Nói về đóng góp của những cá nhân vào quá trình xây dựng và trưởng thành của quân đội ta không thể không nhắc đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vị tướng nổi tiếng gắn với công tác đảng, công tác chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam
Vị tướng trưởng thành trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 01/01/ 1914, tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Năm 1937, Nguyễn Vịnh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó giữ nhiều chức vụ quan trọng ở địa phương, trong đó có chức Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.
Nguyễn Vịnh từng bị thực dân Pháp bắt giam tại các nhà lao Thừa Phủ, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945), Nguyễn Vịnh được ra tù và tiếp tục hoạt động cách mạng.
Ngày 14/8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, Nguyễn Vịnh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương[1]1 với tên mới là Nguyễn Chí Thanh.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ[2]; sau đó, được cử làm Bí thư Phân khu ủy Bình-Trị-Thiên[3].
Tại Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ Liên Khu IV (tháng 5-1948), Nguyễn Chí Thanh được bầu làm Bí thư Liên Khu ủy IV. Tháng 7-1950, đồng chí được Trung ương điều động bổ nhiệm giữ chức Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ II (1951) và Đại hội lần thứ III (1960) của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng và được Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Năm 1959, Nguyễn Chí Thanh được phong quân hàm Đại tướng. Năm 1961, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được giao nhiệm vụ Phụ trách Ban Nông nghiệp của Đảng.
Đến tháng 9/1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Trung ương điều động trở lại quân đội, được phân công giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam[4].
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất ngày 06/7/1967, do bị nhồi máu cơ tim khi ra Hà Nội để báo cáo với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình cách mạng miền Nam.
Như vậy, kể từ năm 1950 đến năm 1967 (trừ 3 năm 1961-1964), Nguyễn Chí Thanh có 11 năm phục vụ trong quân đội, giữ chức Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam; Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam[5]. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Ảnh tư liệu)
Vị tướng gắn liền với công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội
Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều đóng góp to lớn đối sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, trong đó nổi bật nhất là những đóng góp trong công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trên cương vị Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng với các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Quân ủy Miền trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, trọng tâm là công tác đảng, công tác chính trị nhằm xây dựng và phát triển Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, trong đó trọng tâm là sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên bồi dưỡng và phát huy bản chất cách mạng của quân đội nhằm không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân.
Quá triệt đường lối xây dựng Quân đội của Đảng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh khẳng định “công tác Đảng và công tác chính trị đã là linh hồn và mạch sống của Quân đội ta, làm cho Quân đội ta thực sự trở thành một đội quân của dân tộc, của giai cấp, một đội quân tất thắng”[6]. Đồng chí chỉ rõ: Công tác đảng, công tác chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng Quân đội tiến lên chính quy, hiện đại. Nhiệm vụ của công tác đảng, công tác chính trị là quán triệt sâu sắc sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với Quân đội, tập trung giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối, nhiệm vụ cách mạng của Đảng cho Quân đội, củng cố lập trường giai cấp công nhân, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tăng cường củng cố đoàn kết, ý chí chiến đấu của Quân đội. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với Quân đội biểu hiện ở sự đề cao vai trò của đảng ủy và chi bộ, kiện toàn chế độ lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, giữ vững và tăng cường công tác chính trị.
Kế thừa và phát triển lý luận chính trị quân sự trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng tập thể lãnh đạo Tổng cục Chính trị tham mưu, đề xuất, tổ chức biên soạn Điều lệ Công tác chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam (1958), trong đó quy định: Tính chất, nhiệm vụ, nội dung, tác dụng của công tác chính trị; thành tích, truyền thống và nhiệm vụ trước mắt của Quân đội; chế độ lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, hình thức tổ chức và hoạt động của Đảng trong Quân đội; hình thức tổ chức công tác chính trị, cơ quan công tác chính trị, được cụ thể hóa thành từng điều, phản ánh đầy đủ tổ chức và cơ chế hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội.
Điều lệ Công tác chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, là kim chỉ nam định hướng công tác đảng, công tác chính trị trong toàn quân. Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh còn chỉ đạo các hoạt động tổng kết công tác đảng, công tác chính trị để làm cơ sở khái quát thành những vấn đề lý luận, những vấn đề có tính nguyên tắc của công tác đảng, công tác chính trị, tiêu biểu như: Tổng kết công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ chống Pháp (tháng 11/1958); Những kinh nghiệm lớn của công tác chính trị trong 15 năm xây dựng Quân đội (tháng 12/1959)...
