Trong những lực lượng tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954, Công an Hà Nội là một trong những lực lượng nòng cốt, đã nhanh chóng tiếp quản những cơ sở được giao trong thành phố, ổn định trật tự trị an, đấu tranh chống đối phương dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam
Cùng các lực lượng tiếp quản Thủ đô
Tại Hà Nội, theo kế hoạch của Bộ Công an, chủ trương của Thành ủy, Công an Thủ đô đã xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch và chuẩn bị lực lượng tiếp quản.
Từ cuối tháng 8/1954, lực lượng công an đã đưa một số cán bộ vào thành phố để nắm tình hình phục vụ tiếp quản.
Ngày 8/10/1954, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn về trực tiếp chỉ đạo tiếp quản và cử gần 200 trinh sát vào nội thành nắm các mục tiêu quan trọng như Sở Cảnh sát, Sở mật thám. Ta còn bố trí lực lượng bảo vệ an ninh trật tự dọc các tuyến đường, chuẩn bị cho các lực lượng vào tiếp quản Thủ đô.
Công an Hà Nội xác định nhiệm vụ cho các lực lượng tiếp quản của mình là ngăn ngừa và kịp thời trấn áp các phần tử chống lại Chính phủ kháng chiến, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, bảo vệ các cơ quan, kho tàng, xí nghiệp của quốc gia, nhanh chóng khôi phục trật tự xã hội.
Các mặt công tác tiếp quản của công an được triển khai thực hiện theo phương châm: “giữ vững kỷ luật, chấp hành đúng chính sách, đề cao cảnh giác, thận trọng, chắc chắn và khẩn trương khôi phục trật tự xã hội gây tin tưởng phấn khởi trong nhân dân”.
Ngày 3/10/1954, công an Hà Nội đã tổ chức Hội nghị bảo vệ cơ quan toàn căn cứ, đề ra những quy định về chế độ bảo vệ cơ quan, nhà máy, kho tàng, bảo quản tài liệu, tuyển dụng người sử dụng nhân viên lưu dung, giao thông liên lạc, bảo vệ cán bộ cao cấp và cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ.
Công an Hà Nội đã góp phần phát hiện, chặn đứng âm mưu của đối phương dùng hoá chất phá đường sắt và cho vào các kho xăng dầu để làm hỏng động cơ các loại xe cơ giới.
Tại các khu phố, ngõ, xóm, dưới sự hướng dẫn của cán bộ công an và cán bộ các đoàn thể, nhân dân tổ chức các đội tuần tra canh gác, trang bị vũ khí thô sơ, để vừa tự bảo vệ có hiệu quả, vừa chuẩn bị đón các lực lượng kháng chiến tiến về giải phóng Thủ đô.
Ở ngoại thành, cuối tháng 9/1954, Pháp rút bỏ nhiều đồn bốt quan trọng như Cầu Diễn, Nhổn, Cầu Mới, Đông Trì… Mặc dù phải rút khỏi các làng xã, chúng vẫn bí mật cài các phần tử tay sai ở lại để thực hiện các âm mưu phá hoại. Ở một số xã, các phần tử phản động mạo nhận là cán bộ kháng chiến, đứng ra triệu tập quần chúng, chọn người thành lập chính quyền xã.
Được cơ sở bí mật và nhân dân phản ánh, công an ngoại thành đã thu thập tài liệu, xác minh vạch rõ âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ địch. Lực lượng coogn an và nhân dân đã đấu tranh giải tán các tổ chức của lực lượng phản động như các tổ “Hùng Sơn”, “Hùng Tiến”, “ Nhân Mỹ” hoạt động ở các xã Nhân Chính, Khương Thượng, Cầu Mới, Kim Lũ; tổ “Việt Nam độc lập” hoạt động ở vùng Xuân La, Xuân Tảo, Xuân Đỉnh…
Đến đầu tháng 10/1954, công an ngoại thành đã phục vụ việc thiết lập lại chính quyền nhân dân ở 110 trên 136 xã, phát triển được 281 cơ sở phục vụ công tác bảo vệ các tuyến đường hành quân của các lực lượng kháng chiến tiến về tiếp quản Thủ đô.
