Thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trong đó có hàng vạn thanh niên xung phong, đã hiến dâng tuổi trẻ, trí tuệ, công sức và xương máu cho thắng lợi vĩ đại của dân tộc
Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 15/7/1950, Đảng Đoàn Thanh vận Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam đã thành lập Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương, tiền thân của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, làm nhiệm vụ phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Từ đội ngũ đầu tiên 225 cán bộ, đội viên đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương, lực lượng thanh niên xung phong đã không ngừng phát triển, trưởng thành theo sự lớn mạnh của cuộc kháng chiến chống Pháp. Gần 5 vạn cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong chống Pháp trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam đã hoạt động ngày đêm sát cánh cùng các đơn vị lực lượng vũ trang, giao thông vận tải, dân công, đồng bào các dân tộc Việt Bắc, Tây Bắc, và Tây Nguyên, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng: phục vụ chiến đấu, chiến đấu, mở đường, bảo đảm giao thông, rà phá bom mìn, vận chuyển và chăm sóc thương, bệnh binh, mai táng liệt sĩ trong các chiến dịch lớn như Biên Giới Thu Đông, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Tây Bắc, Thượng Lào và Trung Lào, An Khê và Bắc Tây Nguyên, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thành tích nổi bật nhất của lực lượng thanh niên xung phong chống Pháp là những chiến công xuất sắc của các đơn vị thanh niên xung phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thanh niên xung phong mở đường ra mặt trận (Ảnh tư liệu)
Tổ chức lực lượng thanh niên xung phong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ
Bước vào Đông Xuân 1953-1954, thực dân Pháp tăng cường điều động lực lượng quân đội trên chiến trường Đông Dương ra Bắc Bộ thực hiện Kế hoạch Navarre, xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương. Để phá tan âm mưu của địch, đẩy mạnh cuộc kháng chiến, ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 12/1953, Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương và Đội Thanh niên xung phong kiểu mẫu sáp nhập thành đơn vị thanh niên xung phong lấy tên là Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương, mang mật danh Đoàn XP, phiên chế thành 4 đội: 34, 36, 38, 40 và đến tháng 3/1954 thành lập thêm Đội 42 chủ yếu làm nhiệm vụ tuyển quân bổ sung lực lượng cho các đội khác.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, hàng chục nghìn thanh niên ở các tỉnh Liên khu III, Liên khu IV, Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu V, Nam Bộ nô nức xung phong lên đường, gia nhập lực lượng thanh niên xung phong kháng chiến. Lực lượng thanh niên xung phong do Đoàn XP tuyển dụng từ các tỉnh và các đơn vị thanh niên xung phong địa phương được điều động theo chỉ thị của Trung ương Đảng ngày đêm băng đèo, vượt suối, hành quân thần tốc đến chiến trường Điện Biên Phủ và chiến khu Việt Bắc nhận nhiệm vụ.
Đồng thời với việc thành lập Đoàn XP ở Trung ương, những đơn vị thanh niên xung phong của các Khu Đoàn thanh niên Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, Liên khu V cũng được chấn chỉnh và bổ sung lực lượng để tham gia chiến dịch Bắc Tây Nguyên và Trung Lào và trực tiếp phục vụ Mặt trận Điện Biên Phủ. Đội Thanh niên xung phong Cù Chính Lan của Liên khu Đoàn IV với 3.000 cán bộ, chiến sĩ lên đường phục vụ chiến dịch Trung Lào. Tổng đội Thanh niên xung phong 204 Liên khu V với 4.000 cán bộ, chiến sĩ lên đường nhận nhiệm vụ phục vụ chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Bốn Đội thanh niên xung phong công tác Liên khu Đoàn III với trên 1.000 cán bộ chiến sĩ nhận nhiệm vụ các đơn vị Công binh, Quân khí, làm đường và hướng dẫn dân công phục vụ chiến dịch. Các đội thanh niên xung phong công tác Khu Tây, Bắc Việt Bắc với hàng nghìn cán bộ, đội viên lên đường thực hiện nhiệm vụ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ theo chỉ tiêu Trung ương giao cho địa phương.
