Hội nghị Paris về Việt Nam kéo dài trong gần 5 năm. Trong quá trình đàm phán, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhất quán quan điểm quân viễn chinh Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, đó là điều kiện tiên quyết cho việc lập lại hòa bình ở miền Nam Việt Nam
Ngày 29/3/1973, Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam làm lễ cuốn cờ, chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại miền Nam. Trái ngược với những hình ảnh phô trương ồn ã của những người lính viễn chinh Mỹ lần đầu đặt chân đến bãi biển Đà Nẵng ngày 8/3/1965, trong buổi lễ cuốn cờ rút quân, người ta cảm nhận không khí u buồn của một quốc gia lớn thất trận, người ta cũng cảm thấy nỗi lo sợ mơ hồ của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đồng minh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng to lớn, đánh dấu chấm hết sự có mặt đội quân xâm lược nước ngoài tại Việt Nam, mở đường cho thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuộc đàm phán tại Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam kéo dài 5 năm. Trong quá trình đó, đấu tranh để buộc quân Mỹ rút khỏi Việt Nam là quá trình đấu tranh kiên quyết, kéo dài tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Từ kinh nghiệm Hiệp định Geneva, trong quá trình đàm phán Paris, ta kiên quyết đòi Mỹ phải rút quân vô điều kiện khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt mọi dính líu quân sự, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời, lực lượng vũ trang cách mạng tiếp tục hiện diện tại miền Nam, thực hiện trọn vẹn lời chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” .
Vậy đâu là cơ sở của quan điểm kiên quyết đấu tranh đòi Mỹ rút quân trong khi lực lượng vũ trang miền Bắc tiếp tục ở lại miền Nam chiến đấu và chiến thắng.
Sở dĩ Đảng ta kiên quyết nêu quan điểm Mỹ phải rút quân vô điều kiện, chấm dứt hoàn toàn sự dính líu quân sự vào miền Nam Việt Nam, trong khi lực lượng vũ trang ta đóng nguyên tại chỗ, vì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dân tộc ta có tính chính nghĩa, kiên quyết đuổi quân đội nước ngoài ra khỏi lãnh thổ. Dân tộc ta có chính nghĩa, được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận tiến bộ thế giới và ngay cả dư luận tiến bộ Mỹ.
Trước hết, dân tộc ta được sự đồng tình, ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, nhiều nước dân tộc chủ nghĩa, các nước trong Phong trào không liên kết… trong đó, đặc biệt là sự ủng hộ giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam tiêu biểu cho tinh thần quật khởi, độc lập tự chủ, vì mục tiêu hòa bình trong khu vực và trên thế giới, nên giành được sự ủng hộ của các nước trung lập, không liên kết.
Những người lĩnh Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam ngày 29/3/1973 (Ảnh tư liệu)
Việc Mỹ đưa quân vào Việt Nam đã bị dư luận thế giới phản đối gay gắt, ngay cả một số nước Tây Âu cũng không đồng ý việc Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam, kêu gọi Mỹ rút quân và tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tranh ở Nam Việt Nam. Tiểu biểu là quan điểm và hoạt động của tổng thống Pháp Charles de Gaulle. Từ năm 1963, Tổng thống Charles de Gaulle đã gợi ý rằng Bắc và Nam Việt Nam cần được thống nhất và nước Việt Nam cần trung lập hoá; tất cả các lực lượng nước ngoài phải rút đi. Năm 1966, Pháp rút ra khỏi Bộ chỉ huy NATO, buộc Mỹ phải rút quân đội và các căn cứ quân sự ra khỏi lãnh thổ Pháp và dời trụ sở Bộ chỉ huy NATO sang Bỉ. Pháp cải thiện quan hệ với Liên Xô và các nước Đông Âu, phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam. Tháng 9/1966, giữa lúc Mỹ ào ạt leo thang chiến tranh ở Việt Nam, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, trong một bài diễn văn nồng nhiệt trước công chúng ở Phnôm Pênh (Campuchia), đã mạnh mẽ nói rằng ông không tin ở một chiến thắng quân sự của Mỹ, và “thái độ của nước Pháp là đứng về phía lên án những hành động đó”. Ông tuyên bố Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam là điều kiện tiên quyết cho việc lập lại hòa bình ở miền Nam Việt Nam. Trong số 60 chính phủ đồng minh và nhận viện trợ Mỹ, chỉ có 10 nước ủng hộ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Nhiều nước từng ủng hộ Mỹ, cũng xa dần lập trường của Mỹ. Các nước Australia, New Zealand, Philippines…đồng minh Mỹ, thấy được tính chất phi lý, phi nghĩa của cuộc chiến tranh, rút dần ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam.
Đến thời gian diễn ra Hội nghị Paris, lập trường chính nghĩa của nhân dân ta càng được bạn bè thế giới ủng hộ. Hội nghị kéo dài, cũng là thời gian nhiều hoạt động ngoại giao của ta được tiến hành, tranh thủ ngày càng rộng rãi dư luận tiến bộ trên thế giới.
Đặc biệt, nhân dân Mỹ đã quá chán ghét cuộc chiến tranh Chính phủ Mỹ tiến hành tại Việt Nam, kêu gọi Chính phủ Mỹ đưa con em họ trở về. Phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ mạnh mẽ đến nỗi nhiều người gọi đó là “cuộc chiến tranh trong lòng nước Mỹ”, “lương tâm người Mỹ nổi giận”. Báo chí Mỹ đánh giá: cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là “cuộc chiến tranh không được lòng dân nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Trong quá tình hội đàm Pari, mặc dù cố tình bưng bít, nhưng lập trường của giới hiếu chiến Mỹ đã bị bóc trần và dư luận tiến bộ Mỹ lên án dữ dội. Nhiều nhân vật tên tuổi trong chính giới Mỹ công khai phản đối cuộc chiến tranh mà chính quyền Nixơn đang tiến hành ở Việt Nam. Từ giữa tháng 10/1969, tại Mỹ, bùng nổ “cuộc tiến công mùa Thu”, diễn ra với quy mô rộng lớn chưa từng có tại trên 1.200 thành phố, thị xã, thị trấn trên khắp các bang của nước Mỹ. Trên 100 thượng, hạ nghị sĩ, trên 30 vạn viên chức và trí thức đã hưởng ứng cuộc đấu tranh của nhân dân tiến bộ Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam . Nhiều nhân vật trong giới điện ảnh, ca sĩ, người hoạt động tôn giáo tại Mỹ đã trở thành những người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, có những những không ngại nguy hiểm rình rập, đặt chân đến Hà Nội để bày tỏ sự ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Quốc hội Mỹ chia rẽ sâu sắc, Chính phủ Mỹ bất đồng nghiêm trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Phong trào nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh là “mặt trận thứ hai” trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế của Việt Nam.
Một vấn đề nữa là Đảng ta đã trưởng thành hơn, chủ động hơn, trí tuệ hơn về mặt ngoại giao. Sự trưởng thành đó bắt nguồn từ bài học trong quá khứ, mà gần nhất là tại Hiệp định Geneva. Với quy định quân đội cách mạng phải tập kết ra miền Bắc, trong khi đối phương tại miền Nam được củng cố, tăng cường, nên khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta gần như phải làm lại từ đầu: xây dựng lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa, giành lại thế tiến công…Chính vì vậy, chúng ta không thể một lần nữa từ bỏ những thành quả cách mạng đã chiến đấu, hy sinh, giành được bằng xương máu của hàng triệu chiến sĩ, đồng bào yêu nước ở miền Nam trong gần 20 năm, để lại trở về vạch xuất phát năm 1954.
Bình Nguyễn