Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chi viện tài chính cho cách mạng miền Nam là rất quan trọng và cần thiết. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể chuyển tiền an toàn vào miền Nam? Trong bối cảnh đó, Cục Ngoại hối - Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước giao cho đảm trách nhiệm vụ này và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Thành lập “Quỹ ngoại tệ đặc biệt”
Để thực hiện nhiệm vụ chi viện tiền cho cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị giao cho đồng chí Phạm Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách vấn đề kinh tài và chi viện miền Nam.
Để giải quyết nhiệm vụ nhận ngoại tệ an toàn từ nước ngoài về, rồi chuyển vào miền Nam, năm 1965, đồng chí Phạm Hùng đề xuất với Bộ Chính trị một quyết định có ý nghĩa lịch sử: Lập tại miền Bắc một “Quỹ Ngoại tệ đặc biệt”. Về hình thức hoạt động công khai, “Quỹ Ngoại tệ đặc biệt” thuộc Cục Ngoại hối - Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Về điều hành, để bảo đảm tuyệt đối bí mật và an toàn, Quỹ này theo sự chỉ đạo đơn tuyến.
Quỹ Ngoại tệ đặc biệt là một tổ chức chuyên trách nghiệp vụ thanh toán đặc biệt, còn được gọi là Phòng B29 - thực chất là một “Ngân hàng Ngoại hối đặc biệt”, phục vụ riêng cho việc chi viện chiến trường bằng ngoại tệ, có nhiệm vụ chính trị và chuyên môn là:
1) Tập trung các nguồn vốn viện trợ bằng ngoại tệ của Chính phủ, tổ chức quốc tế và các cá nhân có thiện cảm với Việt Nam cho miền Nam vào “Quỹ đặc biệt”;
2) Nắm vững tính chất từng nguồn vốn đó để xây dựng phương án chi viện cho các chiến trường, trình Trung ương duyệt và đảm bảo chi viện bằng ngoại tệ được tuyệt mật và kịp thời cho tiền tuyến trong bất cứ tình huống nào;
3) Bảo vệ và điều chuyển vốn ngoại tệ của quỹ đặc biệt này để tránh thiệt hại về ngoại tệ mất giá và phá giá và cố gắng tranh thủ được lãi suất cao để tăng tích lũy ngoại tệ cho Nhà nước;
4) Báo cáo kịp thời, chính xác tình hình cho Thủ tướng Chính phủ để phục vụ cho sự chỉ đạo chi viện cho tiền tuyến được chặt chẽ...[1].
Biên chế của B29 trong thời gian 10 năm (1965 - 1975) là trên 10 người. Người trực tiếp điều hành hoạt động của B29 là ông Mai Hữu Ích - Phó Cục trưởng Cục Ngoại hối kiêm Phó Giám đốc Vietcombank (trong giao dịch quốc tế, ông có chức danh là Phó Chủ tịch Vietcombank). Tất cả cán bộ của B29 đều là đảng viên, lập thành một tổ Đảng thuộc Chi bộ Phòng Kế toán và Phòng Ngân quỹ, thuộc Liên chi bộ Cục Ngoại hối - Vietcombank, trực thuộc Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Nhà nước Trung ương.
Để tiến hành các hoạt động của mình như một Ngân hàng Ngoại hối đặc biệt, B29 cũng có các bộ phận nghiệp vụ chuyên môn về giao dịch, thanh toán, kế toán, ngân quỹ. Trên thực tế, mỗi bộ phận thường chỉ có một người.
Tài sản ngoại tệ thuộc “Quỹ Ngoại tệ đặc biệt” dành riêng cho miền Nam nên được điều hành một cách hoàn toàn độc lập, được gửi tại Vietcombank nhưng không liên quan gì đến nguồn vốn ngoại tệ thuộc quỹ ngoại tệ công khai của Nhà nước do Vietcombank quản lý. Vietcombank lại gửi vốn đó ở nước ngoài, tại các ngân hàng đại lý quốc tế lớn đáng tin cậy. B29 tiến hành hoạch toán kế toán riêng mọi hoạt động thu - chi, có báo cáo định kỳ đơn tuyến cho cấp trên, trực tiếp là Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị.
