Miền Bắc, hậu phương lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là nơi có phong trào thi đua yêu nước sôi nổi nhất kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào này vào năm 1948. Một trong những phong trào đó là phong trào “Gió Đại Phong” trong lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp miền Bắc những năm 1960- 1975
Từ hiện tượng Hợp tác xã Đại Phong - lá cờ đầu trong lĩnh vực nông nghiệp miền Bắc
Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (4-1959) nêu rõ: “Miền Bắc nước ta hiện đang tiến lên chủ nghĩa xã hội… Vì vậy, chúng ta phải hợp tác hóa nông nghiệp làm cho nông nghiệp phát triển, làm cho công nghiệp và nông nghiệp tiến đều, thì mới cải thiện tốt đời sống nhân dân, đồng thời đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội làm nền tảng vững mạnh cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”1.
Tính đến tháng 4-1959, miền Bắc có 246.965 tổ đổi công và trên 7.000 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, trong đó có 119 hợp tác xã bậc cao. Đến cuối năm 1960, miền Bắc phát triển lên 41.000 hợp tác xã, với 84,8% số hộ nông dân gia nhập hợp tác xã2.
Hợp tác xã Đại Phong có vị trí nằm ở khu vực trung tâm của vùng đồng bằng chiêm trũng thuộc xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đất canh tác chủ yếu ruộng sâu, màu ít, dễ bị ngập mặn và úng, phần lớn mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa. Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi cùng với kỹ thuật canh tác lạc hậu, nên năng suất lúa thấp, chỉ đạt từ 18-20 tạ/mẫu. Đời sống các hộ nông dân Đại Phong rất khó khăn.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (bên phải) cấy lúa cùng bà con nông dân (Ảnh tư liệu)
Bước vào thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, Đại Phong tiến hành các nhiệm vụ khôi phục kinh tế, thực hiện giảm tô, cải cách ruộng đất và từng bước xác lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Từ đầu năm 1958, thôn Đại Phong đã có các tổ đổi công, làm tiền đề cho việc xây dựng hợp tác xã, đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể. Đến tháng 12-1958, thôn Đại Phong xây dựng được 2 hợp tác xã đầu tiên là Mỹ Phước và Hạ Đông I. Đến tháng 4-1959, 5 hợp tác xã mới được thành lập là: Đông Tây Bắc, Ấp Roọc, Lệ Phong, Quyết Tiến, Hạ Đông II, thu hút 65% số hộ nông dân gia nhập các hợp tác xã. Đến tháng 10-1959, 7 hợp tác xã được sáp nhập lại thành 3 hợp tác xã trung bình là: 6/1, Trần Phú và Ấp Roọc; cùng 2 hợp tác xã nhỏ là Lệ Phong và Quyết Tiến. Sau khi phát triển về quy mô, các hợp tác xã ở Đại Phong đã có bước tiến vượt bậc, phá thế độc canh, phá xiềng 3 sào, nâng diện tích gieo cấy, tăng năng suất, mở thêm ngành nghề. Điển hình như Hợp tác xã 6/1 đã đạt bình quân 869,5 kg lương thực/người; Hợp tác xã Trần Phú đạt bình quân 613,5kg lương thực /người. Đời sống của các hộ xã viên nhìn chung được nâng lên.
Đến tháng 8-1960, các hợp tác xã trong thôn đã sáp nhập thành Hợp tác xã Đại Phong với quy mô toàn thôn, là hợp tác xã có quy mô lớn nhất huyện Lệ Thủy, gồm: 446 hộ nông dân, 2 hộ phú nông, 8 hộ địa chủ, tổng số 925 lao động và 2.106 nhân khẩu3. Chỉ sau 4 tháng kể từ ngày thành lập, do tập trung được sức lao động lớn trong toàn thôn nên Hợp tác xã Đại Phong đã khai hoang được gần 200 mẫu, khôi phục trên 90 mẫu ruộng hóa ở đồng sâu, làm được gần 4 vạn m3 thủy lợi. Diện tích trồng trọt tăng lên 7 sào 9 thước/người4. Ngoài ra, Hợp tác xã còn đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật canh tác, thực hiện phong trào khoanh vùng thủy lợi chống mặn để cấy được hai vụ trong một năm; phát triển nhiều ngành, nghề nhằm khai thác số ngày công còn dư thừa trong năm của xã viên. Đến cuối năm 1960, Hợp tác xã Đại Phong có tất cả 26 ngành nghề.
