Ý thức được những ngày tháng hòa bình quý giá để củng cố chế độ dân chủ cộng hòa còn non trẻ, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến khó tránh khỏi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong chuyến thăm nước Pháp năm 1946, bằng nỗ lực ngoại giao cá nhân của mình, đã cố gắng ký Tạm ước 14/9, mang lại thêm những ngày hòa bình quý giá
Trong chuyến thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chính thức tham gia đàm phán, nhưng với uy tín và nỗ lực cá nhân, Người cố gắng tác động đến tiến trình đàm phán chính thức tại Phôngtennơblô.
Trong những ngày ở thăm Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên gặp gỡ, nói chuyện với đại diện các chính đảng và các đoàn thể chính trị lớn của nước Pháp, với đông đảo đồng bào Việt Nam tại Pháp, với những nhân vật có vị trí quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa của Pháp. Người cũng gặp gỡ nhiều tổ chức quần chúng quốc tế, nhiều nhà hoạt động chính trị, xã hội châu Á, châu Âu, châu Phi, tiếp xúc với đại diện quân sự và ngoại giao của các cường quốc như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc để làm rõ tình hình Việt Nam và Đông Dương, lập trường của Chính phủ Việt Nam. Người đã gửi thông điệp về Chính phủ Việt Nam muốn hòa bình, muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp với Cộng hòa Pháp.
Chính vì thế, mặc dù biết rõ bản chât hiếu chiến, xâm lược của những thành phần thực dân trong Chính phủ Pháp, mặc dù biết rằng Hội nghị trù bị Đà Lạt đã tan vỡ, mặc dù biết rằng Hội nghị Phôngtennơblô sẽ không đi đến đâu, nhưng về mặt công khai, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cho thấy hy vọng về kết quả đàm phán.
Ngày 12/8/1946, khi nói về Hội nghị Phôngtennơblô, Người khẳng định: “Hội nghị chỉ có thể gián đoạn chứ không thể tan vỡ được. Tôi sẽ không khởi hành trước khi chúng ta có thể đi tới một sự thoả thuận”.
Trả lời phỏng vấn của Giăng Bêđen, phóng viên báo Libération, Người nói: “Tôi không đặt điều kiện cho việc nối lại cuộc Hội nghị ở Phôngtennơblô”.
Trong ngày 12/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Mariuýt Mutê. Thư viết:
“Thưa Ngài Bộ trưởng và các bạn thân mến,
1. Điều trước tiên là chúng ta cần làm dịu đầu óc những người Pháp và những người Việt Nam.
2. Để đạt được mục đích đó, chúng ta cần làm cho cả hai bên hiểu rõ những cái mà họ có thể giành được.
3. Những vấn đề mà người Pháp cũng như người Việt Nam tha thiết nhất, đó là vấn đề độc lập dân tộc và vấn đề Nam Bộ.
Tôi chắc chắn rằng, với thiện ý chung và sự tin cậy lẫn nhau, chúng ta sẽ rất nhanh chóng đi đến một sự thoả thuận có lợi cho cả hai dân tộc chúng ta.".
Ngày 13/8, Người tiếp ông Sáclơ Rôngsắc (Charles Ronsac), phóng viên báo Franc-Tireur. Trả lời phỏng vấn của nhà báo, Người tuyên bố: "Tôi không muốn trở về Hà Nội tay không. Tôi muốn khi trở về nước sẽ đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể với sự cộng tác chắc chắn mà chúng tôi mong đợi ở nước Pháp.
Nước Việt Nam không chịu trách nhiệm về các cuộc xung đột đã xảy ra. Cần phải tạo nên bầu không khí thuận lợi cần thiết cho cuộc cộng tác Việt-Pháp. Muốn thế cần phải làm yên lòng người Việt Nam cũng như người Pháp. Về phần chúng tôi, chúng tôi quyết định bảo đảm cho nước Pháp những quyền lợi tinh thần, văn hoá và vật chất, nhưng trái lại, nước Pháp phải bảo đảm nền độc lập của chúng tôi.".
