía Thanh Thủy về tuyến sau, chúng tôi biết trận chiến đến rất gần và mình sắp phải vào trực tiếp chiến đấu.
Tháng 6/1985, đại đội hỏa lực cối 82 của tôi và các đại đội bộ binh, các trung đội trực thuộc Tiểu đoàn 6 lần lượt thay nhau hành quân lên chốt giữ tại điểm cao 2000 như là là thêm một lần tập dượt.
Từ trận địa trên 2000, chúng tôi có thể quan sát thấy một phần của khu vực mặt trận Thanh Thủy, đã thấy những chớp lửa dày đặc của đạn pháo, những vệt đạn đỏ rực đan vào nhau vào ban đêm… chúng tôi đã dần cảm nhận được sự ác liệt của chiến tranh ở dưới đó.
Cũng tại đây, Tiểu đoàn 6 có tổn thất đầu tiên, một chiến sỹ đại đội 9 đã hy sinh do bị lở đất, sập giao thông hào.
Sau khoảng 20 ngày chốt ở điểm cao 2000, chúng tôi biết thế nào là sự khó chịu, đau đớn lở loét đầy cổ chân sau khi bị những con vắt, những đàn dĩn nhỏ ly ty hay những con ruồi vàng cắn vào cổ, tay, chân, rồi từ vết cắn ấy nó nhiễm trùng lở loét thành từng đám, mặc dù đã cố tìm mọi cách để che chắn.
Thời điểm đóng quân ở Phương Thiện chờ lên chốt này, cũng chính là thời điểm mà đa số những người lính tháng 7/84 e881 tự mình phải có một quyết định quan trọng, đó là quyết định ở lại hay quay về; cùng đồng đội vào cuộc chiến đấu biết chắc là gian khổ, có thể hy sinh, bị thương hoặc tìm cách bí mật đào ngũ về tuyến sau.
Mặc dù chỉ huy đơn vị quản lý bộ đội chặt chẽ, công tác học tập giáo dục chính trị tư tưởng đối với chiến sỹ thường xuyên nhưng không ít đồng đội đã lặng lẽ tìm đường quay lui. Dần dần, chúng tôi cũng không băn khoăn hoặc bình luận nhiều về các trường hợp ấy, xét cho cùng đấy cũng là quyết định của họ. Những người ở lại xác định sẽ ở lại đến cùng, vượt qua khó khăn để hoàn thành nghĩa vụ và trở về với quê hương với gia đình.
Thực ra lính trẻ có biết và suy nghĩ được sâu xa gì đâu, xác định là lính thì chỉ huy bảo đi là đi, đánh là đánh, nếu có vào chiến đấu thì sống chết do số, bom đạn nó tránh mình chứ mình có tránh được đâu, đơn giản vậy thôi.
Đại đội được kiện toàn. Đại đội phó chính trị Võ Hồng Sơn, một đồng chí chỉ huy gắn bó với đơn vị từ lúc huấn luyện, được điều sang đơn vị khác và đồng chí Tạ Đình Toàn từ đơn vị khác về thay. Các khẩu đội súng cối cũng điều chỉnh số lượng, pháo thủ... Chúng tôi coi như đã sẵn sàng.
Chuyện gì đến rồi cũng đến, ngày 22/8/1985, Tiểu đoàn 6 nằm trong đội hình cả e881, f314 hành quân vào Thanh Thủy, bắt đầu triển khai đội hình vào thay quân phòng ngự cho các đơn vị bạn. Tiểu đoàn 6 chúng tôi chủ công vào thay quân phòng ngự khu vực Thanh Thủy thay cho một phần của trung đoàn 982, trong đó các đại đội bộ binh đảm nhiệm chốt phòng ngự tại đồi Đài, đồi Cô X, dãy đá Pháp 1,2,3; Bộ phận hậu cần, vận tải, quân y tiểu đoàn nằm tại Hang Dơi. Riêng đại đội hỏa lực cối 82 của tôi sáng sớm ngày 23/8/1984 đi ban ngày từ làng Pinh vào nhận bàn giao trận địa cối 82 từ trung đoàn 982 tại Pha Hán, Thanh thủy, Vị xuyên.
