Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên Xô trong giai đoạn 1954-1975 không phải lúc nào cũng là “những ngày nắng đẹp”. Trong bối cảnh quốc tế phức tạp và lợi ích dân tộc của mỗi nước, không phải lúc nào hai nước cũng tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, từ đầu năm 1965, chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Aleksey Nikolayevich Kosygin đã mở ra trang mới trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là tạo thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam
Những ngày “ảm đạm” trong quan hệ Việt Nam-Liên Xô trước năm 1965
Sau chiến tranh thế giới thứ hai và nhất là sau chiến tranh Triều Tiên, đường lối cùng tồn tại hoà bình giữ cho cách mạng quốc tế cũng như cách mạng Việt Nam trong thế thủ. Liên Xô ủng hộ Việt Nam đấu tranh thống nhất đất nước, nhưng không muốn Đảng Lao động Việt Nam phát động đấu tranh vũ trang mà chỉ tiến hành đấu tranh bằng phương pháp hoà bình. Lãnh đạo Liên Xô cho rằng, trước hết, Việt Nam nên tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cho mạnh thì miền Nam sẽ được giải phóng và một động thái gây bất lợi cho cách mạng Việt Nam là ngày 24-1-1957, Liên Xô đề nghị cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa gia nhập Liên hiệp quốc. Nhà Sử học Liên Xô Ilia V. Gaiduk trong cuốn sách Liên bang Xô viết và chiến tranh Việt Nam do Tổng cục V-Bộ Nội vụ xuất bản năm 1998 đã viết “Trước năm 1964, Liên Xô chủ yếu vẫn là một quan sát viên trước những diễn biến ở Việt Nam. Với vai trò này đã phục vụ cho chiến lược cùng tồn tại hoà bình của Khrushchev với phương Tây và tránh những cuộc xung đột giống như cuộc khủng hoảng tên lửa Cu Ba năm 1962”[1].
Như vậy, cách mạng Việt Nam được phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đứng đầu là Liên Xô, ủng hộ, nhưng không tán thành việc tiếp tục đấu tranh vũ trang thống nhất đất nước, khuyên Đảng ta kiên trì đấu tranh giải phóng miền Nam bằng con đường hòa bình.
Tuy nhiên, từ cuối năm 1964, sau khi Khrupsev không còn nắm quyền, chính sách đối ngoại của Liên Xô và chính sách đối với Việt Nam có thay đổi. Ngày 5/12/1964, tại Kỳ họp thứ 5 Xô viết tối cao Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Aleksey Nikolayevich Kosygin tuyên bố: “Liên-xô không thể thờ ơ với vận mệnh của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nước Việt-nam dân chủ cộng hòa và nước Cộng hòa Cu-ba. Liên-xô sẵn sàng giúp đỡ hai nước xã hội chủ nghĩa anh em mọi sự cần thiết nếu bọn xâm lược dám tiến công hai nước đó”[2]
Chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Aleksey Nikolayevich Kosygin
Từ ngày 6/2 đến ngày 10/2/1965, Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Liên Xô do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên xô Aleksey Nikolayevich Kosygin dẫn đầu thăm chính thức Việt Nam.
(Ảnh Tư liệu báo Nhân Dân)
Đoàn đại biểu Liên Xô được Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đón tiếp nồng nhiệt. Đoàn đã hội đàm với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về mối quan hệ hữu nghị giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô với Việt Nam. Đoàn đã đi thăm một số cơ sở văn hóa và kinh tế công nghiệp, nông nghiệp tại Hà Nội như Viện Bảo tàng cách mạng Việt Nam, Công viên Thống Nhất, Nhà máy cơ khí Hà Nội, Hợp tác xã nông nghiêp Yên Duyên, ngoại thành Hà Nội….Kết thúc chuyến thăm, hai bên ra Tuyên bố chung, khẳng định tiếng nói chung và tình hữu nghị giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.
Đồng chí Tôn Đức Thắng, Hội trưởng Hội Việt-Xô hữu nghị có bài phát biểu chào mừng đoàn, trong đó có đoạn:
“Với quả tim chứa chan tình hữu nghị, với tấm lòng quý mến nhân dân Liên-xô anh em, chúng ta nhiệt liệt chào mừng đồng chí A.N. Cô-xư-ghin và các đồng chí cùng đi sang thăm nước ta. Chúng ta tin rằng cuộc đi thăm này sẽ có tác dụng củng cố, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa Việt-nam và Liên -xô, góp phần tích cực vào việc củng cố tăng cường tình đoàn kết hữu nghị của đại gia đình xã hội chủ nghĩa”[3].
