Công viên địa chất Đắk Nông với hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á và sự đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, các giá trị di sản văn hoá phong phú đã được Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (Global Geoparks Network) đề cử Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) xem xét, công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Công viên Địa chất Đắk Nông có diện tích rộng trên 4.700km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông, nằm ở phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, đoạn cuối dãy Trường Sơn với ranh giới trải dài trên 5 huyện và 1 thị xã của tỉnh là Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’Long và thị xã Gia Nghĩa. Công viên Địa chất Đắk Nông là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, giá trị di sản văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Theo Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông, cách đây hơn 140 triệu năm, do vận động kiến tạo của vỏ trái đất, từ một phần của đại dương rộng lớn, khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Chính hoạt động phun trào núi lửa đã che phủ đến một nửa diện tích khu vực này bởi các lớp dung nham bazan (dung nham bazan chiếm hơn 50% tổng diện tích công viên địa chất). Theo đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài nước, Công viên địa chất Đắk Nông hiện có khoảng 65 điểm di sản, địa mạo, bao gồm hệ thống các miệng núi lửa, hệ thống hang động núi lửa và các thác nước. Trong đó, Công viên địa chất Đắk Nông có 5 núi lửa, gồm: Núi lửa Nâm Dơng, Băng Mo (huyện Cư Jút), Nâm Blang, Nâm Kar (huyện Krông Nô) và Nâm Gle (huyện Đắk Mil).
Núi lửa Nâm Kar (huyện Krông Nô) - Ảnh: thanhnien.vn
Cách đây hơn 10.000 năm, nhiều miệng núi lửa trong khu vực vẫn còn hoạt động và tạo nên một hệ thống hang động núi lửa độc đáo, được đánh giá là có chiều dài, đồ sộ và độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á. Đến nay, các nhà khoa học và tỉnh Đắk Nông xác định hệ thống có hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau với tổng chiều dài khoảng 25 km, từ miệng núi lửa Buôn Choáh dọc theo sông Sêrêpốk đến khu vực thác Đray Sáp. Tại nhiều hang động núi lửa, các nhà khoa học khám phá và ghi nhận nhiều nét độc đáo về địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử. Nổi bật là hang C7 có chiều dài 1.067m, được xác định là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á; hang C6.1 dài hơn 968 mét và có nhiều dấu tích cư trú, sinh sống của người tiền sử cách đây từ 7.000 - 10.000 năm; hang C3 (hay còn gọi là hang Dơi) dài 594 mét,… Hệ thống hang động núi lửa trong công viên địa chất Đắk Nông đã được Hiệp Hội Hang động Núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Trong đó, hệ thống hang động núi lửa Krông Nô là hang động dung nham dài và đẹp nhất Đông Nam Á. Bên trong các hang động có nhiều cấu tạo đặc trưng của quá trình phun trào núi lửa như ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt cùng các di tích thực vật và quá trình đông cứng dung nham bazan xảy ra cách đây hàng triệu năm. Đồng thời, trong các hang động còn ẩn chứa nhiều điều bí mật về cơ chế thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ,… từ đó mở ra một hướng nghiên cứu mới về khảo cổ học hang động núi lửa ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.