Chiến công xuất sắc của lực lượng thanh niên xung phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương (Đoàn XP) và các đơn vị thanh niên xung phong địa phương được Đảng, Chính phủ và Hội đồng cung cấp mặt trận điều động tham gia mọi công tác chuẩn bị và phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại mặt trận Điện Biên Phủ có trên 16.000 thanh niên xung phong tham gia, hoạt động trên các lĩnh vực mở đường, bảo đảm giao thông, phá bom nổ chậm, giữ vững mạch máu giao thông vận tải, vận chuyển vũ khí, đạn dược, thương binh, lương thực cho bộ đội, đào hầm hào, làm trận địa pháo, kéo pháo vào trận địa, làm giao liên hỏa tốc …Các hoạt động diễn ra khẩn trương, quyết liệt suốt từ khi chuẩn bị cho đến khi kết thúc chiến dịch trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, núi rừng hiểm trở và máy bay địch đánh phá ác liệt ngày đêm, nhưng nhiệm vụ nào thanh niên xung phong cũng đều hoàn thành xuất sắc.
Lực lượng thanh niên xung phong đã mở hàng trăm km đường, vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, quân trang, cứu được nhiều xe đạn pháo khi bị máy bay địch đánh phá, rà phá trên 1,000 quả bom nổ chậm, cứu thương và vận chuyển hàng trăm thương binh, bộ đội hy sinh trên các chiến trường. Khi chiến dịch diễn ra quyết liệt đã có 8.000 thanh niên xung phong chuyển sang bổ sung cho quân đội. Đã có trên 300 cán bộ chiến sĩ Thanh niên xung phong anh dũng hy sinh trên mặt trận Điện Biên Phủ
Điển hình và chủ lực là Đội 34 và Đội 40 với 40 đại đội và 8.000 thanh niên xung phong, trong đó có 2 đại đội phục vụ hỏa tuyến, 1 đại đội phục vụ Hội đồng cung cấp Mặt trận, 1 đại đội ở Thượng Lào, còn lại 36 đại đội hoạt động trên các tuyến đường 41 (từ Suối Rút), đường 13 (Yên Bái -Sơn La), đường Mộc Châu -Na Hang, Tuần Giáo - Điện Biên dài 300 km. Nhiều đai đội hoạt động trên các trọng điểm ngã Ba Cò Nòi, đèo Pha Đin, ngã ba Tuần, cầu Tà Vài, ngã ba Mộc Châu, đèo Chiêng Đông, bến đò Tạ Khoa, đèo Chẹn, Hát Lót, đường Tuần Giáo - Điện Biên...
Những địa danh lịch sử gắn liền với chiến công xuất sắc của hai Đội thanh niên xung phong 34 và 40 là ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin, ngã ba Tuần Giáo, cầu Tà Vài, những chốt điểm xung yếu nhất, ác liệt nhất, được mệnh danh là các “Tọa độ lửa” trên tuyến đường vận chuyển của ta đến mặt trận. Tại đây, địch tập trung máy bay ném các loại bom nổ chậm, bom bươm bướm, bom napan và bắn phá suốt ngày đêm. Ở ngã ba Cò Nòi, giao điểm đường 13 và đường 41 đi lên Sơn La có ngày máy bay địch ném tới 300 quả bom các loại, có trận địch dùng 69 máy bay tiến công ném tới hàng trăm tấn bom, có đợt đánh liên tục 2 - 3 tuần liền, cán bộ đội viên thanh niên xung phong các đại đội c239, c300, c403, c406, c408 đóng chốt và các đại đội ứng cứu c292, c297, c401, c404, c407 trong tay không có súng, chỉ có quốc xẻng, vẫn kiên cường bám trụ, phá bom, lấp hố, thông đường.
Trên toàn tuyến, nhiều cán bộ đội viên thanh niên xung phong hi sinh, bị thương, ốm đau bệnh tật, nhưng bất chấp ác liệt, hiểm nguy và vượt lên mọi khó khăn gian khổ với quyết tâm thanh niên xung phong còn thì mạch máu giao thông được trụ vững, lực lượng thanh niên xung phong hai Đội 34 và Đội 40 đã có mặt 24/24h trên mặt đường, lao động quên mình, bảo đảm thông đường, thông xe. Lực lượng Thanh niên xung phong đã cùng với bộ đội Công binh làm nên một sự sự tích thần kỳ, mở mới 82 km đường Tuần Giáo - Điện Biên trong thời gian hơn 1 tháng, mở hàng trăm km đường kéo pháo, đường tránh, đường nhánh cất giấu xe pháo, đường ngầm, làm hàng trăm cầu kè các loại qua suối, qua các đoạn đường sình lầy và hố bom, đào đắp, khai thác, vận chuyển hàng nghìn tấn đất đá, vật liệu làm kho tàng và lấp hồ bom, sửa chữa thông đường cho xe ra trận, cứu được nhiều xe đạn pháo khi bị máy bay địch đánh phá. Nhiều tấm gương điển hình của đội 34, 40 xuất hiện.
Nguyễn Cao Vãng (Nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam) (Còn tiếp)