Bên thềm sụp đổ, quân lực Việt Nam Cộng hòa đã quyết liệt chống trả đến những ngày cuối cùng. Trước khi tiến vào giải phóng Sài Gòn, quân giải phóng phải vượt qua tuyến phòng thủ vững chắc cuối cùng của địch là tuyến phòng thủ Xuân Lộc, được mệnh danh là “cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn
Tuyến phòng thủ Xuân Lộc, "cánh cửa thép" cuối cùng
Sau Chiến dịch Tây Nguyên, nhất là khi quân giải phóng đang ra sức tiến công giải phóng Huế, Đà Nẵng, giới quân sự Hoa Kỳ nhắc nhở Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu phải khẩn trương có kế hoạch phòng thủ, bảo vệ các vùng đất còn lại, cố gắng cầm cự qua mùa khô, để đến mùa mưa sẽ phản công giành lại các vùng đất đã mất hay chí ít cũng còn có cái để có thể mặc cả về một giải pháp chính trị.
Ngày 28/3/1975, Tổng Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ, Tướng Frederick C. Weyand đến Sài Gòn kiểm tra tình hình tại chỗ nhằm xây dựng kế hoạch phòng thủ để bảo vệ vùng đất còn lại của Việt Nam Cộng hòa, trước hết là bảo vệ Thành phố Sài Gòn.
Xuân Lộc (lúc đó là tỉnh lỵ tỉnh Long Khánh, nay thuộc tỉnh Đồng Nai) nằm cách Sài Gòn khoảng 80 km về phía Đông. Với vị trí nằm trên Quốc lộ 1 từ Bắc vào Nam, ngã ba đi Tây Nguyên và Bà Rịa Vũng Tàu, tuyến phòng thủ từ Xuân Lộc đến Tây Ninh trở thành tuyến phòng thủ trọng yếu để bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc, trong đó Xuân Lộc được coi là “cánh cửa thép” của phòng tuyến quan trọng này.
Theo các cố vấn Hoa Kỳ, mất Xuân Lộc, Sài Gòn sẽ trực tiếp bị đe dọa. Tướng Weyand thẳng thắn hơn: “Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”.
Lời cảnh báo của Hoa Kỳ đã khiến Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tăng cường phân nửa lực lượng tinh nhuệ nhất còn lại của quân lực Việt Nam Cộng hòa cho Mặt trận Xuân Lộc, hòng cản bước tiến của quân quân giải phóng.
Sau khi mất Đà Nẵng, Nguyễn Văn Thiệu gửi công điện cho các quân khu ra lệnh “Tất cả các phần đất còn lại phải được bảo vệ đến cùng”. Mặt trận Xuân Lộc nóng lên từng ngày.
Bố trí lực lượng, chủ trương của địch và ta
Tại Xuân Lộc, lực lượng chủ yếu của địch là Sư đoàn 18 do Chuẩn tướng Lê Minh Đảo làm Sư đoàn trưởng, hầu như còn nguyên vẹn, cùng với một số tiểu đoàn bảo an, cảnh sát, phòng ngự trong công sự kiên cố. Khi bị tiến công, chính quyền Sài Gòn còn tăng cường cho mặt trận Xuân Lộc một số đơn vị thiết giáp, biệt động quân và hỗ trợ không quân từ sân bay Biên Hòa, sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngày 12/4/1975, Chuẩn tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 tuyên bố trước phóng viên nước ngoài tại Xuân Lộc: "Chúng tôi sẽ đánh một trận dập đầu cộng quân để thế giới biết sức mạnh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa". Hình ảnh Tướng Đảo truyền đi khắp thế giới với những lời lẽ đanh thép “Tôi thầm hiểu, kẻ thù (Quân giải phóng) nghĩ chúng sẽ đánh bại chúng tôi một cách dễ dàng. Nhưng bây giờ, tôi có thể nói với anh (Phóng viên). Tụi nó đang đánh lộn với đá, đầu tụi nó đập vào đá. Và đã bị chúng tôi đập bể đầu”…"They hit to the rock... No problem..."....
