Đồng chí Cao Xuân Thọ, Đội trưởng đội phá bom, Nguyễn Tiến Thụ, Tổ trưởng tổ phá bom, Trần Văn Cam là những dũng sĩ có sáng kiến đặc biệt trong phá bom nổ chậm hiệu quả và an toàn tại trọng điểm ngã ba Cò Nòi, là chiến sĩ thi đua toàn Đoàn và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương.
Đồng chí Trịnh Văn Huyền, Trung đội trưởng bá, trụ trọng điểm đèo Pha Đin là cán bộ lãnh đạo gương mẫu, xông xáo, không sợ hiểm nguy, làm việc gì cũng có sáng kiến, đạt năng suất lao động cao, luôn dẫn đầu đơn vị, một mình dũng cảm chỉ huy đứng ra ngoài cabin, chỉ huy lần lượt cứu thoát 5 xe đạn pháo dưới sự đánh phá ác liệt của máy bay địch, là người được Bác Hồ nhiều lần viết báo khen ngợi, là Chiến sĩ thi đua số 1 của Đoàn và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương.
Đồng chí Phan Tuệ, Đại đội phó, là người dẫn đầu đơn vị trong phong trào “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, là Chiến sĩ thi đua toàn Đoàn, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương.
Đồng hành với hai đội 34, 40 trực tiếp phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ, các Đội 36, 38, 42 cũng có những đóng góp quan trọng vào thành tích chung của Đoàn XP trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đội thanh niên xung phong 36 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuần tra, canh gác, bảo vệ an toàn khu, mở rộng khôi phục tuyến đường liên tỉnh Thái Nguyên- Tuyên Quang nằm trong an toàn khu và đường nội bộ an toàn khu, xây dựng công trình hệ thống đường hào và hầm trú ẩn, kho tàng, thông tin liên lạc, trụ sở làm việc của các cơ quan Trung ương và vận chuyển lương thực, thực phẩm, bảo đảm an toàn và điều kiện tốt nhất phục vụ hoạt động của các cơ các cơ quan Trung ương lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đội 38 được giao nhiệm vụ làm lực lượng nòng cốt cùng dân công mở tuyến đường 1B Thái Nguyên -Đồng Đăng dài 140 km, Đồng Đăng -Hữu Nghị quan và một số đường nhánh vào các kho chứa hàng. Trong điều kiện địch đánh phá thường xuyên, thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn gian khổ, nhưng cán bộ chiến sĩ đội 38 đã luôn quyết tâm cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mở đường trước khi mặt trận Điện Biên Phủ nổ súng, kịp thời vận chuyển hàng hóa viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa phục vụ chiến trường. Đại đội 261 luôn là lá cờ đầu của Đội 38, được toàn công trường suy tôn là “Đơn vị anh cả” cầu Khánh Khê và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến. Những địa danh, những trọng điểm như cầu Khánh Khê, Đồng Bẩm, Kéo Koong, Vũ Lễ, Bình Gia, Bắc Sơn, đèo Kéo Sinh, đèo Tam Canh là những địa điểm ghi dấu chiến công của Đội 38.
Đội 42 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân từ các địa phương và tổ chức chuyển quân, đáp ứng kịp thời bổ sung lực lượng cho các đội 34, 36, 38 và 40. Trong thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, đội 42 đã thực hiện 4 đợt tuyển quân, cung cấp trên 12.000 thanh niên ưu tú, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của các đội thanh niên xung phong, đồng thời đội 42 đã hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa và mở một số tuyến đường phục vụ chiến dịch.
Kéo pháo vào trận địa (Ảnh tư liệu)
Đại đội thanh niên xung phong 231 và 232 thuộc lực lượng Thanh niên xung phong tỉnh Bắc Giang với trên 500 cán bộ, đội viên đã kiên cường bám trụ hoạt động liên tục trong mưa bom bão đạn ác liệt của địch bảo đảm giao thông tuyến đường chiến lược 100 km từ Phồng Mẹt quốc lộ 1A về Bố Hạ - Đèo Cả - Yên Thế và quốc lộ 13 đi Đèo Hạnh -Đình Cả - La Hiên lên Việt Bắc, Tây Bắc phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó chiến công nổi bật nhất là cuộc chiến kéo dài 35 ngày đêm tại Đèo Cả dài 2 km từ ngày 4/4 đến ngày 7/5/1954, lực lượng thanh niên xung phong đã làm thất bại âm mưu của địch tập trung hỏa lực pháo binh và máy bay đánh phá chặn đường tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Tại đây đã có 7 chiến sĩ thanh niên xung phong hi sinh và hàng chục người bị thương.
