Không lực Việt Nam Cộng hòa đã điên cuồng chống trả quân giải phóng trong những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn nhưng không thể ngăn chặn sức mạnh của quân và dân ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Được Hoa kỳ hỗ trợ xây dựng, không lực Việt Nam Cộng hòa là một lực lượng mạnh, xét về phương tiện và quân số vào thời điểm năm 1975 đứng trong top đầu của thế giới.
Tuy nhiên, sự cắt giảm viện trợ của Hoa Kỳ đã làm sức mạnh không lực Việt Nam Cộng hòa suy giảm nhanh chóng. Thiếu nhiên liệu, thiếu phụ tùng thay thế, thiếu phi công, hàng trăm máy bay của không lực Việt Nam Cộng hòa đã phải xếp xó trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, khi người Mỹ bắt đầu chiến dịch di tản Gió Lốc, phần lớn không quân Việt Nam Cộng hòa cũng tập trung vào việc di tản, thì một máy bay vận tải quân sự thuộc Phi đoàn Gunship 821 của không lực Việt Nam Cộng hòa vẫn điên cuồng chống trả quân giải phóng.
Khi các cánh quân giải phóng áp sát Sài Gòn, thành phố cực kỳ hỗn loạn, lúc này có rất nhiều đơn vị quân lực Việt Nam cộng hòa tan rã cùng tiến trình sụp đổ của chế độ miền Nam. Các tướng tá thi nhau di tản cùng gia đình, vợ con.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, sân bay Tân Sơn Nhất là một mục tiêu quan trọng. Chủ trương của quân giải phóng là nhanh chóng áp chế sân bay, ngăn cản những hoạt động hỗ trợ của không quân Việt Nam Cộng hòa cho lực lượng dưới mặt đất.
Một vận tải cơ chiến đấu AC-119 (Ảnh tư liệu)
Ngày 28/4/1975, sân bay Tân Sơn Nhất bị 5 máy bay A37 chiến lợi phẩm quân giải phóng thu được do phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đầu xuất phát từ sân bay Thành Sơn oanh tạc, gây sự hoảng loạn chưa từng có. Cũng trong những ngày 28 và 29/4/1975, pháo binh quân giải phóng đã áp sát và liên tục bắn phá sân bay nhằm phá hủy phương tiện chiến tranh của địch.
Đáp lại, không quân Việt Nam Cộng hòa cũng đã có những cố gắng cuối cùng trong vô vọng trước giờ sụp đổ. Đó là phi vụ cuối cùng của chiếc vận tải cơ mang tên Tinh Long 7, thuộc phi đoàn Gunship 821 trên bầu trời Tân Sơn Nhất.
Tên gọi Tinh Long có nghĩa là con “Mãnh Long trong đêm” nói lên nhiệm vụ tác chiến ban đêm của phi đoàn. Tinh Long 821 là một phi đoàn Gunship hoạt động khắp 4 vùng chiến thuật, từ Cà Mau đến Vĩ tuyến 17. Phi đoàn chỉ tác chiến vào ban đêm, từ lúc trời sập tối đến khi mặt trời ló dạng. Các chuyến bay diễn ra mỗi đêm, đặc biệt trên vùng trời xung quanh Sài Gòn, nhằm phát hiện và đánh phá những khẩu đội pháo kích của quân giải phóng nhắm vào Sài Gòn. Hằng đêm, tại đại bản doanh Phi đoàn có 6 phi vụ chính và từ 2 đến 3 phi vụ túc trực hành quân, tùy theo tình hình và nhu cầu chiến trường.
Phi đoàn Tinh Long có 6 phi hành đoàn chính được đánh số Tinh Long số 1 đến Tinh Long 6, 3 phi hành đoàn túc trực được đánh số từ 7 đến 9. Phi đoàn Tinh Long 821 được trang bị vận tải cơ FairChild AC-119, là một loại phi cơ vận tải chiến đấu tối tân nhất thời bấy giờ với một hỏa lực hùng hậu, tất cả hệ thống được điện toán hóa và do phi công chính điều khiển.
Vào đêm 28 rạng ngày 29/04/1975, chiếc vận tải cơ số 7 được điều động vào sáng sớm khi mặt trời đã ló dạng. Thời điểm đó, quân giải phóng đã tràn ngập xung quanh phi trường Tân Sơn Nhất, chuẩn bị một đợt tiến công mới vào sân bay.
Mặc dù đã bay phi vụ đầu tiên trong đêm nhưng viên phi công chỉ huy Trung uý Trang Văn Thành huy động một số đoàn viên còn ngủ lại tại phòng túc trực hành quân cất cánh để bảo vệ phi trường Tân Sơn Nhất ở giờ phút hấp hối.
Phi trường Tân Sơn Nhất vừa bị pháo kích hơn 2 giờ đồng hồ và mọi hoạt động của phi trường đang trong cơn tuyệt vọng. Phi trường ngổn ngang mảnh vỡ và khói lửa mù mịt.
Phi cơ Tinh Long 7 rời phi đạo, rẽ mũi bay về hướng Tây của Sài Gòn tránh né lưới phòng không dày đặc của quân giải phóng ở phía Đông Bắc phi trường Tân Sơn Nhất, sau đó phi cơ bay lên cao độ lượn vòng phía Tây bầu trời Sài Gòn quan sát tình hình chiến sự.