Cùng với sự chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện và vận dụng sáng tạo lý luận chính trị quân sự, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục lý luận, truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng chí khẳng định: “tác dụng quan trọng của việc học tập lý luận Mác - Lênin hiện nay là nhằm cho Đảng ta luôn luôn có đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, phù hợp với thực tiễn quy luật phát triển cách mạng ở nước ta, làm cho Đảng ta luôn luôn có tính nguyên tắc cao là nắm vững được nguyên lý phổ biến của Chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời có tinh thần sáng tạo sinh động, tức đặt vấn đề và giải quyết vấn đề sát hợp với tình hình thực tiễn cách mạng của nước ta”[7].
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, năm 1967 (Ảnh tư liệu)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải có thái độ nghiêm túc khi học tập và nghiên cứu lý luận Mác - Lênin. Đó là một biểu hiện của tính đảng, liên quan đến sinh mệnh của Đảng. Điểm nổi bật trong chỉ đạo việc học tập lý luận của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là phương châm lý luận gắn liền với thực tế và luôn phê phán lối học tập lý luận xa rời thực tiễn.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho rằng trong quân đội trước hết phải chăm lo xây dựng bản lĩnh chính trị để quân đội luôn tuyệt đối trung thành với ng, với Tổ quốc, với nhân dân, trong đó lãnh đạo chính trị là gốc cho mọi vấn đề khác của mọi hoạt động quân sự[8].
Đại tướng nêu ra 7 nguyên tắc đối với công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, trong đó nhấn mạnh Đảng phải nắm chắc quân đội thì mới có quân đội cách mạng và Đảng mới nắm được chính quyền... Đảng không thể nhường quyền lãnh đạo quân đội cho một ai[9].
Kể từ khi được cử vào miền Nam, trên cương vị Bí thư Trung ương Cục, Bí thứ Quân ủy Miền, với tư duy lý luận chính trị quân sự, tầm nhìn chiến lược sắc sảo và bề dày kinh nghiệm, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khái quát thành tư tưởng, phương châm chỉ đạo chiến lược để có thể giành thắng lợi trong cuộc đối đầu với đế quốc Mỹ, đó là: Kiên quyết tiến công, liên tục tiến công, cứ đánh Mỹ rồi tìm ra cách đánh Mỹ, buộc Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta... Đó là những định hướng quan trọng để quân và dân miền Nam chủ động, liên tục tiến công, từng bước vượt qua khó khăn, trở ngại về tâm lý, tinh thần trước quân Mỹ.
Từ kinh nghiệm thực tiễn trong việc đánh thắng quân Mỹ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng quân và dân miền Nam tổng kết thực tiễn chiến đấu, khái quát thành những phương châm tác chiến: “bám thắt lưng địch mà đánh”, xây dựng những “vành đai diệt Mỹ”. Những phương châm tác chiến này đã góp phần quan trọng để Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoạch định đường lối đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Những năm tháng hoạt động sôi nổi trên chiến trường miền Nam không những đánh dấu bước phát triển vượt bậc về tư duy lý luận, trình độ, năng lực lãnh đạo cách mạng của đồng chí mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển lý luận chính trị quân sự của Đảng.
Đánh giá về những đóng góp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu đã cho rằng: “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có công lớn trong việc củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bồi dưỡng và phát huy bản chất cách mạng của quân đội ta, xây dựng nền nếp công tác Đảng, công tác chính trị, không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân ta. Đồng chí đã thường xuyên chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện một đội ngũ cán bộ quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng ngày càng cao”[10]; “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh có công lớn trong việc chỉ đạo, xây dựng chế độ và công tác Đảng ủy trong quân đội ta, thường xuyên quan tâm đến củng cố và kiện toàn chế độ này, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Xác lập chế độ đảng ủy để làm hạt nhân lãnh đạo thống nhất trong bộ đội và định rõ chế độ thủ trưỏng phân công phụ trách dưới sự lãnh đạo tập thể và thống nhất của đảng ủy” [11].
NDL
[1] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sư thật, Hà Nội, 2018, t. I, q. 1, tr. 686.
[2] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sư thật, Hà Nội, 2018, t. I, q. 1, tr. 688.
[3] Học viện Chính trị quốc gia – Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quốc và dân Liên khu IV (1945-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 156
[4] Viện nghiên cứu Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 267
[5] Viện nghiên cứu Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II (1954-1975), Sđd, tr. 267
[6] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Tăng cường công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2013, tr. 238
[7] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Tổng tập, Nxb. Thời đại, Hà Nội, 2013, t. 1, q.1, tr. 56
[8] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị, quân sự xuất sắc thời đại Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014, tr. 40.
[9] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị, quân sự xuất sắc thời đại Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 13.
[10] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị, quân sự xuất sắc thời đại Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 43.
[11] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị, quân sự xuất sắc thời đại Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 44.