Sản xuất phát triển, số ngày công của xã viên cũng tăng lên. Đến năm 1961, số ngày công trung bình trong một năm của mỗi xã viên là 240 ngày; thu nhập bình quân đạt 904 kg thóc/người. Số vốn không chia của hợp tác xã là 351.833 đồng (bình quân mỗi xã viên 229 đồng). Mỗi hộ đạt bình quân 2 đầu lợn, hợp tác xã có đàn bò 200 con, đàn dê 50 con, đàn lợn 50 con, 2.000 con vịt đẻ, 5.000 con vịt thịt…Trong khi đó, số lượng ngày công bình quân của mỗi xã viên của các hợp tác xã khác trong tỉnh chỉ đạt 123 ngày, sản xuất lương thực đạt 261kg/người5. Các khoản vay nợ Nhà nước, hợp tác xã không những trả đủ, trả đúng thời hạn mà còn tích lũy được hàng chục nghìn đồng. Đời sống xã viên hợp tác xã Đại Phong không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Chiếc máy cày DT 54 Bác Hồ gửi tặng HTX Đại Phong
hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình
Đến phong trào thi đua “Gió Đại Phong”
Với thành tích vượt bậc đạt được trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, Hợp tác xã Đại Phong trở thành mô hình kiểu mẫu lan tỏa ra toàn tỉnh Quảng Bình và lan rộng đến từng làng quê, cánh đồng của miền Bắc. Tháng 2 -1961, Ban Nông nghiệp Trung ương và Bộ Nông nghiệp đã chọn Hợp tác xã Đại Phong làm địa điểm tổ chức Hội nghị nông nghiệp toàn miền Bắc.
Trên cơ sở đánh giá kết quả phong trào hợp tác hóa của Đại Phong, Ban Nông nghiệp Trung ương và Bộ Nông nghiệp phát động trong ngành và trên phạm vi miền Bắc phong trào thi đua “Học tập, tiến kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong”. Từ đó, phong trào thi đua với Đại Phong được nâng lên thành cao trào thi đua trên toàn miền Bắc. Những đợt thi đua “Xây dựng tổ khoa học kỹ thuật Đại Phong”, “Đội sản xuất Đại Phong”, “Xã viên Đại Phong”, “Trai Đại Phong, gái Đại Phong”... đã diễn ra ở khắp các hợp tác xã của các địa phương.
Chỉ chưa đầy hai tháng kể từ khi phát động, khắp cả miền Bắc đã có gần 1.000 hợp tác xã nhận thi đua “Học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt qua Đại Phong”. Tỉnh nào cũng có một số hợp tác xã tiến rất khá”6. Đến ngày 21-3-1961, đã có 19 tỉnh hưởng ứng, với 3 mục tiêu: mở rộng diện tích và tăng năng suất; phát triển các ngành, nghề; tăng số ngày công lao động hàng năm7.
Cổng vào làng Đại Phong hôm nay
Ngoài việc tích cực bồi dưỡng, giúp đỡ phát hiện những “Đại Phong của tỉnh”, các tỉnh còn cử cán bộ về Hợp tác xã Đại Phong học tập, rút kinh nghiệm và giao ước thi đua với Hợp tác xã Đại Phong. Tiêu biểu như tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, đến cuối năm 1961, đã có 786 hợp tác xã được công nhận đạt danh hiệu “Đại Phong” 8. Trong số các hợp tác xã thi đua với Đại Phong, có cả các hợp tác xã ở vùng miền núi xa xôi, biên giới, hải đảo như: Hợp tác xã Vĩnh Kim (giới tuyến quân sự tạm thời), Hợp tác xã A Má (biên giới Việt - Lào), Hợp tác xã Phìn Hồ (Hà Giang), Hợp tác xã Cô Tô (Quảng Ninh)...
Có thể nói, Hợp tác xã Đại Phong đã tạo lên một luồng “Gió Đại Phong” thổi mạnh lan tỏa đến khắp các hợp tác xã nông nghiệp miền Bắc. Cùng với các phong trào thi đua trên các lĩnh vực khác như “Vượt sóng Duyên Hải” do Công đoàn phát động, “Hai tốt” trong lĩnh vực giáo dục, “Năm tốt” của phụ nữ, “Ba nhất” của các lực lượng vũ trang; phong trào thi đua giành danh hiệu “Đại Phong” đã tạo nên khí thế thi đua yêu nước hết sức sôi nổi của nhân dân miền Bắc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp giai đoạn 1960-1975.
Nhẫn Trần
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.162
2. Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.120,127.
3. Báo Nhân Dân, Số 2539, ngày 3-3-1961
4. Đặng Phong (Chủ biên): Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, tập II: 191955-1975, Nxb Khoa học xã hội, tr.298
5. Nguyễn Chí Thanh: Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009, tr.569
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, tập 13 (1961-1962), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.113
7. Báo Nhân Dân, số 2257, ngày 21-3-1961.
8. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú, tập II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.73