Ra đời ngay trong những ngày Cách mạng tháng Tám sục sôi, lực lượng công an ngay lập tức bước vào cuộc chiến đấu gay go, phức tạp, đã mưu trí, kịp thời làm thất bại những âm mưu và hoạt động gây rối, phá hoại, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, góp phần đưa chính quyền dân chủ cộng hòa non trẻ thoát khỏi thế “nghìn cân treo sợi tóc”
Thế “nghìn cân treo sợi tóc” của chế độ mới
Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9/1945, nhiều lực lượng mang danh nghĩa Đồng Minh vào Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giải giáp quân Nhật[1], có chung mục tiêu chống phá cách mạng Việt Nam. Gần 20 vạn quân Trung Hoa Quốc dân Đảng cùng lực lượng phản cách mạng lưu vong vào miền Bắc Việt Nam chiếm đóng từ vĩ tuyến 16 trở ra. Mưu đồ của quân Trung Hoa Quốc dân Đảng là tiêu diệt Đảng, phá tan Việt Minh, lật đổ chính quyền cách mạng. Việt Nam quốc dân Đảng, Việt Nam cách mạng Đồng minh hội với chiêu bài “Cách mạng hải ngoại”, “Cách mạng quốc gia” ngang nhiên lập chính quyền phản động ở thị xã Vĩnh Yên, Yên Bái, Móng Cái. Chúng rải truyền đơn, hô hào quần chúng nhân dân chống lại chính quyền cách mạng, tổ chức bắt cóc, ám sát, gây rối về chính trị và trật tự xã hội.
Ở miền Nam, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn – Chợ Lớn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Lực lượng phản cách mạng tay sai của Nhật, Pháp như Đại Việt quốc dân đảng, Tờrốtkít, phản động đội lốt tôn giáo trong các đạo Cao Đài, Hòa Hảo, mật thám trước đây, những phần tử trong giai cấp địa chủ, tư sản, hào lý… ra mặt làm tay sai cho Pháp.
Cuộc đấu tranh chống hành động xâm lược, các hoạt động chống phá, lật đổ chính quyền cách mạng diễn ra phức tạp, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo thống nhất của Đảng từ Trung ương đến địa phương, đồng thời tăng cường công cụ chuyên chính của chính quyền nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân, đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới.
Ra đời và nhận lãnh nhiệm vụ chính trị nặng nề
Ngày 19/8/1945, công an nhân dân được thành lập. Ở Hà Nội, sau khi chiếm lĩnh Ty Cảnh sát và các quận, đồn cảnh sát của địch, ta đã lập Sở Liêm phóng Bắc bộ và thành lập Ty Cảnh sát. Nhiều nơi ở Bắc bộ thành lập Ty Liêm phóng và Ty Cảnh sát. Tại Trung bộ, ngày 23/8/1945 Ủy ban nội vụ Trung bộ quyết định thành lập Sở Trinh sát. Ở Nam bộ, ngày 25/8/1945, Ủy ban hành chính lâm thời quyết định thành lập Quốc gia tự vệ cuộc.
Nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho cách mạng Việt Nam trước tình hình mới là bằng mọi giá phải bảo vệ được Đảng, bảo vệ chính quyền, giữ vững an ninh chính trị, ổn định mọi mặt đời sống xã hội.
Để tránh phải đối phó với nhiều kẻ thù cùng một lúc, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện sách lược tạm thời hòa hoãn với quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng, với khẩu hiệu “Hoa - Việt thân thiện”, nhằm tập trung chống thực dân Pháp ở miền Nam. Ở những nơi có quân Trung Hoa Quốc dân đảng đóng, ta thành lập “Ban Liên lạc Việt Hoa”[2].
Lực lượng công an tham gia bảo vệ Lễ Đài độc lập ngày 2/9/1945 (Ảnh tư liệu)
Để tăng cường sức mạnh chuyên chính, Chính phủ đã ra nhiều sắc lệnh đảm bảo chủ quyền, đảm bảo an ninh trật tự. Đó là các sắc lệnh giải tán các đảng phái phản động như Đại Việt quốc dân đảng, Đại Việt quốc gia xã hội đảng, Việt Nam hưng quốc thanh niên và Việt Nam ái quốc thanh niên. Tiếp đó là Sắc lệnh thiết lập các Tòa án quân sự có nhiệm vụ xét xử những người có hành vi làm phương hại đến nền độc lập, đồng thời ra Sắc lệnh số 33A định thể lệ cho Liêm phóng và Cảnh sát khi bắt một người[3]. Những văn bản này là cơ sở pháp lý cho việc trấn áp lực lượng phản cách mạng, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân mới thành lập.
Tháng 2/1946, để thống nhất lực lượng công an trên toàn quốc, Việt Nam công an vụ. được thành lập do đồng chí Lê Giản làm Giám đốc. Tiếp đó, tháng 4/1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 121-NĐ về tổ chức Việt Nam Công an vụ, quy định Việt Nam Công an vụ có 3 cấp: ở Trung ương gọi là Nha công an Việt Nam; ở Bắc, Trung, Nam gọi là Sở công an; các tỉnh gọi là Ty công an. Lực lượng Công an đã thống nhất trong cả nước, cùng toàn quân, toàn dân bảo vệ Nhà nước dân chủ nhân dân.