Khi phi cơ cất cánh và mất hút trên bầu trời, ai cũng nghĩ đó là chiếc vận tải cơ chiến đấu cất cánh trong sự di tản hỗn loạn đang diễn ra, chạy khỏi Nam Việt Nam.
Sau gần 2 giờ đồng hồ bay lượn trên bầu trời Đồng Tháp Mười, ven đô phía Tây của thành phố Sài Gòn chờ trời sáng, đồng thời quan sát các mục tiêu dưới đất, chiếc Tinh Long 7 xuất hiện trở lại trên bầu trời Tân Sơn Nhất. Lúc này, mặt trời đang lên, thành phố Sài Gòn đang bừng sáng ở phía Đông, sân bay Tân Sơn Nhất đang bị pháo kích dữ dội, mịt mù khói lửa. Tinh Long 7 quan sát thấy các làn khói trắng để lộ mục tiêu là những khẩu pháo tầm xa của quân giải phóng tại những cánh rừng thưa gần xóm Mới, hướng Bắc vào quận Gò Vấp ven đô đang tác xạ vào phi trường Tân Sơn Nhất.
Chiếc phi cơ bay dọc từ phía Nam thành phố Sài Gòn vòng lên hướng Bắc để bay vòng bay đầu tiên để tiến công các mục tiêu đã được phi hành đoàn ghi nhận.
Một tràng liên thanh ầm ĩ, nòng súng minigun xoay tròn với 6.000 viên đạn được bắn ra trong 1 phút tạo thành những vệt đạn lửa trải rộng gần một cây số nhắm vào các dàn pháo binh và hỏa tiễn của quân giải phóng đang bao vây xung quanh Sân bay Tân Sơn Nhất.
Tiếp nối các vòng bay tấn công thứ hai, rồi thứ ba, chiếc Tinh Long 7 liên tục trút đạn xuống các vị trí pháo binh của quân giải phóng khiến pháo binh quân giải phóng gặp khó khăn trong khoảng 30 phút.
Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu)
Ai cũng nghĩ là sau 3 vòng bay và bắn phá, chiếc vận tải cơ sẽ rời khỏi bầu trời Sài Gòn và thực hiện việc di tản như nhiều chiếc máy bay khác, nhưng phi hành đoàn muốn đánh một cú chót và phi cơ đã hạ xuống thấp hơn các vòng bay trước với độ cao 2.000 bộ (khoảng 600 mét) thì tầm tác xạ sẽ hiệu quả cao hơn. Phi đội bay dự định sẽ sử dụng dàn đại bác 20 mm để phá hủy các dàn trọng pháo của quân giải phóng bên dưới mặt đất.
Nhưng cao độ này sẽ nguy hiểm cho chiếc vận tải cơ bay chậm, vì nó nằm trong cả tầm bắn của pháo phòng không và các loại hỏa tiễn vác vai của quân giải phóng.
Đúng như dự đoán, chiếc phi cơ chưa kịp tiến đến vùng mục tiêu thì đã bay lọt vào trận địa phòng không bí mật của quân giải phóng ở phía Đông Phi trường Tân Sơn Nhất. Dàn phòng không quân giải phóng đã đồng loạt nã đạn tấn công chiếc phi cơ, đạn phòng không nổ rợp trời và một vệt lửa chói sáng lao vút vào chiếc vận tải cơ đang chuẩn bị khai hỏa. Một hỏa tiễn tầm nhiệt SA 7 đã bắn trúng sườn phi cơ.
Khi cánh trái chiếc Tinh Long 7 bị bắn gãy, chiếc phi cơ bị rơi theo hình xoắn ốc ở cao độ 2.000 bộ. Ở độ cao này, dù có muốn nhảy dù cũng không có cơ hội, vì thế toàn thể phi hành đoàn đã tử nạn, trừ một nhân viên pháo sáng là Trung sĩ Nguyễn Văn Chính đã kịp nhảy dù sống sót nhưng cũng bị trọng thương và bị bắt sau đó không lâu.
Chiếc phi cơ đâm sầm xuống đất, mang theo đội bay 9 người: Trang Văn Thành, Trương Ngọc Anh, Tào Thuận, Phạm Tấn Đức, Phan Quốc Tuấn, Nguyễn Thái Bình, Bùi Minh Tân, Nguyễn Văn Bên, Nguyễn Tiến Cường.
Hành động chống trả điên cuồng cuối cùng của không lực Việt Nam Cộng hòa đã bị trừng trị thích đáng.
Lẽ ra, chiếc máy bay đã có thể thực hiện việc di tản an toàn vì trong ngày cuối cùng trước khi chế độ Sài Gòn sụp đổ, hỏa lực phòng không của quân giải phóng được yêu cầu bảo đảm cho cuộc di tản đường không nhân viên Hoa Kỳ, người nước ngoài và những người Việt Nam làm việc cho Hoa Kỳ được tiến hành an toàn. Chiến dịch di tản Gió Lốc được tiến hành trong ngày 29/4/1975 đã thực hiện việc di tản gần 70.000 người.
Không gì có thể ngăn được sức mạnh quân giải phóng trong ngày tàn của chế độ Sài Gòn. Sân bay Tân Sơn Nhất bị tràn ngập trong ngày 30/4/1975. Cũng trong ngày, chế độ Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ.
Lê Minh