Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ Huỳnh Thúc Kháng, thời gian làm Quyền Chủ tịch Chính phủ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Pháp với lời dặn cụ Huỳnh ở nhà “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, có lẽ là thời gian cụ được biết đến nhiều nhất, cũng là thời gian đặc biệt quan trọng đối với sự tồn vong của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nét nổi bật trong nhân cách của cụ Huỳnh Thúc Kháng chính là tấm lòng suốt đời vì nước, vì dân, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyệt đối tin tưởng
Một chí sĩ yêu nước nhiệt thành
Huỳnh Thúc Kháng quê quán tại huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Với tấm lòng yêu nước thương dân, cụ Huỳnh sớm tham gia hoạt động cách mạng.
Là một nhà nho yêu nước, đỗ đạt và thành danh nhưng Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan mà về quê dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Thấy mình phải có trách nhiệm trước thời cuộc nước mất độc lập, dân mất tự do, Huỳnh Thúc Kháng cùng với Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp khai mở phong trào Duy Tân (1905) với mong muốn “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
Phong trào Duy Tân nhanh chóng phát triển rộng khắp và trở thành nguy cơ lớn đối với chính quyền thực dân, nên nhà cầm quyền Pháp và tay sai ra sức đàn áp, bắt bớ những người tình nghi liên quan.
Năm 1908, cụ Huỳnh bị bắt và giam suốt 13 năm (1908 - 1921) nhưng gan không núng, chí không sờn, ra tù tiếp tục hoạt động cách mạng - trúng cử và giữ chức vụ Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ năm 1926.
Một năm sau, Cụ sáng lập tờ báo Tiếng dân để vạch trần tội ác cũng như đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai, đòi quyền tự do, dân chủ cho nhân dân.
Cách mạng tháng Tám thành công, cụ Huỳnh nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra Hà Nội tham gia Chính phủ, cùng lo việc nước. Hai nhân cách cùng chung một tấm lòng vì nước, vì dân đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Cuộc hội ngộ và chung đường của hai con người ở bậc đại nhân, đại nghĩa được Võ Nguyên Giáp kể lại đầy xúc động “Giây phút gặp gỡ đầu tiên giữa Bác Hồ và cụ Huỳnh thật là cảm động. Hai người đều bước vội tới, ôm lấy nhau, cả Bác Hồ và cụ Huỳnh bỗng dưng đều ứa nước mắt”[i].
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại Chiến khu Việt Bắc (Ảnh tư liệu)
Nhà hoạt động văn hóa xuất sắc
Với vốn hiểu biết sâu rộng và hoạt động thực tiễn phong phú, cụ Huỳnh Thúc Kháng có nhiều đóng góp trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, giáo dục.
Về thơ văn, cụ Huỳnh sáng tác thơ, văn nhằm mục đích tuyên truyền, vận động và giác ngộ cách mạng, tiêu biểu như tập thơ Thi tù tùng ngoại thể hiện tinh thấn đấu tranh đòi độc lập, tự do, dân chủ cho nước nhà.
Về báo chí, là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tờ báo Tiếng dân (1927 - 1943), Cụ đã vạch trần bản chất và tội ác của chế độ thực dân, khơi dậy tinh thần dân tộc, đấu tranh cho quyền sống, quyền tự do của nhân dân. Một tôn chỉ mạnh mẽ của cụ Huỳnh và báo Tiếng dân đó là: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc phải nói”.
Về sử học, cụ Huỳnh cũng có những công trình sử học có giá trị, đặc biệt là những bài viết với các chứng cứ, sử liệu giá trị về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Về giáo dục, Huỳnh Thúc Kháng là nhà giáo dục lớn, có công lao trong việc cổ động học chữ Quốc ngữ, tiếng của dân tộc qua phong trào Duy Tân để mỗi người Việt Nam thêm sáng dạ, sáng lòng, đứng lên đấu tranh đòi quyền độc lập, tự do và dân chủ.
Những di sản văn hóa của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, gần gũi Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ liên hiệp và giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quyền Chủ tịch Chính phủ. Với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Huỳnh đã giải quyết nhiều công việc nội chính quan trọng để giữ gìn trật tự, kỷ cương khi nước mới thành lập. Với trọng trách Quyền Chủ tịch Chính phủ[ii], cụ Huỳnh thay mặt Hồ Chí Minh điều hành mọi công việc quan trọng của đất nước theo phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Đối diện và trừng trị những phần tử Việt gian phản động, giải quyết vụ án ở phố Ôn Như Hầu, phá tan đảng phái phản động Việt Quốc, Việt Cách và cải tổ Chính phủ liên hiệp kháng chiến, thực hiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu tiên, bên phải)
và Chính phủ liên hiệp (2/3/1946) (Ảnh Tư liệu)
Một trong những đóng góp rất lớn của cụ Huỳnh là củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện chủ trương của Đảng, cụ Huỳnh tích cực tham gia vận động, thành lập và giữ chức Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, bên cạnh Mặt trận Việt Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Hội đó đã thực hiện sự đại đoàn kết của toàn dân gồm tất cả các từng lớp đảng phái, tôn giáo và dân tộc trong nước Việt Nam. Tinh thần của Hội đó là yêu nước, chương trình là quyết tranh đấu cho Tổ quốc được thống nhất độc lập và dân chủ phú cường”[iii].
Tham gia Chính phủ liên hiệp trong thời gian ngắn (1945 - 1947), nhưng cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có những đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam, nhất là vào thời điểm có nhiều khó khăn và thử thách. Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận: “Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh quyền Chủ tịch, sự săn sóc giúp đỡ của Quốc hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hợp lực của quốc gia, mà giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ”[iv].
Tấm gương đạo đức sáng ngời
Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, thương dân thật sự, giành trọn đời mình để đấu tranh đòi tự do, dân chủ và độc lập cho dân tộc.
Trong thư Gửi toàn thể đồng bào sau ngày cụ Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng tạ thế, Hồ Chí Minh viết: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước, mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy nǎm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh, chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết. Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập… Đồng bào Việt Nam quyết theo gương kiên quyết của Cụ”[v].
Nhân kỷ niệm 145 năm Ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng (1/10/1876 – 1/10/2021), với phương châm “ôn cố tri tân”, chúng ta tưởng nhớ nhà yêu nước nhiệt thành, dành trọn đời hoạt động vì nước, vì dân.
Nhân cách cao đẹp kết tinh từ tài năng và đức độ của cụ Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương sáng để các thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau noi theo.
Hòa Phạm
[i] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1976, tr.409.
[ii] Hiến pháp 1946 quy định Chủ tịch nước đồng thời là người đứng đầu Chính phủ.
[iii] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr.200.
[iv] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 467.
[v] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr.142-143.