Công an nhân dân góp phần giữ vững thành quả Cách mạng Tháng Tám
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Liêm phóng Bắc Bộ, Trinh sát Trung Bộ, Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ cùng các lực lượng vũ trang khác thực hiện nhiệm vụ trấn áp những phần tử cầm đầu các đảng phái phản động, những quan lại, tay sai của Pháp và phát xít Nhật có nhiều tội ác. Cùng những lực lượng khác bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ lâm thời từ căn cứ Việt Bắc về Hà Nội.
Trong bối cảnh kháng chiến tại Nam Bộ, Quốc gia tự vệ cuộc tiến hành xây dựng cơ sở bí mật trong lòng địch, phát triển lực lượng trừ gian, đánh mạnh vào những phần tử do thám chỉ điểm, phản cách mạng. Những ngày đầu cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, Quốc gia tự vệ cuộc trở thành lực lượng vũ trang chủ yếu của Đảng, vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân rút ra căn cứ chuẩn bị kháng chiến lâu dài vừa tổ chức các trận chiến đấu vũ trang kìm chân địch, xây dựng cơ sở phá tề trừ gian.
Tại Trung Bộ và Bắc Bộ, lực lượng an ninh triệt để vận dụng luật pháp, thực hiện sách lược mềm dẻo của Đảng để trấn áp các tổ chức phản động và vận động quần chúng công khai đấu tranh tạo ra áp lực chính trị mạnh mẽ; vô hiệu hóa các hoạt động của liên minh phản cách mạng trong, ngoài nước.
Tại Lễ Độc lập ngày 2/9/1945, Lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát Bắc Bộ được bố trí bảo vệ từ vòng trong đến vòng ngoài. Một đội cảnh sát mặc đồng phục, mang súng ngắn đi xe đạp hộ tống đoàn xe có các trinh sát bảo vệ chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ tới quảng trường. Lực lượng trinh sát bí mật hóa trang trong dòng người dự mít tinh để phát hiện những hiện tượng nghi vấn, sẵn sàng ngăn chặn. Lực lượng cảnh sát được bố trí bảo vệ các khối quần chúng, giữ gìn trật tự trong hàng ngũ những người dự mít tinh. Lễ Độc lập đã diễn ra an ninh, an toàn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống đối, phá hoại của các thế lực thù địch.
Lực lượng “Cảnh sát danh dự không lương”[4] của Hà Nội cùng lực lượng cảnh sát chuyên nghiệp Hà Nội tăng cường giữ gìn trật tự xã hội, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Một số tỉnh như Hải Phòng, Hà Đông, Thanh Hóa cũng tổ chức lực lượng cảnh sát xung phong làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an, triệt phá nhiều toán cướp do Quốc dân đảng tổ chức, bài trừ các tệ nạn xã hội.
76 năm qua, lực lượng Công an nhân dân không ngừng lớn mạnh và trưởng thành
Công tác an ninh giai đoạn này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phá vỡ thế liên minh giữa giặc ngoại xâm với các thế lực nội phản. Lực lượng An ninh đã điều tra, thu thập thông tin, bắt và tiêu diệt hàng ngàn tên tay sai chỉ điểm, những phần tử cầm đầu các đảng phái tay sai cho Pháp, Nhật, Trung Hoa dân quốc. Với sự giúp đỡ của nhân dân, lực lượng công an đã khám phá hàng trăm tổ chức, ổ nhóm gián điệp, chỉ điểm; trấn áp hàng chục nhóm, tổ chức phản động. Điển hình như vụ đập tan âm mưu của Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng câu kết với thực dân Pháp hòng lật đổ Chính phủ cách mạng ngày 12/7/1946 đi vào lịch sử với tên gọi “Vụ án phố Ôn Như Hầu”. Riêng cuộc truy quét ở Hà Nội, lực lượng công an bắt gần 100 tên phản động, trong đó có nhiều tên nguy hiểm, đập tan âm mưu lật đổ Chính phủ ta của thực dân Pháp câu kết với phản động. Đây là chiến công vang dội của lực lượng công an, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân củng cố chính quyền cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự Chính phủ, Công an nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ dân chủ nhân dân, giữ vững ổn định chính trị. Lực lượng công an mới ra đời, quân số ít, nghiệp vụ còn hạn chế nhưng với tinh thần chiến đấu kiên cường lại được nhân dân hết lòng đùm bọc, giúp đỡ, khéo vận dụng luật pháp, nên đã sớm khẳng định là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống phản cách mạng.
Những chiến công của lực lượng công an nhân dân trong hớn 1 năm đầu sau Cách mạng tháng Tám đã góp phần đưa chính quyền cách mạng non trẻ thoát khỏi thế “nghìn cân treo sợi tóc”, từng bước được củng cố, vững vàng và chủ động bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc.
Thảo Nguyên
[1] Theo thỏa thuận của các nước Đồng Minh tại Hội nghị Posdam (Đức) tháng 7/1945
[2] Lực lượng Liêm phóng, Trinh sát nhiều nơi cử cán bộ tham gia ban này làm công tác nắm tình hình và hòa giải khi có sự việc xảy ra
[4] Ngày 15/9/1945, Ủy ban hành chính lâm thời thành phố Hà Nội quyết định thành lập Lực lượng “Cảnh sát danh dự không lương” gồm những thanh niên trẻ khỏe trong tầng lớp công nhân trí thức.