Cùng vào chốt ở Pha Hán với c12 còn có 01 khẩu đội súng 12,7 của d6 và 03 đồng chí thông tin d6. Khẩu đội tôi được nhận bàn giao khẩu súng cối 82 loại Trung Quốc và mục tiêu chủ yếu là bắn vào khu vực mỏm cây khô (nằm giữa đồi Đài và dãy điểm cao 400 do quân Trung Quốc chiếm đóng).
Chiến trường Vị Xuyên năm 1984, đất, đá bị pháo địch đào xới tan nát, được ví như "Lò vôi thế kỷ" (Ảnh tư liệu)Ngày đầu vào thay quân yên ổn và thuận lợi nhưng chỉ 2 ngày sau, ngày 25/8/1985, chúng tôi đã đươc biết thế nào là bị pháo các loại của địch bắn trùm lên trận địa, đá vụn rơi đầy lòng hang; biết thế nào là mùi đạn pháo nổ trộn lẫn mùi bột đá cháy khét lẹt, mùi thuốc súng (liều phóng) tỏa ra từ chính nòng súng của chính mình. Mà hình như cái mùi tổng hợp của thuốc súng cháy trộn với bột đá vôi ấy nó làm cho người ta khó thở, nhưng cũng làm cho người lính thấy can đảm, bớt sợ hãi hơn thì phải. Ngay cả những lúc bị pháo trùm cả nóc hang, 3 khẩu cối 82 chúng tôi vẫn đĩnh đạc, đều đặn bắn vào các mục tiêu định sẵn (Đồi cây khô, đồi cây chuối). Ơn giời, không biết đơn vị nào đã cải tạo và xây dựng được cái trận địa cối kiên cố và an toàn như vậy. Cái hang đá hình chữ A quay lưng về hướng đồi Đài và đồi 400 bên kia sông. Hai cửa hang bố trí 2 khẩu cối với công sự tựa vào vách đá, được kè đá, bao cát chắc chắn, phía trên được rải gỗ và xếp đá nhỏ như mái nhà để chắn mảnh... nói chung là khá an toàn. Chúng tôi chỉ sợ trúng mảnh văng vào chứ không lo đạn pháo rơi lọt vào trong hang. Khẩu đội thứ 3 và bếp ăn của đại đội bố trí trên một cái hang động nhỏ, cách hang chữ A khoảng 200 m về phía trên sườn núi. Cửa động có đường kính khoảng 7 m nằm nghiêng theo sườn núi hướng về phía địch, bên trong mở rộng xuống dưới có một số ngách đá che chắn. Trận địa này chỉ thực sự nguy hiểm khi bị đạn cối địch rơi trúng miệng hang như kiểu đánh đáo - thật may pháo địch chỉ phát quang quanh miệng động, chứ chả quả nào rơi vào đó cả.
Là cụm trận địa lộ, lại đối diện với địch trên sườn Pha Hán ( 3 khẩu cối 82, 02 khẩu 12.7) nên hằng ngày, bọn địch vẫn bắn cầm canh. Còn khi đã vào trận đánh hoặc bất kể quân địch định tấn công ở đâu thì trước hết đều bắn trùm vào khu vực này, có ngày địch bắn pháo liên tục từ 5h30 đến 10h sáng mới dừng. Lâu dần thành quen, lính cũng biết và phân biệt được thế nào là tiếng nổ đầu nòng, tiếng nổ của đạn cối 160, lựu pháo 152, 122, thế nào là dàn hỏa tiễn H12 hay pháo 85 bắn thẳng, thế nào là đạn bay xa và thế nào là đạn nổ gần...
