Ngày 26/7/1936, Hội nghị các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Ban Chấp hành Trung ương Đảng và BCHON họp tại Thượng Hải (Trung Quốc), thảo luận và ra chỉ thị gửi các tổ chức Đảng trong nước, đồng thời quyết định cử đồng chí Hà Huy Tập về nước để tổ chức Ban Trung ương và khôi phục tổ chức Đảng trong nước.
Ngày 12/10/1936, Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức ở Nam Kỳ, gồm 11 đồng chí, trong đó 9 đồng chí hoạt động trong nước và 2 đồng chí hoạt động ở nước ngoài để giữ mối liên lạc với Quốc tế Cộng sản, đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư 1.
Ban Trung ương phân công cán bộ đi khắp nơi trong nước chắp mối liên lạc với các Xứ ủy, Tỉnh ủy, gây dựng lại các cơ sở Đảng, xây dựng các tổ chức quần chúng, thành lập Mặt trận, khôi phục phong trào cách mạng.
Để sửa chữa khuyết điểm, tạo điều kiện đưa phong trào cách mạng tiến lên, Hội nghị Trung ương Đảng họp tháng 3/1937 và sau đó Hội nghị Trung ương Đảng họp tháng 9/1937 đã tập trung giải quyết những vấn đề về công tác tổ chức của Đảng trong phong trào dân chủ.
Hội nghị tháng 9/1937, bầu 11 đồng chí vào Ban Chấp hành Trung ương, trong đó 5 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng: Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Ngân, Nguyễn Văn Cừ.
Trước những chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị toàn thể Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức. Hội nghị diễn ra trong các ngày 29, 30/3/1938 tại Tân Thới Nhất, gần Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Lê Hồng Phong, Nguyễn Chí Diểu...2.
Để kiện toàn bộ máy lãnh đạo cấp cao của Đảng, khắc phục những sai lầm tả, hữu ở một vài đảng bộ lúc đó trong thực hiện chiến lược, sách lược Mặt trận trong bối cảnh mới, Hội nghị nhất trí để đồng chí Hà Huy Tập thôi giữ chức Tổng Bí thư của Đảng nhưng đồng chí vẫn giữ chức vụ trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng3. Hội nghị đã cử đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư của Đảng.
Đến tháng 9 năm 1939, nhiều đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương bị bắt, tù đày, một số đồng chí mất vì bệnh tật. Đồng chí Lê Duẩn và Phan Đăng Lưu được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương.
Đại hội đai biểu lần thứ II của Đảng, tháng 2/1951 (Ảnh tư liệu)
Hai tháng sau ngày Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/ 11/1939, tại Bà Điểm (Hóc Môn - Gia Định) để quyết định chủ trương mới đáp ứng những yêu cầu của cách mạng. Dự Hội nghị có các đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu... Đồng chí Nguyễn Văn Cừ chủ trì Hội nghị.
Sau Hội nghị chưa bao lâu, nhiều đồng chí uỷ viên Trung ương bị bắt. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Lê Duẩn bị bắt ngày 17/01/1940; đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt lại ngày 06/02/1940; đồng chí Hà Huy Tập bị bắt lại ngày 30/3/1940; đồng chí Võ Văn Tần bị bắt ngày 21/4/1940. Đây là những tổn thất lớn của Đảng ta. Đến giữa năm 1940, Ban Chấp hành Trung ương chỉ còn đồng chí Phan Đăng Lưu hoạt động trong nước và đồng chí Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở nước ngoài.
Từ ngày 6 đến ngày 9/11/1940, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hạ Bá Cang, Phan Đăng Lưu, Trần Đăng Ninh tổ chức hội nghị tại làng Đình Bảng huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Hội nghị tổ chức Ban Chấp hành Trung ương lâm thời gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Hạ Bá Cang. Đồng chí Trường Chinh giữ trách nhiệm Quyền Tổng Bí thư. Hội nghị chủ trương xúc tiến tổ chức một cuộc Hội nghị toàn quốc của Đảng để bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức.
Sau một thời gian chuẩn bị, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đã diễn ra tại Pắc Bó (Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941. Dự Hội nghị có các đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Trường Chinh, Hạ Bá Cang, Hoàng Văn Thụ, Vũ Anh, Bùi San, Hồ Xuân Lưu, Phùng Chí Kiên... Đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng đủ năng lực lãnh đạo công cuộc chuẩn bị và tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị cho rằng cuộc cách mạng Đông Dương lúc này là cách mạng giải phóng dân tộc, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi của cách mạng. Vì vậy, Đảng phải được xây dựng vững mạnh, thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân "đủ năng lực lãnh đạo cuộc cách mạng Đông Dương đi đến toàn thắng"4. Hội nghị cử Ban Chấp hành Trung ương chính thức gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hạ Bá Cang, Phùng Chí Kiên..., bầu Ban Thường vụ gồm các đồng chí Trường Chinh, Hạ Bá Cang, Hoàng Văn Thụ. Đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư.