Kiều bào Việt Nam tại Pháp đón Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)
Ngày 20/8, Người gặp Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mariuýt Mutê. Người nhắc lại lập trường của Việt Nam: nước Pháp phải công nhận nước Việt Nam độc lập và Việt Nam đảm bảo cho nước Pháp những quyền lợi kinh tế và văn hoá.
Ngày 2/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự Lễ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Hội liên hiệp Việt kiều và Hội hữu nghị Pháp - Việt tổ chức ở nhà Pleyel tại Pari, có hơn 3000 người dự. Cùng dự có Trưởng đoàn đàm phán Phạm Văn Đồng, ông Phan Nhiên, đại biểu Hội Việt kiều, ông Lunet, đại biểu Tổng Công hội Pháp, ông Pranics Jourdain, ông Bayet, bà Andree Violis... đại biểu Hội Pháp-Việt, đại diện cho Bộ trưởng Hải ngoại và nhiều đại biểu Cônggô, Mađagátxca...
Trong diễn văn, Người đánh giá cao vai trò của mối quan hệ Việt - Pháp và hy vọng nước Pháp thành thật đáp lại thiện chí của Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất của Việt Nam, tạo điều kiện cho Việt Nam được đóng góp vào sự phát triển của Liên hiệp Pháp, vào việc thiết lập và duy trì hoà bình và dân chủ trên thế giới, bên cạnh Liên hợp quốc.
Sau buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên Hãng Thông tấn Pháp AFP và nhiều báo khác về hiện tình cuộc đàm phán Việt - Pháp. Trong đó, Người nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn rằng ngày giờ và cách thức trưng cầu dân ý ở Nam Bộ sẽ được quyết định mau chóng... Tôi có hy vọng to. Tôi luôn luôn lạc quan. Tôi tin vào nước Pháp mới. Chúng ta có thể nghe nhau, vì chúng ta cần giúp lẫn nhau. Vì quyền lợi của hai dân tộc, mà chúng ta nên có sự thoả thuận, càng mau càng tốt, để chúng ta cùng nhau cộng tác một cách thiết thực. Tôi muốn gấp về nước, để đem lại cho nhân dân Việt Nam tấm lòng thân thiện của nước Pháp".
Ngày 7/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời Công hàm của Chính phủ Pháp (trao ngày 6/9/1946). Người bày tỏ hy vọng sẽ nhanh chóng đi tới những thoả thuận không chính thức ngoài hội nghị, định ra những điều kiện mà hai bên đều có thể chấp nhận được và phá tan tình thế có thể sẽ xảy ra xung đột đang bao trùm Đông Dương, nhất là ở miền Nam Việt Nam.
Ngày 11/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Trung uý Mỹ Uyslơ, được trung uý Uyslơ đưa tới phòng ghi âm Lời tuyên bố với nhân dân Mỹ. Người nói: “Giữa chúng tôi (Việt Nam - Pháp) không có mâu thuẫn thực sự. Những bất đồng của chúng tôi chỉ như những bất đồng nhỏ của một gia đình mà thôi”.
Ngày 13/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các phóng viên báo Pháp tại Khách sạn Roayan Môngxô. Người tỏ ý thất vọng vì mục đích chính của phái đoàn đàm phán là độc lập cho Việt Nam và vấn đề Nam Bộ đều chưa được giải quyết. Nhưng Người nhận thấy thái độ thân thiện thành thực của Chính phủ và dân chúng Pháp đối với việc hàn gắn quan hệ hợp tác giữa hai dân tộc Pháp, Việt và hy vọng cuộc đàm phán sẽ được nối lại trong tương lai không xa và tin tưởng Hội nghị sẽ góp phần đem lại hoà bình cho thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Mariuýt Mutê ký Tạm ước 14/9 (Ảnh tư liệu)
Cũng trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi kiều bào ta ở Pháp. Nguyên văn bức thư. Người nêu rõ: “Vì những lý do khó khăn, Hội nghị Phôngtennơblô cũng chưa đi tới kết quả như chúng ta mong muốn. Tuy vậy, một bước đi lớn đã đạt được: con đường đã được dọn sạch làm thuận lợi cho những cuộc thương thuyết sẽ tiến hành trong một vài tháng tới giữa Chính phủ ta và Chính phủ Pháp. Hơn nữa, nhân dân Pháp và toàn thế giới biết rõ hơn về đất nước chúng ta. Đấy là một tiến bộ lớn.