Nguồn ngoại tệ do Quỹ Ngoại tệ đặc biệt quản lý gồm có 5 loại tiền: đôla Mỹ, tiền Riel Campuchia, tiền Kíp Lào và tiền Bath Thái Lan. B29 dùng đồng đôla Mỹ làm đơn vị tiền tệ để hạch toán cân đối tổng hợp chung. Trong quá trình tiếp nhận ngoại tệ viện trợ đặc biệt và thực hiện kế hoạch chi viện các chiến trường, B29 đã vận dụng linh hoạt các mặt nghiệp vụ kinh doanh chuyển đổi ngoại tệ, tranh thủ điều chuyển vốn viện trợ bằng đôla Mỹ từ không có lãi để chuyển thành loại ngoại tệ mạnh, thu được chênh lệch tỷ giá và lãi suất cao bằng ngoại tệ.
Lợi dụng tình hình biến động thị trường tiền tệ tư bản chủ nghĩa lên xuống bất thường về lãi suất và tỷ giá, B29 đã chuyển đổi các loại ngoại tệ và từng loại tiền gửi ngoại tệ vào ngân hàng đại lý nào có lãi suất cao, nhằm thu được nhiều lãi nhất.
Phương thức chi viện
Để chi viện miền Nam, B29 đã dùng đến cả hai phương thức: Chuyển tiền mặt, được gọi là AM và chuyển khoản, được gọi là FM.
* Phương thức AM:
Từ những năm đầu 1960, để đáp ứng yêu cầu của chiến trường, ta có đặt vấn đề với Trung Quốc viện trợ miền Nam một số ngoại tệ bằng tiền mặt đôla Mỹ, đồng thời nhờ bạn lập cơ sở ngân hàng tin cậy tại Hồng Kông. Tại đó, nguồn ngoại tệ viện trợ được “chế biến”, tức là mua gom một lượng tiền mặt là tiền của chính quyền Sài Gòn, Riel Campuchia, Bath Thái Lan và Kíp Lào để cùng tiền mặt đôla Mỹ đưa về nước.
Ngân hàng nước bạn là Bank of China (BOC) ở Bắc Kinh và Hồng Kông đã giúp ta tạo dựng cơ sở này, được quy ước gọi là “Anh Bảo”. Tiền mặt các loại do “Anh Bảo” chuẩn bị được tập trung về cơ sở của BOC tại Quảng Châu để nhập với lượng tiền mặt USD Mỹ bạn cấp viện trợ thẳng. Đây chính là nơi tập kết các nguồn tiền mặt của đường dây AM để viện trợ chiến trường miền Nam.
Khi tiền đã tập trung đủ ở Quảng Châu, thông qua đường dây nội bộ, bạn báo cho đại diện Vietcombank ở Bắc Kinh. Từ đây, qua đường điện cơ yếu của Bộ Ngoại giao, thông báo về cho B29 ở Hà Nội. B29 cử người sang Quảng Châu nhận đưa về Hà Nội. Trong việc “chế biến” từ các ngoại tệ khác ra loại tiền mặt đôla Mỹ thì đại diện Vietcombank tại Paris tiến hành ngay tại Pháp, Thụy Sỹ, rồi bằng “giao thông ngoại giao” đưa qua đường Moscow chuyển về Hà Nội.
Tiền tập kết về đến Hà Nội được giao cho B29 quản lý tại tầng hầm Ngân hàng Nhà nước Trung ương tại 49 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Việc đóng gói tiền để vận chuyển vào miền Nam do bộ phận đặc biệt thuộc Tổng Cục Hậu cần là đơn vị C100- Đoàn 559 chịu trách nhiệm.
