Chiến thắng 30/4 cách đây tròn 48 năm, bắt nguồn từ việc xây dựng quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của Đảng và trở thành sức mạnh chiến thắng của toàn dân tộc Việt Nam
Cuộc đụng đầu lịch sử và những lo ngại “châu chấu đá voi”
Thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, từ giữa năm 1965, Hoa Kỳ chuyển sang thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ", đưa quân đội viễn chinh vào tham chiến trên chiến trường miền Nam[1], đồng thời đẩy mạnh chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc.
Đây là bước leo thang chiến tranh nghiêm trọng, dân tộc Việt Nam bước vào cuộc đụng đầu lịch sử.
Bạn bè quốc tế lo ngại cho Việt Nam và phần nào đó là lo ngại chiến tranh lan rộng ra trên phạm vi thế giới, nên “Họ khuyên Việt Nam không nên đối đầu với Mỹ - một siêu cường chưa từng thua trận”[2].
Ở trong nước, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân có biểu hiện hoang mang dao động: một số không tin tưởng ở sức ta, muốn nhờ nước bạn trực tiếp giúp đỡ đánh Mỹ, một số do căm thù cực độ đế quốc Mỹ, nôn nóng dốc toàn bộ lực lượng vào đánh Mỹ.
Tại chiến trường miền Nam, do thường xuyên phải đối mặt với những thách thức ngày càng ác liệt, một số cán bộ, chiến sĩ xuất hiện tư tưởng ngại khó, ngại khổ, ngại ác liệt, hi sinh. Ở các đơn vị trực tiếp chiến đấu chớm nở ảo tưởng hòa bình, thương lượng, cá biệt tư tưởng sợ vũ khí, kỹ thuật Mỹ đã xuất hiện.
Bản chất của những diễn biến tư tưởng trên là “lo sợ sức mạnh của Hoa Kỳ” và “không tin vào khả năng chiến thắng của Việt Nam”. Việt Nam liệu có dám đánh Mỹ? Đánh Mỹ bằng cách nào? Làm thế nào để thắng Mỹ? Đó là những câu hỏi lớn đặt ra, cần có lời giải đáp.
Câu trả lời được Trung ương Đảng thể hiện qua 2 hội nghị: Hội nghị lần thứ 11 (đặc biệt) (họp từ ngày 25 đến 27/3/1965) và Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương (họp từ ngày 21 đến 27/12/1965).
Bộ đội giải phóng trong Chiến dich Khe Sanh năm 1968 (Ảnh tư liệu)
Xây dựng quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ
Vấn đề đặt ra cho Đảng là phải đánh giá đúng sức mạnh của Mỹ, đồng thời đánh giá đúng lực lượng và khả năng to lớn của nhân dân ta ở cả hai miền, trên cơ sở đó nêu cao quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ bất kể trong tình huống nào.
Trung ương Đảng thấy rằng, cách mạng Việt Nam đang ở thế chủ động chiến lược. Lực lượng cách mạng cả nước ta đã lớn mạnh hơn bao giờ hết. Trong khi đó, điểm yếu chí mạng của Mỹ là tiến hành chiến tranh xâm lược xâm lược, phi nghĩa. Mỹ càng đưa thêm quân vào miền Nam thì bộ mặt xâm lược của Mỹ và bộ mặt bán nước của chính quyền Sài Gòn càng bị bóc trần. Cuộc kháng chiến của ta được cả thế giới đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ, ngay cả nhân dân tiến bộ Mỹ cũng lên án Chính phủ Mỹ đưa quân vào Việt Nam. Hoa Kỳ càng ngày “càng đi sâu vào con đường bị động cả về quân sự và chính trị”[3], “bị cô lập đến cao độ, cả ở trong nước và trên thế giới.”[4].
Từ đó, Đảng ta nhận định, dù đế quốc Mỹ đưa vào miền Nam hàng chục vạn quân, nhưng “lực lượng so sánh giữa ta và địch vẫn không thay đổi lớn”[5]. Tuy cuộc chiến tranh ngày càng trở nên gay go, ác liệt, nhưng nhân dân ta đã có cơ sở chắc chắn để giữ vững thế chủ động trên chiến trường, có lực lượng và điều kiện để đánh bại âm mưu trước mắt và lâu dài của đối phương.
Từ đó, Đảng đã xác định: “nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước hiện nay rõ ràng là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc ta, của nhân dân ta từ Nam chí Bắc”[6].