Về phía ta, ngày 2/4/1975, Quân đoàn 4 được giao nhiệm vụ đánh Xuân Lộc gồm có 3 sư đoàn, trong đó, Sư đoàn 7 trở thành chủ công, Sư đoàn 341 từ miền Bắc vào chi viện và Sư đoàn 6 của Quân khu 7. Sư đoàn 7 thuộc Quân đoàn 4 đã có kinh nghiệm 10 năm tác chiến tại vùng Đông Nam Bộ. Cán bộ chiến sĩ Quân đoàn 4 rất phấn khởi, tin tưởng vào chiến thắng vì Quân đoàn 4 chính là lực lượng chủ lực giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long 3 tháng trước đó. Ngoài ra, một số đơn vị phòng không, xe tăng, pháo binh, thông tin, công binh cũng được tăng cường cho mặt trận.
Quân đoàn 4 xây dựng hai phương án tác chiến, cuối cùng chọn phương án 2, dùng lực lượng lớn bộ binh, xe tăng, pháo binh đánh thẳng vào thị xã, tiêu diệt Sở Chỉ huy Sư đoàn 18 của địch, nhanh chóng chiếm Xuân Lộc, phối hợp với mũi tiến công từ hướng biển vào, nhanh chóng áp sát Sài Gòn.
Chuẩn tướng Lê Minh Đảo, quân lực Việt Nam Cộng hòa tuyên bố với các phóng viên về quyết tâm "tử thủ" tại Xuân Lộc (Ảnh chụp từ clip trên Youtube)Trận chiến ác liệt cửa ngõ Sài Gòn
Ngày 9/4/1975, quân giải phóng nổ súng tiến công thị xã Xuân Lộc, ví trí trọng yếu nhất trên tuyến phòng thủ Đông Bắc Sài Gòn.
Được tăng cường lực lượng, đặc biệt là không quân, pháo binh, lực lượng địch ở đây đã chống trả quyết liệt, quyết giữ “cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn. Trận đánh kéo dài, không dứt điểm. Không quân địch từ sân bay Biên Hòa và Tân Sơn Nhất tăng cường oanh kích với tần suất trung bình 80 phi vụ/ ngày. Sau hơn 3 ngày chiến đấu, hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng bị thương vong. Nhiều xe tăng và pháo cối của ta bị phá hủy.
Nguyên nhân chính là ta chưa đánh giá đúng sự chống đỡ của địch và do cách đánh không phù hợp. Vào đầu tháng 4/1975, về mặt chiến lược, địch đang ở thế thua, tan rã lớn, tinh thần sĩ quan, binh lính hoang mang, nhưng trong thế sụp đổ và thất bại hoàn toàn, quân đội Sài Gòn đã dồn sức chống trả quyết liệt, nhất là ở cửa ngõ sào huyệt cuối cùng.
Sau này, kiểm điểm lại, “Quân đoàn 4, đã không dự kiến hết khả năng, nhất là sự phản ứng của địch ở một khu vực có vị trí sống còn đối với chúng… Việc chọn hướng và cách đánh cũng chưa phù hợp”[1].
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4, nhớ lại: Đêm mùng 10, rạng sáng ngày 11, Trung đoàn 141 tiến công vào nhưng không vào được, còn hướng của Sư đoàn 341 mới đánh ở bên ngoài, địch phòng thủ rất chắc, dùng quân dù đánh vào sau lưng, do thời gian chuẩn bị gấp nên lúc đó ta đánh chưa thành công, chính vì thế, hình thái giằng co giữa ta và địch kéo dài đến ngày 11/4/1975.
Trong cơn tuyệt vọng, chính quyền Sài Gòn đã sử dụng đến vũ khí bị cấm, là loại bom BLU-82. Đây là loại bom đặc biệt không tạo mảnh văng sát thương và hố bom, mà chủ yếu là tạo ra nhiệt áp phá hủy hệ hô hấp và não bộ do phản ứng đốt cháy hoàn toàn oxy trong phạm vi sát thương. Loại bom này được mô tả là loại “vũ khí phi hạt nhân khủng khiếp nhất trong kho vũ khí của Hoa Kỳ”. Ngày 16/4/1975, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã thả 2 quả bom này từ máy bay C.130 xuống chiến trường Xuân Lộc. Hai quả bom đã phá hủy một vùng rộng 1,6 km2, làm thiệt mạng khoảng 250 bộ đội giải phóng.