Các đội thanh niên xung phong công tác của Liên khu Đoàn III đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường, tổ chức hướng dẫn dân công phục vụ chiến dịch hướng Hòa Bình -Điện Biên Phủ, phục vụ nhiệm vụ tại Phòng Quân khí 3/4, Trung trạm vận tải 3/4, Quân khí 201, Quân khí 202, đã xây dựng hàng trăm mét vuông nhà kho, nhà xưởng, mở và sửa chữa hàng trăm km đường, cùng với dân công vận chuyển hàng nghìn tấn hàng hóa. Tiêu biểu là các đơn vị đội Thanh niên xung phong công tác Cù Chính Lan Hòa Bình, 4 Liên phân đội Mạnh Tiến, Đoàn Kết, Xung Phong và Quyết Tiến của hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình.
Tổng đội Thanh niên xung phong 204 Liên khu V với 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu trên chiến trường đường 19, Chiến dịch An Khê, Chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Thắng lợi của chiến dịch Bắc Tây Nguyên đã hỗ trợ đắc lực cho thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Đã có hai chi đội, 23 chiến sĩ lập công xuất sắc, được Bộ Tư lệnh mặt trận tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Huân chương Chiến công, điển hình là các đội Thanh niên xung phong công tác La Văn Cầu, Hoài Nhơn.
Những phần thưởng cao quý Đảng và Nhà nước trao tặng lực lượng thanh niên xung phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng thanh niên xung phong đã được Bác Hồ tặng Cờ thi đua mang dòng chữ “Dũng cảm, lập công xuất sắc”, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất, 60 huân chương các loại cho các tập thể và cá nhân, hàng nghìn cán bộ, đội viên được tặng bằng khen và giấy khen của các ngành, các cấp. Lực lượng thanh niên xung phong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2009.
Hàng nghìn TNXP đã được bổ sung cho quân đội trong chiến dịch (Ảnh tư liệu minh họa)
Đại hội Chiến sĩ thi đua Thanh niên xung phong lần thứ hai tháng 3/1955 đánh dấu sự lớn mạnh của vượt bậc của Đoàn XP trong chiến dịch Điện Biên Phủ, là hình ảnh tiêu biểu của lực lượng Thanh niên xung phong cả nước. Các đơn vị đã bầu được 320 Chiến sĩ thi đua và cá nhân xuất sắc, bầu 25 Chiến sĩ thi đua toàn Đoàn và 4 đơn vị khá nhất là c406, c407, c264 và c277. Đại hội được Bác Hồ gửi tặng 10 huy hiệu của Người. Nhà nước tặng 3 Huân chương kháng chiến hạng Hai, 2 Huân chương kháng chiến hạng Ba, 10 Huân chương Lao động hạng Ba. Bộ Giao thông công chính tặng một lá cờ “Thi đua khá nhất”. 6 đại đội được tặng lá cờ “Đại đội thi đua khá nhất toàn Đoàn” và 25 tập thể, cá nhân được tặng bằng khen của Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương.
Về vai trò và chiến công của Thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Pháp với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Việc bảo đảm giao thông vận tải, cung cấp lương thực, đạn dược cho Điện Biên Phủ là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề về chiến thuật trong từng ngày, từng giờ… không kém tình hình chiến đấu. Trong chiến dịch, nếu không có Thanh niên xung phong thì bộ đội cũng sẽ gặp khó khăn. Thanh niên xung phong đã thật sự đem tinh thần xung phong của thanh niên, xung phong trên chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân đội, dân công, đồng bào Tây Bắc góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Tôi luôn coi thanh niên xung phong như bộ đội”.
Lực lượng thanh niên xung phong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã thực hiện xuất sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp bể/ Quyết chí ắt làm nên”.
Những chiến công của lực lượng thanh niên xung phong đã góp phần làm nên những kỳ tích lịch sử trong chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.
Nguyễn Cao Vãng (Nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam)