Trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ từ năm 1930 đến năm 1975, cơ quan lãnh đạo cấp Trung ương của Đảng liên tục được xây dựng, củng cố vững mạnh để hoạch định đường lối, chủ trương chiến lược và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đến thắng lợi
Cơ quan lãnh đạo cấp Trung ương của Đảng trong giai đoạn 1930- 1945
Sự ra đời Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị đầu năm 1930
Thực hiện kế hoạch thành lập cơ quan lãnh đạo cấp Trung ương của Đảng được thông qua tại Hội nghị hợp nhất, chỉ trong một thời gian ngắn, với những cố gắng to lớn của những chiến sĩ cộng sản, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, gồm 7 đồng chí[1]: Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Lan, Nguyễn Hới, Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Hạ Bá Cang và Phạm Hữu Lầu[2]. Riêng Đảng bộ Hoa kiều chưa đề cử được đại biểu vào Trung ương[3].
Vì Ban Chấp hành Trung ương lâm thời đóng ở Bắc Kỳ nên các đồng chí Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Lan và Nguyễn Hới thực hiện nhiệm vụ của Ban Thường vụ Trung ương lâm thời.
Tháng 4/1930, đồng chí Trần Phú trở về nước và đến tháng 7/1930, tham gia Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, ít lâu sau, được cử vào Ban Thường vụ Trung ương.
Do một số ủy viên Trung ương bị bắt nên Trung ương lâm thời được bổ sung một số đồng chí. Đến tháng 9 năm 1930, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời có các ủy viên Trần Văn Lan, Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Trần Phú, Nguyễn Trọng Nhã, Ngô Đức Trì, Lưu Lập Đạo (tức Ả Lầu).
Tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng được tổ chức, thông qua Điều lệ Đảng, đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị cử ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức gồm 7 đồng chí[4], đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Từ sau Hội nghị tháng 10/1930 đến giữa năm 1931, thực dân Pháp tăng cường khủng bố, đánh phá hệ thống tổ chức của Đảng. Trừ Lưu Lập Đạo trở về hoạt động tại Trung Quốc, các ủy viên trong Ban Chấp hành Trung ương bị địch bắt hoặc sát hại[5]. Trên thực tế, từ tháng 4 năm 1931, Ban Chấp hành Trung ương không còn. Tuy nhiên, một vài văn kiện, tài liệu vẫn đề cơ quan ban hành là Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương[6].
Trong những năm 1932-1935, Quốc tế Cộng sản cử nhiều cán bộ Việt Nam từng học tập tại các trường học của Quốc tế Cộng sản về Đông Dương và các nước trong khu vực nhằm giúp Đảng Cộng sản Đông Dương tái lập cơ quan lãnh đạo Trung ương.
Sự ra đời Ban Chỉ huy ở ngoài
Trước tình hình Đảng Cộng sản Đông Dương không còn Ban Trung ương, đầu năm 1932, Quốc tế Cộng sản quyết định thành lập Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương để lãnh đạo công tác của Đảng. Giữa năm 1933, Lê Hồng Phong nhận được quyết định của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản về việc thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài (BCHON). Từ tháng 8/1933, Lê Hồng Phong đã tích cực chuẩn bị việc thành lập BCHON. Trong lúc đó, QTCS điều động về khu vực Nam Trung Quốc và Đông Dương những cán bộ có năng lực để thành lập BCHON. Tháng 6/1933, QTCS cử Svan (Nguyễn Văn Dựt) và Xinhitrơkin (Hà Huy Tập) từ Mátxcơva đến Hồng Công, rồi đến Quảng Tây để liên lạc với Lê Hồng Phong.
Thực hiện Quyết định của Quốc tế Cộng sản, tháng 3/1934, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Dựt họp và quyết định chính thức thành lập Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương tại Ma Cao (Trung Quốc). BCHON được thành lập gồm ba người do Lê Hồng Phong làm Thư ký, Hà Huy Tập phụ trách công tác tuyên truyền cổ động và biên tập tạp chí Bônsơvích, Nguyễn Văn Dựt phụ trách thanh tra.
BCHON là một tổ chức đặc biệt của Đảng ta trong thời kỳ tạm thời thoái trào của cách mạng. BCHON là cơ quan trực tiếp chịu sự chỉ đạo của QTCS.Do cơ quan Trung ương của Đảng chưa được tái lập, BCHON đóng vai trò Ban Trung ương chấp uỷ Đảng, truyền đạt chủ trương đường lối của Đảng đến các tổ chức Đảng trong Xứ, đưa đảng viên hoạt động ở nước ngoài về nước, vạch phương hướng sửa chữa những thiếu sót của cán bộ trong công tác tổ chức và lãnh đạo phong trào để thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng.
Cuối năm 1934, trong lúc công tác chuẩn bị cho Đại hội đang được khẩn trương thực hiện, Đảng Cộng sản Đông Dương nhận được giấy triệu tập của Quốc tế Cộng sản về việc cử đại biểu đi dự Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản. BCHON quyết định cử đoàn đại biểu của Đảng đi Matxcơva dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản gồm: Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Nọn.