Sau những ngày đầu không thành công và chịu nhiều thương vong, từ ngày 15/4/1975, quân giải phóng thay đổi cách đánh.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nhớ lại: Bộ đội thương vong nhiều, chúng ta chuyển cách đánh, dùng lực lượng đã đánh chiếm được giữ nguyên tại chỗ, còn đưa một lực lượng ra bên ngoài đánh quân dù và thiết giáp, đồng thời Sư đoàn 7 đưa Trung đoàn 141 xuống và cắt ngã ba Tân Phong đi Bà Rịa và Sư đoàn 6 cắt ngã ba Dầu Giây để lực lượng địch từ Biên Hòa không phản kích vào sườn quân giải phóng được.
Quân giải phóng tại Mặt trận Xuân Lộc (Ảnh tư liệu)
Từ thế khó khăn và bị động, quân giải phóng chuyển sang thế “tiến từng bước một”, bao vây làm hao mòn dần lực lượng địch.
Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Phó Chính ủy Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, kể lại: Ngày 14 đến ngày 15/4/1975, quân giải phóng tiêu diệt được đơn vị bộ binh của địch, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục bao vây. Dần dần, lực lượng bộ đội ta áp sát, cắt đứt mọi nguồn tiếp tế cho Xuân Lộc.
Quân giải phóng sử dụng hỏa lực mạnh khống chế các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, ngăn chặn địch xuất kích để ném bom đội hình bao vây của ta và chi viện lực lượng của chúng.
Sau 10 ngày chiến đấu, Sư đoàn 18, đơn vị được coi là mạnh nhất của Quân đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa cùng nhiều đơn vị lính dù, thủy quân lục chiến tăng cường của địch bị thiệt hại nặng.
Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn và khi thấy cánh quân duyên hải của ta đến gần, ngày 20/4, địch tiến hành nghi binh và rút chạy khỏi thị xã Xuân Lộc. Bộ đội ta tổ chức truy kích, tiêu diệt một bộ phận quân địch, bắt sống Đại tá Phạm Văn Phúc, Tỉnh trưởng Long Khánh, giải phóng Thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh.
Mở toang "cánh cửa thép", tiến về Sài Gòn
Đến trưa ngày 21/4/1975, sau 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, quân và dân ta đã mở được “cánh cửa thép” Xuân Lộc của quân địch ở phía Đông Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn tỉnh Long Khánh.
Ta đã đánh thiệt hại nặng sư đoàn 18, lữ đoàn dù 1, tiêu diệt chiến đoàn 52 (sư đoàn 18), đánh thiệt hại trung đoàn 5 và lữ đoàn 3 thiết giáp, diệt hàng nghìn tên, bắt 2.785 tên địch, thu 48 ô tô, 1.499 súng các loại, phá hủy 42 xe tăng, xe thiết giáp, 16 ô tô.
Chiến thắng này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi nó đã tạo thế, tạo địa bàn không chỉ cho Quân đoàn 4 mà còn Quân đoàn 2 từ phía Bắc tiến vào, có chỗ đứng chân, làm bàn đạp để Trung ương, Bộ Chỉ huy Miền tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 26/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
"Cánh cửa thép" Xuân Lộc đã mở toang, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch xung quanh Sài Gòn, làm suy sụp thêm tinh thần chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Washington và Sài Gòn như lên cơn sốt. Tâm lý bi quan, thất bại lan tràn trong chính giới Hoa Kỳ. Nhiều nhân vật đứng đầu giới quân sự và ngoại giao của Hoa Kỳ cho rằng Nam Việt Nam chỉ đứng vững được vài ngày nữa. Tổng thống Gerald Ford cũng khẳng định "không có cách gì để cứu được Sài Gòn".
Việc Quốc hội Hoa Kỳ không thông qua viện trợ và bắt đầu kế hoạch di tản công dân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam làm cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa càng thêm suy sụp về tinh thần.
Trận Xuân Lộc là cố gắng lớn cuối cùng của quân lực Việt Nam Cộng hòa bên thềm sụp đổ. 9 ngày sau khi Xuân Lộc thất thủ, quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập.
Xuân Nguyễn
[1] Sách Binh đoàn Cửu Long, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, tr. 158.