Các đội hành chính và công an trật tự đã kiên quyết đấu tranh với những hành động vi phạm Hiệp định của đối phương trong việc tiếp xúc, bàn giao những công sở, cơ quan, công trình công cộng.
Ngày 6/10/1954, Pháp rút khỏi Văn Điển, quận lỵ đầu tiên của Hà Nội được giải phóng. Lực lượng công an trật tự và dân cảnh vào tiếp thu đồn cảnh binh đầu tiên ở đây. Cùng ngày, Pháp rút khỏi thị xã Hà Đông. Đoạn đường số 6 từ thị xã về đến Ngã Tư sở không còn địch. Cơ quan Đảng uỷ tiếp quản từ huyện Thanh Oai chuyển về thị xã; Sở chỉ huy của Ủy ban quân chính và Bộ tư lệnh Đại đoàn 308 cũng chuyển về đoạn đường này để chỉ huy cuộc tiến quân của các đơn vị quân đội sẽ vào tiếp thu các khu vực quy định.
Tiếp quản Ty Cảnh sát thành phố, nay là Trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm (Ảnh tư liệu)
Lực lượng hoạt động nội thành của Công an Hà Nội những ngày trước đã phải làm việc căng thẳng, nay lại phải căng ra để bảo vệ an toàn các đơn vị quân đội, các ngành trở về giải phóng thành phố.
Sáng ngày 9/10/1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra bản nhật lệnh cho các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp quản: “Phải đoàn kết chặt chẽ giữa các lực lượng, đoàn kết chặt chẽ với đồng bào để giữ vững an ninh trật tự Thủ đô, triệt để chấp hành 8 chính sách và 10 điều kỷ luật của Chính phủ, bảo vệ, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân, luôn luôn nâng cao cảnh giác, bồi dưỡng ý chí chiến đấu, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại”.
Được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đảng và Thành ủy Hà Nội, các lực lượng tiếp quản đã kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu thủ đoạn phá hoại, bảo vệ máy móc, tài sản, tài liệu, phương tiện, ngăn chặn những âm mưu khủng bố, phá hoại của địch.
Ngày 10/10/1954, lực lượng công an Hà Nội tiếp quản Sở mật thám, Sở cảnh sát, trại giam Hỏa Lò, và các quận, đồn cảnh sát. Khi vào chiếm lĩnh, ta tuyên bố giải tán các tổ chức cũ của địch, thành lập các tổ chức mới của công an, đồng thời bảo vệ, quản lý toàn bộ hồ sơ tài liệu, phương tiện trong các cơ quan này.
Thực hiện chủ trương của Đảng ủy tiếp quản và Ủy ban quân chính, Công an Hà Nội tổ chức cho các đối tượng là ngụy quân, ngụy quyền, mật thám, chỉ điểm của địch ra trình báo, nhanh chóng nắm được 12.000 đối tượng các loại, trong đó có 203 sĩ quan, 2.840 hạ sĩ quan binh lính ngụy, hơn 7.800 ngụy quyền, gián điệp, mật vụ, chỉ điểm của chế độ cũ.
Nhằm duy trì sinh hoạt bình thường cho thành phố, ta đã lưu dung 5.521 người, trong đó chủ yếu là những người làm công tác trật tự công cộng và chuyên môn kỹ thuật. Để bảo vệ Thủ đô “ yên ổn, vui tươi và phồn thịnh”, lực lượng công an Hà Nội đã tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời nghiêm trị số cầm đầu ổ nhóm lưu manh, vận động quần chúng thu hồi vũ khí, chất cháy, chất nổ, quản lý giao thông, nắm tình hình ngoại kiều, chống các hoạt động gián điệp của địch.
