3. Cơ quan lãnh đạo cấp Trung ương của Đảng trong giai đoạn 1954- 1975
Sau khi miền Bắc được giải phóng, đất nước ta bước vào thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Trong năm 1955, Ban Chấp hành Trung ương được bổ sung một số ủy viên như các đồng chí Trần Hữu Dực, Bùi Quang Tạo, Xuân Thủy, Nguyễn Thị Thập, Đỗ Mười, Trần Nam Trung.
Tháng 9/1956, Hội nghị lần thứ 10 mở rộng đã kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo cải cách ruộng đất, phê phán các sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, đề ra những nhiệm vụ và chính sách cụ thể sửa chữa sai lầm, phát huy thắng lợi. Hội nghị đồng ý để đồng chí Trường Chinh thôi giữ thức Tổng Bí thư. Hội nghị nhất trí bầu đồng chí Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng kiêm chức Tổng Bí thư của Đảng. Hội nghị Trung ương lần thứ 10 cũng cử thêm 4 Ủy viên Trung ương Hoàng Văn Hoan, Phạm Hùng, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị vào Bộ Chính trị. Hội nghị cử lại Ban Bí thư gồm các đồng chí Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh. Do sai lầm trầm trọng của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, Hội nghị quyết định kỷ luật đồng chí Hồ Viết Thắng, Thường trực Đảng tổ Ủy ban cải cách ruộng đất Trung ương, trực tiếp chỉ đạo công tác cải cách ruộng đất ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Đồng chí Lê Văn Lương, người phụ trách trực tiếp công tác chỉnh đốn tổ chức ra khỏi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương.
Đến năm 1960, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam đứng trước những yêu cầu mới. Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được triệu tập, họp tại Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10/9/1960.
Dự đại hội có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước. Gần 20 đoàn đại biểu quốc tế cũng tới dự Đại hội.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 47 uỷ viên chính thức và 31 uỷ viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 11 uỷ viên chính thức là các đồng chí: Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Hoan. Đồng chí Trần Quốc Hoàn và Văn Tiến Dũng là 2 uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng[1].
Ban Bí thư khóa III gồm các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Anh, Tố Hữu, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Trân (bổ sung từ tháng 1 năm 1961), Xuân Thủy (bổ sung năm 1968).
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 9/1960 (Ảnh tư liệu)
Tái lập Trung ương Cục miền Nam
Yêu cầu khách quan của việc chuyển từ khởi nghĩa sang chiến tranh cách mạng và vai trò quyết định trực tiếp thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 9/1960, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng thông qua Điều lệ Đảng (sửa đổi), Điều 24 qui định: “Ngoài các cơ quan kể trên (tức Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng) Ban Chấp hành Trung ương có thể cử ra một số Uỷ viên Trung ương thành lập Trung ương Cục phụ trách chỉ đạo công tác Đảng ở những Đảng bộ đặc biệt trọng yếu”[2]. Mặt khác, lúc này, đất nước tạm thời bị chia cắt, giao thông liên lạc khó khăn. Đó là những yêu cầu trực tiếp thúc đẩy việc củng cố, mở rộng quyền hạn của Ban lãnh đạo Đảng bộ miền Nam.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội III, ngày 23/01/1961, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam và qui định rõ về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung ương Cục miền Nam trong tình hình mới.
Tháng 10/1961, sau một thời gian chuẩn bị, Đảng bộ miền Nam tổ chức Hội nghị, giải thể Xứ ủy Nam Bộ, chính thức thành lập Trung ương Cục miền Nam. Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) - Bí thư; Võ Chí Công (Võ Toàn) và Phan Văn Đáng (Hai Văn) - Phó Bí thư. Các đồng chí Uỷ viên Trung ương Cục gồm: Phạm Văn Xô (Hai Xô, Hai Già), Phạm Thái Bường (Ba Bường), Trần Nam Trung (Trần Lương, Năm Nga), Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Nguyễn Đôn, Trần Văn Quang (Bảy Tiến), Trương Chí Cương (Tư Thuận). (Sau này, các đồng chí Võ Chí Công, Trần Văn Quang, Trương Chí Cương ra Khu V và Khu Trị Thiên). Thời gian đầu, phạm vi lãnh đạo của TƯCMN trên toàn miền Nam, bao gồm các Đảng bộ: Nam Bộ, Khu VI (thành lập giữa năm 1961), Khu X (thành lập đầu năm 1962), Liên khu V, Trị Thiên. Đến tháng 10 - 1964, Liên khu V do Ban Chấp hành Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo.
Việc thành lập Trung ương Cục miền Nam đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách về lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong giai đoạn mới.
Trong những năm 1965-1968, Trung ương Cục miền Nam tiếp tục được củng cố. Sau khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh mất, Bộ Chính trị tăng cường lực lượng lãnh đạo cho Trung ương Cục và nhân sự được bố trí lại. Đồng chí Phạm Hùng giữ chức Bí thư Trung ương Cục (đến năm 1975). Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phan Văn Đáng, Hoàng Văn Thái là Phó Bí thư. Các đồng chí Trần Nam Trung, Phạm Văn Xô, Phạm Thái Bường là Uỷ viên Thường vụ. Các đồng chí Trần Văn Trà, Trần Độ, Võ Văn Kiệt là Uỷ viên. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giải thể tổ chức, kết thúc hoạt động của Trung ương Cục miền Nam.
Trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ (1930- 1975), Đảng luôn chú ý xây dựng cơ quan lãnh đạo cấp Trung ương đủ sức lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc và chiến tranh giải phóng.
Trong quá trình đó, cơ quan lãnh đạo cấp Trung ương của Đảng liên tục được xây dựng, củng cố, số lượng ủy viên Ban Chấp hành Trung ương ngày càng tăng. Từ 7 đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương năm 1930, đến năm 1960, số lượng ủy viên đã lên tới 78 đồng chí, gấp hơn 10 lần.
Hầu hết các đồng chí tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Cục miền Nam đều là những cán bộ sớm tham gia cách mạng, nhiều người được đào tạo từ các trường học của Quốc tế Cộng sản, hoặc trưởng thành từ thưc tiễn phong trào đấu tranh cách mạng qua các thời kỳ, được rèn luyện qua các ngục tù của đế quốc.
Với những đồng chí tài năng, có phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp và bản lĩnh cách mạng kiên cường, đặc biệt là có những đồng chí Tổng Bí thư giàu trí tuệ và năng lực sáng tạo, cơ quan lãnh đạo cấp Trung ương của Đảng trong mỗi giai đoạn đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, hoạch định đường lối chiến lược và lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta làm nên những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa dân tộc và thời đại trong thế kỷ XX.
Bình Nguyễn (Kỳ cuối)