Trong thời gian đồng chí Lê Hồng Phong đi dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản, công việc của BCHON và công việc chuẩn bị Đại hội Đảng do các đồng chí Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên và một số đồng chí khác đảm nhận.
Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 27 đến 31/3/1935 tại Ma Cao (Trung Quốc). Dự Đại hội có 137 đại biểu thuộc các đảng bộ trong nước và tổ chức của Đảng hoạt động ở nước ngoài đại diện cho 552 đảng viên[8]. Hà Huy Tập chủ trì Đại hội.
Đại hội bầu “Ban Trung ương chính thức gồm 13 người (9 người chính thức và 4 người dự bị) để chỉ đạo tất thảy công tác toàn Đảng”[9]. Trên thực tế, Đại hội chỉ bầu được 12 người, còn 1 người của Ban Chấp uỷ Trung Kỳ sẽ chỉ định sau. Danh sách Ban Trung ương gồm: Lê Hồng Phong, Đinh Thanh, Hoàng Đình Giong, Nguyễn Văn Dựt, Võ Văn Ngân, Ngô Tuân, Võ Nguyên Hiến, Phan Đình Hy, Phạm Văn Xô, Nguyễn Ái Quốc, 1 Ủy viên dân tộc thiểu số Bắc Kỳ, 1 Ủy viên ở Nam Kỳ. Các đồng chí trong Ban Trung ương đều có nhiều bí danh, dùng trong hoạt động cách mạng[10].
Ban Trung ương cử ra Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí [11], do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng thư ký (Tổng Bí thư).
Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng đã thông qua 2 nghị quyết về Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó có Nghị quyết “Về hệ thống tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương” cho rằng trong thời kỳ sinh hoạt bí mật rất khó khăn của Đảng, việc lập ra một cơ quan chỉ đạo như Ban Chỉ huy ở ngoài là điều rất cần thiết và đồng tình với việc Quốc tế Cộng sản lập ra Ban Chỉ huy ở ngoài[12].
Một đặc điểm về mặt tổ chức trong Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng là việc song song tồn tại hai cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương 1. Ban chấp uỷ Trung ương ở trong nước; 2 Ban chỉ huy ở ngoài. Hai tổ chức đặt đưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quốc tế Cộng sản. Theo Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản thì Ban Trung ương và Ban Chỉ huy ở ngoài là hai tổ chức ngang quyền, mỗi cơ quan có địa bàn hoạt động riêng: một tổ chức ở trong nước, mỗi tổ chức ở ngoài nước. Sau Đại hội I, BCHON đã giao cho Ban Trung ương mọi mối liên lạc ở trong nước. Song do gặp nhiều khó khăn, Ban Trung ương chỉ lãnh đạo phong trào cách mạng tại Bắc Trung Kỳ và Bắc Kỳ, không liên lạc được với Nam Kỳ, Cao Miên và Nam Trung Kỳ Lào. Vì không liên lạc được với Ban Trung ương nên cấp bộ Đảng các vùng đó đều đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chỉ huy ở ngoài.
Tuy nhiên, việc tồn tại song song hai cơ quan như vậy cũng có những khó khăn trong công tác lãnh đạo của Đảng. Báo cáo của các cơ sở Đảng vừa phải gửi Ban Chấp hành Trung ương vừa phải gửi Ban Chỉ huy ở ngoài. Ban Chỉ huy ở ngoài muốn gửi chỉ thị cho các Xứ uỷ và các Đảng bộ cơ sở thì phải giao các chỉ thị ấy cho Ban Trung ương chuyển đạt, gặp hoàn cảnh đặc biệt và cấp bách mới gửi trực tiếp cho các Xứ uỷ, nhưng phải thông báo ngay cho Trung ương biết, để sau đó các Nghị quyết của Ban Trung ương khỏi tương phản với những chỉ thị của Ban Chỉ huy ở ngoài. Cũng như vậy, gặp hoàn cảnh đặc biệt và cấp bách và nếu các Xứ uỷ có mối giao thông thuận tiện thì các Xứ uỷ có quyền yêu cầu Ban Chỉ huy ở ngoài tạm thời trực tiếp chỉ thị, nhưng sau cũng phải báo cho Trung ương biết. Tình hình trên dẫn đến nhiều bất lợi trong việc thống nhất hoạt động của Đảng.
Đến tháng cuối năm 1935, hầu hết các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương do Đại hội I bầu ra bị bắt, chỉ còn 3 đồng chí hoạt động rất khó khăn. Trên thực tế, “Ban Thường vụ đã không còn…và Ban Trung ương cũng kết thúc”[13]. Trên thực tế, từ tháng 9 năm 1935 đến tháng 10 năm 1936, Ban Chỉ huy ở ngoài làm nhiệm vụ của Ban Chấp hành Trung ương.
(Còn tiếp)