Với trận địa hỏa lực như thế này, lính cối chúng tôi vẫn thực sự là sung sướng và hạnh phúc hơn anh em bộ binh nằm chốt rất nhiều. Tại vị trí trận địa của mình chúng tôi có thể quan sát thấy các vị trí cửa hang Dơi, các điểm cao mà bộ binh nằm chốt giữ như dãy A6, A5, đồi Đài, đồi Cô X. Ở đó, núi đá bị pháo bắn màu trắng như những đống đá vôi, ở những mỏm đá nhô lên thành điểm cao ấy, lính bộ binh đã phải lợi dụng những hang hốc, kẽ đá để kè gỗ, phủ đá cục và những bao cát lên để thành hầm chiến đấu. Hầm, công sự chiến đấu kiểu này chật chội, vài người một hầm, đa số luôn sinh hoạt trong tư thế nửa ngồi nửa nằm.
Ngoài lương thực như lương khô, gạo sấy, đồ hộp dự trữ, hằng ngày, các chốt phải chờ vận tải khi đêm xuống mới chuyển nước, cơm và thức ăn lên mới được ăn, đấy là tiêu chuẩn ăn của bữa tối, bữa sáng và trưa hôm sau. Đấy là bình thường, còn những lúc vận tải bị pháo địch bắn, trời mưa trơn trượt, trong quá trình vận động bị ngã, bị thương, bị hy sinh... vậy là nhịn hoặc dùng đồ dự trữ.
Giữ chốt biên giới Vị xuyên có lẽ khổ nhất nguy hiểm nhất là những chiến sỹ làm nhiệm vận tải và thông tin hữu tuyến. Khi đêm xuống, họ bắt đầu hoạt động như những con kiến rời khỏi hang, đi trên những đoạn đường không được che chắn, khi vào mang lương thực thực phẩm, đạn dược bổ sung cho các hầm chốt, khi ra họ mang vác thương binh, tử sỹ dưới làn đạn cầm canh hoặc bất chợt của những khẩu cối 82, cối 60 rồi cả đạn đại liên, đạn súng phòng không hạ nòng bắn thẳng của địch bắn xuống để ngăn chặn. Tất nhiên những gian khổ nguy hiểm của lính bộ binh tôi không phải trải qua, nhưng chúng tôi có thể chứng kiến, hiểu rõ qua những thông tin của đơn vị, thông tin truyền miệng của những đồng đội, đồng hương trong các đợt họ vận tải đạn dược tiếp viện vào trận địa của mình.
CCB Nguyễn Anh Tuấn cùng đoàn CCB Văn phòng Học viện CTQG Hồ Chí Minh thắp hương tại Đài tưởng niệm các AHLS Minh Tân, Vị Xuyên, Hà Giang, ngày 14/5/2022Sau 3 tháng chiến đấu, các đại đội bộ binh của tiểu đoàn đã hiệp đồng chiến đấu cùng đơn vị bạn, đánh lui nhiều đợt tấn công, tiêu diệt nhiều sinh lực của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng ngự các điểm cao đồi Đài, đồi Cô Ích, dãy đá Pháp.
Tuy nhiên, tổn thất cũng rất lớn với hàng trăm đồng chí hy sinh và bị thương (bao gồm cả các đồng chí đơn vị khác được bổ sung, tăng cường cho các chốt khi bị tiêu hao lực lượng).
Cuối tháng 11/1985, các đơn vị của tiểu đoàn 6 được bàn giao trận địa cho một đơn vị của sư đoàn 31 vào thay phiên, rút ra làng Pinh để củng cố và sẵn sàng chi viện khi cần. Riêng đại đội cối 82 của chúng tôi được giao nhiệm vụ tiếp tục ở lại trận địa Pha Hán, chiến đấu phối thuộc yểm trợ cho f31 đến tháng 4/1986 mới được thay quân.
Sau gần 8 tháng, bắn chi viện cho e881 chốt khu vực đồi Đài, đồi Cô Ích, Pháp 1 và sau đó là cho f31 vào thay e881. Với những trận bị địch pháo kích liên tục cả buổi từ sáng đến trưa vào khu vực trận địa; có lần nửa đơn vị ra làng Pinh lấy lương thực thực phẩm, vừa mới ra khỏi hang chừng dăm phút thì cả đội hình đã phải vừa lăn, vừa chạy khi bị pháo dập trúng khu vực hành quân mà chẳng ai bị thương; rồi có mấy người theo đường hào lên nhà bếp lấy cơm bị pháo bắn phải úp cái xoong nhôm lên đầu, lăn lóc, run rẩy dưới đường hào gần 2 tiếng, rồi khi lăn được xuống chỗ an toàn, người dính đầy bùn đất vẫn nhe răng (vẫn còn trắng) và câu nói đầu tiên là "cho tao xin điếu thuốc lào".