Tham gia đấu tranh chống đối phương dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam
Hà Nội được giải phóng, toàn dân Thủ đô tưng bừng trong không khí tự do, nhưng lực lượng công an Hà Nội không được một ngày nghỉ ngơi sau hơn 3.000 ngày chiến đấu gian khổ, căng thẳng. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh chinh trị và trật tự xã hội còn biết bao công việc gấp rút phải làm là triển khai ngay kế hoạch đấu tranh đối với mạng lưới gián điệp ẩn nấp, đảng phái phản động, các phần tử phản động đội lốt tôn giáo và tội phạm hình sự. Tất cả guồng máy và cố gắng của đối phương trong thời gian này là đang ra sức thực hiện âm mưu dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào miền Bắc, nhất là đồng bào Công giáo di cư vào Nam nhằm thực hiện những mưu đồ lâu dài.
Từ tháng 9/1954, Trung ương Đảng đã ra nhiều chỉ thị lãnh đạo cuộc đấu tranh chống dụ dỗ và cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam. Một lực lượng đồng đảo cán bộ, bộ đội, công an và nhân dân được huy động vào công tác tuyên truyền, giải thích cho đồng bào hiểu rõ chính sách đúng đắn của ta và vạch trần luận điệu tuyên truyền phản động của Pháp.
Tiếp quản Nhà tù Hỏa Lò (Ảnh tư liệu)
Những chính sách cụ thể của Đảng và Chính phủ ta như chính sách đối với những người trước đây tham gia ngụy binh, chính sách đối với giáo dân, chính sách đối với công chức, giáo viên và trí thức, chính sách đối với những nhà công thương nghiệp… được giải thích rõ ràng và được đồng bào đón nhận.
Tại Hà Đông, cuộc đấu tranh chỗng địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam cũng diễn ra quyết liệt. Từ tháng 7/1954 đến tháng 6/195, đối phương khi trắng trợn lúc ngấm ngầm cưỡng ép, dụ dỗ đồng bào ta di cư vào Nam. Tỉnh ủy đã chi đạo các ban, ngành đoàn thể, chính quyền, trong đó có lực lượng công an, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng, gây dựng cơ sở, trấn áp các phần tử phản động, tranh thủ chức sắc tôn giáo, giúp dân sản xuất, tổ chức đón những người có ý định hay đã đi Nam trở về. Tòa án đã đưa ra xét xử 4 vụ các đối tượng cưỡng ép di cư với hàng chục nghìn người tham dự… nhờ vậy đã vận động được hàng trăm người yên tâm ở lại xây dựng miền Bắc.
Trong quá trình này, Ty Công an Sơn Tây ra Thông tri về việc phá âm mưu của địch lợi dụng lễ Nôel năm 1954 để kích động, cưỡng ép giáo dân Công giáo di cư. Ngày 15/12/1954, Ty Công an Hà Đông ra Chỉ thị số 374/BVCT, Chỉ thị số 401/BVCT ngày 27/01/1955 chỉ đạo lực lượng công an trong tỉnh phá âm mưu địch cưỡng bức di cư.
Trong quá trình đấu tranh chống địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam, cán bộ chiến sĩ công an Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây đã nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của địch, quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, đi đúng đường lối quần chúng, kết hợp chặt chẽ giữa kiên trì vận động quần chúng với sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, một mặt tăng cường công tác vận động, giáo dục quần chúng, mặt khác kiên quyết trấn áp những phần tử phản động lợi dụng tôn giáo dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam, chuẩn bị đầy đủ lực lượng và năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chính vì vậy, mặc ddù địch đã dụ dỗ, cưỡng ép được gần 1.000.000 đồng bào miền Bắc di cư vào Nam, nhưng cơ bản đối phương không đạt mục tiêu đề ra ban đầu, nhất là trên địa bàn Hà Nội. Hàng triệu đồng bào đã tin tưởng và Đảng và Chính phủ, yên tâm ở lại miền Bắc xây dựng cuộc sống mới.
Công cuộc tiếp quản Thủ đô có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ công an Hà Nội. Hà Nội bước vào trang sử mới.
Bình Nguyễn