Miệng hang động núi lửa C7 - Ảnh: TTXVN
Bên cạnh đó, Công viên địa chất Đắk Nông còn các mỏ và điểm quặng khoáng sản bauxite, antimon, thiếc sa khoáng, puzơlan, đá quý đa dạng và phong phú, đặc biệt là đá bán quý opal - chalcedon kích thước lớn. Trong Công viên địa chất còn có các di sản địa kiểu cổ sinh như hóa thạch Cúc đá, Sò, Hai mảnh vỏ,… để chứng minh nơi đây đã từng là một phần của đại dương rộng lớn. Ngoài ra, các hồ nước tự nhiên như hồ Ea Snô, hồ Tây,… được tạo thành từ các sụt võng kiến tạo, các miệng núi lửa độc đáo và đặc trưng như Nâm Blang, Nâm Kar, Băng Mo,… hệ thống các thác nước đẹp, hùng vĩ như thác Gia Long, thác Trinh Nữ, Dray Sáp, Thác Trượt, Thác Liêng Nung,…
Thác Trượt trong vườn quốc gia Tà Đùng, huyện Đắk G’Long - Ảnh: TTXVN
Trong hệ thống hang động núi lửa của Công viên địa chất có nhiều di vật khảo cổ có mật độ dày đặc và là bằng chứng con người tiền sử sinh sống tại đây từ hậu kỳ đồ đá cũ (6.000 năm) đến hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí (4.000 đến 3.000 năm trước công nguyên). Các di vật khảo cổ được phát hiện bao gồm đồ đá, đá nguyên liệu và các công cụ đá hình đĩa, rìu ngắn, công cụ mảnh tước, phiến tước, hòn ghè, hòn kê, hòn mài và rất nhiều loại vật dụng với độ dày, mỏng khác nhau được làm từ đất sét pha cát. Hoa văn trên các mảnh gốm khá sắc nét và đa dạng như chấm gạch, gạch vải, văn thừng,… Ngoài ra còn có xương động vật, các mảnh xương ống của động vật và có cả xương người tiền sử. Những phát hiện khảo cổ học này cho thấy một loại hình cư trú mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ basalt Tây Nguyên.
Công viên địa chất Đắk Nông là nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng của sự đa dạng sinh học trong khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, vườn quốc gia Tà Đùng, rừng đặc dụng - cảnh quan Đray Sáp và một phần phía nam của Vườn quốc gia Yok Đôn (xã Ea Pô, huyện Cư Jút). Hệ thống động thực vật rất phong phú với nhiều giống, loài quý hiếm, có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như: Voi, hổ, bò rừng và nhiều loài linh trưởng (Voọc Đen má trắng, Chà Vá chân đen, bò sát, chim Hồng Hoàng, Gà tiền mặt đỏ)...; Sồi Ba cạnh, Đỉnh Tùng, Sao, Trắc, Giáng Hương, Căm xe,…
Rừng trà cổ thụ trong khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung - Ảnh TTXVN
Công viên địa chất Đắk Nông còn là khu vực đa dạng về văn hoá xã hội, chứa đựng nhiều giá trị di sản văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể, có bề dày lịch sử như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Ót N'drong, Ngục Đắk Mil, Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV, Di tích lịch sử lưu niệm N'Trang Gưh, Địa điểm Chiến thắng Đồi 722 – Đắk Sắk, Địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ,… Nơi đây còn là nơi cư trú của người dân tộc thiểu số như người dân tộc M’nông, người Êđê, người Mạ,... có đời sống văn hoá tinh thần đa dạng, phong phú thể hiện rõ nét qua các tín ngưỡng dân gian, các nghi lễ gắn liền với những mốc quan trọng của vòng đời con người và vạn vật, lễ hội truyền thống như: lễ khai sinh đặt tên, lễ hội nhập bon, lễ hội cầu mưa, lễ ăn cơm mới, lễ cúng mừng sức khỏe già làng, lễ thượng thọ, lễ mừng nhà mới, lễ sum họp cộng đồng, lễ cưới, lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ, lễ bỏ mả, lễ dọn nương rẫy, lễ ăn mừng lúa mới,… nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật cồng chiêng, các trò chơi dân gian, nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống,…
Văn hoá cồng chiêng - Ảnh BQL Công viên địa chất Đắk Nông
Những giá trị di sản đặc trưng về địa chất, địa mạo, giá trị di sản thiên thiên với vẻ đẹp hùng vĩ, đa dạng sinh học đặc trưng và giá trị di sản văn hóa của Công viên địa chất Đắk Nông là tải sản vô vùng quý giá của cộng đồng các dân tộc tỉnh Đắk Nông nói riêng, của Việt Nam và của nhân loại nói chung. Mỗi dân tộc nơi đây với bản sắc văn hoá truyền thống phong phú, độc đáo và ấn tượng đã đem lại cho công viên địa chất Đắk Nông một giá trị tự thân hiếm thấy, một diện mạo văn hoá đặc sắc giữa đại ngàn Tây Nguyên. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đặc trưng của công viên địa chất Đắk Nông gắn với phát triển du lịch sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững của tỉnh Đăk Nông và vùng đất Tây Nguyên giàu bản sắc.
Khánh An