Nhìn vào những hội nghị quốc tế khác kéo dài nhiều tháng trước khi đi đến kết quả.
Hãy tin vào lực lượng chúng ta và sự kiên quyết của chúng ta.
Hãy tin vào nước Pháp mới, người bảo vệ độc lập của các dân tộc và nền dân chủ”.
Người không quên nhắc nhở: “Trong khi chờ đợi họp lại Hội nghị Phôngtennơblô đi tới kết quả vững chắc, đồng bào phải làm gì?
Toàn thể nhân dân ta phải ra sức làm việc.
Chúng ta phải ra sức tăng gia sản xuất.
Chúng ta phải ra sức bảo vệ hoà bình và trật tự.
Chúng ta phải ra sức tạo nên một không khí hữu nghị giữa người Pháp và chúng ta.
Chúng ta phải ra sức thực hiện "Đời sống mới".
Ngày 14/9/1946, Người gặp Bộ trưởng Mariuýt Mutê và Thủ tướng Gioócgiơ Biđôn để thảo luận thêm về quan hệ giữa Việt Nam với Pháp trong tương lai.
Ngày 15/9/1946, vào hồi 0 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi gặp Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mariuýt Mutê, thống nhất những điều đã thoả thuận giữa hai người, sau đó cùng ký vào bản Tạm ước. Trong buổi sảng 15/9, Người tiếp và nói chuyện với một số phóng viên các báo Tribune des Nations, L'Humanité, Cité des PopulairesThông tấn Pháp AFP.
16 giờ cùng ngày, Người nhận lại văn bản Tạm ước 14-9 do ông Métxme (Messer) mang lại. Sau đó, Người gửi điện cho Chính phủ Việt Nam: "Bản thoả hiệp tạm thời (Modus vivendi) đã ký ngày 14/9 với Chính phủ Pháp. Bản sao sẽ gửi về bằng máy bay. Gửi lời chào thân ái Cụ Huỳnh, các nhân viên trong Chính phủ, Quốc hội và đồng bào toàn quốc.".
Sáng ngày 16/9 và 17/9/1946, nói chuyện với đồng bào Việt Nam tại Pháp trên đường về nước, Người giải thích cho đồng bào rõ tình hình khó khăn của Việt Nam về sách lược của Chính phủ ta đối với nước Pháp và yêu cầu mọi người hãy bình tĩnh trước thoả hiệp mang tính sách lược này.
Người nói: "Hội nghị Phôngtennơblô tuy không thành, nhưng là một thắng lợi của Phái đoàn Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Không thành, nhưng Hội nghị Phôngtennơblô là một thắng lợi của nhân dân ta, thắng lợi của toàn thể nhân dân yêu chuộng hoà bình ở khắp thế giới. Hơn nữa, nó làm cho nhân dân Pháp và thế giới biết rõ nước ta hơn trước. Đó là một sự tiến bộ lớn lao!”.
Ngày 28/9/1946, Từ chiến hạm Đuymông Đuyếcvin, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho Chính phủ ở Hà Nội, nhắc nhở: “Nếu đã nhận được bản sao Tạm ước, yêu cầu giải thích cho đồng bào và bắt đầu ngay những việc cần thiết để thực hiện Tạm ước đó”.
Như vậy, trong chuyến thăm nước Pháp kéo dài gần 3 tháng, bằng nỗ lực ngoại giao cá nhân của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký bản Tạm ước 14/9, tạo sự ràng buộc cuối cùng để Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam có cơ hội khai thác triệt để khả năng kéo dài thêm thời gian hòa hoãn, tạo điều kiện cho công cuộc khẩn trương chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bình Nguyễn