Tiền được chuyển bằng hai phương thức: Thứ nhất, bằng đường hàng không Hà Nội - Phnômpênh hoặc Hà Nội - Quảng Châu - Phnômpênh, được đựng trong các “Valy ngoại giao”. Thứ hai, bằng đường bộ, theo tuyến vận tải quân sự vượt đường Trường Sơn; Thứ ba, bằng đường biển, theo các đoàn tàu chở vũ khí vào chiến trường. Trong trường hợp thứ hai và thứ ba, tiền được đựng trong các hòm đạn cỡ nhỏ hoặc các hòm sắt cỡ lớn.
Hòm đạn cỡ nhỏ dùng để đựng tiền và “Chiếc Valy ngoại giao”
Hòm sắt cỡ lớn được B29 dùng để chuyển tiền vào miền Nam
Vận chuyển tiền theo phương thức FM đã có một số chuyến trót lọt, nhưng mạo hiểm, dài ngày và dễ gặp rủi ro, tổn thất lớn. Thực tế đã xảy ra một số lần địch ném bom trúng xe chở hàng, trong đó có giấu các thùng đựng tiền. Khi xe bị cháy thì hòm gỗ “nghi binh” bao bọc bên ngoài cháy. Thùng đựng tiền bên trong tuy không bị cháy, nhưng sức nóng của lửa đã làm hư hại chất lượng tiền giấy bên trong. “Làm như vậy rất chậm, khối lượng tiền không được nhiều, dễ bị tổn thất do địch đánh phá, mất nhiều phí tổn đổi tiền (đổi được 100.000 USD phải mất 2.700 USD), thiệt hại lớn nhất là hàng trăm cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh khi áp tải tiền...”[2].
* Phương thức FM: là phương thức chi viện ngoại tệ cho miền Nam bằng cách chuyển khoản do B29 thực hiện. Để thực hiện FM, cần phải có một hệ thống tổ chức hết sức chặt chẽ, bí mật. Quy trình của FM là dùng tiền của “Quỹ ngoại tệ đặc biệt” do B29 thuộc Vietcombank quản lý. Căn cứ thông báo bằng mật mã từ miền Nam, B29 lấy danh nghĩa Vietcombank ra lệnh chuyển tiền chi trả vào tài khoản của một khách hàng nào đó-là người của cách mạng hoạt động công khai.
Phương pháp này có những thuận lợi hơn phương pháp AM: Thứ nhất, nó có thể giải quyết một vụ chuyển tiền lớn chỉ trong một ngày, thay vì nhiều tháng với hành trình đầy rủi ro của phương pháp AM. Thứ hai, an toàn hơn. Thứ ba, không bị thiệt thòi do vấn đề tỷ giá mà có trường hợp còn sinh lợi nhờ hưởng lãi suất của ngân hàng. Khoản lãi suất này trong 10 năm, tính ra tới gần 25 triệu USD[3].
Sơ đồ chuyển tiền FM trong hình thức chi trả
Như vậy, tiền mặt các loại, chủ yếu bằng đôla Mỹ và tiền chính quyền Sài Gòn, theo cả hai phương thức chi viện AM và FM cuối cùng đều được tập trung về các vùng căn cứ kháng chiến, do các cơ quan ngân tín của Đảng trực tiếp quản lý, điều hành phân phối sử dụng theo nhu cầu cách mạng miền Nam. Quỹ Ngoại tệ đặc biệt cùng với B29 trong bộ máy Vietcombank ở Hà Nội và guồng máy Kinh - Tài của Đảng ở khắp các chiến trường miền Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò, sứ mệnh lịch sử, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn.
Nhẫn Trần
[1] Báo cáo tổng kết công tác ngoại hối đặc biệt từ 1964-1975 và từ 1976 đến cuối năm 1978. Lưu trữ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
[2] Ban Tài chính - Quản trị Trung ương: Biên niên sử hoạt động tài chính của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.211. Xem thêm: Thăng Long: Thời gian và thử thách, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 9/2002.
[3] Theo tư liệu của ông Phan Đình Mậu gửi Ban Biên soạn tại cuộc Hội thảo ngày 13/12/2002, tr.3.