Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit đánh giá: Kết quả BCI cho thấy xu hướng tích cực trong niềm tin doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, dù vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn nhưng các doanh nghiệp đang cảm thấy lạc quan hơn. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cũng thể hiện niềm tin đã vượt qua thời kỳ kinh tế được cho là đầy thách thức và khó khăn nhất.
Với bối cảnh quý cuối cùng của năm 2023 chứng kiến mức độ hài lòng của doanh nghiệp tăng lên rõ rệt như doanh nghiệp tự tin vào tình hình hiện tại đã tăng từ mức 24% trong quý III/2023 lên mức 32% trong quý IV/2023. Con số này, cũng chi phép kỳ vọng cho quý I/2024 sẽ rất tích cực, với 29% doanh nghiệp đánh giá triển vọng của họ là 'xuất sắc' hoặc 'tốt'.
Một dấu hiệu nữa chỉ ra rằng, mối lo ngại trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang giảm dần là mức độ lo lắng cực độ của doanh nghiệp đã giảm từ mức 9% xuống mức 5%. Mặt khác, khu vực doanh nghiệp đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng với 31% công ty có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động trong quý I/2024 và 34% có ý định tăng mức đầu tư.
Về tiềm năng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ngày càng được doanh nghiệp chú ý hơn và tính đến quý IV/2023 có 27% công ty báo cáo đã nhận được lợi ích từ mức vừa đủ đến đáng kể từ hiệp định. Cộng đồng doanh nghiệp cũng cho biết, ưu điểm quan trọng nhất của EVFTA là giảm hoặc xóa bỏ thuế quan, tăng khả năng tiếp cận thị trường vào Việt Nam và cải thiện khả năng cạnh tranh ở Việt Nam...
Tuy nhiên, khảo sát BCI cũng cho thấy những thách thức trong việc tận dụng tối đa tiềm năng của EVFTA, với khoảng 13% doanh nghiệp phản hồi sự không chắc chắn hoặc không hiểu rõ về hiệp định là trở ngại chính, nên cần phải có sự chia sẻ thông tin rõ ràng hơn về những điều khoản của thỏa thuận. Cụ thể, doanh nghiệp cho rằng thủ tục thông quan không rõ ràng và kéo dài là một trở ngại và dẫn đến làm giảm lợi ích của EVFTA.
Trước sự cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng trong khu vực và toàn cầu, một số chuyên gia EuroCham chia sẻ, Việt Nam vẫn nên tiếp tục hoàn thiện chính sách, chiến lược để thu hút và duy trì đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu. Một lĩnh vực quan trọng cần tập trung là đơn giản hóa thủ tục hành chính, đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm chi phí hậu cần và nâng cao trình độ của lực lượng lao động cũng rất quan trọng... sẽ giúp Việt Nam duy trì tính cạnh tranh và quỹ đạo tăng trưởng.
Bên cạnh đó, tầm quan trọng của việc Việt Nam tận dụng EVFTA sẽ ngày càng tăng lên, cùng với những hiệp định thương mại song phương và khu vực khác nhau của Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi quá trình phục hồi kinh tế hiện tại thành tăng trưởng cân bằng và dài hạn. Trong suốt quá trình này, EuroCham Việt Nam cam kết sẽ hết lòng hỗ trợ Chính phủ, địa phương, cũng như cộng đồng doanh nghiệp EuroCham và Việt Nam.
Còn theo Giám đốc Decision Lab Thue Quist Thomasen, quỹ đạo kinh tế dài hạn của Việt Nam cho thấy con đường tăng trưởng đầy hứa hẹn như trong ngắn hạn và trung hạn thì Việt Nam đang thể hiện khả năng mang tính thương hiệu trong việc mang lại môi trường kinh doanh ổn định ngay cả vào thời điểm kinh tế diễn biến khó lường. Từ kết quả BCI nằm ởkhoảng từ 40 đến 50 điểm trong 5 quý liên tiếp, cũng minh chứng cho sự ổn định và tiềm năng cải thiện vào năm 2024 sẽ là cơ sở cho Việt Nam tiếp tục nhận được đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nguồn TTXVN