Có trận, anh em đi vận tải gần hết, pháo thủ số 1 phải bắn nhiều nên cả văn thư, y tá cũng phải ra chuyển đạn, lắp ngòi liều, xếp ra tận chân. Trời mưa, có đồng chí không mặc quần áo chạy lên thả đạn vì trời mưa đã vài ngày không còn quần áo khô. Lính cối 82 chiến đấu khổ nhất là khi liều chính bị xịt, đạn vẫn còn trong nòng, thế là phải một tay lót áo bông rồi dốc ngược nòng cối để đổ đạn ra, tay kia để hờ miệng nòng pháo để đỡ quả đạn xịt bỏ đi.... rồi những thứ như rau tàu bay được pháo tàu chăm bón xanh tốt, rồi có mạch nước mà cả tháng không xuống tắm vì... ngại, rồi lật ván giường để tìm nhặt tóp thuốc lá thuốc lào... Cứ như thế những người lính nhập ngũ tháng 7/84 chúng tôi đã trở thành lính chiến thực thụ, để rồi đến Tết Nguyên Đán năm 1987 chúng tôi lại vào chốt lần 2 ở Minh Tân, Vị Xuyên một cách đĩnh đạc, vững vàng.
Ấy là toàn đơn vị, là lứa chiến sỹ nhập ngũ tháng 7/1984 của trung doàn 881. Riêng tôi, là pháo thủ số 1, mà các pháo thủ số 1 của 3 khẩu đội cối 82 luôn được ưu tiên, không phải đi vận tải hay làm gì khác, nhiệm vụ chính là trực chiến, chịu trách nhiệm về phần tử bắn và luôn là người ra bắn đầu tiên và bắn chủ yếu khi có lệnh, đến lúc mỏi quá thì mới có người khác bắn thay. Bắn ngày, bắn đêm, cứ nghe thấy hầm chỉ huy hô "cây khô 30 quả" là lồm cồm chui ra thả đạn. Mà chả có lúc nào bộ binh gọi cối dưới 10 quả cả.
Chắc cũng có việc "so đũa chọn cột cờ" theo kiểu thời chiến, nhưng với tôi, chiến tích trong lần vào chiến đấu này kể ra cũng đáng tự hào: Được trao Quyết định kết nạp Đảng ngay tại trận địa hang chữ A, Pha Hán, được leo cáp cầu treo gần "ngã 3 cửa tử" đã bị sập, vượt sông Lô khi đang lũ để sang hang Dơi làm báo cáo thành tích xét tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba và là một trong 12 chiến sỹ tiêu biểu của tiểu đoàn được thưởng 20 ngày phép về Hà Nội ăn Tết Nguyên Đán năm 1986.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tại Vị Xuyên, Hà Giang đã lùi xa gần 40 năm, nhưng ký ức về những ngày trong quân ngũ, ký ức về những gì đã trải qua trong hơn 3 năm huấn luyện, chiến đấu và phục vụ chiến đâu tại mặt trận Vỵ Xuyên luôn khắc ghi sâu sắc trong tâm trí mỗi người lính Vỵ Xuyên lứa tháng 7/84. Với hai lần vào chiến đấu giữ chốt tại chiến trường khốc liệt Vỵ Xuyên, còn được sống, còn lành lặn trở về đã là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao đối với mỗi chúng tôi, bởi vì trong cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, biết bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh, trong đó có nhiều người chưa tìm được hài cốt vẫn nằm lại đâu đó giữa những khe đá, mỏm đồi trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc”.
Nguyễn Anh Tuấn