Xây dựng và củng cố niềm tin “ta nhất định thắng” trong cuộc chiến đấu không cân sức với đế quốc hùng mạnh nhất thế giới trong bối cảnh quốc tế phức tạp là một nhiệm vụ chính trị vô cùng khó khăn của Đảng.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 (đặc biệt) xác định quyết tâm: “chuẩn bị sẵn sàng đối phó và quyết thắng cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam nếu địch gây ra… sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng chiến đấu lâu dài chống Mỹ, tinh thần tự lực cánh sinh cao; chống tư tưởng sợ Mỹ, đánh giá địch quá cao, hoặc chủ quan khinh địch, tư tưởng hoang mang, dao động, cầu an, tư tưởng muốn đàm phán khi chưa có điều kiện có lợi, muốn kết thúc chiến tranh với bất cứ giá nào, tư tưởng ỷ lại vào sự giúp đỡ của nước ngoài và không tin vào sức mình.”[7].
Đồng thời, những thắng lợi to lớn của quân và dân miền Nam trong năm 1965, đặc biệt là chiến thắng Vạn Tường (8/1965) là cơ sở thực tiễn để Hội nghị Trung ương 12 (12/1965) thông qua quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược: “Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền phải giữ vững và nêu cao quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến tranh nhân dân chống Mỹ, cứu nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, kiên quyết chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng”[8].
Phương châm chiến lược chung trong cuộc chiến tranh giải phóng chống Mỹ, cứu nước là “đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính”[9], tuy nhiên, trong hoàn cảnh cụ thể, cần cố gắng cao độ, tập trung lực lượng của cả hai miền để tranh thủ thời cơ giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam, “đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ”[10], đạt được những mục tiêu về độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà.
Đồng thời, hết sức tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và viện trợ quốc tế, vì đó là một nhân tố quan trọng, góp phần quyết định thắng lợi của nhân dân ta. Sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là một sự nghiệp chính nghĩa nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. “Nhân dân ta nhất định sẽ đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước”[11].
Thanh niên miền Bắc nô nức lên đường nhập ngũ chống Mỹ, cứu nước (Ảnh tư liệu)
Về phương châm đấu tranh, tiếp tục kiên trì phương châm đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, triệt để vận dụng ba mũi giáp công (đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và binh vận), trong đó đấu tranh quân sự có tác dụng quyết định trực tiếp và giữ một vị trí ngày càng quan trọng.
Tư tưởng chỉ đạo chiến lược là giữ vững và phát triển thế tiến công, kiên quyết tiến công và liên tục tiến công. “Giữ vững quyết tâm chiến lược, đồng thời áp dụng sách lược đấu tranh chính trị và ngoại giao khôn khéo để phối hợp với đấu tranh quân sự, chủ động tiến công địch, nêu cao ngọn cờ độc lập và hoà bình nhằm tranh thủ rộng rãi dư luận thế giới và cô lập hơn nữa đế quốc Mỹ”[12].
Đảng tiếp tục khẳng định vị trí cách mạng của hai miền Nam - Bắc vì mối quan hệ giữa hai miền: miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn. Hai nhiệm vụ đó không tách rời nhau, mà gắn bó mật thiết với nhau thực hiện khẩu hiệu chung của nhân dân cả nước là "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược".
Phát biểu trong phiên họp bế mạc Hội nghị (chiều 27/12/1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “...Qua những ý kiến của các đồng chí đã phát biểu ở hội nghị, thấy nổi bật hai điểm quan trọng: - Ta quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; - Ta nhất định thắng… Chúng ta phải biến nghị quyết của Trung ương thành sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân. Muốn vậy, phải làm cho mọi người tin là ta nhất định thắng, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai nhất định thua; phải làm cho mọi người phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ gian khổ, đem hết sức mình để làm tốt nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”[13].
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 (đặc biệt) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 12 là những văn kiện lịch sử rất quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn, đã đánh giá chính xác, khoa học về so sánh lực lượng giữa dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ, từ đó có những quyết sách đúng đắn, từng bước giành chiến thắng trong cuộc đụng đầu lịch sử
Những thắng lợi của quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng là câu trả lời thuyết phục nhất để đập tan luận điệu cho rằng: quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của Trung ương Đảng là“phiêu lưu mạo hiểm”, là“châu chấu đá voi”, “đem trứng chọi đá”. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh đây là quan điểm đúng đắn, có cơ sở khoa học của Đảng.
Chi Mai
[1] Đến tháng 12/1965 ở miền Nam Việt Nam đã có trên 18 vạn quân Mỹ, 2 vạn quân đồng minh Mỹ, chưa kể gần 7 vạn thuộc lực lượng hải quân và không quân Mỹ trong khu vực hỗ trợ và trực tiếp tham chiến. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, t.26, tr.623.
[2] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), tập 5, Cuộc đụng đầu lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 36.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.26, tr. 114.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.26, tr. 106 và 630.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.26, tr. 633.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.26, tr. 635.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.26, tr. 109 và 114.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.26, tr. 635.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập Sđd, t.26, tr. 637.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.26, tr. 637.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.26, tr. 641.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập Sđd, t.26, tr. 650.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.26, tr. 652-653