Trong những năm 1941- 1945, Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục được kiện toàn. Do một số đồng chí bị bắt nên một số đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương. Đến đầu tháng 8/1945, Ban Chấp hành Trung ương gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Vũ Anh.
Gần đến ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám, Hội nghị toàn quốc của Đảng 14- 15/8/1945 tiếp tục củng cố cơ quan lãnh đạo cấp Trung ương của Đảng. Hội nghị bầu bổ sung 4 Ủy viên Trung ương là Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Hoan, Chu Văn Tấn và Võ Nguyên Giáp. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương gồm các Ủy viên là Trường Chinh (Tổng Bí thư), Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Phan Đình Khải5, Nguyễn Lương Bằng, Vũ Anh, Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Hoan6 và Võ Nguyên Giáp.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Ban Chấp hành Trung ương, nhân dân ta đã tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1951-1954 (Ảnh tư liệu)
2. Cơ quan lãnh đạo cấp Trung ương của Đảng trong giai đoạn 1945-1954
Trong những năm từ cuối 1945 đến cuối năm 1950, trong bối cảnh vừa kháng chiến vừa kiến quốc, cơ quan lãnh đạo cấp Trung ương của Đảng thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đã lãnh đạo quân và dân ta vượt qua những thời điểm khó khăn có tính chất “nghìn cân treo sợi tóc”, tiến hành kháng chiến, bước đầu đánh thắng những âm mưu và kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp. Trong giai đoạn này, Ban Chấp hành Trung ương được bổ sung đồng chí Tôn Đức Thắng và Phạm Văn Đồng, năm 1947.
Đầu năm 1951, nhiều vấn đề đặt ra với Đảng ta cả về chủ trương, đường lối cách mạng và tổ chức. Đó là tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng thời gian qua, đề ra phương hướng trong giai đoạn tới, sửa đổi Điều lệ Đảng, bầu cử Ban Chấp hành Trung ương mới.
Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng đã họp từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951 tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình) huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Dự đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 766.349 đảng viên cả nước.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 29 đồng chí. 19 ủy viên chính thức là Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Chu Văn Tấn, Tôn Đức Thắng, Lê Văn Lương, Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Hoan, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Duy Trinh, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm. 10 đồng chí ủy viên dự khuyết là Nguyễn Khang, Nguyễn Văn Trân, Hà Huy Giáp, Hồ Sĩ Khảng, Văn Tiến Dũng, Tố Hữu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thượng Vũ (Nguyễn Văn Kỉnh), Nguyễn Chánh, Hoàng Anh.
Ban Chấp hành Trung ương bầu đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng cử ra Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên chính thức Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh và 1 ủy viên dự khuyết là đồng chí Lê Văn Lương.
Bộ Chính trị là cơ quan thay mặt Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo mọi công tác của Đảng giữa hai kỳ Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương.
Ban Chấp hành Trung ương cũng cử ra Ban Bí thư gồm 4 đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương. Ban Bí thư có nhiệm vụ giải quyết các công việc hằng ngày theo đúng Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.
Điều 53 Điều lệ Đảng cũng quy định rõ: ở các địa phương xa Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương có thể tổ chức các “cục Trung ương” để chỉ đạo công tác ở đó.
Căn cứ vào Điều lệ Đảng Đại hội II, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa II quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam. Đồng chí Lê Duẩn được cử làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Lê Đức Thọ làm Phó Bí thư, các đồng chí Phạm Văn Kỉnh, Ung Văn Khiêm, Phạm Hùng, Hà Huy Giáp là Ủy viên.
Ngày 7/6/1951, Trung ương Cục miền Nam chính thức thành lập. Trung ương Cục miền Nam gồm những Uỷ viên Trung ương ở Nam Bộ. Trung ương Cục miền Nam căn cứ các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị để chỉ đạo công tác tại Nam Bộ và bộ phận Đảng Lao động Việt Nam ở Cao Miên.
Đến tháng 10/1954, trong bối cảnh lãnh đạo đấu tranh chính trị thi hành Hiệp định Geneva tại miền Nam, Trung ương Đảng đã giải thể Trung ương Cục miền Nam, tái lập Xứ ủy Nam Bộ.
1 . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 300, 302.
3Báo cáo sáu tháng gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, ngày 5-4-1938 cho biết lý do đồng chí Hà Huy Tập thôi giữ chức Tổng thư ký (tức Tổng Bí thư) của Đảng: "Lúc trước đồng chí Sinitchekine làm Tổng Thư ký, nhưng vì đồng chí có lỗi lầm chính trị, vì Đảng thì chủ trương rằng các hội quần chúng phải tổ chức theo lối công khai và bán công khai, còn đồng chí thì nói "tổ chức công khai và bán công khai là đúng, nhưng chỗ nào không có những điều ấy, thì bất đắc dĩ có thể tạm thời tổ chức bí mật"; Đảng cho đó là xu hướng thoả hiệp với xu hướng của những phần tử cô độc tả khuynh, nên không cử đồng chí làm Tổng Thư ký nữa, nhưng đồng chí vẫn còn chân trọng Secréttariat (Ban thư ký) và Bureau Politique (Ban Thường vụ). Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, sđd, tập 6, trang 385.