Đoàn đại biểu Liên Xô bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Diễn văn đáp từ của Chủ tịch Kosygin có đoạn: “Nước Việt-nam dân chủ cộng hòa là một tấm gương cổ vũ cho nhiều dân tộc đang đấu tranh vì độc lập vì tiến bộ xã hội. Cuộc đấu tranh anh dũng của các đồng chí chống đế quốc, những thành tựu của các đồng chí trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đang có những ảnh hưởng có tính chất cách mạng đối với toàn bộ tình hình ở Đông Nam á”. “Chúng tôi kiên quyết ủng hộ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ủng hộ những người yêu nước ở miền Nam Việt-nam đang đứng trên tuyến đầu của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động”[4].
(Ảnh Tư liệu Báo Nhân Dân)
Liên Xô đẩy mạnh giúp đỡ Việt Nam sau chuyến thăm của Chủ tịch Kosygin
Đúng thời điểm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Kosygin đến Hà Nội, Không quân Mỹ đã mở chiến dịch ném bom lần thứ hai mang tên “Mũi lao lửa” xuống miền Bắc Việt Nam. Một sự trùng hợp không biết ngẫu nhiên hay có chủ ý, nhưng dường như Mỹ đã thách thức sự ủng hộ của Liên Xô đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông Kosygin, vốn là người luôn luôn trầm tĩnh và kín đáo, đã nổi giận vì sự thách thức trắng trợn của Hoa Kỳ. Ông gọi điện về Moskva báo cáo tình hình với Ban lãnh đạo đất nước, nêu ý kiến rằng, sự đáp trả tốt nhất đối với hành động hiếu chiến của Mỹ là cần viện trợ quân sự một cách nhanh chóng và quy mô lớn cho Việt Nam.
Quan điểm của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Kosygin được Đảng và Nhà nước Liên xô hoàn toàn ủng hộ. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên xô đã đạt được thoả thuận về việc tăng cường viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trước hết để đương đầu với chiến dịch ném bom của Mỹ, Liên xô sẽ khẩn trương gửi các chuyên gia quân sự, các thiết bị quân sự và vũ khí hiện đại nhất của Liên Xô cho Việt Nam. Tuyên bố chung được hai bên đưa ra ngày 10-2-1965 khẳng định Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á, Liên Xô không thể thờ ơ với an ninh của một quốc gia xã hội chủ nghĩa anh em và sẵn sàng ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam.
Sau chuyến thăm này, Liên Xô đã cung cấp giúp Việt Nam hệ thống tên lửa đất đối không, máy bay, phi công và đội ngũ kỹ thuật viên nhằm bảo vệ khu vực Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố quan trọng khác. Ngay trong nửa đầu năm 1965, sự giúp đỡ này đã được hiện thực hóa. Những máy bay chiến đấu của Liên Xô được ghi nhận đã xuất hiện ở miền Bắc trong tháng 5-1965, đó là 15 chiếc MIG 15 và MIG 17 cũng như một số máy bay ném bom IL- 28[5].
Sự giúp đỡ của Liên Xô tăng dần từ năm 1965 đến năm 1968. Tính đến năm 1967, tổng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam là khoảng 1,5 tỷ Rúp (hơn 1,5 tỷ USD), trong đó sự trợ giúp của Liên Xô chiếm 36,8% (608 triệu USD). Năm 1968, Liên Xô đã dẫn đầu danh sách các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ cho Việt Nam, với tổng giá trị đạt 542 triệu Rúp (582,2 triệu USD). Ngoài ra, có khoảng từ 1.500 đến 2.500 chuyên gia quân sự Liên Xô bao gồm kỹ sư, phi công, kỹ thuật viên phụ trách hệ thống rađa, tên lửa đã phục vụ ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Đến năm 1968, Liên Xô đã chiếm vị trí đầu bảng trong danh sách các nước ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam[6].
Để cấp tốc chống lại có hiệu quả các cuộc ném bom của Mỹ, Liên Xô đề nghị đưa phi công, bộ đội điều khiển tên lửa của Liên Xô sang Việt Nam. Đặc biệt, ngày 19-3-1968, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Kosygin gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề xuất việc lập hệ thống cố vấn từ Bộ Tư lệnh phòng không đến các đơn vị sư, trung đoàn.
Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khối lượng lớn vũ khí, trong đó rất quan trọng là vũ khí phòng không, không quân. Cụ thể là đã viện trợ 647 bộ điều kiển tên lửa, 1.357 bệ phóng tên lửa, 10.169 quả đạn tên lửa, 23 quả tên lửa SA 75 M , 8.686 quả đạn tên lửa VT 50 v, 2 Trung đoàn tên lửa S 125[7], 480 quả đạn tên lửa K681 và 316 chiếc máy bay chiến đấu (MIG 17 và MIG 21)[8].
Ngoài việc đào tạo trực tiếp tại chiến trường, Liên Xô còn giúp đào tạo sĩ quan, chiến sĩ Việt Nam tại quê hương của các loại vũ khí hiện đại đó. Riêng trong năm 1966, có 2.600 người Việt Nam được gửi đi đào tạo tại Liên Xô để phục vụ cho ngành không quân và phòng không của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[9].
Theo một thống kê của Liên Xô, từ 1965 đến 1974 đã có [10]6.359 sĩ quan, tướng lĩnh và hơn 4.500 binh sĩ, hạ sĩ quan các lực lượng vũ trang Liên Xô tham gia chiến đấu tại Việt Nam.
Với sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Nhà sử học người Nga Gaiduk trong cuốn Liên bang Xô viết và chiến tranh Việt Nam viết: “Việt Nam không thể tự cung cấp vũ khí tinh xảo nhất, như máy bay siêu thanh, tên lửa và ra đa hoặc số lượng đầy đủ ngay cả những vũ khí đơn giản hơn. Trong khi đó, cuộc chiến tranh chống lại một kẻ thù hùng mạnh như “đế quốc Mỹ” đòi hỏi hậu cần thật vững chắc có khả năng cung cấp mọi phương tiện để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh. Hà Nội không thể giải quyết những vấn đề này nếu không có sự giúp đỡ của các đồng minh xã hội chủ nghĩa, mà chủ yếu là Liên xô và Trung Quốc”[11].
Quan hệ Việt Nam-Liên Xô có nguồn gốc từ trước, nhưng chuyến thăm của lãnh đạo Liên Xô tháng 2/1965, cùng với chuyến thăm Liên Xô của phái đoàn cấp cao Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn dẫn đầu tháng 4/1965, chính thức mở ra bước ngoặt trong quan hệ giữa hai nước.
Lê Minh
[1] Ilia. V. Gaiduk: Liên bang Xô viết và chiến tranh Việt Nam do Tổng cục V-Bộ Nội vụ xuất bản năm 1998, tr. 8.
[2] Xã luận báo Nhân dân ngày 6/2/1965
[3] Báo Nhân dân, ngày 7/2/1965.
[4] Báo Nhân dân, ngày 8/2/1965 và ngày 9/2/1965.
[5] Tổng cục V- Bộ Nội vụ: Ilia V. Gaiduk: Liên bang Xô Viết và chiến tranh Việt Nam, Tài liệu tham khảo nội bộ, Hà Nội, 1998, tr. 50.
[6] Tổng cục V- Bộ Nội vụ: Ilia V. Gaiduk: Liên bang Xô Viết và chiến tranh Việt Nam, Tài liệu tham khảo nội bộ, Hà Nội, 1998, tr. 58-61.
[7] Hai Trung đoàn tên lửa SAM 3 với 200 quả đạn. Tuy nhiên, những quả đạn tên lửa SAM 3 đã bị giữ lại trên đường vận chuyển qua Trung Quốc và chỉ về Việt Nam sau khi cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ đã kết thúc. Theo Xuân Ba: Bi kịch SAM 3 và chuyện bây giờ mới kể http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/phong-su-ky-su-c-96/bi-kich-sam-3-va-chuyen-bay-gio-moi-ke-78389.html.
[8] Những nguồn chi viện lớn cho cách mạng miền Nam, Báo Quân đội nhân dân, số ra ngày 13-4-2005. Tài liệu trích từ đề tài nghiên cứu của các tác giả ở Viện lịch sử Quân sự tham luận tại Hội thảo khoa học "Đại thắng mùa xuân 1975 - Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam", tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 14 và 15-4-2005.
[9] Tổng cục V- Bộ Nội vụ: Ilia V. Gaiduk: Liên bang Xô Viết và chiến tranh Việt Nam, Tài liệu tham khảo nội bộ, Hà Nội, 1998, tr.74.
[10] Cựu binh Nga kể chuyện bắn máy bay Mỹ, http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/05/150501_cuu_binh_nga_ke_chuyen_chien_tranh
[11] Tổng cục V- Bộ Nội vụ: Ilia V. Gaiduk: Liên bang Xô Viết và chiến tranh Việt Nam, Tài liệu tham khảo nội bộ, Hà Nội, tháng 1-1998, tr. 71-72.